Cần nghiên cứu thấu đáo về các loại hình bảo tồn do cộng đồng quản lý

Việt Nam hiện có 176 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích trên 2,5 triệu ha do Nhà nước quy hoạch và quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống các khu bảo vệ được thành lập chính thức, có không ít vùng và khu vực tuy nằm ngoài hệ thống các khu bảo vệ nhưng được bảo tồn một cách hiệu quả dựa trên sự chung tay của cộng đồng. Dù vây, hiện chưa có bất cứ nghiên cứu đầy đủ nào về các loại hình bảo tồn phi chính thức này.

Theo Công ước Đa dạng sinh học (CBD), các khu vực bảo tồn nằm ngoài hệ thống các khu vực bảo vệ được gọi là “Các biện pháp bảo tồn dựa trên phân định khu vực có hiệu quả” (Other effec tive area-based conservation measures – OECM).

Năm 2018, các bên tham gia CBD đã thống nhất nguyên tắc hướng dẫn, đặc điểm và tiêu chí để xác định các OECM. Trong đó, OECM được định nghĩa là “một khu vực địa lý được xác định nhưng không phải là khu bảo vệ, được quản trị và quản lý theo những cách thức giúp đạt được các kết quả tích cực và bền vững về mặt bảo tồn nội vi [tại chỗ] đa dạng sinh học cùng với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đi cùng và trong một số trường hợp, giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội và các giá trị địa phương khác”. Hình thức quản lý này được CBD xem là phương thức bổ sung cho nỗ lực thành lập các khu bảo tồn chính thức, nhất là khi Mục tiêu Aichi 11 đặt ra ít nhất 17% diện tích trên cạn và vùng nước nội địa cùng 10% các vùng biển và ven biển được bảo tồn vào năm 2020 thông qua hệ thống đại diện cho các hệ sinh thái, kết nối tốt giữa các khu bảo tồn, và các OECM.

Theo ông Nguyễn Đức Tú, Điều phối viên Chương trình đa dạng sinh học IUCN Việt Nam, OECM không thuần túy là bảo tồn cộng đồng mà tương đối rộng hơn, được phát triển từ các cách tiếp cận trước như Khu bảo tồn của người dân và cộng đồng địa phương (ICCA), tuy nhiên, OECM là cách tiếp cận mà Công ước CBD đưa ra nhằm ghi nhận các nỗ lực bảo tồn bên ngoài khu bảo tồn. Trong khi các khu bảo vệ có mục tiêu đầu tiên là bảo tồn nhằm bảo tồn cảnh quan hay các loài cụ thể thì OECM có mục đích không nhất thiết là bảo tồn đa dạng sinh học nhưng có hiệu quả bảo tồn. Các OECM có thể được quản trị và quản lý bởi chính phủ, chính quyền địa phương hoặc tư nhân, thậm chí cả doanh nghiệp (nhóm vốn được cho là gây tác động tiêu cực tới các nỗ lực bảo tồn), giúp công nhận các nỗ lực bảo tồn của nhiều bên trong xã hội.

Tại Việt Nam, có nhiều khu vực tài nguyên do cộng đồng tự quản lý từ khi cộng đồng được hình thành, gắn với các giá trị truyền thống, tri thức bản địa như các khu rừng tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, các bãi đẻ thủy sản, khu vực khai thác tài nguyên chung… Các loại hình bảo tồn này nếu được phát huy tốt có thể vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác bảo tồn, góp phần thúc đẩy Việt Nam thực hiện theo đúng cam kết Aichi, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân đối với tài nguyên về sinh kế, văn hóa… Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều đại diện tham dự Hội thảo trực tuyến “Kết nối các nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại cộng đồng” do PanNature tổ chức sáng 9/9, Việt Nam chưa có nghiên cứu đầy đủ nào về các vùng/khu vực sinh thái nằm ngoài hệ thống các khu được bảo vệ.

Ảnh minh họa: PanNature

Trong Dự thảo tờ trình Chính phủ ngày 19/8/2021 về Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận: “Một số mục tiêu định lượng của Chiến lược 2020 không đạt được như: tỉ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn so với diện tích lãnh thổ mới đạt 7,1% so với mục tiêu đề ra 9%, tỉ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển mới đạt được 0,19% so với mục tiêu đề ra là 0,24%…; nhiều hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn theo quy hoạch chưa được xây dựng; các khu vực ngoài khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh cao chưa được xác định để có kế hoạch quản lý phù hợp; hiệu quả quản lý khu bảo tồn chưa đáp ứng được yêu cầu…”.

Trên thực tế, các khu vực OECM có thể bao gồm nhiều loại hình quản trị khác nhau và được quản lý bởi chính phủ, tư nhân, hoặc cộng đồng địa phương. Do đó, khả năng huy động nguồn lực từ các chủ thể ngoài Nhà nước vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học là rất lớn.

Theo chuyên gia Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), có tới 30% diện tích đất lâm nghiệp và rừng được giao cho cộng đồng, trong đó rất nhiều diện tích có thể bảo tồn đa mục tiêu bao gồm mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Mặc dù hiện chưa có nghiên cứu/số liệu về các diện tích này nhưng nhiều sân chim, khu rừng tín ngưỡng đang được bảo vệ rất tốt, đúng như Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái do IPBES thực hiện từng khẳng định mức độ suy thoái đa dạng sinh học nhìn chung đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu nhưng riêng các khu vực có sự tham gia bảo tồn của cộng đồng thì mức độ suy thoái ít hơn.

Về cơ sở pháp lý, OECM đã manh nha xuất hiện trong các Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, tuy nhiên, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học vẫn chưa được thể chế hóa một cách rõ ràng, do đó việc ghi nhận tiến tới công nhận các khu vực OECM vẫn còn là một kỳ vọng khá xa.

Minh chứng cho thực tế này, ông Châu Văn Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) cho biết tại Quảng Bình, Quảng Nam, một số khu vực do cộng đồng tự nguyện bảo vệ rất hiệu quả, ví dụ như Tổ bảo tồn tự nguyện voọc gáy trắng tại khu vực Hung Sú tiếp giáp giữa xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình hay các tổ bảo vệ sân chim…, tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế hỗ trợ và quy định giao cho cộng đồng quản lý các vùng/khu vực thuộc phạm vi rừng đặc dụng trừ các loại rừng tín ngưỡng và rừng bảo vệ nguồn nước. Do đó, các khu vực này chỉ mang tính tự phát, không được công nhận pháp lý và việc tiếp cận với các nguồn hỗ trợ bên ngoài gặp nhiều khó khăn.

Để có thể đưa OECM vào thực tế, các chuyên gia cho rằng trước tiên cần có các nghiên cứu sâu về các loại hình bảo tồn do cộng đồng quản lý tại các vùng/khu vực sinh thái khác nhau, từ đó có các đánh giá khoa học và khuyến nghị chính sách tiến tới thừa nhận chính thức các loại hình bảo tồn OECM tại Việt Nam.

Song song với các hoạt động nghiên cứu, việc thành lập một mạng lưới bao gồm các cộng đồng, tổ chức quan tâm tới OECM là rất cần thiết. Nhằm thúc đẩy thực hành và xây dựng chính sách OECM tại Việt Nam, đồng thời kết nối các sáng kiến, nỗ lực của các tổ chức, cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, PanNature đề xuất thành lập Mạng lưới bảo tồn tài nguyên thiên nhiên do cộng đồng quản lý dựa trên nguyên tắc tự nguyện, hợp tác vì mục tiêu chung và không vì mục đích lợi nhuận. Đề xuất này nhận được sự hưởng ứng của toàn bộ 25 đại biểu tham dự, trong đó PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam nhấn mạnh Mạng lưới cần đặc biệt lưu ý tới tiếng nói từ phía cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động về OECM. Cộng đồng ở đây có thể hiểu ở khái niệm rộng bao gồm nhiều thành phần, có thể là cộng đồng địa phương, tư nhân, cá nhân hoặc những người quan tâm tới OECM.

Các đại diện IUCN Việt Nam cũng chia sẻ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Mạng lưới có cách tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế về OECM, góp phần thúc đẩy thừa nhận các OECM tại Việt Nam.

Nguồn: