Để máu thú rừng thôi chảy

Loạt bài “Máu thú rừng vẫn chảy” đăng tải trên Báo Lao Động đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Chúng tôi trân trọng đăng tải bài viết của ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Chủ tịch Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam về vấn đề này.

Nhiều loại động vật hoang dã bị giết hại, khiến cho đa dạng sinh học bị đe dọa trầm trọng. Ảnh: PV Lao Động

Sau loạt bài về tàn sát thú rừng ở Tây Nguyên trên Báo Lao Động

Vấn nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã vẫn đang diễn ra ở mức độ đáng báo động ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên như Báo Lao Động phản ánh.

Đừng ngạc nhiên khi những khu rừng dần lặng tiếng chim và dấu vết muông thú! Hiện trạng này cho thấy một điều: Những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của chúng ta vẫn còn chưa đủ để bảo vệ thế giới hoang dã. Nguy cơ rất nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam sẽ biến mất là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai rất sớm.

Tôi nghĩ rằng thông điệp bảo vệ thiên nhiên ở nhiều nơi vẫn thiên về giữ rừng hơn là bảo vệ hệ sinh thái và các loài hoang dã sinh sống trong đó. Nhiều chủ trương, chính sách vẫn chú trọng chủ yếu đến những con số như độ che phủ, diện tích rừng.

Nhưng rừng chỉ là rừng rỗng, rừng lặng nếu không có các loài chim chóc, muông thú,… hoang dã sinh sống trong đó. Độ che phủ cao nhưng không còn giữ được đa dạng sinh học thì hệ sinh thái rừng đó đã bị suy giảm nhiều chức năng sinh thái quan trọng phục vụ lợi ích tự nhiên cũng như con người. Nhiều khu bảo tồn hiện nay thậm chí chỉ còn chiếc vỏ là tên gọi khi rừng bị suy thoái trầm trọng, đa số giá trị đa dạng sinh học đã bị bóc lột đến tận cùng.

Để máu thú rừng thôi chảy

Máu thú rừng vẫn chảy – Tiếp lửa cho các “vệ sĩ” của rừng

Thu giữ nhiều “hàng rừng” quý hiếm tại nhà trùm buôn thú rừng sau loạt bài của Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy: Cục Kiểm lâm vào cuộc theo điều tra của Báo Lao Động

Máu thú rừng vẫn chảy – Những cuộc “truy sát” dưới tán rừng

Máu thú rừng vẫn chảy – Ngang nhiên xẻ thịt, thui vàng

Máu thú rừng vẫn chảy – Trang trại trá hình và những “lộ trình” của thú hoang về phố

Máu thú rừng vẫn chảy – Hốt bạc nghề “đóng mở tủ đông”

Các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép đã thu gom hàng rừng từ thợ săn, làm sạch rồi cấp đông, bán cho khách. Ảnh: PV lao Động

Những phản ánh của Báo Lao Động cho thấy đang có nhiều thách thức và vấn đề trong việc thực thi pháp luật ở các địa phương. Câu hỏi chính liên quan đến việc phối hợp giữa các lực lượng thực thi chức năng chủ chốt: Kiểm lâm, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường trong xử lý các hành vi từ săn bắt động vật hoang dã cho đến khi các sản phẩm được buôn bán, tiêu thụ trên thị trường.

Ở những địa phương có sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền trong việc chỉ đạo, thúc đẩy sự phối hợp liên ngành, vấn nạn này sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Đã đến lúc không thể biện minh cho các hành vi săn bắt động vật hoang dã với lý do đói nghèo, phục vụ nhu cầu lương thực tại chỗ. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng lợi nhuận là động lực lớn nhất dẫn đến việc nhiều người tham gia vào chuỗi cung ứng những mặt hàng trái phép này.

Ngoài ra, Việt Nam chúng ta cũng đã đẩy lùi nạn đói nghèo diện rộng. Tuy vậy, việc xử lý, trừng phạt các hành vi liên quan nên tập trung vào những kẻ đứng đằng sau việc thúc đẩy săn bắt, buôn bán các loài hoang dã. Xóa bỏ được các đường dây tổ chức săn bắt, buôn bán mới có thể góp phần ngăn chặn sự chảy máu tài nguyên ở các địa phương. Nếu chỉ tập trung vào những mắt xích nhỏ lẻ sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực và ít hiệu quả.

Một thách thức lớn nữa đó là hiện trạng bẫy chim thú tràn lan khắp các khu rừng ở Việt Nam. Ở nhiều khu bảo tồn hàng năm thu về hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn chiếc bẫy. Kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng gỡ bẫy đến “mỏi tay”!

Khác với súng săn, đặc biệt là các loại súng quân dụng, đã có các chế tài để xử lý, những chiếc bẫy nhìn đơn giản nhưng để xử lý triệt để vẫn là thách thức cực kỳ lớn cho lực lượng chức năng.

Có lẽ chúng ta cần các giải pháp sáng tạo để xử lý vấn nạn này trong khi chưa tìm được lời giải từ các chế tài, quy định. Nói đến khía cạnh này, chúng tôi cực kỳ bức xúc khi một số nền tảng thương mại trực tuyến phổ biến như Lazada, Tiki, Shopee… vẫn ngang nhiên cho bán các sản phẩm bẫy chim thú bất chấp sự khuyến cáo, phản đối của nhiều tổ chức bảo tồn và các cơ quan báo chí.

Có thể họ cho rằng việc buôn bán đó không vi phạm các quy định pháp luật. Tuy nhiên, sự bất chấp này có thể bị diễn giải là kinh doanh thiếu đạo đức khi mà chính sách bán hàng của chính họ cũng nêu những khía cạnh về bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật…

Ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Chủ tịch Quỹ bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam Ảnh: PV Lao Động

Cần mạnh dạn rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm

Hiện trạng các nhà hàng công khai quảng cáo, buôn bán các đặc sản động vật hoang dã trong những năm gần đây đã căn bản giảm rất nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều nơi trên thực tế các cơ sở này chuyển từ trạng thái công khai sang lén lút hoặc che giấu tinh vi. Thực khách ham hố những món lạ này vẫn có thể tìm được nơi cần đến. Và như vậy cũng khó có thể nói các cơ quan chức năng không thể biết.

Sau những chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ký các loại cam kết, đến nay có thể đi đến bước tiếp theo. Các cơ quan chức năng cần mạnh dạn rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở vi phạm. Việc để tồn tại các điểm tiêu thụ như vậy trên địa bàn sẽ khiến các nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã bị vô hiệu.

Bảo tồn thiên nhiên nói chung và ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài hoang dã đòi hỏi nhiều nguồn lực. Trong khi ngân sách công, đặc biệt là ngân sách ở nhiều địa phương, còn phải ưu tiên cho nhiều mục tiêu phát triển khác nhau, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là rất quý báu.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có một số dự án tài trợ quy mô lớn hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã. Vấn đề đặt ra là cần điều hướng các nguồn tài trợ này để giúp chúng ta xử lý các thách thức, khó khăn ở các địa bàn cụ thể.

Những nguồn lực quý báu này cần được sử dụng hợp lý, tránh “đầu voi đuôi chuột”, hỗ trợ lớn nhưng không đến được nơi cần hỗ trợ. Về lâu dài, cần có sự quan tâm lớn hơn về mặt đầu tư ngân sách cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài hoang dã trước khi quá muộn.

Lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: VQG Cát Tiên cung cấp
Lực lượng kiểm lâm ở VQG Cát Tiên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ảnh: Bình Đặng

Cuối cùng, chúng tôi muốn nói đến những lực lượng giữ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học ở tại các địa bàn, các hệ sinh thái quý giá còn lại của đất nước ta. Họ cần sự ủng hộ nhất quán về mặt chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo những quyền lợi cơ bản để có thể yên tâm giữ rừng và đấu tranh với các hành vi phá hoại thiên nhiên.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy đang có nhiều bất cập trong chính sách vĩ mô, chưa đảm bảo được quyền lợi của lực lượng kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng. Hiện tượng những chiến sĩ bảo vệ rừng bỏ nghề trên quy mô lớn, hoặc nhiều đơn vị không tuyển dụng được cán bộ mới cho thấy nhiều điều.

Ngày xưa, dân gian có câu “nhất kiểm lâm, nhì khâm sứ” để nói về quyền lực của người kiểm lâm trước đây. Chúng tôi mong muốn những người được giao nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ các loài hoang dã sẽ có đủ thực quyền, quyền lợi chính đáng để hoàn thành công việc được giao.

Không thể bảo vệ được rừng, bảo vệ các loài hoang dã khi chúng ta chưa đảm bảo được lực lượng quan trọng này!

Nguồn: