Người bảo tồn “kho báu” của dân tộc Tày

ThienNhien.Net – Không quản ngại khó khăn, với mong ước gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, tinh hoa của dân tộc Tày, hàng chục năm qua ông Ma Thanh Sợi ở bản Rịa (Nghĩa Đô – Bảo Yên – Lào Cai) đang góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày. Từ những nghĩa cử cao đẹp ấy, ông Sợi đã được phong danh hiệu nghệ nhân sưu tầm văn hóa dân tộc Tày.

Tiếp nhận “kho sử sống” của dân tộc

Hơn ai hết ông Ma Thanh Sợi là người hiểu rõ bản sắc của đồng bào Tày, với hàng trăm câu ca dao tục ngữ, từ lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán ma chay, điệu lý, cưới hỏi, hát ru, lời gạ, nghệ thuật đồng dao, câu đố, …

Là người Tày chính gốc lại sinh ra và lớn lên ở một xã gần 100% là người Tày nên từ nhỏ ông Sợi đã tìm tòi, học hỏi từ những cụ cao niên về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Lớn lên ông Sợi học rất khá, nhưng ông chia sẻ, cái đó chưa phải điều ông đáng tự hào nhất. Ở cái tuổi quá lục tuần như ông, không nhiều người dám tự nhận là mình còn sung sức. Vậy mà ông Sợi rất lạc quan,  ông bảo: giờ mới là lúc mình sống vui vẻ và hạnh phúc nhất. Khi mình về hưu, có thời gian rảnh rối nghiên cứu và sưu tầm văn hóa của dân tộc Tày, đó mới là thời điểm cuộc sống có ý nghĩa nhất.

Nghệ nhân dân gian sưu tầm văn hóa dân tộc Tày Ma Thanh Sợi

Gặp ông Sợi trong căn nhà sàn đậm nét văn hóa Tày ẩn dưới tán rừng thâm u, với những hoa văn trạm khắc rất tinh xảo. Ngôi nhà và những tinh hoa trạm trổ đó đều do chính bàn tay ông Sợi làm nên. Dẫn chúng tôi quan sát ngôi nhà một vòng rồi ông Sợi kể về quá trình nghiên cứu và sưu tầm nét văn hóa có một không hai của dân tộc mình bằng thứ tiếng mà theo ông Sợi : “Đây là tiếng Tày gốc của xã Nghĩa Đô này đấy”. Cũng may tôi cũng là người Tày chính gốc nên có thể trao đổi với ông như một người trong gia đình.

Ông Sợi kể, hồi trẻ học ngành Sư phạm ở Yên Bái, sau khi tốt nghiệp, ông được điều lên mở lớp ở xã Nậm Xây (Văn Bàn – Lào Cai), khi ấy xã Nậm Xây là vùng sâu vùng xa cách thị trấn huyện lỵ Văn Bàn hơn 30 cây số, người dân đa phần là mù chữ. Nói là thầy giáo nhưng công việc chính của ông là giúp bà con dân bản làm ruộng, làm vườn, để động viên con em họ đi học. Công tác ở Nậm Xây một thời gian, thầy giáo Sợi được đề cử làm Trưởng Phòng Giáo dục huyện Văn Bàn.

Trong những năm là thầy giáo, rồi Trưởng Phòng Giáo dục huyện ông Sợi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cho đến khi chiến sự ở Miền Nam ngày càng khốc liệt, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước ông đã xung phong lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau vài năm chiến đấu, tiêu diệt biết bao quân địch. Đến năm 1981, phục viên trở về quê hương, được sự tin yêu của bà con xóm làng, ông Sợi tiếp tục đảm nhiệm cương vị bí thư, rồi chủ tịch xã Nghĩa Đô.

Công việc của ông Sợi cũng dần đưa ông tìm đến với những nét văn hóa vốn có của người Tày xưa. Đặc biệt, cụ thân sinh ra ông được người đời biết đến là “kho sử sống” của dân tộc Tày Nghĩa Đô. Thấy ông Sợi là người có thể tiếp nối “kho sử sống” đó, bố ông Sợi đã dốc toàn sức lực, trí tuệ để truyền lại cho con trai. Và từ đó đến nay đã chục năm trôi qua ông Sợi không ngừng trau rồi, tìm lại những gì đã mất của dân tộc mình.

Gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống

Việc sưu tầm văn hóa dân tộc cũng chẳng khác gì những công việc thường ngày mà chúng ta vẫn hay làm, cũng trải qua những khó khăn, thăng trầm, cũng có thành công, thất bại. Nhưng đối với ông Sợi thì để làm được việc đó cần tình yêu, sự tâm huyết mới làm được.

Chính vì thế, theo ông Sợi, khi mới tiếp nhận “kho sử sống” từ bố đã gặp vô vàn khó khăn bởi rất nhiều nét văn hóa, câu ca, điệu lý, lễ hội chỉ còn trong trí nhớ của nhiều người, hoặc trong các câu chuyện cổ tích. Nhận thấy sự mất mát quá nhiều về văn hóa của dân tộc mình, ông Ma Thanh Sợi đã đi khắp đây đó trong xã, gặp nhiều cụ cao niên, tìm hiểu nhiều câu chuyện về phong tục tập quán của người Tày, thậm chí ông còn sang cả Hà Giang, Yên Bái để tìm hiểu. Đến thời điểm này chỉ tính riêng tìm hiểu về người Tày xã Nghĩa Đô, ông sợi đã sưu tầm 12 chuyên đề (các địa danh tên gọi, tập quán trong việc cưới, việc tang lễ hội, văn hoá làm nhà, ẩm thực…).

Trang phục ngày cưới của cô dâu và nhà sàn, nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Tày

Chưa dừng lại ở đó, do chưa nắm bắt được phương pháp nghiên cứu nên ông Sợi đã dành nhiều thời gian lên Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai học tập và được hướng dẫn nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của người Tày. Cho đến nay ông Sợi đã sưu tầm ghi chép được hơn 300 câu tục ngữ, thành ngữ trong hệ thống văn hoá dân tộc Tày, chủ yếu là về tình yêu quê hương đất nước, lời răn dạy con cháu học cách làm người…

Trong quá trình nghiên cứu, ông Sợi đã phát hiện ra tiếng nói của Tày Nghĩa Đô ngoài 24 chữ cái tiếng Việt, còn có 4 âm tiết nữa, khi phát ra hoàn toàn khác, không nằm trong ngữ Việt, đó là các từ đầu tiếng gắn sát với chữ p, ph, b, m. Bên cạnh đó, ông Sợi đã sưu tầm được các tập quán lưu truyền trong dân đã trở thành lẽ sống của đồng bào Tày trong vùng: Về nghề nghiệp nhà nông có tập quán dựng nhà cửa, trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, nghệ thuật dệt chăn thổ cẩm, nghệ thuật nấu ăn trong văn hoá ẩm thực.

Trong phong tục cưới xin, ông Sợi đã ghi chép lại các thủ tục của cưới hỏi có các bước tìm hiểu, dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới, hát then, mai táng, thờ phụng, các bài thuốc dân tộc phục vụ cho sinh hoạt, cuộc sống thường ngày, cách chế biến các món ăn dân tộc… Hầu hết đã được ông Sợi truyền lại cho lớp trẻ bằng cách mở các lớp học, làm “cố vấn” cho cán bộ đoàn xã tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể thao đúng với phong tục của dân tộc mình.

Qua hàng chục năm sưu tầm và nghiên cứu, ngoài những thành công, ông Ma Thanh Sợi cũng có không ít trăn trở khi nhìn về xã hội ngày càng phát triển hiện đại, du nhập nhiều phong cách lối sống của phương tây này. “Khi lớp già chúng tôi nắm giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ngày một ít. Theo đó, không ít nét hay, nét đẹp của dân tộc đã mai một theo năm tháng, còn lớp trẻ cho đó là cổ hủ, lạc hậu so với thời đại, không ít thanh niên đã chạy đua với thời đại mà quên đi những gì độc đáo vồn có từ bao đời nay của dân tộc mình”, Ông Ma Thanh Sợi trầm ngâm.