Hoa Kỳ hợp pháp hóa nuôi hổ thương mại?

Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo một dự thảo tài liệu do Hoa Kỳ tài trợ nhằm kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ dường như đang hợp pháp hóa việc nuôi hổ thương mại tại quốc gia này.

Hiện có hơn 8.000 cá thể hổ sống trong điều kiện nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nơi chúng bị nuôi nhốt và nhân giống với mục đích thương mại, bao gồm cả hoạt động chụp ảnh tự sướng với du khách và buôn bán trái phép xương, da cùng các bộ phận khác. Các cơ sở đã được ghi nhận về tốc độ sinh sản của hổ cái, hổ bị nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp, bị đánh thuốc mê để an toàn hơn khi tiếp xúc với du khách, chế độ dinh dưỡng không phù hợp khiến hổ gầy mòn hoặc béo phì. Đặc biệt, không ít cơ sở kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp tội phạm.

Nhiều nhà bảo tồn cảnh báo những “trang trại” hổ này nhằm mục đích sử dụng hổ làm hàng hóa và do đó cũng gây ra mối đe dọa cho 3.900 cá thể hổ còn lại trong tự nhiên vốn có nguy cơ bị giết bởi những kẻ săn trộm. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia về hổ và các chuyên gia buôn bán động vật hoang dã đã nỗ lực ngăn chặn các trang trại nuôi hổ cũng như hoạt động buôn bán các bộ phận của hổ nuôi trên thị trường chợ đen.

Tuy nhiên, một dự thảo hướng dẫn mới đây do Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ tài trợ và được chia sẻ với National Geographic đang làm dấy lên mối quan ngại rằng Hoa Kỳ dường như đang hợp pháp hóa nuôi hổ, theo các chuyên gia về buôn bán hổ bất hợp pháp.

Với tựa đề ban đầu là “Sổ tay hướng dẫn kiểm tra cơ sở vật chất nuôi hổ trong điều kiện nuôi nhốt”, tài liệu dựa trên tiền đề rằng một số hoạt động nuôi hổ thương mại được chấp nhận. Tiền đề này trái với các quy tắc đã được quốc tế thống nhất và làm suy yếu các nỗ lực loại bỏ dần các cơ sở như vậy. Hơn nữa, nhiều chuyên gia về hổ nói rằng họ đã không được tham vấn cho đến khi bản dự thảo được viết và các nhà khoa học đứng đầu dự án có ít chuyên môn về vấn đề nuôi hổ.

Gabriel Fava, cố vấn chính sách cấp cao tại Born Free Foundation, người đã xem xét tài liệu cho biết nội dung dự thảo “hoàn toàn không phù hợp” và “có những thành kiến ​​cố hữu”.

Debbie Banks, người đứng đầu chiến dịch chống tội phạm về hổ và động vật hoang dã tại Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) ở London cũng nhận xét: “Báo cáo thúc đẩy việc nuôi hổ thương mại như một chiến lược bảo tồn hợp lệ và điều đó là sai. Tài liệu này rất nguy hiểm vì thúc đẩy nuôi hổ”. Cũng theo Banks, không có cơ sở nào trong số những cơ sở này từng đưa hổ trở lại tự nhiên và họ cũng không thể thực hiện được điều đó vì những vấn đề về giao phối cận huyết, môi trường sống gần gũi với con người và hổ thiếu kỹ năng sinh tồn. Bà nói: “Những cơ sở đó không góp phần vào việc bảo tồn”.

Du khách xem hổ tại Công viên hổ Siberia (Trung Quốc) năm 2017 – nơi nuôi nhốt hổ lớn nhất thế giới. (Ảnh: Kevin Frayer, Getty Images)

Tiền đề sai 

Tài liệu được ủy quyền bởi Ban thư ký Công ước CITES, một hiệp ước toàn cầu được ký bởi 183 quốc gia thành viên quy định việc buôn bán qua biên giới đối với động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Theo hướng dẫn được đưa ra cho các tác giả thì dự thảo này là “một hướng dẫn xác minh/kiểm tra các cơ sở nuôi nhốt hổ” có tuân thủ các quy tắc quốc tế không.

Tuy nhiên, trong khi nhân giống cho các nỗ lực bảo tồn là mục đích duy nhất được chấp nhận theo quy định năm 2007 của CITES thì thực tế hổ lại bị nuôi nhốt vì mục đích thương mại. Tài liệu dự thảo đã dựa trên ý tưởng rằng việc nuôi hổ thương mại là có thể chấp nhận được, trong đó ngay dòng mở đầu đã tuyên bố: “Nuôi hổ để triển lãm cho công chúng hoặc để bảo tồn đều được thừa nhận rộng rãi là mục đích hợp pháp”.

Sue Lieberman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) có trụ sở tại New York cho biết điều đó đơn giản là không đúng. “CITES đã tuyên bố mạnh mẽ rằng hổ chỉ nên được nuôi cho mục đích bảo tồn nhưng tài liệu này lại nói việc trưng bày là tốt, và nếu công chúng muốn xem nhiều hổ hơn thì thực sự tốt để nuôi nhiều hơn”, Lieberman, người làm việc về các vấn đề CITES tại Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã trong hơn một thập kỷ, kể cả với tư cách là Chánh văn phòng chịu trách nhiệm về các vấn đề khoa học liên quan đến việc thực hiện CITES khẳng định.

Theo Banks, bất chấp các quy định năm 2007, các trang trại nuôi hổ ở một số quốc gia vẫn phát triển. Đây cũng là lý do mà năm 2016 và năm 2019, các nước thành viên CITES đã thông qua quyết định tiến hành các nhiệm vụ điều tra đối với “các cơ sở có thể gây lo ngại khi nuôi nhốt loài mèo lớn châu Á”. Mục đích là để xác định xem CITES có cần hành động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như ban hành các biện pháp trừng phạt thương mại để khuyến khích một số quốc gia đóng cửa các trang trại nuôi hổ thương mại. Năm 2018, một báo cáo đã xác định 7 quốc gia với 66 cơ sở đáng lo ngại như vậy bao gồm những quốc gia dường như đang nuôi hổ trên cơ sở thương mại mà không mang lại lợi ích rõ ràng cho việc bảo tồn và những quốc gia liên quan đến buôn bán bất hợp pháp.

Để hỗ trợ các nhiệm vụ điều tra, Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật hoang dã đã quyên góp 30.000 đô la nhưng khi đại dịch ngăn cản các chuyến đi thực địa, cơ quan này đồng ý rằng nguồn quỹ có thể được sử dụng cho các hoạt động khác, bao gồm việc phát triển các hướng dẫn kiểm tra đối với các cơ sở nuôi hổ, theo Francisco Pérez, nhân viên hỗ trợ chương trình tại CITES. Ban thư ký CITES đã ký hợp đồng với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) để nghiên cứu và viết hướng dẫn.

IUCN đã không trả lời các câu hỏi về nội dung của hướng dẫn.

Còn về phía mình, ngay khi được tham vấn dự thảo, đầu tháng 7, một số tổ chức phi lợi nhuận đã lập tức bày tỏ lo ngại và ít nhất hai cơ quan là EIA và Born Free Foundation đã yêu cầu xóa tên của họ khỏi phần xác nhận. Sáu ngày sau, Pamela Scruggs, lãnh đạo văn phòng Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật hoang dã, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện Công ước CITES tại Hoa Kỳ thừa nhận với một số tổ chức phi lợi nhuận rằng “quá trình thực hiện hướng dẫn khiến một số bên lo ngại và chúng tôi đang tìm hiểu các lựa chọn để khắc phục hoặc cải thiện tình hình” nhưng chưa rõ biện pháp khắc phục nào có thể được xem xét.

Bất cập trong việc lựa chọn chuyên gia

Người phát ngôn National Geographic cho biết các quan chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vốn từ lâu đã phản đối các trang trại nuôi hổ nhưng họ chỉ được thông báo về sự tồn tại của bản dự thảo sau khi tài liệu này được chia sẻ với các tổ chức phi lợi nhuận. “Bản dự thảo được chia sẻ với các tổ chức phi chính phủ có những sai sót nghiêm trọng và sai sót thực tế, đi ngược lại với những nỗ lực của Hoa Kỳ và quốc tế nhằm chống lại nạn buôn bán hổ”, vị này cho biết.

Nhiều người khác bao gồm các nhà khoa học về hổ và các chuyên gia buôn bán hổ nói rằng họ cũng bị loại khỏi quy trình soạn thảo. Nhóm chuyên gia về mèo của IUCN bao gồm các nhà khoa học tập trung vào việc bảo tồn các loài mèo hoang dã cũng không được tham vấn từ đầu và không được mời làm đồng tác giả. Thay vào đó, chuyên môn chính của ba trong số bốn tác giả được ủy nhiệm thực hiện dự án là về bò sát, theo thông tin từ Kristin Nowell, thành viên Nhóm chuyên gia về mèo của IUCN và là cơ quan hàng đầu về hổ và buôn bán hổ cho biết.

Daniel Natusch, tác giả cao cấp của báo cáo và là chủ tịch nhóm chuyên gia về trăn của IUCN giải thích trong một email gửi tới các tổ chức phi lợi nhuận rằng trước đây ông đã phát triển một hướng dẫn kiểm tra chung hơn đối với các cơ sở nuôi nhốt cho IUCN. “Cá nhân tôi không làm nhiều việc về hổ, vì vậy không có cảm xúc gắn bó với con vật hoặc vấn đề. Tôi tin rằng đây là một thế mạnh”, ông khẳng định.

Đáng chú ý là dự thảo lại được giao cho Kirsten Conrad, thành viên nhóm chuyên gia về sinh kế và sử dụng bền vững của IUCN phụ trách chính nhằm thúc đẩy việc sử dụng bền vững và buôn bán động vật hoang dã. Conrad đã bày tỏ quan điểm nuôi và buôn bán hổ trong hơn một thập kỷ. Conrad lập luận rằng các lệnh cấm buôn bán đã khiến hổ đáng chết hơn sống, vì vậy việc hợp pháp hóa buôn bán các bộ phận của hổ nuôi nên được coi là biện pháp cứu trợ hổ hoang dã – điều mà Banks và những người khác không đồng tình.

Một đồng tác giả khác của dự thảo là Hank Jenkins cũng ủng hộ buôn bán hổ. Ngoài ra, còn Jessica Lyons, thành viên của nhóm sử dụng bền vững IUCN là đồng tác giả thứ tư. Không ai trong số các tác giả trả lời yêu cầu bình luận từ National Geographic. IUCN cũng không cung cấp thông tin về tiêu chí lựa chọn các tác giả này và cơ quan IUCN nào tham gia vào quá trình ra quyết định.

Matthias Fiechter, phát ngôn viên của IUCN viết trong email cho biết IUCN đang làm việc với Ban thư ký CITES để xác định các bước tiếp theo.

Không chỉ bất cập trong việc lựa chọn chuyên gia, quá trình thực hiện dự thảo còn cố tình thu hẹp phạm vi tham vấn và cho thấy sự thiếu hiểu biết về hổ cũng như cách giám sát chúng. Đầu tháng 7, dự thảo chỉ được gửi tham vấn các vườn thú chọn lọc, các chuyên gia của IUCN, các quan chức từ 7 quốc gia có các cơ sở nuôi hổ và 5 tổ chức phi lợi nhuận: WWF, WCS, Born Free Foundation, EIA và Species Survival Network. Các tiêu chí để chọn 5 tổ chức này và loại trừ những nhóm khác làm việc chặt chẽ về hổ, buôn bán hổ và trang trại nuôi hổ không được nêu rõ ràng. Natusch đã mời đại diện 5 nhóm gửi nhận xét tổng hợp trong vòng 6 ngày, tuy nhiên, Natusch khẳng định trong email gửi National Geographic rằng “việc đưa các nhận xét, đề xuất của các tổ chức vào dự thảo cuối cùng sẽ không được đảm bảo”.

Một vấn đề khác cũng khiến các chuyên gia lo ngại là dự thảo kêu gọi các thanh tra viên kiểm đếm số lượng hổ có mặt “để xác định có bao nhiêu cá thể hổ được cơ sở nuôi giữ, bao nhiêu cá thể đã chết và/hoặc được bán/xuất khẩu kể từ lần kiểm tra gần đây nhất”. Banks và các chuyên gia cho rằng việc chỉ đếm số lượng hổ là không đủ để theo dõi chúng. Nếu một cơ sở giết mổ một cá thể hổ để lấy các bộ phận của nó, cơ sở đó có thể thay thế nó bằng một cá thể hổ khác có cùng độ tuổi và các thanh tra viên đang có thể không biết được điều này. Lieberman thậm chí nói thẳng rằng: “việc chỉ đếm các cá thể về cơ bản là một cẩm nang về cách “rửa” hổ. Nó thực sự cho thấy sự thiếu chuyên môn”.

Tài liệu cho rằng các vi mạch và thẻ gắn tai có thể ngăn chặn việc hoán đổi hổ không được ghi chép, nhưng đại diện WCS là Scott Roberton đã lưu ý trong các nhận xét gửi cho các tác giả rằng thẻ gắn tai thường bị xé khi hổ được nhốt chung. Một số cơ sở cũng bị bắt quả tang tháo vi mạch từ những con hổ đã chết, có thể với ý định tái sử dụng chúng. Thay vào đó, phân tích ADN là chìa khóa để theo dõi những gì xảy ra với động vật. Ví dụ, hồi tháng 3, Công viên và trang trại hổ Mukda ở Thái Lan – cơ sở bị tố giác liên quan đến buôn bán bất hợp pháp – đã bị đóng cửa sau khi xét nghiệm ADN trên 6 cá thể hổ con cho thấy không có cá thể nào được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt.

Roberton nhấn mạnh ADN đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ các cuộc điều tra của cơ quan thực thi pháp luật đối với các bộ phận và động vật bị săn trộm. Bên cạnh đó, cần thực hiện các cuộc thanh kiểm tra đột xuất chứ không phải như dự thảo quy định là các thanh tra viên “nên liên hệ với các chủ cơ sở và/hoặc người quản lý để xác nhận thời gian thanh tra”.

Pérez, nhân viên CITES đã không trả lời các câu hỏi tiếp theo về việc dự thảo sẽ được sửa đổi như thế nào trước nhận xét và phê bình của các chuyên gia hoặc về cách thức xuất bản tài liệu nếu có.

Ý Nhi (Theo nationalgeographic)

Nguồn: