Pháp y trong điều tra buôn bán động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Trang bị từ đầu đến chân trong bộ quần áo bảo hộ màu trắng, Rob Ogden và đội của ông đang phải trườn sát nền sân bay Heathrow, cẩn thận thu lượm những mẫu lông, máu và mô của động vật để phân tích. Giống như công việc của các bác sĩ pháp y ở hiện trường vụ án, tiến sĩ Ogden và đồng nghiệp thường tiếp xúc với phần xác của động vật để tìm ra các bằng chứng đấu tranh với nạn buôn bán động vật hoang dã.

Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol ước tính hoạt động buôn bán động, thực vật trái phép mang lại lợi nhuận cho những kẻ buôn bán lên tới 13 tỷ Euro mỗi năm, một con số chỉ thua kém buôn lậu ma túy. Mỗi năm có khoảng 3,5 triệu loài động vật hoặc các sản phẩm từ các loài đang bị đe dọa được bắt giữ tại châu Âu, nhiều trường hợp buôn lậu là do các băng nhóm tội phạm có tổ chức thực hiện đã đẩy nhiều loài động vật đến nguy cơ tuyệt chủng.

Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, công tác pháp y đóng vai trò quan trọng trong công việc điều tra của cảnh sát, nhưng kỹ thuật này lại hiếm khi được áp dụng trong các vụ phạm tội liên quan đến động vật hoang dã. Tuy nhiên, hiện nay một kế hoạch mới đã được đưa ra nhằm cung cấp cho cảnh sát dịch vụ pháp y trong điều tra buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đây là các kỹ thuật mới sử dụng phục vụ công tác điều tra buôn bán động vật hoang dã do Cơ quan Lương thực, Môi trường và Nông thôn, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên và Hiệp hội Hoàng gia về Bảo tồn chim của Anh tài trợ.

Vấn đề đầu tiên mà các cơ quan chức năng thường gặp phải là xác định loài động vật bị buôn bán trái phép. Trong lĩnh vực pháp y con người, các chuyên gia chỉ mất vài phút để tìm thấy sự khác biệt về cấu trúc AND để xác định. Trái lại, pháp y về động vật hoang dã liên quan đến một dải phân loại rất rộng về gen của nhiều loài khác nhau.

Tiến sĩ Ross McEwan, Giám đốc của Mạng lưới Pháp y theo dấu vết động vật hoang dã, tổ chức chịu trách nhiệm về kế hoạch mới này, cho biết: “Các kỹ thuật tiên tiến nhất sẽ được áp dụng trong điều tra những vụ phạm tội liên quan đến động vật hoang dã. Một vụ phạm tội chỉ có thể được làm rõ nếu bạn có thể chứng minh rằng mẫu vật thu được thuộc về các loài đang cần được bảo vệ. Đôi khi loài cần bảo vệ lại chỉ giới hạn trong vùng địa lý địa lý nhất định, và vì thế chúng ta cũng cần xác định nguồn gốc của của mẫu vật và nhận dạng cá thể. Công việc này đòi hỏi lấy nhiều mẫu xét nghiệm khác nhau từ cùng một cá thể.”

Đó chính là công việc của tiến sĩ Ogden và cộng sự của ông tại trung tâm AND động vật hoang dã, một cơ sở chuyên phân tích AND của động vật. Trước nạn buôn bán sừng tê giác đang trở nên nghiêm trọng, khiến chúng ta mất đi khoảng 14.500 con tê giác trắng và 4.000 tê giác đen trong tự nhiên, các nhà khoa học đã phối hợp với Công viên hoang dã ở Châu Phi nhằm ngăn chặn nạn buôn bán này thông qua hỗ trợ công tác điều tra. Phương pháp được đưa ra là trích AND từ sừng tê giác bắt giữ được ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới đem so sánh với mẫu lông và máu được tìm thấy từ phần còn lại của con tê giác đã bị giết. Đây là một cách hiệu quả để lần theo dấu vết của chuỗi cung cấp hàng từ bọn săn trộm. Điều này là rất quan trọng vì Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES) chỉ cấm các sản phẩm động vật được vận chuyển quốc tế sau năm 1947. Và việc nghiên cứu các sừng tê giác hay ngà voi bị giết gần đây là rất cần thiết.

Tiến sĩ Ogden cho biết AND có thể chứa rất nhiều thông tin. Nó có thể xác định loài động vật, nguồn gốc và thậm chí cả nơi chúng sinh sống. Quan trọng là ADN cho phép chúng ta nghiên cứu các sản phẩm như ngà voi, sừng tê giác hoặc lông động vật có thuộc các cá thể động vật bị giết trong tự nhiên hay không. Phương pháp xác định bằng AND đang được sử dụng để phân biệt chiếc khăn choàng làm từ bộ lông của loài linh dương Tây Tạng đang bị đe doạ và chiếc khăn làm từ lông cừu. Điều này cũng giúp xác định xuất xứ các loại thịt rừng buôn bán trái phép trong cuộc kiểm tra gần đây ở sân bay Heathrow ở Anh.

Với các nhà khoa học, đây là một cơ hội hiếm có để áp dụng các kỹ thuật bên ngoài phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Ogden cho biết: ”Chúng tôi đã phải tiến hành tất cả các mẫu thử và xét nghiệm ngay tại sân bay. Và chúng tôi đã tìm thấy tê tê, trâu nước, loài chuột trúc, thậm chí cả lạc đà”. Tiến sĩ Ogden nhớ lại một vụ điều tra xác định mẫu quần áo thấm đẫm máu mà ông nhận được từ một kẻ tình nghi. Hắn khai rằng đã giúp đỡ một con lửng bị thương, nhưng đội của ông đã xác định rõ mẫu máu là từ một con vật khác bị giết.

Ngoài di truyền học, nhiều kỹ thuật khác có thể được áp dụng để giải quyết một số nghi vấn mà trước đây chưa thể lý giải. Andrew Kitchener, Giám đốc bảo tàng động vật và chim quốc gia Scotland, là một chuyên gia xác định mẫu lông và các bộ phận cơ thể của động vật. Ông áp dụng cách so sánh mẫu lông hoặc mẫu da với những mẫu vật lưu trong viện bảo tàng để xác định xuất xứ của con vật. Kỹ thuật của ông tỏ ra rất hiệu quả trong việc điều tra các vụ giết trái phép mèo rừng. Và ông cũng giúp đỡ cảnh sát trong các vụ điều tra gần đây để bắt giữ việc buôn bán các bộ phận động vật hoang dã ở Luân Đôn.

Một công cụ quan trọng khác trong cuộc chiến đấu chống lại tội phạm buôn bán động vật hoang dã là đo mức phóng xạ. Các chuyên gia ở phòng thí nghiệm chất phóng xạ cácbon thuộc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Scotland ở Glasgow sử dụng các mức độ phóng xạ cácbon, được biết đến với tên cacbon -14 có trong xương, ngà và răng để xác định niên đại các loài động vật sống hay chết. Cùng với Công ước CITES, phương pháp này giúp làm sáng tỏ nhiều vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã: nếu xuất hiện chất phóng xạ, các nhà khoa học có thể xác định được con vật đó sống vào thời gian trước hoặc sau khi công ước này được ký kết.

Mức độ của hydro xuất hiện trong tự nhiên, được biết đến như đơteri hoặc “hydro nặng”, cũng đưa ra một cách để xác định những chú chim họa mi bị bẫy trái phép. Tiến sĩ Jason Newton thuộc Trung tâm Glasgow đã dùng mức độ hydro nặng trong lông vũ để xác định nơi con chim sinh sống. Tiến sĩ Newton giải thích, tỷ lệ “hydro nặng” trong nước mưa thay đổi theo khu vực. Hầu hết các loài động, thực vật sống trong một vùng sẽ phản ánh tỷ lệ đồng vị của hydro trong môi trường chúng sống, khi chúng nạp chất đồng vị vào cơ thể thông qua thức ăn và nước uống.

Công tác pháp y trên động vật hoang dã đã cung cấp cho công tác điều tra một vũ khí hữu ích trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã – một cuộc chiến đang ngày càng căng thẳng hơn. Các kỹ thuật pháp y này là một bước tiến lớn trong công tác bảo tồn.