Phục hồi rừng ngập mặn: Những thách thức

Mặc dù không ai ngây thơ cho rằng phục hồi rừng ngập mặn ở một vùng đất là có thể trả lại trọn vẹn cho vùng đất ấy một hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên sơ như thuở ban đầu, song ngay cả việc chỉ phủ lại màu xanh cho nơi từng là rừng ngập mặn, cho đến nay, vẫn còn là một thách thức.

Với một nơi mà cái tên đã đủ gợi về một khu rừng ngập mặn hiếm hoi còn ở trạng thái nguyên sinh như Cà Mau, hẳn ai cũng mong một lần được đặt chân đến. Quả thật, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một nơi vô cùng đặc biệt, khi tiếp giáp với cả biển Đông lẫn biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều là bán nhật triều biển Đông, nhật triều biển Tây; và hơn nữa, mỗi năm, sự bồi lắng phù sa ở bãi bồi phía Tây khiến Mũi Cà Mau lấn ra biển thêm vài chục mét. “Theo các nghiên cứu trước đây thì diện tích bãi bồi đã có từ xưa rồi. Hiện nay, vẫn tiếp tục bồi thêm, bồi thêm ở điểm giao thoa của biển Đông và biển Tây”, anh Nguyễn Sự, trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, giới thiệu. “Có thể ngày trước thì bồi nhiều hơn bây giờ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể là phù sa thượng nguồn bây giờ nó đã khác rất nhiều”.

Việc trồng rừng ngập mặn không thuần túy là cắm chúng xuống đất bùn và chờ bén rễ. Ảnh: Thanh Nhàn

Dẫu diện tích bồi thêm hằng năm có xê xích theo thời gian thì những người ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vẫn lên kế hoạch trồng mới và khoanh nuôi rừng ở đây. Nghĩa là ở đâu đó có thể mất rừng ngập mặn thì nơi này cặm cụi trồng bù, dẫu biết rằng nỗ lực này cũng chỉ như muối bỏ bể. “Vườn quốc gia là rừng đặc dụng nên chiểu theo Thông tư 15/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh, chúng tôi đã đề xuất xin phương án thí điểm trồng 316 hecta và được Thủ tướng chấp thuận”, anh Nguyễn Sự nói. Hiện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã khoanh nuôi được 700 hecta trên bãi bồi, tạo điều kiện cho đất ổn định và chờ tự nhiên đặt những hạt mầm sự sống xuống. Bao giờ cũng là cây mắm mở đường, “mắm trước, đước sau”.

Vậy sau bao lâu thì có thể thành rừng? Thời gian khoanh nuôi cần tối đa là sáu năm. Sáu năm cho một cây non có thể khép tán trong khi chỉ cần vài giờ, nhân lực được trang bị là có thể phạt xong cả một khoảnh rừng hay chỉ cần những dòng chảy bất thường khiến nước biển mặn hơn hoặc nhạt hơn, là đủ giết đi vạt rừng mới.

Chưa bao giờ, việc phục hồi những cánh rừng ngập mặn lại phải đối diện với nhiều thách thức như hiện nay.

“Phục hồi rừng ngập mặn là quá trình đầy phức tạp và thách thức và đòi hỏi nhiều năm mới có thể thành công. Và thành công chỉ đến cùng sự quản lý, giám sát chặt chẽ một phạm vi rộng các yếu tố liên quan đến toàn bộ chu trình phục hồi rừng”. (Stewart Emerson)

Một quá trình phức tạp chưa được hiểu hết

Sau hàng thập kỷ mất mát, giờ đây, không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới, đã bắt tay vào trồng trọt, phục hồi những diện tích rừng đã bị lụi tàn hoặc phá bỏ vì nhiều mục đích khác nhau, đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, thiên tai… Mặc dù tỉ lệ sống sót chung của việc trồng rừng ngập mặn từ cây giống trên thế giới phổ biến ở mức hứa hẹn 55,4% đến 90% nhưng cũng có nơi, tỉ lệ này biến thiên ở mức không thể tưởng tượng nổi: ở hành lang Bao báp của vùng Menabe ở phía Tây Madagascar, việc trồng rừng từ hạt trên những chỗ đã bị thoái hóa có tỉ lệ sống sót từng thấp hơn 10%; ở Sri Lanka, trong tổng số 23 vị trí dự án phục hồi 1.000 đến 1.200 héc ta rừng ngập mặn với tổng kinh phí đầu tư 13 triệu USD, chỉ có 200 đến 220 héc ta là thành công, 9/23 vị trí không có cây nào sống sót – họ gọi đó là “những cánh rừng ma”. Rút cục, mức độ sống sót của tất cả các dự án phục hồi đó ở Sri Lanka dao động từ 0 đến 78%, theo một nghiên cứu vào năm 2017.

Tại sao việc phục hồi những cánh rừng ngập mặn lại khó khăn và nhiều thách thức đến vậy? Có một khuôn mẫu nào đó cho việc phục hồi thêm bền vững không? Câu trả lời phức tạp hơn nhiều, không chỉ vì các loài cây trong rừng ngập mặn là những sinh vật kỳ lạ mà còn bởi nó phải chịu quá nhiều tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Khi đề cập đến nguyên nhân vô số chương trình phục hồi rừng ngập mặn lại thất bại, Stewart Emerson của tổ chức chuyên về phục hồi các hệ sinh thái có sự đa dạng sinh học cao Dendra đã lý giải: bởi vì đây là quá trình đầy phức tạp và thách thức và đòi hỏi nhiều năm mới có thể thành công. Và thành công chỉ đến cùng sự quản lý, giám sát chặt chẽ một phạm vi rộng các yếu tố liên quan đến toàn bộ chu trình phục hồi rừng.

Trong số bảy yếu tố cốt lõi của cả chu trình trồng và phục hồi rừng theo kinh nghiệm của Dendra thì có hai yếu tố liên quan đến điều kiện địa mạo và điều kiện sinh học. Việc gây một cây đước, cây mắm hay bất kỳ cư dân nào của quần xã thực vật rừng ngập mặn không thuần túy là cắm chúng xuống đất bùn và chờ bén rễ, bởi lẽ có quá nhiều yếu tố có thể tác động đến chu trình sinh trưởng của chúng. Stewart Emerson cho rằng, việc lựa chọn vị trí đúng cho phục hồi rừng ngập mặn là điều tối quan trọng. Vị trí được chọn phải có đủ các điều kiện môi trường phù hợp, bao gồm kiểu đất, các dòng chảy, độ mặn, lượng mưa, chu kỳ thủy triều, độ sâu nước… Thông thường, việc quá ít nước ngọt đổ vào cũng khiến tăng độ mặn, ít ô xy và dư thừa sulfide cũng đủ sức làm rừng tàn lụi.

Tỉ lệ sống sót của các dự án trồng rừng ngập mặn luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nguồn: corenacca.org

Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều dự án phục hồi rừng ở Sri Lanka, các nhà nghiên cứu phát hiện ra là phần lớn đều do nguyên nhân địa hình. Ví dụ một số dự án đặt ở nơi có bãi triều cao, thậm chí ở đầm lầy, bãi cỏ hoang hóa, một số nơi ở bãi triều thấp nên cây trồng phải hứng chịu một số yếu tố nhiễu loạn và căng thẳng như hạn hán, ngập lụt, ngột ngạt, nơi bức xạ mặt trời cao, tích tụ quá nhiều tảo, hàu bám, bị người và gia súc dẫm đạp… Có lẽ, nhiều người cho rằng, những loài cây ngập mặn đã hội tụ đủ năng lực sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhưng thực ra, khi mới vài năm tuổi, chúng rất nhạy cảm với những thay đổi của điều kiện tự nhiên. Nếu quan sát những cánh rừng ngập mặn sau bão, hẳn nhiều người sẽ thấy những cây non không còn sức sống khi thiếu tán lá che chở của cây trưởng thành.

Có biết bao điều cần biết để nuôi trồng một cây non. “Chúng ta vẫn cần phải học hỏi nhiều về sinh thái và sinh học của rừng ngập mặn”, Stewart Emerson chỉ ra. “Sự phức tạp của những tương tác giữa các loài thực vật trong quần xã thực vật cũng như giữa rừng với các hệ sinh thái khác khiến cho thật khó để dự đoán kết quả của dự án phục hồi rừng”.

Trên thực tế, những nhân tố quan trọng của một dự án phục hồi rừng còn là nhận thức về lịch sử của nơi chốn với thành phần các loài từng sinh sống và tri thức bản địa. Đôi khi, người ta chọn loài này hay loài khác vì những nguyên nhân như dễ tiếp cận, dễ ươm trồng, không điều tra về các loài vẫn xuất hiện một cách tự nhiên trong quá khứ mà lại lựa chọn khu rừng gần đó làm địa điểm tham chiếu cho các hướng dẫn trồng trọt. Vào năm 2015, các nhà khoa học Đan Mạch và Singapore đã chỉ ra, nhiều dự án khôi phục rừng ở vùng Đông Nam Á thất bại là do người ta thường chuộng cây thuộc chi Đước nhưng lại quên rằng “mắm trước, đước sau” – bao giờ cây mắm với khả năng chống chịu ngập và điều kiện thủy văn cũng đi tiên phong giữ đất để tạo điều kiện cho cây đước nối tiếp.

Những nhân tố quan trọng của một dự án phục hồi rừng còn là nhận thức về lịch sử của nơi chốn với thành phần các loài từng sinh sống và tri thức bản địa.

Việc trồng rừng và tái sinh rừng là một quá trình luôn gây tranh cãi, không chỉ giữa những người trực tiếp làm dự án mà cả giữa các nhà khoa học. Từ lâu, họ đã trao đổi với nhau về khái niệm lựa chọn loài trong khôi phục rừng. Một số thì ủng hộ việc lựa chọn một loài duy nhất để phát triển nhanh các cánh rừng ngập mặn cũng như khả năng phục hồi các cấu trúc của các hệ sinh thái hoặc xem xét từ góc độ kinh tế để tạo ra dòng chảy thu nhập liên tục cho các cộng đồng địa phương. Ở Nam Định vào trước những năm 2000, điều này đã đem lại lợi ích gián tiếp khi giảm thiểu tỉ lệ đầu tư xây dựng hệ thống đê kè ven biển, giảm thiểu tác động của bão biển. Tuy nhiên, ngay cả khi độc canh một loài thì nó cũng không đem lại lợi ích về mặt phục hồi sinh thái. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra một mẫu số chung cho môi trường trên cạn lẫn ngập nước, đó là một khu rừng dễ tái sinh hơn khi có đa dạng loài hơn là độc loài. Đây cũng là lý do khiến cây trong các điểm phục hồi chậm khép tán và phát triển.

Theo một công trình trên World Resources Report của các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Việt Nam, các kế hoạch trồng rừng ở miền Bắc Việt Nam thường có xu hướng độc loài như đâng/đước vòi, trang, bần chua – những loài có tiềm năng rất cao trong việc tạo thành các kiến trúc hình thái giảm chiều cao sóng khi trưởng thành. Sự chọn lựa này đã dẫn đến một hệ quả là hệ sinh thái cũng thiếu đa dạng. Người dân địa phương cho biết, những cánh rừng độc loài cũng không đem lại nhiều cá, nghêu sò và cua.

Chưa khai thác know-how địa phương

Việc bỏ công sức, tiền bạc và thời gian vào các dự án trồng rừng ngập mặn không phải bao giờ cũng đem lại những kết quả như mong muốn. Để đánh giá các dự án thành công ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các nhà nghiên cứu cho rằng cần căn cứ vào bốn chỉ dấu chính: tỉ lệ sống sót của cây trong vòng ba năm; các khu rừng trồng bao gồm sự tăng trưởng của cây, mật độ cây và dạng cây; sự thành công về mặt môi trường, bao gồm cấu trúc rừng, chức năng hệ sinh thái và sự đa dạng loài; sự thành công về kinh tế xã hội theo nghĩa có thể đem lại thu nhập hoặc cơ hội việc làm cho người địa phương.

Đội tình nguyện đại diện cho Liên minh Giá trị xã hội Việt Nam tiến hành trồng cây phục hồi rừng ngập mặn tại Trà Vinh. Nguồn: baovemoitruong.org.vn

Muốn đạt được đủ cả bốn tiêu chí này thì một chu trình gây rừng và tái sinh rừng ngập mặn cần được quản lý và giám sát tốt trong dài hạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những thất bại trong giám sát và quản lý cũng là nguyên nhân khiến dự án trồng rừng thất bại. Câu chuyện ở Sri Lanka, với các dự án phục hồi rừng của chính phủ, là việc thiếu đi sự điều phối giám sát giữa các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ nhưng bản thân những người trong cuộc lại không nhận ra được vai trò thực sự của mình đối với sự thành bại của dự án.

Ở Việt Nam, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Theo công bố của các nhà nghiên cứu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và trường Đại học Murdoch, Australia, xuất bản trên Annals of Forest Science, các dự án trồng rừng ngập mặn ở Việt Nam thiếu sự đánh giá dài hạn: chỉ 30% dự án đề cập đến tỉ lệ sống sót và 35% đánh giá dài hạn. “Đó là hệ quả của những kế hoạch giám sát yếu kém, có thể là do việc thiếu kinh phí đầu tư vào giám sát và đánh giá hậu trồng. Trong một số báo cáo có đề cập đến dữ liệu về tỉ lệ sống sót, phương pháp thu thập dữ liệu không cụ thể cũng như không được phân tích về mặt thống kê” để có cái nhìn sâu hơn về nguyên nhân của hệ quả này, các nhà khoa học viết trong công bố. Đó cũng là lý do mà các dự án với tỷ lệ sống sót cao, từ 70 đến 90% trong ba tháng đánh giá ban đầu, thường được miêu tả thành công nhưng về dài hạn thì tỉ lệ dao động từ 0 đến 90%. Ở một số dự án, các rừng ngập mặn được phục hồi đã chết hoàn toàn như một dự án ở Quy Nhơn.

Họ cũng phân tích, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các chương trình, dự án trồng rừng là thiếu đi sự khuyến khích quản lý và giám sát dài hạn. Các dự án diễn ra ở phía Bắc thường có tỉ lệ thành công thấp so với các dự án phía Nam do thiếu việc khuyến khích cộng đồng địa phương trong dài hạn. Ngay cả trong khi ký hợp đồng với cộng đồng địa phương thì chương trình phục hồi rừng của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ở Nam Định cũng không đạt thành công ở mức độ cao vì họ không khuyến khích người dân địa phương bảo vệ rừng, ví dụ như trước sự chặt phá hoặc chăn thả gia súc trái phép, khi chương trình kết thúc vào năm 2006.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các chương trình, dự án trồng rừng là thiếu đi sự khuyến khích quản lý và giám sát dài hạn.

Thông thường, những dự án phục hồi rừng hoặc tái sinh rừng đều đòi hỏi chi phí rất lớn vì một dự án bao gồm rất nhiều bước, bao gồm chuẩn bị địa điểm, trồng cây và giám sát theo thời gian. Tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, thật khó để duy trì dài hạn một ban quản lý và đội ngũ cán bộ giám sát “nhất cử nhất động” theo sát các diễn biến có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của rừng để giảm thiểu thiệt hại, nếu có. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng, mô hình đồng quản lý (co-management) – mô hình quản lý có sự tham gia của người dân là một cách tiếp cận phù hợp. Theo cách tiếp cận này, các tổ chức chính quyền chia sẻ quyền quyết định, phản hồi và trách nhiệm với các cộng đồng địa phương, những người sống phụ thuộc vào hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Nếu áp dụng mô hình đồng quản lý thì chính quyền và nhà quản lý dự án cần nghĩ đến sự tham gia của người dân địa phương và tôn trọng tiếng nói của họ từ lúc lên kế hoạch đến triển khai dự án và giám sát. Việc thiếu sự tham gia của họ vào bất cứ hoạt động nào cũng có thể dẫn đến sự thất bại của các dự án. Thực tế đã chứng minh vai trò của cộng đồng thông qua sự thành bại đan xen của dự án Vàm Rầy ở huyện Hòn Đất, một trong bốn huyện ven biển của tỉnh Kiên Giang vào năm 2009 đến 2011. Vàm Rầy là nơi bị mất rừng, bị xói lở, xâm nhập mặn bậc nhất ở Kiên Giang trước năm 2008. Khi thực hiện trồng rừng, cộng đồng Vàm Rầy đã được mời tham gia dự án và một người có uy tín được bầu ra đảm trách vai trò quan sát, ghi nhận khả năng tích tụ bùn biển, đo lường tỉ lệ sống sót của cây trồng, theo dõi tình trạng của hàng rào bảo vệ hằng ngày. Song song với đó, chương trình giám sát của dự án gồm các chuyến thị sát hằng tuần do cố vấn kỹ thuật và tình nguyện viên. Câu chuyện diễn ra cho đến năm 2011, khi một hệ thống giám sát mới được áp dụng và ban quản lý dự án không còn nhiều nỗ lực liên hệ với địa phương, do đó không nhận được cố vấn của cộng đồng nữa. Việc thiếu trao đổi thông tin giữa cộng đồng và ban quản lý ở một số địa điểm của dự án đã dẫn đến tỉ lệ sống sót của dự án trồng rừng sau hai năm chỉ còn 20% trong khi những địa điểm còn giữ được có sự trao đổi thông tin tốt, tỉ lệ này đạt 70 đến 90%.

Một trong những yếu tố cốt lõi của mô hình đồng quản lý là tận dụng được tri thức bản địa, vốn được hình thành và tích lũy một cách hệ thống qua nhiều thế hệ từ những người sống ngay tại địa phương. Tuy nhiên trong nhiều dự án trồng rừng thì tri thức bản địa chưa được đánh giá đúng mức, dẫu trong khoảng năm năm trở lại đây, không chỉ các nhà nghiên cứu nước ngoài mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đều lưu ý, tri thức bản địa là yếu tố quan trọng trong các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong câu chuyện của Vàm Rầy, người dân tận dụng hiểu biết của mình vì họ thấy mình không đủ tiền để kham nổi các công nghệ mới quá đắt đỏ và cũng thấy không đảm bảo là các hiểu biết của người ngoài lại có thể giúp giải quyết được vô số vấn đề cụ thể ở địa phương. Sự tư vấn của họ với ban quản lý dự án làm giảm chi phí xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ khu trồng rừng khi tận dụng được các nguồn thích hợp tại chỗ như cọc tràm thay thế cọc bê tông, granit để ra đời thiết kế nhiều đổi mới sáng tạo, nguyên liệu có sẵn và dễ vận chuyển.

Tuy nhiên, thực tế phong phú khiến chuyện trồng rừng, tái sinh rừng ngập mặn thường không bao giờ đơn giản là lấy một mô hình thành công đặt vào muôn nơi. Sự tồn tại của các cánh rừng, tỉ lệ thành công của các dự án tái sinh rừng thường phải đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng, xé lẻ, mất mát và thất bại. Sự giằng xé lợi ích giữa bảo tồn và khả năng thay đổi mục tiêu sử dụng đất vì lý do phát triển kinh tế, ví dụ như nuôi trồng thủy sản, luôn luôn xảy ra. Bởi lẽ, nhiều địa phương ở Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, vẫn có xu hướng ưu tiên phát triển kinh tế hơn là bảo tồn và thường không sẵn sàng thực thi các quy định về bảo vệ rừng, nếu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế với các diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong điều kiện giới hạn ngân sách và các nguồn tài chính không ổn định cho phục hồi rừng, nhiều địa phương thường ưu tiên bảo vệ những khu rừng đang có hơn là trồng thay thế và phục hồi.

Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy ở Đông Nam Á, các cộng đồng ven biển đã biết khai thác các khu rừng ngập mặn từ hơn 4.000 năm trước. Giờ đây trong Thế Nhân sinh (Anthropocene), con người được trang bị rất nhiều hiểu biết và công nghệ mới vẫn tiếp tục khai thác mà chưa thể có được một giải pháp bảo tồn hiệu quả thực sự.

Tài liệu tham khảo: 

Stewart Emerson. “Mangrove Restoration: Challenges and Opportunities”. 

N.T. Hải. “Towards a more robust approach for the restoration of mangroves in Vietnam”. Annals of Forest Science

Neil Powell. “Mangrove Restoration and Rehabilitation for Climate Change Adaptation in Vietnam”. World Resources Report

Chu Văn Cường. “Using Melaleuca fences as soft coastal engineering for mangrove restoration in Kien Giang, Vietnam”. Ecological Engineering.