Làm giàu từ cây chè

ThienNhien.Net – Hai bên đường xã Tân Cương (Thái Nguyên) là những đồi chè xanh ngút ngàn. Nhờ trồng chè mà cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay rõ rệt, nhiều gia đình trở thành triệu phú.


Kiếm tiền tỷ từ cây chè

Bà Nguyễn Thị Học, Chủ tịch UBND xã cho biết, cây chè đã được người dân trong xã trồng từ lâu trên những vùng đồi hoang. Tuy nhiên, ngày trước người dân sản xuất chè một cách thủ công, lạc hậu, diện tích lại phân tán nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, người trồng chè thường sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học làm giảm chất lượng chè.

Năm 2000, đánh dấu bước phát triển mới của cây chè, khi Tân Cương được tỉnh Thái Nguyên chọn làm vùng trồng chè đặc sản của tỉnh. Ngay sau khi được tỉnh đầu tư, chính quyền xã nhận thấy đây là cơ hội để nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu cho cây chè Tân Cương. Bà Nguyễn Thị Học cho biết. “Chúng tôi xác định cây chè là cây làm giàu của người dân xã nhà. Bởi vậy, chúng tôi chủ trương phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, trở thành mặt hàng đặc sản. Muốn làm được điều đó, khâu đột phá là phải thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất chè, tạo ra sản phẩm chè sạch”.

Để thay đổi nhận thức, tạo cho người dân quen với cách trồng chè mới, Chi cục Bảo vệ Thực vật Thái Nguyên cùng với Hội Nông dân xã đã mở các lớp tập huấn IPM (quản lý tổng hợp dịch hại) cho người trồng chè. Tại đó, người dân được cung cấp kỹ năng sản xuất chè an toàn, cách chăm sóc chè cho hiệu quả; đặc biệt, hướng người trồng chè tích cực sử dựng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu vi sinh và thảo dược.

Năm 2007, xã Tân Cương còn được Hà Lan hỗ trợ Dự án “Nâng cao năng lực về sản xuất và tiêu thụ chè an toàn” cho người trồng chè.

Dự án chú trọng việc xây dựng những vùng tập trung chuyên sản xuất chè an toàn, đồng thời giúp người dân làm quen với phương thức sản xuất chè mới, thay cho cách làm thủ công kém hiệu quả trước kia. Việc sản xuất chè được tiến hành theo một quy trình khép kín từ khâu chăm sóc, thu hoạch, cho đến khâu chế biến và bảo quản chè đều phải đảm bảo an toàn để tạo ra những sản phẩm chè sạch, chất lượng cao.


Người dân hái búp chè. (Ảnh Chinhphu.vn)

Bên cạnh đó, dự án còn đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng chè, nhất là ở khâu chế biến và bảo quản chè. Hiện nay, phần lớn hộ dân trong xã đã xây dựng hệ thống đường ống nước ngầm, sử dụng máy móc vào việc tưới nước và chế biến chè. Nhờ những biện pháp trên mà cây chè ở Tân Cương đem lại giá trị kinh tế cao.

Năm 1999 khi chưa được tỉnh Thái Nguyên chọn là vùng nguyên liệu chè đặc sản, diện tích trồng chè toàn xã là hơn 300 ha, đến năm 2009 tăng lên 450 ha. Năm 1999, năng suất chè đạt hơn 1 tấn/ha, năm 2009 tăng lên 2,5- 3 tấn/ha. Năm 2009, tổng sản lượng chè búp tươi của toàn xã là hơn 7.000 tấn, chế biến thành chè khô được hơn 1.200 tấn với tổng giá trị hơn 80 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã. Cả xã có hơn 300 hộ có tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ cây chè (chiếm gần 30% số hộ trong xã). Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 1,5%.

Chuyện về một triệu phú trồng chè

Nhờ trồng chè mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình đã trở thành triệu phú.

Chủ một cơ sở chế biến chè khang trang, sạch đẹp, anh Trần Văn Thắng, một trong những người trở thành triệu phú từ cây chè cho biết ngày trước gia đình anh đầu tắt mặt tối với diện tích chè chỉ vỏn vẹn 5 sào. Thêm vào đó, sản xuất chè theo phương pháp thủ công, lạc hậu nên hai vợ chồng dù làm vất vả cả ngày mà cuộc sống vẫn rất khó khăn.

Năm 2000, sau khi tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân xã phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật Thái Nguyên, anh đã mạnh dạn chuyển sang phương pháp sản xuất chè mới, hướng đến mặt hàng chè đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Tiếp đó, anh chủ động liên hệ với Viện Nghiên cứu Chè Việt Nam để được cung cấp thêm kiến thức về trồng chè sạch và chuyển giao khoa học kỹ thuật.


Anh Trần Văn Thắng bên đồi chè của mình. (Ảnh Chinhphu.vn)

Anh mở rộng diện tích trồng chè lên hơn 1 ha, đầu tư gần 200 triệu đồng mua dây chuyền chế biến chè. Năm 2008, anh xuất hơn 9 tấn chè khô, thu về hơn 900 triệu đồng, cơ sở chế biến chè của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức lương 1,8 triệu đồng/ tháng.

Nhìn về phía những đồi chè xanh tươi, bà Chủ tịch xã Nguyễn Thị Học tha thiết đề nghị: “Chúng tôi đang hướng đến xây dựng thương hiệu Chè Tân Cương để xuất khẩu ra thị trường Thế giới, rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ đưa cây chè vươn xa hơn nữa”.