Tăng cường năng lực thực thi Công ước CITES ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Bắt đầu từ ngày 23/11, hơn hai mươi chiến sỹ Cảnh sát Môi trường của các tỉnh phía Bắc sẽ tập trung tại Hà Nội để tham dự khóa tập huấn bốn ngày về thực thi luật buôn bán động thực vật hoang dã. Khóa tập huấn do các chuyên gia về Công ước CITES của Đức giảng dạy sẽ tập trung vào các quy định và thực thi Công ước CITES – Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp.


Đây là một trong hai khóa tập huấn do TRAFFIC – Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Cơ quan Quản lý CITES của Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp đồng tổ chức. Khóa tiếp theo sẽ được tổ chức từ ngày 30/11 đến 03/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho lực lượng Cảnh sát Môi trường các tỉnh phía Nam. Cả hai khóa tập huấn đều được Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên, Bộ Môi trường Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ, có lồng ghép một chuyến thực địa đến các trại nuôi sinh sản động vật hoang dã để giúp các học viên có những trải nghiệm về nhận dạng loài và sự tuân thủ Công ước CITES trong thực tế.

Ở Việt Nam, cũng như nước khác trong khu vực Đông Nam Á, hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã đã đẩy nhiều loài như Hổ, Voi châu Á, Tê giác Java và Đồi mồi đến bờ tuyệt chủng, đồng thời khiến cho quần thể của nhiều loài khác suy giảm nghiêm trọng.

Mặc dù mới được thành lập năm 2007, Cục Cảnh sát Môi trường đã thể hiện cam kết ngày càng tăng trong nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn lậu động thực vật hoang dã. Lực lượng của Cục đã phát triển lên đến gần 1000 cán bộ trải khắp cả nước và ngày càng chủ động hơn trong công tác điều tra, thu giữ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

Tần suất các vụ thu giữ động thực vật hoang dã ngày càng tăng lên thể hiện sự hiểu biết về vấn đề buôn lậu động thực vật hoang dã và những quy định của Công ước CITES ngày càng được cải thiện, điều này có được một phần cũng nhờ hai khóa tập huấn trước đó do TRAFFIC tổ chức năm 2008.

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Cán bộ dự án cấp cao của TRAFFIC – Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, những kết quả này là sự cổ vũ rất lớn đối với các nỗ lực thực thi Công ước CITES của Việt Nam.

“Khi mới được thành lập, các cán bộ Cảnh sát Môi trường không biết loài động vật hay thực vật nào được Công ước bảo vệ. Nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy bằng chứng về hiệu quả của các khóa tập huấn trong việc cung cấp các kiến thức cũng như các kỹ năng chuyên môn cần thiết để giám sát và tịch thu động thực vật hoang dã cùng các sản phẩm của chúng bị buôn bán trái phép” – bà Vân nhận xét.

Các khóa tập huấn trong hai tuần tới sẽ bao hàm khía cạnh bồi dưỡng năng lực tự thân cho lực lượng Cảnh sát Môi trường. Một số học viên sẽ được tập huấn để trở thành giáo viên trợ giảng, có thể tự đào tạo cho các cán bộ khác trong đơn vị của mình. “Đây là cách nhanh nhất để có thể phổ cập cho toàn lực lượng Cảnh sát Môi trường những kiến thức cơ bản về CITES” – ông Franz Bormer, giảng viên chính của hai khóa tập huấn này với hơn hai mươi năm kinh nghiệm về thực thi Công ước CITES phát biểu.

TRAFFIC là Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu. TRAFFIC là một chương trình chung của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đây là chương trình giám sát buôn bán động vật hoang dã lớn nhất thế giới hiện nay và là tổ chức chuyên nghiên cứu về các vấn đề liên quan.