Việt Nam hưởng ứng xu hướng LNG, thoát khỏi sự phụ thuộc than

Với xu hướng chuộng LNG hiện tại, thị trường không khỏi lo ngại về giá nhiên liệu tăng vọt.

Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang trở thành tâm điểm chú ý tại Việt Nam, trong một nỗ lực cố gắng loại bỏ than đá vốn thải nhiều carbon, bắt kịp xu hướng khu vực đang phát triển có thể bị vấp ngã do cạnh tranh ngày càng gay gắt về nhiên liệu.

Việt Nam đang xây dựng các nhà máy điện LNG, phần lớn nhiên liệu dự kiến ​​sẽ nhập từ Mỹ. Ảnh: Ryosuke Hanafusa.

Việt Nam hưởng ứng xu hướng khu vực

Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với nỗ lực loại bỏ than đá vốn thải nhiều carbon, bắt kịp xu hướng trong bối cảnh cạnh tranh nhiên liệu ngày càng gia tăng.

Vào tháng 3, tổ hợp Liên danh nhà thầu Samsung C&T và Lilama đã chính thức trở thành tổng thầu của Gói thầu Thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, nhà máy điện sử dụng nhiên liệu LNG đầu tiên của Việt Nam, trị giá 940 triệu USD. Dự án với công suất 1.500 megawatt này sẽ được vận hành bởi PetroVietnam Power, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024 hoặc 2025.

Hơn một nửa lượng điện hiện tại của Việt Nam được tạo ra từ than đá, loại nhiên liệu này thường rẻ và dễ tiếp cận hơn so với các loại nhiên liệu khác. Nhưng đồng thời cũng phát thải lượng lớn carbon, không phù hợp với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 11 năm ngoái.

Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam vẫn không ủng hộ năng lượng hạt nhân. Vào năm 2016, nhà nước đã từng hủy bỏ kế hoạch phát triển các nhà máy hạt nhân do Nhật Bản và Nga hậu thuẫn, thời điểm sản lượng từ các nguồn tái tạo như năng lượng mặt trời và gió có xu hướng dao động. LNG, tuy vẫn là một nhiên liệu hóa thạch, nhưng phát thải chỉ bằng ½ than đá khi được đốt cháy và sẽ là lựa chọn thay thế đầy hứa hẹn trên lộ trình cắt giảm carbon của đất nước.

Việt Nam hiện có hơn 20 nhà máy điện chạy bằng khí LNG đang được triển khai trên toàn quốc, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương. Tokyo Gas và công ty thương mại Nhật Bản Marubeni có kế hoạch xây dựng một cơ sở trị giá 200 tỉ yên (1,5 tỉ USD) tại tỉnh Quảng Ninh gần Hà Nội, và tập đoàn năng lượng Nhật Bản JERA đang để mắt đến một nhà máy điện LNG và nhà ga ở miền bắc Việt Nam.

Hơn một nửa trong số các dự án này vẫn chưa xác định rõ nguồn cung cấp nhiên liệu. “Mỹ sẽ là ứng cử viên hàng đầu,” một người trong ngành dự đoán.

Việc xây dựng một kho cảng LNG đang được tiến hành ở miền Nam Việt Nam. Ảnh: Petrovietnam Gas.

Cạnh tranh nhiên liệu

LNG cũng đang gia tăng ở những nơi khác ở Đông Nam Á. Tại Philippines, First Gen, một công ty con mảng năng lượng của tập đoàn bất động sản Lopez Group, đang hợp tác với Tokyo Gas trên một kho cảng LNG ngoài khơi dự kiến ​​sẽ bắt đầu nhận nhiên liệu vào đầu năm nay.

Một số công ty đã tham gia vào lĩnh vực này ở Thái Lan kể từ khi nước này bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2011. Gulf Energy Development, một công ty điện lực lớn của địa phương, và công ty thương mại Nhật Bản Mitsui & Co. đang xây dựng một nhà máy điện LNG và khí đốt tự nhiên có công suất 2.500 MW. Cơ sở trị giá 175 tỉ yên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2023, cung cấp điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan theo hợp đồng 25 năm.

Với xu hướng chuộng LNG hiện tại, thị trường không khỏi lo ngại về giá nhiên liệu tăng vọt. Giá giao ngay LNG châu Á đã tăng khoảng 5 lần trong năm qua, một phần do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Và với việc phần lớn châu Âu chuyển sang sử dụng LNG như một giải pháp thay thế cho khí đốt từ Nga, nhiều người cho rằng giá cả sẽ không sớm trở lại mức trước kia.

Số lượng các nền kinh tế ở châu Á- Thái Bình Dương nhập khẩu LNG đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và khu vực này hiện tiêu thụ hơn 70% nhiên liệu. Việc giao hàng đến Trung Quốc nói riêng đã tăng mạnh. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu.

Theo nhà nghiên cứu người Anh IHS Markit, nhập khẩu LNG của Trung Quốc đã tăng 18% lên khoảng 81 triệu tấn. Nhật Bản đã dẫn đầu thị trường nhập khẩu từ đầu những năm 1970, nhưng khối lượng vẫn không thay đổi ở mức khoảng 75 triệu tấn vào năm 2021. Hàn Quốc đứng thứ ba với khoảng 46 triệu tấn vào cùng năm.

Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nhà nhập khẩu LNG duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2010, theo thống kê từ BP. Kể từ đó, danh sách đã được mở rộng thêm bốn quốc gia nữa vào năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu của khu vực đã tăng từ 60% năm 2010 lên 71% vào năm 2020.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nơi sinh sống của hơn 650 triệu người, đang trên đà thúc đẩy nhập khẩu LNG trong tương lai cùng với Nam Á. Nhiều quốc gia ở hai khu vực cần đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng mặc dù sản lượng khí đốt tự nhiên đang giảm.