Cần giám sát sinh học buôn bán ĐVHD hợp pháp để ngăn đại dịch

Gần 90% trong số 180 virus RNA được công nhận có thể gây hại cho con người có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, việc giám sát sinh học dịch bệnh đối với các thị trường động vật hoang dã trên thế giới và buôn bán hợp pháp hầu như thiếu vắng, khiến nhân loại phải đối mặt với nguy cơ đáng kể.

Từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2019 – thời điểm mà virus SARS-CoV-2 được cho là đã lây sang người từ một vật chủ không xác định, hơn 47.000 cá thể động vật, bao gồm 31 loài được bảo vệ, đã được bán tại các chợ của Vũ Hán. Nếu nhân con số này với thị trường động vật hoang dã chưa được kiểm đếm trên khắp châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và các nơi khác thì quy mô rủi ro đối với nhân loại sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Nhưng mặc dù gần 90% trong số 180 virus RNA được công nhận có thể gây hại cho con người có nguồn gốc từ động vật, việc giám sát dịch bệnh trên thị trường và buôn bán động vật hoang dã trên thế giới hầu như không có.

Không có tiêu chuẩn được quốc tế để quản lý việc buôn bán động vật hoang dã hợp pháp dựa trên nguy cơ dịch bệnh và hiện không có biện pháp sàng lọc mầm bệnh toàn cầu nào được áp dụng đối với động vật hoang dã hoặc các sản phẩm được tiêu thụ làm thực phẩm hoặc vận chuyển trên khắp thế giới. Các hiệp ước đa phương như Công ước CITES có quy định việc buôn bán quốc tế các loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng để bảo vệ các loài nguy cấp nhưng rất ít các quy định tương đương tồn tại để bảo vệ sức khỏe con người và chỉ một số quốc gia thực hiện các biện pháp kiểm soát thú y nhập khẩu nghiêm ngặt đối với động vật hoang dã.

Từ thực tế trên, các nhà khoa học trên toàn thế giới đang kêu gọi tăng cường giám sát sinh học và quy định các thị trường động vật hoang dã trên thế giới và buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn các sự kiện và đại dịch lây lan từ động vật sang người trong tương lai. Nếu không hành động ngay bây giờ có thể là thảm họa cho nhân loại.

Bán thịt ở chợ Outapi, Namibia. Hình ảnh: Oshilumbu5.

Giám sát sinh học tại các điểm nóng về đa dạng sinh học

Sau một loạt các đại dịch lây lan từ động vật có liên quan đến dơi – Nipah, SARS, MERS, Hendra và Ebola – các nhà nghiên cứu đã theo dõi một hang động duy nhất ở Tây Nam Trung Quốc trong 4 năm. Họ đã phát hiện ra 11 loại virus corona mới. Từ năm 2015 đến năm 2017, 0,6% cư dân nông thôn ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc xét nghiệm dương tính với kháng thể virus corona dơi trước đó, cho thấy sự tương tác chặt chẽ giữa các loài. Thực tế này và các bằng chứng khác đã khiến các nhà khoa học thuộc Nhóm tập trung giám sát dịch bệnh động vật hoang dã thúc giục các quốc gia tăng cường thử nghiệm động vật hoang dã ở những khu vực có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm mới nổi và thực hiện công nghệ sàng lọc tiên tiến. Nhóm bao gồm các chuyên gia từ Đại học Edinburgh và Đại học Melbourne (Anh), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Viên (Áo), Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego và Đại học Washington (Mỹ).

Tuy nhiên, hoạt động giám sát cẩn thận này đòi hỏi những cam kết phát triển hệ thống, chính trị và tài chính mới táo bạo. Hiện mới chỉ có 125 phòng thí nghiệm tham chiếu trên toàn thế giới được chứng nhận để sàng lọc một hoặc nhiều mầm bệnh động vật mục tiêu. Các phòng thí nghiệm này không tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng về các mầm bệnh tiềm ẩn và sự phân bố của các cơ sở cũng không phản ánh thực tế của nguy cơ dịch bệnh khi hơn một nửa tập trung ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi Đông Nam Á, châu Phi và Trung, Nam Mỹ có nguy cơ trở thành nguồn gốc của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người mới nổi cao hơn nhiều.

Mrinalini Erkenswick Watsa, nhà nghiên cứu của Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego, thành viên Nhóm tập trung giải thích: “Có những nơi có sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc, tiềm ẩn nhiều khả năng lây lan dịch bệnh từ loài này sang loài khác nhưng lại có rất ít phòng thí nghiệm đặt tại các điểm giao quan trọng giữa con người và động vật hoang dã để sàng lọc mầm bệnh, tạo ra nút thắt quản lý sinh học nghiêm trọng”.

Nhóm khẳng định có bằng chứng cho thấy các cơ sở giám sát tập trung có thể mang lại kết quả tốt. Ví dụ, PREDICT, một dự án thuộc chương trình Các mối đe dọa đại dịch mới nổi của USAID, được khởi động vào năm 2009 với mục đích phục vụ như một hệ thống cảnh báo sớm đối với sự lây lan bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu đã sàng lọc 164.000 động vật và con người, đồng thời phát hiện 949 loại virus mới tại các điểm nóng về bệnh truyền bệnh từ động vật trên 30 quốc gia. Tiếc là cuối năm 2019, chính quyền Trump đã chấm dứt tài trợ liên bang cho PREDICT.

Theo Watsa, việc thực hiện giám sát cần được thực hiện trên quy mô rộng hơn, không chỉ nằm trong các chương trình tài trợ của chính phủ. Watsa và các đồng nghiệp cho rằng bước đầu tiên cần phải là thiết lập một hệ thống giám sát sinh học bệnh tật phi tập trung, hiệu quả về chi phí cho phép các chuyên gia y tế cộng đồng và các nhà khoa học về động vật hoang dã ở các vùng sâu vùng xa, đặc biệt là gần các chợ động vật hoang dã đang bùng nổ kiểm tra mầm bệnh quanh năm, tại nguồn, với các công nghệ di động hiện đại cho phép giải trình tự toàn bộ bộ gen, phân tích hệ gen và siêu mã hóa các mầm bệnh. Khi mọi thứ ổn định, việc hạn chế các hoạt động này ở một số phòng thí nghiệm trung tâm sẽ cản trở các nỗ lực giám sát toàn cầu, có thể làm chậm phản ứng nhanh đối với một biến cố dịch bệnh.

Năm nay, Watsa làm việc với Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego, Hiệp hội Bảo tồn Amazon cùng các đối tác thành lập một phòng thí nghiệm tại chỗ tại Trạm sinh học Los Amigos ở Đông Nam Peru. Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 2 sẽ sàng lọc virus và ký sinh trùng ở các loài động vật trong khu rừng nhiệt đới xung để thiết lập một bức tranh chung về các loại mầm bệnh và ký sinh trùng hiện diện ở các loài khác nhau. Cơ sở đã lấy mẫu từ gần 1.000 điểm và bắt lại động vật, bao gồm cả linh trưởng, dơi và ếch. Các nhà khoa học sẽ sử dụng thông tin này để phát triển các xét nghiệm nhanh cho các bệnh truyền nhiễm có mục tiêu, sau đó có thể được sử dụng để sàng lọc động vật hoang dã ở xa phòng thí nghiệm (ví dụ tại các chợ động vật hoang dã), với hy vọng tạo ra phản ứng toàn cầu nhanh hơn đối với các sự cố lây lan tiềm ẩn.

Giám sát buôn bán động vật hoang dã hợp pháp toàn cầu

Ngay cả khi các thị trường động vật hoang dã được giám sát chặt chẽ hơn, sự lây lan mầm bệnh vẫn có thể không bị phát hiện, một phần do việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp khiến hàng triệu động vật bị buôn bán qua biên giới mỗi năm. Ví dụ trong số 17 cửa hàng được kiểm tra tại các chợ tươi sống ở Vũ Hán, không có cửa hàng nào có giấy chứng nhận xuất xứ hoặc kiểm dịch – điều này cho thấy một số động vật có khả năng bị buôn bán bất hợp pháp. Tuy nhiên, điểm quan trọng mà các nhà khoa học cảnh báo là hoạt động buôn bán động vật hoang dã hợp pháp cũng gây ra rủi ro lớn hơn nhiều cho nhân loại.

Vincent Nijman, nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford Brookes, người nghiên cứu về buôn bán động vật hoang dã cho biết: “Mặc dù chúng ta chỉ thấy một phần nhỏ của buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhưng buôn bán động vật hoang dã hợp pháp về cơ bản lớn hơn đáng kể ít nhất ba bậc”.

Một lỗ hổng giám sát đáng kể trong thương mại hợp pháp là các lô hàng thường không được kiểm tra đúng cách. Thay vào đó, lực lượng biên phòng thường thiếu người và và không được đào tạo kỹ thuật, tiến hành kiểm tra nhanh để đảm bảo mô tả hàng hóa khớp với nội . Những cuộc kiểm tra như vậy chỉ chiếm khoảng 10% hoạt động buôn bán và khả năng lây nhiễm ở các loài được vận chuyển hiếm khi được giám sát.

Chris Shepherd, giám đốc điều hành Monitor khẳng định hầu hết các quốc gia đều có cơ sở y tế và kiểm dịch tại các cảng nhập cảnh nhưng không phải tất cả đều hiệu quả. Hơn nữa, nhiều loài động vật không bao giờ vượt qua biên giới quốc tế, chúng bị săn bắt trong tự nhiên và di chuyển trong ranh giới của một quốc gia. Thương mại hợp pháp được coi là rủi ro thấp, vì vậy một số quốc gia không quá coi trọng những vấn đề này. Kết quả là dịch bệnh lây lan từ động vật sang người và sự lây lan có thể hình thành bên trong một quốc gia trước khi bùng phát trên toàn thế giới.

Trên thị trường, động vật được lưu giữ trong điều kiện mà Shepherd mô tả là “khủng khiếp”. Lồng, chứa vô số các loài thường được chất thành đống cao với những động vật lớp dưới ngập ngụa trong phân và chất bài tiết khác của cơ thể có thể mang bệnh. Một số động vật được bán làm thú cưng, thực phẩm. “Tại các khu chợ thực phẩm tươi sống ở Myanmar, Campuchia hay Lào, các điều kiện vệ sinh thực sự đáng sợ. Những thị trường này là một quả bom hẹn giờ tích cực”, Shepherd bày tỏ lo ngại.

Những khoảng trống trong vệ sinh, kiểm tra và giám sát đã mở rộng cánh cửa cho các sự cố lây lan dịch bệnh từ động vật sang động vật trong tương lai. “Chúng ta đã đi sai hướng khi tập trung hoàn toàn vào việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã. Chúng ta có thể tạo ra lợi ích lớn về [sức khỏe cộng đồng] bằng cách xem xét thương mại hợp pháp và mở rộng quy mô thanh tra”, Nijman cho biết.

Ước tính có khoảng 26,5% các loài động vật có vú trong buôn bán động vật hoang dã chứa 3/4 virus lây truyền từ động vật đã biết. Hình ảnh: Flickr (CC BY-NC-ND 2.0).

Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ thị trường và hoạt động buôn bán ĐVHD

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu làm việc với WWF và các trường đại học ở Hồng Kông đã phát hành một công cụ đánh giá rủi ro nhanh chóng để sử dụng trong các thị trường động vật hoang dã ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với hy vọng cải thiện việc giám sát thực địa khi các quốc gia hướng tới các hiệp ước pháp lý rộng rãi hơn.

Eric Wikramanayake, tác giả chính của bài báo nghiên cứu giải thích: “Việc đóng cửa hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã hợp pháp sẽ là lý tưởng nhưng nó không thực tế. Có rất nhiều chợ động vật hoang dã từ các ngôi làng nhỏ đến nhà hàng động vật hoang dã và các chợ lớn ở đô thị, và một số cộng đồng phụ thuộc vào các sản phẩm động vật hoang dã cho nhu cầu thực phẩm. Mặc dù có một số biện pháp vệ sinh được thúc đẩy áp dụng, như ngăn cách động vật và tăng cường rửa tay cho những người bán thịt, nhưng những cải thiện vệ sinh chỉ có thể giảm nhẹ nguy cơ bùng phát dịch. Tất cả các loài động vật hoang dã đều mang một số loại virus, vi khuẩn hoặc mầm bệnh nhưng một số loài độc hại hơn những loài khác”.

Công cụ đánh giá mới sẽ giúp các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực y tế công cộng và động vật hoang dã đánh giá thị trường và tình hình buôn bán đối với nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật dựa trên hình thức buôn bán và đơn vị phân loại động vật hoang dã cụ thể có sẵn để bán.

Wikramanayake và các đồng nghiệp lần đầu tiên thiết lập 11 tình huống thương mại tổng quát, được xác định bởi ba biến số: nguy cơ lây truyền, khả năng lây lan và nguy cơ virus truyền từ động vật sang người. Các biến số này dựa trên các yếu tố như quy mô thị trường, vệ sinh, sự căng thẳng của động vật, doanh thu của những bán, và người mua có thể đi bao xa sau khi ghé thăm chợ. Mỗi kịch bản được cho một điểm định tính đại diện cho rủi ro. Sau đó, nhóm xếp hạng nguy cơ bệnh tật từ các nhóm phân loại khác nhau.

Các nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng chỉ 26,5% các loài động vật có vú trong buôn bán động vật hoang dã chứa 3/4 virus gây bệnh từ động vật đã biết; nhóm động vật thuộc loại rủi ro cao là dơi, các loài gặm nhấm nhỏ như tê tê, cầy, chim hoang dã, chồn, lửng trong khi các loài bò sát, cá, động vật lưỡng cư và voi được cho là có rủi ro thấp.

Các tình huống thương mại và rủi ro phân loại sau đó được kết hợp trong một ma trận để giúp các quan chức đánh giá rủi ro lây lan liên quan đến các thị trường động vật hoang dã cụ thể. Sử dụng các tiêu chí này, các thị trường ở các thị trấn nhỏ thường xuyên có mức độ rủi ro cao trong khi các thị trường đô thị lớn, như ở Vũ Hán, thường có mức độ rủi ro trung bình. Do đó, một cá thể linh trưởng hoặc dơi (một loài có nguy cơ cao) được bán ở một chợ làng nhỏ sẽ được coi là một trong những tình huống có nguy cơ cao nhất đối với sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang động vật.

Wikramanayake cho biết hiện có thể tạo ra các công cụ đánh giá rủi ro hiệu quả như công cụ này do số lượng các nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tăng lên nhanh chóng. Ông hy vọng công cụ này và các công cụ đánh giá thực địa khác có thể được triển khai tại các điểm nóng trên toàn cầu. WWF hiện đang làm việc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức Thú y Thế giới để triển khai công cụ mới.

Một lệnh cấm hoàn toàn?

Nhiều ý kiến cho rằng việc chấm dứt hoạt động buôn bán động vật hoang dã hợp pháp với quy mô lớn là một chiến lược bất khả thi hoặc không mong muốn. Tuy  nhiên, theo Sue Lieberman, phó chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế WCS, cựu giám đốc Cơ quan Khoa học CITES cho rằng việc tăng cường giám sát và hạn chế theo loài là không đủ bởi nếu chỉ chỉ nhìn vào loài rủi ro nhất, bạn sẽ bỏ lỡ mọi thứ. “Chúng ta cần phải nhìn vào toàn bộ quá trình thương mại động vật hoang dã và hỏi tại sao chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng động vật hoang dã trong khi nguy cơ là quá cao”.

Lieberman bác bỏ quan điểm cho rằng buôn bán động vật hoang dã hợp pháp đang đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đáng kể mà không thể dễ dàng thay thế được. “Đây là một nguồn an ninh lương thực cho một tỷ lệ nhỏ người dân nhưng nó là một thứ xa xỉ không cần thiết đối với nhiều người. Trong các thị trường ở Vũ Hán, Indonesia, Kinshasa hoặc Brazzaville, các loại thực phẩm như gà, cá rẻ hơn nhiều so với động vật hoang dã”.

Để đối phó với sự bùng phát COVID-19, Trung Quốc đã tạm thời cấm tiêu thụ hầu hết các loài động vật hoang dã làm thực phẩm dù mục đích sử dụng trong y học cổ truyền vẫn được chấp nhận. Năm 2021, chỉ thị này tiếp tục được củng cố trong luật và hiện chính phủ đang trong quá trình mua lại các trang trại động vật hoang dã. “Rõ rãng lệnh cấm này không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nó không gây ra nạn đói ở Trung Quốc”, Lieberman lưu ý.

Một số quốc gia khác cũng thực hiện một số biện pháp tham vọng để ngăn buôn bán động vật hoang dã. Gabon đã cấm buôn bán và tiêu thụ dơi, tê tê vào tháng 3/2020. Việt Nam đã ngăn chặn việc nhập khẩu động vật hoang dã và ngừng vận chuyển động vật hoang dã giữa các tỉnh. Cuối tháng 8/2021, cơ quan lập pháp Hồng Kông thông qua dự luật coi buôn lậu động vật hoang dã là tội phạm có tổ chức, có nghĩa là những kẻ buôn lậu sẽ phải chịu các hình phạt khắc nghiệt hơn và nhà chức trách sẽ được phép tiến hành các cuộc điều tra chuyên sâu.

Ở cấp độ quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 4 đã yêu cầu các chính phủ ngừng buôn bán động vật có vú còn sống bị đánh bắt trong tự nhiên. Và 25 người đứng đầu chính phủ đang thúc giục WHO tạo ra một hiệp ước quốc tế về đại dịch dù hiệp ước này chủ yếu nhằm đối phó với việc triển khai vắc-xin và ngăn chặn sự lây lan bùng phát thành đại dịch.

Lieberman hy vọng WHO sẽ xem xét các biện pháp bảo vệ tại nguồn tốt hơn để ngăn chặn đại dịch từ đầu. “Đối với sức khỏe và bệnh tật, việc cấm tất cả sẽ có ý nghĩa hơn… Hãy nhìn vào Covid-19 với hàng triệu người chết và thiệt hại kinh tế tàn khốc. Tất cả các loài động vật hoang dã đều là một rủi ro”, cô nhấn mạnh.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Nguồn: