Căn bản về tái hoang dã

Xã hội của chúng ta ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp xuyên biên giới như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, khủng hoảng kinh tế, du lịch đại trà. Ở khía cạnh này, các quốc gia ngày càng quan tâm đến việc bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa của mình. Các chiến lược bảo tồn hiện tại là chưa đủ, sự suy giảm 60% số lượng động vật có xương sống kể từ năm 1970 là đáng báo động. Trong cái gọi là “thập kỷ phục hồi hệ sinh thái” này, chúng ta cần vượt ra ngoài việc bảo vệ thiên nhiên để hướng tới phục hồi hệ sinh thái và do đó nên bắt đầu tư duy về môi trường sống của chúng ta sẽ trông như thế nào trong tương lai. Khái niệm “tái hoang dã” gần đây đã được đưa ra như một cách sáng tạo để đối mặt với những thách thức này. Khái niệm này vạch ra cách để thoát khỏi nỗi sợ hãi sinh thái miêu tả xã hội của chúng ta là một xã hội chắc chắn đang tàn phá thiên nhiên. Do đó khiến mọi người không thể nỗ lực cải thiện điều kiện khí hậu. Tái hoang dã trao quyền cho tất cả mọi người và nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc có thể làm để làm xanh lại hành tinh của mình. Các tài liệu về tái hoang dã đang tăng nhanh trên toàn thế giới nhưng thường gây nhiều tranh cãi. Một số tranh cãi đó sẽ được nêu ra trong bài viết này.

Tầm nhìn của tái hoang dã là quay ngược lịch sử và tái thiết các hệ sinh thái trong quá khứ bằng cách thu hút các bên liên quan thông qua nền kinh tế dựa vào thiên nhiên và thuyết phục các nhà hoạch định chính sách về lợi nhuận kinh tế.

Tái hoang dã là gì?

Thuật ngữ tái hoang dã có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và ban đầu được gọi là 3C – Cores, Corridors and Carnivores hay là Vùng lõi, Vùng hành lang và Động vật ăn thịt. Thuật ngữ này phát triển trong những năm gần đây theo hướng tái thả các loài động vật lớn với mục tiêu chính là khôi phục các quá trình tự nhiên để thúc đẩy các hệ sinh thái duy trì đa dạng sinh học mà có ít hoặc không cần sự quản lý liên tục của con người. Thêm vào đó, định nghĩa này còn bổ sung khía cạnh “tự nhiên nhất có thể trong giới hạn vật chất và xã hội”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Grote Netewoud, Bỉ (Ảnh: rewildingeurope.com)

Tại sao có khái niệm này? Tái hoang dã có phải là một quan điểm “tiến hóa” về phục hồi đa dạng sinh học không?

Ngày nay, cứ 5 người châu Âu thì có 4 người sống ở khu vực thành thị. Điều này đi đôi với việc đất đai bị bỏ hoang, nhiều tác động kinh tế – xã hội lên những khu vực đã bị biến thành “cận biên” này và mất đa dạng sinh học. Hơn nữa, những mảnh cảnh quan chắp vá chứa nhiều đa dạng sinh học (ví dụ như chim, côn trùng) đang biến mất và nhường chỗ cho những cảnh quan phân cực với chế độ độc canh hoặc rừng khép tán. Chúng ta có thể xoay chuyển tình trạng xuống cấp của cảnh quan châu Âu không? Tái hoang dã được xem như một câu chuyện bảo tồn mới bắt đầu từ việc nhận ra rằng đa dạng sinh học không bắt nguồn từ việc con người chúng ta kiểm soát thiên nhiên trong cảnh quan trồng trọt mà từ các quá trình tự nhiên diễn ra trong thiên nhiên hoang dã với sự can thiệp tối thiểu của con người. Những cảnh quan như vậy được đặc trưng bởi tính không đồng nhất của môi trường sống, sự đa dạng về cấu trúc, mức độ gia tăng sự phong phú và giàu có của loài. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có còn đủ đất để “thuận tự nhiên”, đồng thời đáp ứng nhu cầu của con người như sản xuất lương thực hay không?

Tái hoang dã có phải là câu chuyện cổ tích?

Tái hoang dã là một loạt các hoạt động và thay đổi cảnh quan, trong đó mục tiêu cuối cùng là đưa các loài hoang dã trở lại. Tuy nhiên, đây không phải là cách tiếp cận tái hoang dã duy nhất và không phải là đại diện duy nhất cho sự thành công của việc tái hoang dã.

Tái hoang dã dựa trên 5 nguyên tắc chính:

Đầu tiên, hướng đến thiên nhiên hoang dã hơn bằng cách khôi phục các điều kiện tự nhiên và từ đó giúp cho các quá trình tự nhiên diễn ra. Ví dụ, hãy nghĩ về việc phục hồi sông ngòi, tái ngập lụt, dỡ bỏ đập, chăn thả tự nhiên, phục hồi các vùng đất than bùn, tái sinh rừng.

Thứ hai, cho phép các loài quay trở lại và phục hồi mạng lưới thức ăn. Điều này thường tự xảy ra khi có nhiều vùng hoang dã hơn hoặc thông qua việc tái thả các loài.

Thứ ba, nền kinh tế dựa vào thiên nhiên ở địa phương với các mô hình kinh doanh mới, khả năng tiếp cận thị trường và cơ hội tài chính cho các doanh nhân và doanh nghiệp địa phương.

Thứ tư, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái hoang dã và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, từ người dân đến các nhà hoạch định chính sách. Tái hoang dã mang lại nhiều lợi ích xã hội như mang lại cho các khu vực cận biên, suy thoái một bản sắc mới và trao quyền cho cộng đồng.

Cuối cùng là việc mở rộng quy mô tái hoang dã – đây cũng là một trong những thách thức chính. Không phải tất cả các nguyên tắc đều cần phải được đáp ứng thì việc tái hoang dã mới được gọi là thành công. Việc mở rộng quy mô phụ thuộc vào môi trường tự nhiên cũng như sự chấp nhận của xã hội về mức độ hoang dã mà chúng ta mong muốn. Một số học giả phản đối quan điểm này và tuyên bố rằng việc tái hoang dã thiên nhiên rõ ràng là một cách tiếp cận lấy động vật làm trung tâm.

“Hoang dã” có nghĩa là không có con người?

Mối quan hệ giữa tái hoang dã và con người có nhiều nghịch lý. Đầu tiên, đã có những lo ngại rằng việc “tái hoang dã” có nghĩa là loại trừ con người khỏi cảnh quan. Với sự gia tăng dân số, mở rộng đô thị và thiếu đất sản xuất như hiện nay sẽ khiến việc tái hoang dã trở thành nỗ lực vô ích. Do đó, một số học giả kêu gọi tập trung vào các phương pháp bảo tồn khác. Mặt khác, những người ủng hộ tái hoang dã cho rằng việc tái hoang dã có nghĩa là phục hồi những vùng đất cận biên, bị suy thoái bằng cách cho phép mọi người làm việc trong và với cảnh quan tái hoang dã, chẳng hạn như thực hiện nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc con người tiếp xúc với không gian xanh và tự nhiên sẽ làm giảm mức độ căng thẳng, tăng cảm xúc tích cực, chức năng nhận thức, hoạt động thể chất. Ngược lại, có quan niệm cho rằng việc tái hoang dã là mối đe dọa đối với con người thông qua các xáo trộn tự nhiên, tranh giành đất đai hoặc do động vật phá hoại mùa màng và giết chết vật nuôi. Vậy, liệu thiên nhiên hoang dã có phải là mối đe dọa đối với cuộc sống và sinh kế của con người hay nó là nơi ẩn náu yên bình?

Ảnh minh hoạ: planetwild.com

Đánh đổi giữa việc để thiên nhiên dẫn dắt và sự can thiệp của con người để khôi phục các quá trình tự nhiên

Việc thả lại động vật vào tự nhiên có thể được coi là một hình thức can thiệp và kiểm soát cực đoan của con người đối với hệ sinh thái cảnh quan. Đó là một tầm nhìn mâu thuẫn có thể gây nhầm lẫn. Chúng ta có thể tiến bao xa trong việc can thiệp vào các quá trình tự nhiên? Điều quan trọng ở đây trước tiên là phải hiểu chức năng của hệ thống hiện tại, để đánh giá phần nào của chuỗi thức ăn sẽ tự phục hồi kịp thời và phần nào sẽ luôn bị thiếu (ví dụ: động vật ăn thịt ở đỉnh tháp năng lượng) và do đó, sự can thiệp của con người là không thể thiếu. IUCN có các hướng dẫn về tái thả loài để làm rõ những quá trình sinh thái nào quan trọng đến mức việc thay thế một số loài nhất định bằng các loài tương tự được chấp nhận.

Điều quan trọng là thu hút mọi người tham gia vào những thảo luận về tái hoang dã hay chúng ta nên tập trung vào các luật và quy định dựa trên dữ liệu định lượng cho chúng ta biết chúng ta cần phải bảo vệ cái gì và bằng các nào? Hiện nay quan điểm đang khá chia rẽ. Bởi chúng ta sống trên hành tinh con người nên chúng ta không thể bỏ qua vai trò của con người trong việc phục hồi thiên nhiên. Thay vì quay lưng lại với con người, có học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự tham gia của con người vào việc phục hồi thiên nhiên. Họ cho rằng việc tạo ra một câu chuyện môi trường mới cũng nằm trong DNA văn hóa của chúng ta, mang lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa, thúc đẩy chúng ta hành động và ảnh hưởng đến các phản hồi khoa học và chính sách. Ý kiến của họ là: “Chúng ta cần tìm ra những cách mới để chung sống với các loài hoang dã nhằm tạo điều kiện cho chúng quay trở lại”.

Có phải “tái hoang dã” chỉ là khái niệm khác của phục hồi sinh thái?

Có phải tái hoang dã chỉ là vỏ bọc ngôn từ khác của phục hồi sinh thái hay đó thực sự là hiện tượng mới? Quan điểm cũng rất chia rẽ. Các nhà phê bình cho rằng sự mơ hồ của các thuật ngữ bảo tồn, phục hồi sinh thái và tái hoang dã ngăn cản hoạt động khoa học và hoạch định chính sách hiệu quả. Hơn nữa, các định nghĩa chồng chéo như: tái hoang dã Pleistocene, tái hoang dã đảo, tái hoang dã chuỗi thức ăn, tái hoang dã chức năng, tái hoang dã thụ động, tái hoang dã sinh thái, tái hoang dã sinh học và tái hoang dã phi sinh học đều phản tác dụng vì chúng dẫn đến việc phân bổ tài nguyên không hiệu quả và rời rạc, mà đúng ra cần được hướng tới các dự án phục hồi sinh thái và những cơ hội hợp tác bị bỏ lỡ. Ngoài ra, sự mơ hồ khiến các khái niệm có xu hướng “tẩy xanh”, cho phép các quyết định bảo tồn kém được che đậy bởi một thuật ngữ phổ biến. Mặt khác, các định nghĩa rộng và bao quát sẽ gây nhầm lẫn trong hành động và kết quả dự kiến. Ví dụ, việc phục hồi sinh thái tập trung vào việc tạo ra các hệ thống sinh thái xã hội trong khi tái hoang dã lại cố gắng hạn chế sự can thiệp của con người. Vì vậy, chúng ta còn câu hỏi cần thảo luận: Chúng ta có nên chấp nhận một thuật ngữ mới nhưng cần đảm bảo sự rõ ràng và được áp dụng rộng rãi hay chúng ta nên đầu tư thời gian và nguồn lực vào một khái niệm như phục hồi thiên nhiên đã được chấp nhận rộng rãi và đang có nhiều sự ủng hộ?

Tái hoang dã có yêu cầu diện tích lớn không? Tái hoang dã có cạnh tranh với đất nông nghiệp?

Một số học giả cho rằng việc “tái hoang dã” là không thực tế do tình trạng thiếu đất nông nghiệp hiện nay và sự gia tăng dân số. Những người khác cho rằng tái hoang dã tập trung vào những vùng đất khó sản xuất lương thực. Vấn đề ở đây là những khu vực cận biên, năng suất thấp này được trợ cấp rất nhiều bởi Thỏa thuận Xanh của EU, theo đó khuyến khích người dân áp dụng các hoạt động nông nghiệp dựa trên mục tiêu kinh tế, không bền vững. Có thể minh họa như sau: Một người nông dân nhận tiền từ EU để dựng hàng rào quanh mảnh đất của mình, dọn đá khỏi ruộng, cày đất trồng trọt hoặc dọn bỏ toàn bộ cây bụi. Do đó, nông dân thực hiện các hoạt động này ngay cả khi họ không trồng trọt gì trên đất của mình. Họ sẽ đi theo nơi tiền dẫn dắt. Bằng cách này, chính sách của EU khuyến khích thâm canh nông nghiệp quá mức để đáp ứng nhu cầu nhân tạo do trợ cấp tạo ra. Việc tăng cường trồng trọt và chăn nuôi đã dẫn đến nạn phá rừng và suy thoái đất hơn nữa, đồng thời thúc đẩy các hệ thống không hiệu quả về mặt kinh tế và khiến nó trở thành một cuộc tranh chấp không bình đẳng giữa các mục đích sử dụng đất. Nói cách khác, nếu người dân không nhận được những khoản trợ cấp này thì (trong một số trường hợp) đất đó sẽ sẵn sàng cho các dự án tái hoang dã. Một số học giả kết luận rằng mức trần hiện tại khiến Thỏa thuận Xanh có hiệu quả, nhưng vì lợi ích của tự nhiên, chúng ta cần bãi bỏ chính sách này. Cuộc tranh luận này chạm đến những tranh cãi xung quanh quy mô. Có học giả lập luận: “Tái hoang dã cần quy mô”, “chúng ta cần phải rời xa những hòn đảo hy vọng trong biển khổ”, nói cách khác, tái hoang dã cần phải mở rộng quy mô và do đó tái hoang dã phải trở thành một phương thức sử dụng đất có tính cạnh tranh. Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng tái hoang dã cần không gian rộng lớn là một quan niệm sai lầm: Bạn có thể tái hoang dã vườn tược, thành phố, cảnh quan và thậm chí cả đại dương. Tuy nhiên, việc tạo ra các quá trình hoang dã và tự nhiên trong bối cảnh thành phố vẫn còn gây tranh cãi. Chúng ta có thể kết luận rằng tái hoang dã không phải là một câu chuyện có hay không, nó đúng hơn là về tính quy mô. Ý tưởng là nâng quy mô đó lên hướng tới mức cảnh quan được tái hoang dã.

Tái hoang dã và quá trình hoạch định chính sách

Ở châu Âu, các khu vực tái hoang dã thường được bảo vệ pháp lý gián tiếp thông qua Chỉ thị về Môi trường sống và Chim, do đó được đề cử là khu vực thuộc danh lục Natura 2000. Tuy nhiên, nhu cầu liên kết chương trình nghị sự về khí hậu và đa dạng sinh học của châu Âu với tái hoang dã ngày càng tăng, vì nếu chỉ bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên của châu Âu là không đủ để ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học hoặc làm chậm biến đổi khí hậu. Các khu bảo tồn hiện nay đã xuống cấp và không thể hỗ trợ để quần thể động vật hoang dã phát triển mạnh, mạng lưới thức ăn phức tạp hoặc hệ sinh thái hoạt động đầy đủ. Điều này có nghĩa là các khu vực này không thể cung cấp những lợi ích mà người châu Âu dựa vào, chẳng hạn như không khí sạch, nước ngọt và lưu giữ carbon trong khí quyển. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có chính sách tái hoang dã cụ thể nào. Chúng ta cần một nhóm vận động hành lang để thúc đẩy các nguyên tắc tái hoang dã bằng cách xây dựng mục tiêu tích cực đầy tham vọng là tăng cường vùng hoang dã trên toàn cầu vào năm 2030. Chúng ta cần công nhận rằng tái hoang dã là một cách tiếp cận chính trong phục hồi sinh thái và ghi nhận những đóng góp của cách tiếp cận trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, chủ yếu là những mục tiêu liên quan đến biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chúng ta cần gì từ các nhà hoạch định chính sách để tái hoang dã đạt hiệu quả?

Chúng ta cần cam kết từ cấp quốc gia, cấp lục địa và cấp địa phương. Các chính sách bảo tồn và quản lý cảnh quan hiện tại không cung cấp đủ cơ hội để thực hiện tái hoang dã trên quy mô lớn hơn. Nhiều học giả nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi thể chế. Ngoài ra, các chính trị gia phải nhận ra tiềm năng của tái hoang dã và nhu cầu tài chính để thực hiện tái hoang dã. Ví dụ, trong thời kỳ hậu COVID 19, rất nhiều tiền của EU được chuyển đến các quốc gia thành viên. Một số phần trong đó cũng có thể được sử dụng để phục hồi thiên nhiên.

Tái hoang dã và kinh tế học

Frans Schepers, Giám đốc của tổ chức Tái hoang dã châu Âu, cho rằng: “Đã từ lâu, công tác bảo tồn thiên nhiên phụ thuộc vào ngân sách công và các nhà tài trợ. Chúng ta cần sự tham gia của thị trường tài chính”.

Các dự án phục hồi rừng cần mang lại sự thay đổi trong nền kinh tế địa phương bằng cách tận dụng di sản thiên nhiên mà không làm cạn kiệt tài nguyên. Cần có các mô hình kinh doanh mới cho phép các công ty được hưởng lợi từ việc mở rộng thiên nhiên và khuyến khích các sáng kiến và đầu tư vào thị trường dựa vào thiên nhiên. Hơn nữa, để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách, phải đưa ra một phép tính kinh tế; hiệu quả chi phí của tái hoang dã cao hơn so với các nỗ lực bảo tồn hoặc phục hồi sinh thái khác. Tái hoang dã mang đến cơ hội tiếp tục hỗ trợ thiên nhiên mà không làm tăng nợ chính phủ.

Tái hoang dã hoạt động như thế nào? Cần làm những gì?

Chúng ta có nên bắt đầu tái hoang dã từ tầng dưới cùng của tháp năng lượng không? Bắt đầu với các loài thụ phấn và côn trùng quan trọng, đồng thời tiến lên theo chuỗi đối với động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt lớn với mục tiêu cuối cùng là các loài thú chủ chốt như bò rừng? Nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy bức tranh trái ngược nhau.

Có người cho rằng không phải động vật săn mồi kiểm soát con mồi mà ngược lại, nên việc đưa những loài như ngỗng, gà con sẽ dụ sói đến một khu vực. Mặt khác, nếu những loài săn mồi không được tái thả vào một khu vực, có khả năng quần thể động vật ăn cỏ sẽ không được kiểm soát, như đã xảy ra ở Oostvaardersplassen, nơi thiếu những loài săn mồi như chó sói dẫn đến tình trạng dư thừa hươu, ngựa và gia súc, cuối cùng dẫn đến tình trạng suy thoái cảnh quan và nạn đói của những loài động vật này. Vì vậy, việc tái thả các loài động vật có móng guốc đòi hỏi phải có đủ các loài săn mồi để giữ cho hệ sinh thái được cân bằng. Các câu hỏi có thể được đặt ra về khả năng tiếp cận của các loài săn mồi và các khía cạnh đạo đức của việc thay thế các loài chủ chốt đã tuyệt chủng bằng các loài tương tự về mặt sinh thái?

Xác động, thực vật rải rác khắp cảnh quan Oostvaardersplassen, Hà Lan (Ảnh: Utrecht Robin/Action Press/Rex Shutterstock)

Liệu việc thay thế các loài chủ chốt đã tuyệt chủng bằng các loài tương tự sinh thái có được chấp nhận về mặt khoa học và đạo đức không?

Các nhà khoa học cho rằng chúng ta không có đủ kiến thức về kết quả có thể xảy ra của tái hoang dã và do đó tái hoang dã thực ra là một thí nghiệm sinh thái lớn. Có chuyên gia không đồng ý và cho rằng cách đo lường tính hoang dã đang được phát triển. Đo lường các quá trình sinh thái thay vì chỉ sự hiện diện của các loài là con đường phía trước. Để làm được điều này, cần theo dõi bốn khía cạnh của tái hoang dã. Thứ nhất, các hành động tái hoang dã cần được kiểm chứng bằng cách sử dụng điểm số tái hoang dã. Thứ hai, cần xem xét ba quá trình chính: xáo trộn tự nhiên, phân tán động vật và độ phức tạp dinh dưỡng – đây là các biểu thị tính toàn vẹn sinh thái và có thể dẫn đến việc tái tổ chức, tái cấu hình hệ sinh thái và tăng độ phức tạp của hệ sinh thái. Khía cạnh quan trọng thứ ba xác định sự thành công của tái hoang dã là tính không đồng nhất của môi trường sống, được đặc trưng bởi sự phối hợp cảnh quan, sự đa dạng về cấu trúc và môi trường sống vi mô. Cuối cùng, chúng ta cần giám sát đa dạng sinh học – được xác định bằng sự gia tăng về độ phong phú và giàu có của loài bằng cách sử dụng chỉ số sống của hành tinh, thang đo độ phong phú trung bình loài hoặc bằng cách sử dụng phương pháp tác động kiểm soát trước-sau.

Kết luận: Chúng ta có thể tái hoang dã thế giới không?

Tái hoang dã là một cách tiếp cận liên ngành với các khía cạnh sinh học, chính trị, kinh tế và xã hội. Khái niệm này tạo nên một phương pháp tổng hợp, toàn diện, có thể thu hút sự hỗ trợ từ nhiều góc độ, nhưng đây cũng là yếu tố hạn chế của nó.

Các yếu tố hạn chế đầu tiên đối với tái hoang dã nằm ở tài chính và chính trị. Như đã đề cập ở trên, các khoản trợ cấp sai lầm của EU  khuyến khích mọi người lựa chọn các phương pháp nông nghiệp không bền vững, dựa trên mục tiêu kinh tế và cản trở tái hoang dã trở thành một hình thức sử dụng đất mang tính cạnh tranh. Giới hạn hiện tại khiến Thỏa thuận Xanh có hiệu lực, nhưng về bản chất, chúng ta phải bãi bỏ giới hạn – Frans Schepers lập luận. Quan điểm này được chia sẻ bởi một số người khác. Chính sách của châu Âu khuyến khích thâm canh nông nghiệp quá mức để đáp ứng nhu cầu nhân tạo do trợ cấp tạo ra. Việc tăng cường thâm canh cây trồng và chăn nuôi đã dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái đất hơn nữa. Các nhà hoạch định chính sách của EU nên xem xét loại bỏ chính sách hỗ trợ thu nhập vì lợi ích quản lý môi trường tốt hơn và đổi mới nhiều hơn. Hơn nữa, cần có sự tham gia của các nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tài chính vào các dự án tái hoang dã – chẳng hạn như thông qua việc phát triển các cơ chế tài chính thông minh như tín dụng tái hoang dã, tài trợ thương mại, trái phiếu xanh để mở rộng quy mô.

Thứ hai, xã hội chúng ta cần một sự thay đổi tư duy về bản chất thiên nhiên là gì và thiên nhiên có thể hoặc nên như thế nào; thiên nhiên hoang dã trong thế kỷ 21 sẽ ra sao? Hầu hết những chỉ trích đều dựa trên các hành động tái hoang dã không xem xét đến sự chấp nhận và lợi ích của xã hội nhưng việc bảo tồn thiên nhiên có thể được gắn kết với nền kinh tế và xã hội hiện đại. Để có được sự ủng hộ và chấp nhận cần thiết, cần phải thể hiện rõ ràng liệu tái hoang dã mang lại lợi ích như thế nào cho con người, đảm bảo tái hoang dã không cản trở sự phát triển kinh tế và thực sự đóng góp vào khôi phục đa dạng sinh học.

PV (Nguồn: Illuminem)

Nguồn: