Bước đột phá công nghệ trong chữa cháy rừng

ThienNhien.Net – Xe chữa cháy rừng đa năng được tích hợp nhiều công nghệ mới, có thể chữa cháy bằng đất, cát, tạo tính hiệu quả trong chữa cháy rừng.

“Xe chữa cháy rừng đa năng” là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước của TS. Dương Văn Tài (Đại học Lâm nghiệp Hà Nội) được đánh giá là bước đột phá trong công nghệ, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với TS. Dương Văn Tài để tìm hiểu thêm về sáng chế đặc biệt này.

– PV: Gọi là xe chữa cháy rừng đa năng, hẳn là chiếc xe phải có nhiều tính năng độc đáo hơn những xe chữa cháy thông thường, thưa Tiến sĩ?

TS. Dương Văn Tài: Chiếc xe chữa cháy rừng đa năng được thiết kế trên cơ sở tích hợp các hệ thống chữa cháy rừng bằng nước, bằng đất, cát và không khí. Đặc biệt, xe có thêm bộ phận làm đường băng cản lửa để khoanh vùng và cô lập đám cháy. Bộ phận này được gắn ở đầu xe.

Thiết kế chiếc xe xuất phát từ những nghiên cứu thực tế cháy rừng ở nước ta xảy ra ở các vùng có địa hình phức tạp, không có nguồn nước, do đó chữa cháy chủ yếu là thủ công nên rất khó khống chế kịp sớm cháy rừng.

TS Dương Văn Tài và chiếc xe chữa cháy đa năng (Ảnh:  Chinhphu.vn)
TS Dương Văn Tài và chiếc xe chữa cháy đa năng (Ảnh: Chinhphu.vn)

– PV: Chữa cháy bằng nước rất phổ biến nhưng chữa cháy bằng đất, cát và không khí chưa được biết đến nhiều, xin Tiến sĩ cho biết thêm về công nghệ đặc biệt này?

TS. Dương Văn Tài: Đó chính là điểm mới có tính đột phá của sáng chế. Khảo sát đặc điểm địa hình rừng núi Việt Nam, cũng như nguyên nhân và tình trạng các vụ cháy rừng đã xảy ra, thiết kế xe không chỉ có hệ thống chữa cháy thông thường bằng nước mà có thêm hệ thống cắt đất, cát tại chỗ rồi phun trực tiếp vào đám cháy ở khu vực không có nước hoặc không đủ nước để dập lửa.

Vòi phun của xe dài tới 50m, có khả năng phun 40 kg đất cát/phút với tốc độ trên 30m/s, có thể bao phủ đám cháy và dập tắt nhanh chóng hơn.

– PV: Vậy còn bộ phận làm đường băng để khoanh vùng, cô lập đám cháy được gắn ở đầu xe?

TS. Dương Văn Tài: Muốn chữa cháy rừng hiệu quả trước hết phải khoanh vùng để cô lập đám cháy, nhưng thực tế các thiết bị chữa cháy hiện nay chưa làm tốt việc này. Vì vậy, xe được gắn thêm hệ thống lưỡi cưa ở đầu xe để chặt hạ cây, cắt cây bụi, sau đó hệ thống cắt cỏ rác lắp sau xe sẽ cắt sạch cỏ rác để tạo đường băng cách ly đám cháy. Hệ thống này vừa có tác dụng dọn đường giúp xe có thể đi vào vùng có đám cháy, vừa khoanh vùng đám cháy nhanh chóng và hiệu quả so với biện pháp làm thủ công.

– PV: Với những đám cháy tại nơi mà địa hình hiểm trở, xe chữa cháy không thể vào được, đề tài của Tiến sĩ có giải pháp gì cho tình huống này?

TS. Dương Văn Tài: Ngoài xe chữa cháy đa năng, đề tài còn nghiên cứu chế máy chữa cháy cầm tay cũng dùng vòi phun đất với nguyên lý tương tự. Ngoài ra, đề tài còn thiết kế, chế tạo máy chữa cháy dùng sức gió, có thể dập tắt những đám cháy cao dưới 2m, tiện dụng ở những nơi có địa hình phức tạp. Những sản phẩm chế tạo của đề tài kết hợp thành hệ thống thiết bị chữa cháy hiệu quả, có thể áp dụng ở mọi địa hình Việt Nam.

– PV: Hiệu quả chữa cháy rừng đã rõ nhưng Tiến sỹ đã tính tới việc thương mại hóa sáng chế này chưa?

TS. Dương Văn Tài: Không chỉ giới hạn ở chữa cháy rừng, ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có hàng triệu ha mía và cây công nghiệp và năm nào cũng xảy ra cháy gây thiệt hại về tài sản rất lớn. Khi nghiên cứu, tôi đã tính tới việc ứng dụng xe và thiết bị chữa cháy rừng đa năng trên những cánh đồng mía… Hiện nhiều doanh nghiệp mía đường quan tâm và muốn mua sáng chế. Tuy nhiên, để thương mại hóa sáng chế cần sự hợp tác với các nhà đầu tư.

– PV: Vậy còn khả năng chuyền giao sáng chế ra nước ngoài, kể cả những nước có công nghệ, thiết bị chữa cháy hiện đại và như vậy có phải là vấn đề xa vời không, thưa ông?

TS. Dương Văn Tài: Tôi lại không nghĩ là xa vời. Khoa học công nghệ là sự kế thừa và phát triển. Để được cấp bằng sáng chế, công nghệ của tôi hay của bất kỳ tác giả nào đều cần có tính sáng tạo đột phá trên mặt bằng thế giới. Sáng chế này có thể giải quyết những vấn đề trong chữa cháy rừng trên thế giới hiện nay.

Thực tế, Nga, Mỹ hay nhiều quốc gia khác có trình độ khoa học công nghệ hiện đại nhưng tình trạng cháy rừng đôi khi vẫn ngoài tầm kiểm soát. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, thậm chí nghĩ tới việc đề xuất Chính phủ tặng các nước quyền khai thác sáng chế. Đây cũng việc thiết thực mở ra cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!