Những khu bảo tồn cá dân lập trên dòng Mê Kông

ThienNhien.Net – Trước kia, những ngư dân ở đây không thấy mối quan hệ giữa đập nước và cuộc sống hàng ngày của họ và cho rằng đập ở rất xa, nhưng giờ họ đã cảm nhận rõ ảnh hưởng đó trong cả mùa khô lẫn mùa mưa. Cây Kai chết. Cá không còn về. Những khu bảo tồn cá dân lập được hình thành với hy vọng bào vệ được nguồn cá còn lại trên sông. Song ngay cả những nỗ lực đó cũng không thể nào lấy lại những loài cá đã mất.

Cá ở sông Mê Kông cần cầu thang!

Hết Kai, hết thu nhập

Mực nước sông Mê Kông thay đổi, lũ nhiều hơn khiến cây kai – một loại cây họ đậu và là nguồn thu nhập chính của một bộ phận dân cư vùng Chiang Khong (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan)  – không thể sống sót nổi. Theo người dân của làng Pak Ing, cây kai thường sống khoẻ ở trong mực nước 50 cm và phát triển tốt khi có nắng, nhưng bây giờ mực nước lên xuống bất thường (riêng năm 2007 có ba trận lũ), nước có nhiều bùn và không đủ sạch cho kai sống.

“Chúng tôi không dự đoán được mực nước lên xuống” – anh Pornsawan, một ngư dân ở làng Park Ing, huyện Chiang Khong cho biết: “Trước kia, lũ đến trong 2 – 3 ngày và rút nhưng bây giờ, lũ có thể đạt đỉnh rất nhanh, chỉ trong 10 phút và rút ngay sau vài giờ. Một năm có thể có vài con lũ”.

Sự thay đổi đột ngột của con nước  là điều chưa từng có trước kia. Trước kia, mực nước tăng nhanh do mưa lớn nhưng nay dù không có mưa, nước vẫn lên. Ai nấy đều lo lắng. 

Không có kai, cuộc sống của dân làng và ngay cả cá cũng gặp khó khăn. “Kai là thức ăn chính của con người, cá và gia súc, cũng là nguồn thu nhập đáng kể của chúng tôi” – Anh Pornsawan, một ngư dân ở làng Park Ing, huyện Chiang Khong cho biết. Vào mùa thu hoạch, những gia đình trồng kai có thể kiếm từ 200 – 300 bạt/ngày (khoảng 50.000 – 75.000 đồng/ngày). Thậm chí, sau khi thu hoạch xong, người dân có thể phơi khô kai để dùng dần hoặc bán.

Không có kai, người dân phải mua kai từ các ngôi làng khác. “Trước kia, chúng tôi bán kai sang Lào” – anh Kampan, một người dân làng Had Pai, cho biết – “nhưng giờ chúng tôi phải mua của họ”.

Không thể trồng kai, người dân chuyển sang trồng ngô nhưng họ cũng gặp rất nhiều khó khăn do đất thường xuyên bị sạt lở vào mùa lũ. Bên cạnh đó, chất lượng đất cũng giảm sút do bị ô nhiễm vì dùng phân hoá học. Anh Sayan, phó trưởng làng Pak Ing, nói: “Năm nay, chúng tôi trồng ngô nhưng do đất sạt lở nên ngô chết hết. Chúng tôi chẳng có gì để thu hoạch, đất đai thì ô nhiễm”.

Tốc độ dòng nước tăng nhanh khiến đất thường xuyên bị sạt lở. Nhiều người dân mất nhà phải chuyển vào sâu bên trong hay dời đi nơi khác. “Tôi từng có một ngôi nhà ở gần sông” – anh Pornsawan cho biết: “Nhưng đất lở dần đến 2 – 3m nên tôi phải chuyển nhà vào trong. Nhiều người khác còn phải bỏ quê quán mà đi”.

Làng Park Ing trước kia có 53 hộ dân nhưng nay chỉ còn 43 hộ với 180 khẩu. Trong làng, chủ yếu còn người già, phụ nữ và trẻ em còn nhiều thanh niên đi lập nghiệp ở nơi khác.

Những khu bảo tồn cá dân lập

Những người dân địa phương sống quanh sông Mê Kông đã gửi thư đến những người có trách nhiệm địa phương nhưng họ không nhận được phản hồi tích cực. “Chính quyền địa phương không có thông tin về sự ảnh hưởng của đập ở Trung Quốc đến cuộc sống của chúng tôi nên chẳng giúp được gì” – anh Pornsawan cho biết: “Chúng tôi cũng gửi thư lên Bộ quản lý Tài nguyên và Môi trường nhưng họ cử một người không hiểu vấn đề xuống nên rốt cuộc anh ta cũng chẳng đề xuất được gì có ích”.

Những người dân ở làng Pak Ing cho chúng tôi biết, cách đây vài tháng, có một nhóm sinh viên đến làng điều tra ảnh hưởng của đập Pak Beng, một đập ở Lào và nằm cách làng Pak Ing 80km. – anh Pornsawan cho biết: “Tôi không biết có phải có những người đã biết ảnh hưởng của các đập đến cuộc sống của chúng tôi nên cử nhóm sinh viên đến đây hay không. Chúng tôi sẽ không thể sống nếu người ta tiếp tục xây thêm những con đập mới”.

Còn bà Xiao Juan Wang, thành viên một tổ chức phi chính phủ của Trung Quốc thì cho rằng “Nếu muốn chính phủ Trung Quốc ngừng xây đập, người dân địa phương nên gửi thư đến chính phủ Thái Lan và yêu cầu chính phủ của họ gửi thư đến chính phủ Trung Quốc. Như vậy, tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn việc họ gửi thư trực tiếp đến tổ chức của chúng tôi”.

Trong khi chờ đợi những tín hiệu tích cực từ chính phủ, những người dân cũng tự lập các khu bảo tồn cá. “Năm 1996, nhóm Chiang Saen được thành lập” – anh Somkiat, thành viên của nhóm, cho biết: “Chúng tôi hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ và nói chuyện với những người dân địa phương, các ngư dân để thành lập mạng lưới và yêu cầu họ không đánh bắt cá trong khu vực bảo tồn.”

Sau khi khu bảo tồn cá ở Chiang Saen được thành lập, những người dân ở Chiang Khong cũng bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một khu bảo tồn ở gần làng Pak Ing. “Chúng tôi trò chuyện với dân làng mình và dân làng bên Lào vì dòng sông Mê Kông là biên giới tự nhiên giữa hai làng” – anh Sayan cho biết: “Chúng tôi giải thích vì sao phải thành lập khu bảo tồn và chúng tôi cũng nói chuyện với các nhà sư để nơi đây trở thành khu vực được các nhà sư bảo vệ”.

40-70% lượng cá đánh bắt ở hạ nguồn sông Mê Kông phụ thuộc vào lượng cá di cư từ vùng thượng nguồn, giá trị ước tính khoảng 2 tỉ USD/năm.

Những khu bảo tồn cá góp phần bảo vệ nguồn cá còn lại trên sông Mê Kông. Song theo ông Chris Barlow, giám đốc chương trình cá của Ủy ban sông Mê Kông “bảo tồn cá không lấy lại được những loài cá đã mất trên dòng sông”. Vì vậy, để giảm những tác động đến các loài cá, trong thời gian tới, chương trình cá của Ủy ban sông Mê Kông sẽ đánh giá tác động xã hội và kinh tế của việc suy giảm lượng cá di cư. Đồng thời, Ủy ban sẽ lấy ý kiến đóng góp của các nhà sinh học và các kỹ sư đối với các vấn đề của sông Mê Kông. Và gửi tóm tắt báo cáo đến các chính phủ, các nhà lập kế hoạch và các nhà phát triển thủy điện liên quan đến sông Mê Kông.