Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch

Sáng 16/12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch”, với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia để phân tích cụ thể về các mô hình chuyển đổi, những giải pháp căn cơ phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân.

Sáng 16/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch”. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH (COP26) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Quan điểm “Mọi hành động ứng phó với BĐKH phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững” mà người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại COP 26 sẽ tiếp tục là “kim chỉ nam”, là phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân và nó gắn kết với Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH-hay còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên”.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt để giúp các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu long ứng phó với biến đổi khí hâu, xây dựng các kế hoạch, chương trình giúp  khu vực có nền tảng phát triển bền vững, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế cơ sở, an sinh xã hội, phòng chống dich bệnh… là những ưu tiên trước mắt cho khu vực.

Nghị quyết 120/NQ-CP được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn bốn năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, thiếu sự chủ động trong quá trình triển khai tại một số Bộ, ngành, địa phương. Trước bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường ảnh hưởng lớn  đến sự phát triển của ĐBSCL, đòi hỏi cần có nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, khoa học, để có định hướng chiến lược tổng thể, lâu dài, những giải pháp đồng bộ, cấp bách, những cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, biến thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Để có cái nhìn tổng thể về mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “ĐBSCL – thuận thiên bền vững, vượt đại dịch”, có sự tham gia của các vị khách mời:

– Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài;

– Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ

– GS.TS Trần Thục – Phó Chủ tịch, Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH

– GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Quang Hoài. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Xin ông cho biết vấn đề BĐKH ảnh hưởng như thế nào đến vùng ĐBSCL thời gian qua? Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai và Bộ NN&PTNT đã triển khai những chương trình gì để hỗ trợ người dân thích ứng với BĐKH ở vùng này?

Ông Trần Quang Hoài: BĐKH trong thời gian qua tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh, đời sống KTXH của ĐBSCL như: Mưa lũ có sự thay đổi, mưa mùa hạn ít, bão chuyển dịch về ĐBSCL nhiều hơn; hạn hán xâm nhập mặn liên tục và ngày càng khốc liệt, ranh giới xâm nhập mặn lấn sâu vào cửa sông; lún sụt cũng diễn ra khốc liệt, cùng với đó nước biển dâng và triều cường cũng gia tăng. Nhiều khu vực đô thị trước đây như Cần Thơ, TPHCM ít bị ảnh hưởng thì nay, tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng gia tăng.

Để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) và Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những chương trình, nghị quyết… đặc biệt là Chiến lược quốc gia về PCTT. Trong Chiến lược có các chương trình, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về phát triển kinh tế ĐBSCL… Những chương trình, chiến lược này từng bước đi vào cuộc sống, và thực tế chúng ta đang tận hưởng nguồn lực và các hiệu quả từ khoa học, giống mới… để người dân có thể chuyển đổi sinh kế các vùng cho phù hợp, nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất.

Giáo sư đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ lấy “thuận thiên” làm tôn chỉ cho Nghị quyết 120/NQ-CP. Vậy trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 120, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, con đường “thuận thiên” mang lại cho ĐBSCL những thành quả đáng mừng nào?

GS Võ Tòng Xuân: Chủ trương thuận thiên với Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời rất đúng lúc, nhất là khi biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất mạnh mẽ không chỉ cho ĐBSCL của mình mà cho cả thế giới.

Về thiên nhiên hiện nay, chúng ta có ít nước trong mùa khô, mùa mưa thì không giữ được nước ngọt, thành ra cách sử dụng nước thông minh là chúng ta thuận thiên.

Bốn năm vừa qua, sau khi có Nghị quyết 120, tôi thấy rõ là các tỉnh cũng như các bộ, ngành có chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đi tới kinh tế nông nghiệp. Đồng bằng của mình, nhất là vùng ven biển, trước kia người ta trồng lúa xen thêm vụ tôm ở vùng mặn. Khi có Nghị quyết 120, các tỉnh mạnh dạn cùng với bà con nông dân phát triển cây kỹ thuật, hệ thống canh tác. Ruộng lúa mùa mưa rất nhiều nước, chuyển sang mùa khô nuôi tôm có lợi. Nhưng ngoài vùng mặn này, trong vùng ngọt, vùng lũ các tỉnh còn đang phân vân chuyển như nào, bởi 1 hệ thống trước đây giờ chuyển lại phải đầu tư.

Trước đây, bà con tự phát làm, tôi thấy có những chỗ trên cánh đồng lúa rất lớn bỗng nhiên có vườn na (mãng cầu), thỉnh thoảng có ruộng xoài 1, 2 ha; có chỗ người ta không trồng lùa mà nuôi cá, mạnh ai nấy làm rất tự phát.

Tôi mong rằng tới đây khi Chính phủ triển khai quy hoạch cụ thể hơn, để đây chắc chắn là thuận thiên. Có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có, thay vì 3 vụ lúa vừa tốn kém nước ngọt hiếm hoi, thì mùa khô chuyển sang trồng xoài chẳng hạn. Những cách làm đó tới đây các ngành cũng như bà con nông dân ngồi lại cùng với doanh nghiệp có đầu ra lớn bàn bạc để Nghị quyết thành công hơn.

Như Giáo sư đã từng nhận định, cần ba yếu tố để phát huy hơn nữa tiềm năng của ĐBSCL là nước sạch, giống và đầu ra. Xin Giáo sư chia sẻ chi tiết hơn về ba yếu tố quan trọng này? Trong 4 năm qua, các chương trình, kế hoạch hành động đã chú trọng phát triển ba yếu tố này như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Trần Thục: Để phát triển thủy sản cần 3 yếu tố là nước sạch (nước ngọt sạch, nước mặn sạch), giống và đầu ra.

Trong 4 năm qua, thực hiện Nghị quyết 120, chúng ta đã có nhiều bước tiến.

Về nước sạch, có nhiều đề án đang và đã hoàn thành ở Sóc Trăng, Bến Tre, đặc biệt năm 2021 đã hoàn thành đề án cống Kênh Cụt (Rạch Giá)… Những đề án này sẽ đảm bảo cung cấp nước ngọt sạch cho nuôi trồng thủy sản.

Nước mặn sạch cho nuôi trồng thủy sản sẽ khó khả thi hơn vì giá thành cao quá.

Hiện nay, vấn đề tồn tại là nước cấp cho nuôi trồng thủy sản và nước thải vẫn sử dụng chung qua các kênh nên gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Thời gian tới, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải khắc phục tồn tại này.

Về giống, chúng ta đã có sự tiến bộ vượt bậc, đã chủ động được giống tôm sú, ghẹ từ các nguồn của Nhà nước và tư nhân.

Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm đã được củng cố, ta đã có thể kiểm soát được giống trôi nổi, giống kém chất lượng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất giống cũng thải nước thải ra xung quanh, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Về đầu ra, phụ thuộc vào thị trường, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ trong việc dự báo về thị trường cho bà con. Bộ cũng đẩy mạnh mô hình hợp tác xã để kết nối các hộ nuôi trồng thủy sản với doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, trong tương lai 3 vấn đề về nước sạch, giống và đầu ra cho thủy sản vẫn là những vấn đề cần quan tâm.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong năm qua, cả nước dồn lực chống dịch, ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Đại dịch đã làm chậm đi Kế hoạch tổng thể, Chương trình hành động như thế nào? Cần làm gì để khắc phục những khó khăn, tìm hướng đi phù hợp vừa thích ứng với BĐKH vừa phòng chống dịch, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Năm qua rất khó khăn với Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với cả nước. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch, phải thực hiện giãn cách kéo dài nhất cả nước.

Thống kê ước tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng trung bình khu vực ĐBSCL đạt hơn 4,5%, thấp hơn trung bình 5,64% của cả nước.

Thậm chí, dự kiến, cuối năm tăng trưởng khu vực ĐBCSLC có thể bị âm.

Trong năm qua, số lượng DN đăng ký lập mới hơn 6.000 DN, chỉ bằng 34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn so với khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía bắc, trong khi đó số DN dừng hoạt động là gần 8.000.

Đây là khu vực năng động, xuất khẩu lớn, tạo nguồn thu lớn cho NSNN, nhưng gặp khó khăn nên ảnh hưởng nhiều tới nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hầu hết các nguồn lực tài chính, nhân lực được sử dụng chống dịch thời gian qua.

Thời gian tới, để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 120, phải tập trung một số giải pháp. Trong đó, phải triển khai giải pháp thuận thiên, bảo đảm phù hợp với môi trường. Đồng thời, đây là giai đoạn cả nước thực hiện Quy hoạch phát triển vùng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và năm 2050. Đây là cơ hội xây dựng quy hoạch tích hợp phù hợp hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp cảnh quan, tạo thuận lợi cho DN, người dân phát triển liên kết vùng, liên kết TPHCM và Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Giáo sư Võ Tòng Xuân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thưa GS. Võ Tòng Xuân, Giáo sư từng nêu quan điểm “Nông dân ĐBSCL đang mắc vòng kim cô rất lớn là cây lúa”. Xin Giáo sư chia sẻ cụ thể hơn về quan điểm này. Nghị quyết 120 của Chính phủ đã giúp “gỡ vòng kim cô” như thế nào, thưa Giáo sư?

GS. Võ Tòng Xuân: Sở dĩ tôi nói đó là “cái vòng kim cô” bởi vì vấn đề chúng ta đang gặp phải bắt đầu từ tháng 9/1989 khi chúng ta xuất khẩu gạo, tôi nhớ rằng chúng ta xuất khẩu được 1.790.000 tấn gạo. Nhưng qua năm 1990 trở đi thì chúng ta đạt được 2 triệu tấn, 3 triệu tấn, 7 triệu tấn, có lúc tới 9 triệu tấn vì chúng ta vượt qua cái ngưỡng đói, từ thiếu ăn tới dư ăn, thậm chí ăn nhiều quá rồi mà vẫn còn lúa.

Tôi đi các vùng ven biển, ví dụ như Bạc Liêu chẳng hạn, lúa trong mùa khô thì đang chết cháy, thiếu nước, trong khi kế bên những người có lúa cháy này là những người nuôi tôm lại rất sung sướng. Cũng là xóm đó nhưng có người bắt buộc than khổ, còn người không bị thì rất sung sướng. Tôi mới hỏi mấy cán bộ địa phương cho bà con nuôi tôm nhưng mà đây là huyện bắt buộc phải trồng lúa.

Chỉ tiêu GDP ở trên đưa xuống cho các tỉnh và các tỉnh đưa xuống cho các huyện, GDP quy ra tấn lúa chứ không quy ra tiền. Cho nên mấy anh biết là ép bà con nông dân đi trồng lúa mà không được làm những thứ khác. Chỗ này chính là cái “vòng kim cô”.  Vì vậy khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy được chỗ này thì mới nói là đã bao nhiêu lâu nay mình cứ bắt người nông dân trồng lúa.

Do đó, khi Nghị quyết 120 ra đời, tôi không phải là người nói một lần mà rất nhiều cán bộ địa phương cũng nói đó là vòng kim cô. Qua đó chúng ta thấy rõ ràng là Nghị quyết 120 đổi đời người nông dân.

Hiện nay bà con dân vùng biển đang chuẩn bị đưa một vụ tôm hoặc hai vụ tôm vào vụ lúa của mình. Có thể nói rằng, chúng ta trước kia làm thủy lợi cho vùng hạn này, với mục tiêu là giúp bà con có được nước, chỗ nào lấy nước ngọt sạch, chỗ nào lấy nước mặn sạch, rồi có một hệ thống kênh tiêu nước. Quy luật đó sẽ làm cho hệ thống lúa tôm của chúng ta thành công rất lớn.

Nhưng bây giờ hệ thống thủy lợi của chúng ta lỡ làm rồi thì có thể chữa lại.

Tổng kết 3 năm triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã nêu ra 8G để phát triển bền vững ĐBSCL. Theo quan điểm của Giáo sư, trong 8G đó, G nào quan trọng nhất và ĐBSCL sẽ cần những giải pháp căn cơ gì để “thuận thiên” bền vững, vượt qua đại dịch?

GS. Võ Tòng Xuân: Theo tôi cả 8G đều quan trọng, 8G này có thể cho thấy được toàn cảnh của chúng ta. Hai tuần nay tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về ĐBSCL đều động tới 8G.

Giao thông rõ ràng là quan trọng nhất. Giao thông có thông suốt thì kinh tế mới phát triển. Có một giáo sư người Mỹ nhận được giải Nobel Hoà bình có nói 3 điều kiện tiên quyết để nước nghèo có thể phát triển được. Thứ nhất là đường xá giao thông, thứ hai là đường xá giao thông và điều kiện thứ 3 cũng là đường xá giao thông. Do đó, giao thông là quan trọng nhất.

Giáo dục: Đến giờ này chúng ta vẫn có vùng trũng về giáo dục, phổ biến ở vùng sâu vùng xa nên đây là trở ngại phát triển rất lớn.

Gắn kết: Liên kết vùng với nhau có vai trò rất lớn, nhất là qua dịch COVID-19 này, chúng ta thấy nếu không gắn kết thì bà con nông dân rất khó khăn. Phải gắn kết người sản xuất với doanh nghiệp thì mới có kết quả tốt được.

Tôi thấy 8G đều quan trọng, nhưng 3G nói trên có vai trò rất trọng yếu để phát triển ĐBSCL.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề cập các giải pháp quan trọng phòng chống sụt lún, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Xin ông cho biết những giải pháp căn cơ nhất để tìm ra lời giải cho “bài toán khó” chống sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL?

Ông Trần Quang Hoài: Chúng ta phải nhìn nhận là sạt lở và lún sụt là hiện tượng tự nhiên, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng và diễn ra nhưng giai đoạn hiện nay tình trạng này đang gia tăng do tác động biến đổi khí hậu cũng như cũng hoạt động kinh tế xã hội như khai thác nguồn nước, khoáng sản và các hoạt động khác ảnh hưởng đến lòng sông và nguồn nước ngầm của chúng ta.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình kế hoạch lớn mang tính tổng thể toàn diện. Riêng về vấn đề chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó có những giải pháp căn cơ, bài bản trước mắt cũng như lâu dài, có chương trình dự án cụ thể cho từng vùng, bố trí ngân sách.

Chỉ từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương vùng ĐBSCL trực tiếp quản lý và xây dựng lên tới trên 13 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền lớn mà Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ĐBSCL. Những giải pháp căn cơ rất nhiều, đầu tiên là phải có quy hoạch khu vực dân cư cũng như xác định các vùng có nguy cơ sạt lở để sơ tán người dân khỏi vùng đó, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng không ảnh hưởng đến vùng sạt lở vì hiện nay rất nhiều tuyến đường giao thông của người dân ở các khu vực dân cư đang lấn vào lòng sông gây ra tình trạng sạt lở này.

Thứ hai, tình trạng khai thác cát lòng sông làm gia tăng sạt lở và rất nhiều nội dung quan trọng khác mà trong Đề án Chính phủ ban hành hiện được các địa phương, các bộ ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chỉ đạo rất quyết định để hạn chế tình trạng sạt lở.

Đối với lún sụt, đây là vấn đề rất lớn, tình trạng lún sụt ở các tỉnh ĐBSCL nhất là khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, TPHCM đang diễn biến trầm trọng. Giải quyết vấn đề này đã có một số giải pháp. Đầu tiên là đánh giá tài nguyên nước ngầm, điều tra tình trạng sạt lở, xác định nguyên nhân, từ đó đưa ra quy hoạch khai thác nguồn nước để hạn chế sạt lở và quản lý công tác này. Trước kia chúng ta thấy khu vực Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau số lượng giếng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản rất nhiều. Hiện nay Bộ NN&PTNN đã phối hợp các địa phương hạn chế khai thác nguồn nước ngầm. Theo dõi thì thấy tình trạng lún sụt đã giảm đi trong thời gian gần đây.

Đây là giải pháp căn cơ bài bản nhất và để giải quyết vấn đề này, một vấn đề quan trọng là chúng ta phải có nguồn ngân sách chính đáng để phục vụ công tác phòng chống lún sụt và sạt lở ĐBSCL.

Các vị khách mời tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ NN&PTNT đang triển khai lượng kinh phí đầu tư cho ĐBSCL rất lớn như cống Cái Lớn, Cái Bé, Bắc Bến Tre… để giúp ĐBSCL có thể thích ứng theo cách “thuận thiên”. Xin ông cho biết những công trình đã tác động thế nào đến sản xuất của vùng này?

Ông Trần Quang Hoài: Đây là các các chương trình lớn của Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh khu vực ĐBSCL, có sự tham gia phản biện của nhiều nhà khoa học với nhiều ý kiến khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng nhiều công trình kiểm soát mặn ngọt để chủ động cho việc phát triển sản xuất, phục vụ đời sống bà con khu vực ĐBSCL.

Riêng công trình cống Cái Lớn, Cái Bé hiện nay đã chủ động điều tiết kiểm soát nước mặn, ngọt trên diện tích hơn 300.000 ha khu vực Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu. Trên cơ sở đó, chúng ta có nước ngọt, nước sạch phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, phục vụ cuộc sống bà con.

Bên cạnh đó, dự án lớn là Bắc Bến Tre khắc phục tình trạng trước đây nước mặn tiết ra sông, tác động của biển đến sông lớn, quản lý cấp nguồn nước ở đây khó khăn. Cùng với nhiều chương trình dự án xây dựng, Bộ NN&PTNT cùng nguồn vốn vay JICA đã thực hiện xây dựng dưới hệ thống các tuyến đê hơn 50 cống kiểm soát mặn, ngọt một cách chủ động, phục vụ cho vùng trái cây, lúa.

Quan trọng là nước sạch cho bà con bảo đảm đời sống, hiện theo chương trình kế hoạch đến năm 2023, toàn bộ dự án về kiểm soát mặn, ngọt ở Bến Tre được Bộ NN&PTNN triển khai thực hiện theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

Đứng dưới góc độ làm công tác phòng chống thiên tai, ông nhìn nhận như thế nào về những điều kiện thuận lợi và khó khăn của người dân ĐBSCL?

Ông Trần Quang Hoài: BĐSCL là vùng đồng bằng rất nhạy cảm với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Như tôi đã trao đổi ở phần đầu là có 8 loại thiên tai lớn xảy ra ở vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đồng bằng. Nhưng phải nói là trước bối cảnh như thế, chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi.

Thuận lợi đầu tiên phải thấy là người dân và chính quyền ĐBSCL rất quyết liệt, chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu và sự vào cuộc của các nhà khoa học cũng rất lớn. Then chốt là Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ra những quyết sách rất lớn cho đồng bằng, trong đó những cái thuộc về đảm bảo an toàn trước thiên tai cũng như BĐKH.

ĐBSCL cũng còn rất nhiều dư địa để chúng ta có thể đảm bảo được sinh kế cũng như an toàn, khác với những khu vực khác như khu vực miền núi vô cùng khó khăn, thiếu những dư địa cho đảm bảo an toàn và sinh kế.

Còn về khó khăn, thứ nhất là diễn biến của thiên tai và biến đổi khí hậu tác động rất sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Đây là khó khăn rất lớn đòi hỏi các hoạt động trong chỉ đạo của chúng ta phải toàn diện.

Thứ hai là thiên tai và biến đổi khí hậu luôn bất định. Ví dụ, năm nay có thể xâm nhập mặn vào đến 100 km nhưng sang năm thì chỉ 30 km. Trong phạm vi linh hoạt như thế, đòi hỏi chúng ta phải chủ động được trong điều tiết. Hoặc là sạt lở bờ sông bờ biển, chỗ này năm nay sạt lở thì sang năm bồi tụ, việc này là tính bất định của nó. Chúng ta phải thấy là tác động các nước thượng nguồn, khi mà hồ chứa thượng nguồn xây dựng đủ cho kế hoạch thì đạt được 96% số lượng hồ cát về đến đồng bằng của chúng ta. Bên cạnh đó, việc nguồn nước về ảnh hưởng rất lớn. Mùa lũ thì mất lũ nhỏ, lũ trung bình, nhưng đến lũ cực hạn khi hồ chứa ở thượng nguồn không còn tích được nữa, đồng loạt xả lũ thì ngập lụt của chúng ta là bài toán rất lớn. Chúng ta nhớ lại mùa lũ năm 2000, chúng ta có gần 500 người dân bị thiệt mạng và thiệt hại về kinh tế hết sức nặng nề. Nếu xảy ra lũ vượt trên lũ năm 2000 thì thiệt hại kinh tế lớn hơn rất nhiều, bởi cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội của chúng ta hiện nay được bảo vệ bằng tuyến đê bao, bờ bao lớn hơn so với năm 2000 rất nhiều.

Về hạn hán, nguồn nước của chúng ta đang được điều tiết bởi có các công trình dưới thượng nguồn. Ban Chỉ đạo quốc gia đang có kế hoạch xây dựng hệ thống công trình để điều tiết nước trên hệ thống sông Mekong. Đây là vấn đề rất khó khăn, tác động của thượng nguồn đối với chúng ta. Sức chống chịu của cơ sở hạ tầng và trách nhiệm của người dân trong công tác phòng chống thiên tai rất hạn chế. Ngay như cơn bão năm 1997 chỉ cấp 10, đối với miền Trung và miền Bắc chỉ là cơn bão nhỏ nhưng đối với khu vực Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu thì là cơn bão rất lớn. Năm đó hơn 3.000 người dân bị chết và mất tích trên biển. Đây là do khả năng chống chịu của đồng bằng còn thấp. Lòng sông bãi sông là những khu vực không gian cho thoát lũ nhưng ở ĐBSCL, tập quán bà con sinh sống trong lòng sông, sát mép sông. Đây là nguy cơ sạt lở, đòi hỏi trong thời gian tới phải quy hoạch khu vực này.

Để làm được căn cơ bài bản trước mắt cũng như lâu dài như tôi đã có trao đổi trong Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chương trình dự án cụ thể trong giai đoạn hiện nay để trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng tôi đã cùng chính quyền, cơ quan phòng, chống thiên tai ĐBSCL xây dựng kịch bản cụ thể để ứng phó các tình huống thiên tai trong tháng còn lại trong năm 2021 và năm 2022 để đảm bảo an toàn cho người dân trong phòng, chống thiên tai cũng như phòng, chống COVID-19.

GS. Trần Thục trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thưa GS.TS Trần Thục, trong quá trình tư vấn để xây dựng Chương trình hành động  tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 và thực tế triển khai, ông đánh giá như thế nào về việc kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng ĐBSCL và với TPHCM? Việc kết nối đó đã mang lại hiệu quả như thế nào cho sự phát triển của ĐBSCL?

GS. Trần Thục: Chúng ta thấy ĐBSCL có ranh giới vị trí, nhưng chúng ta phải hiểu một hoạt động ở tỉnh này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tỉnh khác, có thể là ảnh hưởng tốt, có thể là ảnh hưởng xấu. Và phải nói là lãnh đạo các địa phương biết rất rõ về địa phương mình, biết phải làm gì, cần làm gì cho địa phương mình, nhưng lại không có cái nhìn thổng thể để phối hợp với các địa phương khác như thế nào.

Nghị quyết 120 tạo tiền đề cho liên kết vùng và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm liên vùng đối với ĐBSCL. Tôi nghĩ đây là một bước tiến quan trọng để các địa phương phối hợp trong những ô của từng vùng. Như trong phóng sự chúng ta thấy, cần phải có quy hoạch tích hợp, quy hoạch toàn bộ ĐBSCL, từ đó các tỉnh, thành phố có quyền tích hợp cho địa phương mình và các vùng liên kết giữa các tỉnh.

Xin ông Nguyễn Đình Thọ chia sẻ thêm quan điểm của ông về liên kết vùng!

Ông Nguyễn Đình Thọ: Kết nối vùng thông qua kết nối vùng ĐBSCL hiện nay, hạ tầng kết nối giao thông đang là yếu nhất. Việc kết nối khu vực TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng. ĐBSCL cũng có lợi thế với 6 tuyến chính, đặc biệt là cảng biển có thể kết nối cự ly ngắn thông qua các cảng gom hàng như Cái Mép, Thị Vải…

Trong giai đoạn 2016-2020 đầu tư 198 nghìn tỷ đồng kết nối giao thông, với các tuyến Cần Thơ  – Kiên Giang, cao tốc Trung Lương – Cần Thơ – Mỹ Thuận…

Giai đoạn 2020-2025, Chính phủ đã quyết định đầu tư 266 nghìn tỷ trung hạn và hỗ trợ Bộ GTVT 198 nghìn tỷ để thực hiện kết nối giao thông. Về phía Bộ TN&MT, chúng tôi cũng xác định nghiên cứu định hình không gian hạ tầng để xây dựng khu công nghiệp và đô thị thích ứng với BĐKH và hệ sinh thái phù hợp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các nhiệm vụ này. Nếu thực hiện tốt việc này, tôi nghĩ hiệu quả đầu tư công sẽ rất tốt và có thể thu hút được nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả các nguồn lực quốc tế.

Vừa qua, tại COP 26, các sáng kiến về năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng đã nhận được sự quan tâm rất lớn. Chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. ĐBSCL được đánh giá có lợi thế rất lớn để thực hiện mục tiêu này với tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào. Làm thế nào để tận dụng hết được những lợi thế, tiềm năng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thọ: ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo, 11/13 tỉnh của ĐBSCL có lượng bức xạ mặt trời đạt mức 1387/1534 kWh/năm và thời gian khu vực này có nắng 2.200 đến 2.500 giờ/năm. Vì vậy, đây là khu vực có thể tận dụng tiềm năng phát triển về năng lượng mặt trời. Về năng lượng gió, khu vực này cũng có tiềm năng rất lớn dọc khu vực ven biển, tới 1.200-1.500 mW.

Ngoài ra ĐBSCL cũng là khu vực tận dụng được nguồn năng lượng sinh khối với nguồn sinh phẩm nông nghiệp lên tới 23 triệu tấn/năm.

Đây là khu vực trọng điểm để Việt Nam có thể đạt được kết quả như Thủ tướng cam kết tại COP26. Đặc biệt thông qua đầu tư công, dẫn đắt đầu tư tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và truyền tải điện.

Đồng thời xây dựng quy hoạch để khu vực này có thể truyền tải điện cung cấp cho vùng ĐBSCL cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía nam trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thành quy hoạch điện VIII giúp cho khu vực có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo bởi năm nay là năm bản lề để các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển quy hoạch tỉnh cho đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Quan điểm của Giáo sư về việc tận dụng lợi thế, tiềm năng về năng lượng tái tạo của vùng ĐBSCL như thế nào?

GS. Trần Thục: Tôi tán thành quan điểm của ông Nguyễn Đình Thọ. Như đã biết tại COP26 vừa qua có 150 nước tuyên bố giảm mức phát thải ròng xuống bằng 0.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã tuyên bố phát thải ròng của Việt Nam sẽ bằng 0 vào năm 2050, đồng nghĩa với việc thời gian tới chúng ta phải chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ.

Bước sang 2022, để đạt mục tiêu phát thải ròng còn bằng 0 vào năm 2050, cần có sự tuyên truyền rộng rãi tạo sự đồng thuận của người dân.

Cần tăng cường năng lực cho thanh niên thực hiện số hoá, nâng cao quyền cho phụ nữ trong phát triển quản lý năng lượng tái tạo..

Khu vực ĐBSCL có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn, nhưng quỹ đất không còn nhiều, do đó, nếu chỉ làm năng lượng mặt trời thì ít hiệu quả kinh tế. Cách làm hiệu quả là cần kết hợp năng lượng mặt trời với thuỷ sản, nông nghiệp.

Tiềm năng năng lượng gió ở ngoài khơi khu vục này lớn, có thể bước đầu chưa hiệu quả kinh tế, nhưng chúng ta có thể kết hợp sản xuất năng lượng Nitro (năng lượng Nitro rất quan trọng trong tương lai) với phát triển điện gió.

Cần đẩy mạnh truyền thông để người người dân cũng như các cấp chính quyền khu vực ĐBSCL hiểu được lợi thế cũng như những việc phải làm.

Thưa ông Trần Quang Hoài, ông có thể chia sẻ thêm về quan điểm cũng như là đánh giá của mình về vấn đề này, về những ý kiến của ông Nguyễn Đình Thọ cũng như Giáo sư Trần Thục vừa mới nêu không?

Ông Trần Quang Hoài: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Đình Thọ và Giáo sư Trần Thục. Đối với ĐBSCL, chúng ta có những điều kiện phải phù hợp với thuận thiên ở đây, từ sản xuất cho đến năng lượng tái tạo cho đến thị trường và đảm bảo an toàn trong truyền tải về biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Đình Thọ trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hợp tác quốc tế được xác định là nhiệm vụ quan trọng để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 120. Trong thời gian qua, việc hợp tác và tranh thủ các nguồn lực quốc tế đã được triển khai như thế nào và mang lại những kết quả cụ thể gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Thọ: Chúng ta cam kết đến năm 2030 giảm phát thải 9% nếu như có sự hỗ trợ quốc tế thì chúng ta sẽ giảm phát thải 27%.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho phòng, chống biến đổi khí hậu của cả nước chứ không chỉ riêng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đã chủ động tham gia rất nhiều hợp tác song phương, đa phương. Đặc biệt là chúng ta đã tham gia vào cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản, Mekong-Hàn Quốc cũng như tiểu vùng sông Mekong, Mekong-Lan Thương, Mekong, sông Hàn… cũng như hợp tác với khu vực CLMV và các cơ chế khác.

Song song với việc hợp tác khu vực, chúng ta hợp tác liên chính phủ với Hà Lan, EU, Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ chống biến đổi khí hậu ở vùng này.

Trong giai đoạn 2020-2030, Ngân hàng Thế giới cam kết hơn 1 tỷ USD hỗ trợ chúng ta về chính sách cũng như thích ứng biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020, tận dụng vai trò là Chủ tịch ASEAN, chúng ta chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế để hỗ trợ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trrong giai đoạn tới.

Có thể nói, với hơn 20 đối tác phát triển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã tận dụng cơ hội quốc tế để cùng với đầu tư công của Chính phủ mở rộng khả năng thích ứng của Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu trong giai giai đoạn tới. Đặc biệt hiện nay, Chính phủ đã xây dựng Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng bờ, quy hoạch không gian biển quốc gia. Chúng ta định hướng khai thác năng lượng gió ngoài khơi cũng như năng lượng tái tạo để hỗ trợ khu vực này trong giai đoạn tới từ nay cho tới năm 2030.

Để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường thì cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ… biến nguy cơ thành thời cơ và biến bất lợi thành lợi thế. Dưới góc độ nghiên cứu, xin GS. TS Trần Thục cho biết những giải pháp để biến thách thức từ những tác động tiêu cực của BĐKH thành thời cơ để phát triển bền vững ĐBSCL?

GS. Trần Thục: Rõ ràng BĐKH làm thay đổi điều kiện tự nhiên của ĐBSCL, chúng ta không thể sống như xưa, bây giờ hạn hán nhiều hơn, nước ngọt ít hơn. Nghị quyết 120 xác định rất rõ về chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trước đây tập trung nhiều cho cây lúa thì nay cơ cấu được xác định ưu tiên phát triển là thuỷ sản-cây ăn quả- cây lúa. Chúng ta cần thực hiện đúng và cần bố trí sản xuất nông nghiệp theo định hướng này. Cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp thành tư duy kinh tế nông nghiệp theo thuận thiên.

Đã có một số mô hình sản xuất rất tốt như: Kết hợp rừng-tôm, lúa-tôm ở khu vực nước lợ… Những mô hình này cần được phân tích kỹ và nhân rộng. Các mô hình được xây dựng nên tập trung tạo liên kết vùng. Bà con ĐBSCL hay tự chia các tiểu vùng thành các “miệt” như miệt bưng, miệt cù lao, miệt ven biển… Nên dựa vào các tiểu vùng này như tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng Đồng Tháp Mười… để nghiên cứu phát triển.

Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm “Mọi hành động ứng phó với BĐKH phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”. Quan điểm này sẽ được hiện thực hóa tại ĐBSCL như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Hiện nay, chúng tôi đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề “thuận thiên”.

Trước đây, như Giáo sư Võ Tòng Xuân đã nói, chúng ta tập trung cao cho cây lúa và bằng mọi cách phải có nước ngọt, và chúng ta đã chi phí rất tốn kém. Nhưng bây giờ, Bộ NN&PTNT đã chia thành 3 vùng:

Vùng nước ngọt gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An. Vùng giữa là vùng nằm giữa vùng ngọt và vùng ven biển. Vùng ven biển có phương pháp sinh kế cho bà con theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT. Ví dụ như mô hình tôm-lúa, tập trung cao cho việc nuôi tôm, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đối với phòng chống thiên tai, lấy con người làm trọng tâm và phải thuận thiên. Chúng ta không thể bất kỳ chỗ nào cũng xây dựng công trình, bởi có những khu vực không thể xây dựng công trình được. Có những khu vực có thể kết hợp vừa xây dựng công trình, vừa phát triển kinh tế, ví dụ như trồng rừng ngập mặn ven biển. Như Cà Mau, chúng ta thấy là hiện không còn vị trí để trồng rừng nữa, mà chỉ phát triển thêm những gì hiện có.

Đối với xây dựng công trình, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng như Bộ NN&PTNT xác định xây dựng công trình phải phù hợp thực tiễn của khu vực ĐBSCL, phù hợp với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã có chương trình khoa học công nghệ chống thiên tai, trong đó có vấn đề về công trình phòng chống thiên tai cho ĐBSCL.

Về phòng chống thiên tai cho khu vực, chúng tôi tập trung vào yếu tố con người là quan trọng nhất. Trong những năm gần đây, lũ ở một số khu vực không kém gì những trận lũ năm 2000 khi chúng ta thiệt hại gần 500 người dân. Nhưng năm 2016 không có người dân nào bị thiệt mạng vì chúng ta thực hiện rất quyết liệt việc nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn người dân bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe bằng những chương trình như cấp nước sạch, đảm bảo sinh kế cho bà con.

Những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai chúng ta cũng có các chương trình đảm bảo thu nhập, phát triển bền vững cho người dân trong bối cảnh có thiên tai.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực trong việc gắn bảo đảm an toàn trong thiên tai với xây dựng nông thôn mới vì đây là những nội dung, những điểm sáng mà rất nhiều địa phương đã làm rất tốt như Đồng Tháp, Cà Mau đều là những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của của thiên tai nhưng đời sống của người dân đều đang được nâng lên.

Các vị khách mời đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề then chốt liên quan đến mô hình chuyển đổi, phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hy vọng rằng, qua cuộc Tọa đàm này, các vị khách mời đã góp thêm một số góc nhìn để Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục hoàn thiện các định hướng và giải pháp đồng bộ, lâu dài cho ĐBSCL vượt qua đại dịch, phát triển nhanh và bền vững.