Nông dân châu Á và Việt Nam cần thích ứng trước nhiễm mặn và biến đổi khí hậu

Nông dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với các thách thức đến từ tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nguồn nước nhiễm mặn.

Dọc theo bờ biển phía nam Bangladesh, những người nông dân bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu đang nỗ lực đối phó trước tình trạng đất suy thoái và nước nhiễm mặn ngày càng tăng bằng cách trồng các loại cây chịu mặn và chuyển sang các kỹ thuật nông nghiệp mới.

Các khu vực ven biển của quốc gia Nam Á, chiếm 1/3 tổng diện tích đất trồng trọt, đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, nắng nóng và khan hiếm nước ngày càng trầm trọng trong những năm gần đây. Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng nhiễm mặn đang gia tăng do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có việc nước biển dâng.

Theo Viện Phát triển Tài nguyên đất đai Bangladesh, độ mặn ở quốc gia này đã tăng hơn 1/4 trong 35 năm qua. Ví dụ, độ mặn ở sông Rupsa ở phía nam quận Khulna đã tăng lên từ 0,7 phần nghìn tỉ (ppt) năm 1962 lên 16,8 ppt vào năm 2011. Báo cáo của chính phủ năm 2022 cảnh báo rằng mực nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nhiễm mặn trong tương lai.

Việc trồng các giống cây trồng có khả năng chịu mặn và áp dụng các biện pháp thực hiện thích ứng với khí hậu đã giúp hàng nghìn nông dân ứng phó với xu hướng này. Tuy nhiên, cộng đồng địa phương, các chuyên gia nông nghiệp và quan chức hiện đang đặt câu hỏi: Việc chăn nuôi thì sao?

Tình trạng xâm nhập mặn gây khó khăn cho người nông dân châu Á – Ảnh: Thanh Niên

Nhiều hộ nông dân nhỏ ở miền nam Bangladesh dựa vào việc nuôi gia súc như bò và dê để kiếm thu nhập và thực phẩm. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc chăn nuôi sẽ đối phó như thế nào với tình trạng độ mặn ngày càng tăng, nhiệt độ ngày càng tăng và lượng nước ngày càng cạn kiệt.

Khi đề cập đến đàn bò và dê cùng với vụ dưa chuột, bầu và bí ngô của mình, bà Lakshmi Mondal chép miệng: “Việc nuôi chúng ngày nay không hề dễ dàng”.

Mondal, một nông dân đã ngoài 60 tuổi và sống ở khu vực Dacope, quận Khulna, cho biết: “Nhiều người không thể kiếm đủ cỏ và nước uống cho gia súc vào mùa hè”. Theo bà, trong vài mùa hè gần đây – khi các đợt nắng nóng gay gắt khiến nhiều ao hồ cạn kiệt – gia súc phải uống nước từ sông, kênh nhiễm mặn và bị bệnh. Bà Mondal nói thêm: “Một số bò và dê trong khu vực của chúng tôi đã chết”.

Một số chuyên gia về nông nghiệp, khí hậu và phát triển cho biết có rất ít nghiên cứu về tác động của nhiễm mặn và biến đổi khí hậu đối với vật nuôi cũng như có những hạn chế trong nhận thức của cộng đồng về cách thích ứng với các mối đe dọa ngày càng tăng.

Maksudur Rahman, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Phát triển Môi trường Bangladesh (BEDS), một tổ chức phi chính phủ, cho biết: “Cuộc khủng hoảng khí hậu – với nhiệt độ và độ mặn tăng cao – khiến người chăn nuôi địa phương gặp khó khăn hơn rất nhiều”.

Vấn đề không chỉ của Bangladesh

Từ đồng bằng sông Nile của Ai Cập và vùng đất ngập nước của Iraq đến Bangkok, nhiều quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng nhiễm mặn ngày càng tăng và tác động của nó đến nông nghiệp, vật nuôi và sức khỏe con người.

Ở Bangladesh, nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng đến năm 2050, tình trạng nhiễm mặn trong đất ngày càng trầm trọng có thể làm giảm 15,6% sản lượng các giống lúa năng suất cao ở các vùng ven biển. Con số này khá lớn nếu biết tổng sản lượng lúa gạo có thể giảm 17% do tác động chung của khí hậu.

Tháng trước, nông dân tại khu vực Pankhali thuộc quận Khulna đã kiểm tra độ mặn của đất và nước bằng máy đo EC do tổ chức phát triển Hà Lan Cordaid cung cấp. Đây là thiết bị giúp họ hiểu được tính chất đất để từ đó chọn loại cây trồng phù hợp.

Nhìn rộng hơn, tổ chức Cordaid cho biết họ làm việc với hơn 10.000 nông dân ở 15 huyện để áp dụng gieo trồng các giống hạt giống rau chịu mặn gồm bầu, bí ngô hoặc củ cải đỏ.

Razibul Kader, điều phối viên của Cordaid cho biết: “Chúng tôi cố gắng hỗ trợ nông dân ven biển, từ việc tìm kiếm hạt giống phù hợp đến đưa sản phẩm của họ ra thị trường hiệu quả nhất”.

Một nông dân có tên Josna Ray (30 tuổi) đã áp dụng phương pháp canh tác “sorjan”, gồm trồng rau trên các rặng núi cao xung quanh khu vực dự trữ nước mưa cho mùa khô.

Trong những đợt khô hạn, Ray sử dụng bình đất để nhỏ nước mưa từ hồ chứa vào đất một cách tiết kiệm nhất, đồng thời sử dụng trộn phân chuồng và vôi thành loại phân bón giá rẻ nhưng giúp cải tạo chất lượng đất và giảm độ mặn.

Vườn rau của Ray có đủ các loại cây trồng từ đậu, mướp đắng đến rau muống cung cấp cho thương lái địa phương. Ray khoe: “Đất hoang giờ đã thành vườn rau. Thu nhập tăng thêm giúp chúng tôi lo đủ cho 6 miệng ăn và cho các con đi học”.

Ray cũng bổ sung thêm nguồn thu bằng việc nuôi bốn con bò và vài con cừu. Ray cho biết: “Tôi cũng từng nuôi dê nhưng phải bỏ vì dê dễ mắc bệnh ở khí hậu nóng ẩm, nhiễm mặn”.

Đại diện của Cordaid cho biết các kỹ thuật tưới tiêu như phương pháp sorjan có thể giúp nông dân làm việc hiệu quả hơn và tiết kiệm một lượng nước để giúp duy trì hoạt động chăn nuôi.

Các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu về những vấn đề này cho biết, sự khan hiếm nước, độ nhiễm mặn, phương pháp canh tác và chăn nuôi phải được xem xét song song chứ không phải riêng lẻ, đồng thời không thể bỏ qua tác động của việc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa đối với nông nghiệp.

Catharien Terwisscha van Scheltinga, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Đại học Wageningen cho biết: “Chúng ta phải cân bằng các lợi ích khác nhau trong việc trồng lương thực cho con người, thức ăn cho động vật cũng như sự phát triển đô thị”.

Theo Shamima Haque, một quan chức phụ trách chăn nuôi ở Dacope, thuộc quận Khulna, tác động từ nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng sinh sản của vật nuôi trong trang trại, còn việc uống nước mặn có thể khiến vật nuôi bị bệnh nặng.

Haque kể: “Người nông dân ai cũng mong đợi đàn bò phát triển số lượng hằng năm, nhưng nhiễm mặn và nóng bức có thể cản trở gia súc sinh con”.

Nhiều gia đình trong vùng hiện đang chuyển sang chăn nuôi cừu, loài vật có khả năng chống chọi tốt hơn với nắng nóng và bệnh tật. Hạn hán không chỉ làm mất đi lượng nước cần thiết cho gia súc mà còn làm giảm lượng thức ăn dành cho chúng.

Hiện chính quyền địa phương đang đào tạo hàng trăm nông dân trồng các giống cỏ chịu mặn như Napier hoặc cỏ Bermuda, mặc dù đây chỉ là bước đầu tiên nhỏ.

Zulfekar Ali, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Bangladesh, cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác định thức ăn chịu mặn cho gia súc cũng như các loài vật nuôi phù hợp hơn với nhiệt độ và nguy cơ dịch bệnh ngày càng tăng cao.

Trong lúc các nhà khoa học, quan chức và tổ chức phi chính phủ nghiên cứu giải pháp, người nông dân phải tự chăm sóc đàn gia súc.

Mihir Sardar, một nông dân đồng thời là bác sĩ thú y ở Pankhali, Khulna, cho biết: “Mùa khô thường gây tử vong cho động vật của chúng tôi với nhiệt độ và độ mặn không thể chịu nổi”.

Sardar nói thêm: “Nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức để bảo vệ gia súc và dê, tìm kiếm lời khuyên từ ban ngành và các tổ chức phi chính phủ cũng như chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.

Các chuyên gia khí tượng dự báo, mực nước khu vực hạ lưu sông Mekong, tháng 9 – 10.2023 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-15%, sang tháng 11.2023 ở mức thấp hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 12.2023 – 2.2024 phổ biến thấp hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần.

Vụ lúa đông xuân 2023-2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa.

Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, ngoài các địa phương kể trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70km.

Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao, một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng khuyến cáo dự báo có 43.300ha cây ăn trái ở một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Các địa phương cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô.

Vụ đông xuân 2023-2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc.

Để né hạn mặn, ngoài việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, người dân cũng có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thay vì sử dụng giống 110 ngày thì có thể sử dụng giống 95 ngày hoặc 100 ngày. Đồng thời, trước dự báo xâm nhập mặn sớm và vào sâu, các địa phương cần có kế hoạch dự trữ nước và thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết nông vụ để chủ động ứng phó.