Quy định về bảo vệ động vật hoang dã trong Bộ luật Hình sự – một vài đánh giá

Từ khi trở thành thành viên Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, nhất là đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm. Trong các biện pháp được thực thi, biện pháp xử lý hình sự đối với các hành vi săn bắn, vận chuyển, buôn bán trái phép… động vật hoang dã thể hiện rõ nhất sự nghiêm khắc của pháp luật trong bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự (BLHS) qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, những quy định này liệu đã đủ chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả thực thi trong thực tiễn? Bài viết dưới đây xin đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định về bảo vệ ĐVHD trong BLHS hiện hành.

Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Quy định về bảo vệ ĐVHD trong BLHS

Trước khi BLHS đầu tiên của Việt Nam ra đời vào năm 1985, Việt Nam đã ban hành một số sắc lệnh, pháp lệnh, văn bản quy định về bảo vệ rừng, trong đó có nội dung nghiêm cấm săn bắn các loài chim, thú. Tuy nhiên, các văn bản chỉ quy định ở mức đơn giản và giới hạn ở hành vi săn bắn và chỉ khi nào gây thiệt hại lớn hoặc tái phạm mới bị xử phạt.

Năm 1985, BLHS đầu tiên được Quốc hội thông qua, trong đó hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, cụ thể là săn bắt trái phép chim, thú tiếp tục được lồng ghép trong các vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng với mức phạt tù tối đa 3 năm hoặc từ 2 – 10 năm trong một số trường hợp nghiêm trọng. Cụ thể: Điều 181 (Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng) quy định: “1 – Người nào khai thác trái phép cây rừng, săn bắt trái phép chim, thú hoặc có những hành vi khác vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bi xử lý hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm; 2 – Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm”. Tuy nhiên, điều luật cũng mới quy định mang tính nguyên tắc và tội phạm cũng chỉ bị xử lý khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm. Đặc biệt, Điều 181 mới đề cập đến các hành vi khai thác trái phép cây rừng và săn bắt trái phép chim, thú dựa theo Pháp lệnh số 147/LCT ngày 11/9/1972 quy định việc bảo vệ rừng chứ chưa quy định cụ thể đối với động vật hoang dã quý, hiếm cần bảo vệ. Về sau, BLHS năm 1985 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997 với trên 100 lượt điều luật được sửa đổi hoặc bổ sung (Phạm Việt Hùng, 2015) nhưng quy định về bảo vệ động vật hoang dã thì vẫn giữ nguyên.

14 năm sau, BLHS năm 1999 được ban hành và đây là BLHS đầu tiên dành riêng một điều luật (Điều 190) quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD quý hiếm, trong đó đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền tối đa 50 triệu đồng hoặc phạt tù 3 năm hoặc bị phạt từ 2 – 7 năm trong một số trường hợp cụ thể. So với các quy định cũ, các hành vi phạm tội tại Điều 190 đã được mở rộng hơn bao gồm: săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD quý hiếm bị cấm hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật đó. Ngoài ra, điều luật còn quy định tình tiết tăng nặng định khung như: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm…

Năm 2009, BLHS tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, trong đó Điều 190 BLHS năm 1999 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD quý hiếm) được bổ sung thành tội danh “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” nhằm đảm bảo phù hợp với quy định Luật Đa dạng sinh học 2008. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi còn bổ sung hành vi “nuôi, nhốt” trái phép ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và mở rộng thêm đối tượng tác động là “từng bộ phận cơ thể” thay vì chỉ bao gồm “cá thể động vật toàn vẹn” và “sản phẩm của chúng”, chẳng hạn như sừng tê giác, xương hổ, chân gấu, mai rùa…

Năm 2015, BLHS được ban hành mới và thêm một lần được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 (BLHS hiện hành), trong đó quy định hai điều (Điều 234 và Điều 244) liên quan đến tội phạm ĐVHD với mức phạt tù tối đa lên tới 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Với quy định nghiêm khắc này, BLHS được cho là công cụ pháp lý vững chắc để xử lý tội phạm ĐVHD. Đáng chú ý là không chỉ tăng mức phạt tù, phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, BLHS 2015 còn quy định dấu hiệu định tội chi tiết, lượng hóa cụ thể số lượng động vật/cá thể hoặc khối lượng bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Điều 244 cũng bổ sung hành vi “tàng trữ” động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm. Đây là điểm rất đáng ghi nhận bởi trước đây, hành vi tàng trữ ĐVHD, bao gồm cả các loài nguy cấp, quý, hiếm chỉ bị xử phạt hành chính. Hơn nữa, BLHS 2015 không chỉ bảo vệ các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài thuộc nhóm IB và Phụ lục I CITES mà còn bảo vệ cả các loài ĐVHD khác (bao gồm các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và ĐVHD nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước CITES) trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên BLHS quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, trong đó pháp nhân phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt chính như phạt tiền (tối đa 15 tỷ đồng), đình chỉ hoạt động (tạm thời hoặc vĩnh viễn) và phạt bổ sung (phạt tiền, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 đến 03 năm).

Trong khi Điều 234 quy định về Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD” tập trung vào nhóm đối tượng động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì Điều 244 quy định về Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tập trung vào đối tượng cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES. Năm 2017, cả hai điều được sửa đổi thành Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD” (Điều 234) và Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm(Điều 244). Ngoài việc lược bớt từ “quản lý” để điều chỉnh tội danh, nội dung hai điều cũng được sửa đổi nhiều khoản và điểm liên quan đến định lượng hành vi phạm tội và thống nhất về đối tượng tác động của tội phạm (bao gồm động vật/cá thể, bộ phận cơ thể/bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm động vật).

Có thể nhận thấy sau nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm trong BLHS ngày một hoàn thiện hơn, các dấu hiệu phạm tội được định lượng rõ ràng hơn, hình phạt cũng tăng cao qua các lần sửa đổi, bổ sung, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong xử lý tội phạm ĐVHD và thực hiện cam kết quốc tế trong bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm nói riêng cũng như bảo tồn các loài hoang dã nói chung.

Tay gấu ngâm rượu. Ảnh Doãn Hoàng

Một vài đánh giá về quy định bảo vệ ĐVHD trong BLHS

Sau hơn 3 năm kể từ khi BLHS có hiệu lực, các cơ quan chức năng đã có nhiều chuyển biến trong nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm ĐVHD, tỷ lệ các vụ án bị đưa ra xét xử tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), số lượng vụ án hình sự về ĐVHD tăng 44% từ thời điểm BLHS có hiệu lực vào đầu năm 2018 đến cuối năm 2019; tỷ lệ các vụ án hình sự và đối tượng có liên quan bị bắt giữ trong nửa đầu năm 2020 đạt 97,2%; tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD được xét xử trong năm 2018 cũng đạt gần 84% (ENV, 2020).

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý các vụ án hình sự về ĐVHD, song, thực tiễn áp dụng cho thấy quy định của BLHS về tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD vẫn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc nhất định như sau:

Thứ nhất, đối tượng của hành vi phạm tội được quy định tại Điều 234 BLHS là ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, vì vậy, các đối tượng này thường không được trao đổi, mua bán công khai trên thị trường, không được niêm yết giá cả. Tuy nhiên, giá trị của tang vật lại được xem là dấu hiệu bắt buộc của tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD tại Điều 234, đơn cử như người phạm tội có hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc ĐVHD khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng… thì hành vi mới cấu thành tội phạm. Ngoài ra, việc xác định trị giá các loại động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của ĐVHD còn là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng đối với tội này tại khoản 2 và khoản 3 Điều 234. Vì vậy, khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội phạm được quy định tại Điều 234 BLHS, các cơ quan thực thi pháp luật phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập hội đồng định giá để xác định trị giá của ĐVHD, sản phẩm của ĐVHD để làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử hành vi phạm tội. Điều này đặt ra yêu cầu là tại mỗi quận, huyện, thị xã hoặc tỉnh, thành phố cần phải có Hội đồng định giá tài sản hoạt động với tính chất thường xuyên để hỗ trợ xử lý kịp thời, nhanh chóng các vụ án hình sự cũng như giải cứu, trả về tự nhiên các loài ĐVHD là tang vật của các vụ án hình sự hoặc động vật được thu giữ từ các vụ săn bắt, vận chuyển trái phép… nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Thêm một điểm đáng lưu ý là việc định khung hình phạt căn cứ vào giá trị hàng hóa có thể gây vướng mắc trong công tác điều tra, xét xử, truy tố vì thực tế rất khó có trường hợp nào tang vật vi phạm thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II CITES có giá trị từ 150.000.000 đồng trở lên để đủ cấu thành tội bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 234 BLHS.

Voọc mũi hếch ở Khu bảo tồn Khau Ca, Hà Giang. Ảnh Nguyễn Đức Thọ

Thứ hai, các điểm, khoản tại Điều 244 chưa quy định hành vi vi phạm đối với “sản phẩm của động vật” thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES. Mặc dù điểm e khoản 1 Điều 244 BLHS quy định hành vi phạm tội là “săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này” nhưng lại đi kèm với điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này (244) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, do đó, vẫn có thể bỏ lọt các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật (thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES) trong trường hợp đối tượng này chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội này.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 244, hành vi phạm tội cũng chỉ được xác định dựa vào số lượng cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật thuộc Nhóm IB hoặc Phụ lục I CITES mà không đề cập tới sản phẩm của động vật, cụ thể: “Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này”. Vì vậy, khi đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội như tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này thì cũng không bị xử lý hình sự.

Như vậy, ngoài ngà, sừng và bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống thì các sản phẩm khác của voi, tê giác hoặc các ĐVHD khác ở châu Phi, chẳng hạn như lông đuôi voi; răng, móng sư tử, báo; vảy tê tê… đều không phải là đối tượng của tội phạm tại Điều 244 BLHS dù những sản phẩm này đang bị buôn bán bất hợp pháp khá phổ biến trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ ba, điểm đ khoản 2 Điều 234 và điểm h khoản 2 Điều 244 đều quy định hành vi “săn bắt vào thời gian bị cấm” có thể bị phạt tù từ 3-5 năm (Điều 234) và từ 5-10 năm (Điều 244). Mặc dù Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn về nội dung này, theo đó, “săn bắt vào thời gian bị cấm” là săn bắt ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy định cụ thể về mùa sinh sản, mùa di cư của các loài ĐVHD, do đó, gây khó khăn trong quá trình xét xử hành vi phạm tội.

Thứ tư, liên quan đến việc xử lý vật chứng vụ án, Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau: i) Vật chứng là ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật; ii) Vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; iii) Vật chứng khác thì tịch thu hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết về “vật chứng khác” trong các vụ án về ĐVHD, động vật nguy cấp, quý, hiếm, vì vậy, có thể dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình xử lý vụ án.

Trên đây là một vài hạn chế trong quy định gây ra những khó khăn trong việc xử lý vi phạm về bảo vệ ĐVHD. Điều này cho thấy sự cần thiết phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nhằm bổ sung cho những thiếu sót, vướng mắc, qua đó giúp các cơ quan tố tụng không gặp khó khăn trong việc áp dụng BLHS khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến ĐVHD, góp phần phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này và bảo tồn nguồn gen động vật trước nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Tài liệu tham khảo

ENV. (2020). Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020. https://thiennhien.org/uploads/prosecution-review-vn-aug-28-2020.pdf

Phạm Việt Hùng. (2015). Sự phát triển đổi mới và các định huớng hoàn thiện Bộ luật hình sự Việt Nam. Cổng TTĐT Viện KSND Tuyên Quang. https://vkstuyenquang.gov.vn/pHome/news/Chuyen-de-Nghiep-vu/Su-phat-trien-doi-moi-va-cac-dinh-huong-hoan-thien-Bo-luat-hinh-su-Viet-Nam-230/

Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature)