Viềng – chợ cầu may

ThienNhien.Net – Mồng 7 tháng Giêng, hàng vạn khách thập phương đã về huyện Vụ Bản, tỉnh Nam định, để đi chợ Viềng, lễ Mẫu cầu may đầu năm.

Chợ Viềng (cũng gọi là chợ Vàng, để phân biệt với chợ Bạc, chợ Rồng… ở Nam Định) mỗi năm chỉ họp 1 lần, chính chợ diễn đêm mồng 7 tết, kéo dài hết ngày 8 tháng Giêng.

Đến với chợ Viềng, dù là người bán hay người mua cũng đều chung một ước muốn  là cầu may: “Bán rủi, mua may”. Bán được hàng, người bán đã bán đi được những điều rủi ro ,không may mắn của của năm cũ, để sang năm mới này còn lại những điều may mắn. Còn đối với người mua, mua được hàng, thì đó là điều may mắn mua được đầu năm. Vì thế mà từ xưa, đi chợ Viềng, người bán hàng thường không phát giá quá cao so với giá trị mặt hàng thực và người mua ít khi mặc cả, song vẫn mua được mặt hàng vừa ý, việc mua bán diễn ra nhanh chóng, êm xuôi… ấy là cả người bán và người mua đã gặp may.

Chợ viềng bày bán thập cẩm hàng hóa, từ những loại đồ cổ cung đình quy hiếm, đến những dụng cụ nông nghiệp thủ công như dao, cày, cuốc… từ những cây hoa nhỏ bé đến những bồn cây cảnh đồ sộ đã hàng chục năm tuổi…

Người đi chợ Viềng, cũng là về với đất Mẹ Vụ Bản. Tương truyền, bà chúa Liễu Hạnh (Mẹ Liễu Hạnh) hạ giới ở vùng đất này và thường hiển linh vào đêm mồng 7 tết, nên ngoài việc mua cho được những dụng cụ lao động nông nghiệp thủ công truyền thống (dao, cuốc…), cây xanh có nhiều lộc non, thì đi lễ Mẹ cầu may là điều không thể thiếu với ai đến chợ Viềng.

   
   Ngay từ ngày mồng 7, rất nhiều nhà vườn khắp các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… đã mang cây về chợ Viềng bày bán với ước mong tiễn rủi cầu may…
   
  Rất nhiều loại cây cảnh được bày bán ở trong chợ, và cả dọc đoạn đường 56 từ Ngã tư Gôi đến Phủ Dầy 
   
   Sung cảnh – một loại cây tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy, được bày bán rất nhiều ở chợ Viềng.
   
   “Huynh đệ” sanh 12 năm tuổi, được bán với giá 3,5 triệu đồng
   
   Nhiều người quan niệm, mua cây càng nhiều lộc non thì sự may mắn, phát tài lộc trong năm mới càng nhiều.
   
   Mua, bán dụng cụ sản xuất nông nghiệp truyền thống là một nét đẹp đặc trưng của cư dân sống bằng nghề trồng lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ khi về với chợ Viềng, nó tượng trưng cho ước muốn được lao động, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho một vụ mùa mới bội thu.
   
    Đi chợ Viềng cũng là về với đất Mẹ, nên ai cũng dành cho mình những khoảng thời gian nhất định vào thăm Phủ Dầy, hay Đền thờ Mẫu với nén nhang hiếu lễ
   
  và tấm lòng thành kính… cầu mong những điều may mắn, tốt lành trong năm mới.