Khuyến nông giúp tăng năng suất cây trồng vật nuôi

ThienNhien.Net – Nhờ làm tốt công tác khuyến nông, những năm qua đời sống nông dân tỉnh Đồng Nai được cải thiện rõ nét, bộ mặt nông thôn đổi thay, góp phần quan trọng trong việc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.


Để thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, công tác khuyến nông được coi là một giải pháp quan trọng nên hàng năm đều được tập trung phát triển. Từ đó, nhiều điểm trình diễn được xây dựng nhằm phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kém hiệu quả sang hiệu quả hơn.

Trong hai năm (2008-2009), toàn tỉnh đã xây dựng được 762 điểm trình diễn, từ đó đã đẩy mạnh hình thành và phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao. Cho đến nay, công tác khuyến nông được áp dụng không chỉ cho những cây ăn trái, cây công nghiệp, cây ngắn ngày mà ngay cả trên lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản. Các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng được đặc biệt quan tâm. Nhờ đó nhiều giống mới, cây con mới đã được đưa vào sản xuất.

Các biện pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái và cây công nghiệp hiện nay là thâm canh, ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống. Các biện pháp này được áp dụng chủ yếu trên cây sầu riêng, xoài, bưởi, tiêu, cà phê, chôm chôm, ca cao, bơ.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, việc thiết kế hệ thống tưới nước tiết kiệm ngoài tác dụng giảm công tưới (90-95%), tiết kiệm nước (35-40%), tiết kiệm nhiên liệu (20%) còn góp phần tăng năng suất cây trồng (15-20%). Đáng chú ý là mô hình thâm canh cây tiêu ở huyện Xuân Lộc đạt năng suất từ 6,5 tấn/ha lên 10 tấn/ha, cây xoài đạt 20 tấn/ha lên 40 tấn/ha và tỉ lệ trái đạt loại I trên 80%.

Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp khuyến nông mà nhiều hộ gia đình đã có thêm nguồn thu nhập, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu như hộ ông Phạm Văn Tám – ấp Lò Than, xã Bảo Bình huyện Cẩm Mỹ, nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 1,5 ha sầu riêng, nên năng suất đạt từ 7-10 tấn/ha. Hay như hộ ông Trần Đức Hiệp – ấp 1 xã Xuân Quế và ông Nguyễn Văn Bích tại ấp Tân Hạnh xã Xuân Bảo huyện Cẩm Mỹ, nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua đường ống đã góp phần giảm 40% lượng nước tưới và tiết kiệm được 15-20% lượng phân bón, năng suất đạt từ 9-9,5 tấn/ha và giảm tỉ lệ bệnh phytophthora so với các năm trước đó.


Phát triển cây ăn trái ở Đồng Nai. (Ảnh: Cổng TTĐT Đồng Nai)

Đối với cây xoài, hiện nông dân các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu… đã áp dụng thành thục các biện pháp khuyến nông chủ yếu là tỉa cành, tạo tán, sử dụng biện pháp bao trái và thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân qua đường ống. Ông Nguyễn Thế Bảo, xã Xuân Hưng huyện Xuân Lộc cho biết: “Kinh phí đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống khoảng 27,5 triệu đồng. Hiệu quả rõ nhất ban đầu là tiết kiệm được công lao động, tiết kiệm nước tưới và phân bón, sau đó là hiệu quả về năng suất và chất lượng”. Theo tính toán của ông Bảo, với năng suất xoài đạt 30 tấn/ha, với giá bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc theo mô hình tiên tiến vẫn lãi hơn 80 triệu đồng/ha.

Chương trình trồng bắp vụ Đông Xuân trên nền đất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm được lượng nước tưới trong vụ Đông Xuân, cắt nguồn sâu, bệnh của cây lúa lan truyền từ vụ này sang vụ khác cũng được bà con nông dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đến nay, 100% diện tích trồng bắp được sử dụng các giống có năng suất cao, ngắn ngày và trồng với mật độ cao như: NK 54, C919, NK66, DK 414… Năng suất thu hoạch mỗi vụ đạt từ 8,5-10,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, việc trồng bắp trên chân đất lúa giúp nông dân lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới cũng được áp dụng rộng rãi trên địa bàn. Kỹ thuật này áp dụng hệ thống tưới phun, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ứng dụng quy trình ủ và sử dụng phân chuồng hoai mục, phân vi sinh. Kết quả mô hình đã nâng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng từ 15-20%.

Hiện nay, ngoài việc tích cực đầu tư thực hiện những loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh, Đồng Nai còn đang tích cực khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình tập trung, áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật mới, chuyển dần và tiếp cận với phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra vùng nguyên liệu có năng suất lớn, chất lượng ổn định hướng đến xuất khẩu.