Cây trồng trong nhà xanh đến đâu?

Ít ai biết rằng để có được những chậu cây trồng trong nhà, hành tinh đã phải trả giá rất lớn.

Một ngày mùa đông, ánh nắng mặt trời xuyên qua một nhà kính khổng lồ ở Herfordshire, Anh Quốc. Không khí ở đó tươi mát, ẩm ướt, thơm mùi đất, phủ đầy mảng xanh từ vô số chủng loại cây trồng. Cách đây 1 năm, nơi đây chỉ toàn các loại hoa kiểng như hoa huệ châu Phi, hoa ly, nhưng giờ nó trở thành một biểu tượng của cuộc cách mạng trong ngành làm vườn. Bởi lẽ, nhà kính này thuộc sở hữu của Geb & Green – công ty cây trồng trong nhà đầu tiên của Anh phát triển trên quy mô lớn mà không cần dựa vào than bùn, một tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu khi bị khai thác.

Một thực tế ít ai để ý là hầu hết cây trồng trong nhà được sản xuất hàng loạt trong những trang trại công nghiệp cực kỳ ngốn tài nguyên và có tác động tiêu cực lên môi trường. Cây được trồng trong điều kiện ánh sáng, nóng ẩm nghiêm ngặt, nghĩa là phải sử dụng rất nhiều năng lượng để sản xuất ra chúng. Với những nhà kính khổng lồ vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch, mức độ gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu là không nhỏ. Nhiều nhà kính chiếm diện tích đất rất lớn, mà đáng lẽ dành cho trồng cây cối và các hình thức hấp thụ carbon khác. Chẳng hạn, trang trại Costa Farms ở Mỹ sử dụng khoảng 4.000 mẫu Anh, bằng kích cỡ của hơn 3.000 sân bóng đá.

Không chỉ vậy, việc trồng hàng trăm ngàn loại cây trên một diện tích lớn như thế cần lượng phân bón và nước khổng lồ. Nhà kính sưởi ấm Metrolina ở Mỹ sử dụng khoảng 5,7 triệu lít nước/ngày trong bối cảnh 1,1 tỉ người chưa tiếp cận được nguồn nước và 2,7 tỉ người sống trong cảnh khan hiếm nước ít nhất 1 tháng trong năm.

Hầu hết cây trồng được nhập khẩu từ các nước xa xôi và phải mất hàng trăm, hàng ngàn cây số mới vận chuyển tới người tiêu dùng, để lại dấu chân carbon đáng kể. Hơn 90% cây trồng trong nhà được bán tại Anh được nhập khẩu từ châu lục với 65% nhập từ Hà Lan, theo Royal Flora Holland. Mặt khác, cây được trồng trong các chậu nhựa vì nhẹ, dễ vận chuyển, nhưng chúng được sản xuất từ nhiều loại nhựa khác nhau nên rất khó để phân loại và tái chế. Kết quả là theo Marie Chieppo của EcoPlants Plans, 95-98% chậu nhựa trồng cây bị cho vào bãi chôn rác.

Phải cần đến lượng than bùn khổng lồ mới có thể đủ cung cấp cho tất cả các nhà kính và vườn ươm trên thế giới. Ảnh: Q.H

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là thế giới đang cạn kiệt đất than bùn, vốn được sử dụng trong ngành làm vườn hàng thập kỷ nay. Nhưng nạo vét đất than bùn lại không hề bền vững, vì đất than bùn là bể chứa carbon khổng lồ, lưu trữ đến 1/3 lượng carbon trong đất của thế giới. Chỉ riêng tại Anh, đất than bùn giữ tới 3,2 tỉ tấn carbon. Vì thế, khi chiết xuất than bùn từ lòng đất, không chỉ phá hủy các bể chứa carbon mà còn giải phóng khí CO2 vào môi trường, chiếm gần 5% lượng khí nhà kính do con người thải ra. Trong khi đó, đất than bùn lại mất cả hàng ngàn năm mới hình thành và tái tạo lại. Mỗi tuần nhà kính Metrolina của Mỹ phải sử dụng tới 12 xe đầu kéo để chở rêu than bùn và đó mới chỉ là một nhà kính. Nghĩa là phải cần đến lượng than bùn khổng lồ mới có thể đủ cung cấp cho tất cả các nhà kính và vườn ươm trên thế giới.

Một tín hiệu đáng mừng là nhận thức về tầm quan trọng của than bùn đối với việc chống biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nước phát triển. Tesco, chẳng hạn, đã cung cấp 95% phân hữu cơ không có than bùn vào năm 2022 và lệnh cấm bán than bùn cho người làm vườn nghiệp dư sẽ được áp dụng từ năm 2024.

Không dừng lại ở đó, một số công ty đã đi tiên phong phát triển các giải pháp thay thế than bùn. Tại Indonesia, quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới, một lượng lớn vỏ dừa bị thải ra và đó là lý do để startup sinh thái Nextevo bắt tay vào việc sản xuất xơ dừa thay cho than bùn. Công ty này đang hợp tác với các tổ chức nông dân và Sambu Group để thu gom vỏ dừa và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm ngoái. Harold Koh, sáng lập Nextevo, cho biết Công ty có kế hoạch biến các loại rác thải nông nghiệp khác tại Đông Nam Á thành các sản phẩm và vật liệu bền vững với quy mô lớn.

Nổi bật trong lĩnh vực này là Geb & Green. “Ngành làm vườn đã hồi sinh trong những năm qua vì việc xanh hóa ngôi nhà của chúng ta là điều tốt. Nhưng giờ tôi nghĩ giai đoạn kế tiếp là mọi người cần phải nghĩ đến mức độ xanh của ngôi nhà chúng ta đến đâu”, Will Clayton, đồng sáng lập Geb & Green, nói.

Clayton cho biết bền vững từ lâu là điều rất quan trọng đối với công việc kinh doanh của gia đình khi cha mẹ ông đã bước vào lĩnh vực này cách đây 25 năm. “Chúng tôi thực sự xem đây là vấn đề nghiêm túc từ 10-15 năm trước. Chúng tôi đã làm các trang trại năng lượng mặt trời, hầu hết các nhà quản lý trong công ty đều đi lại bằng xe điện nhưng Geb & Green mới là linh hồn của công cuộc xanh hóa này”, ông nói.

Các nhà kính của Geb & Green có diện tích 1,5 mẫu Anh, được sưởi ấm bằng hệ thống lò đốt sinh khối sử dụng nhiên liệu viên gỗ (nhiên liệu sinh học được sản xuất từ các loại vật liệu sinh khối như gỗ, mùn cưa, vỏ đậu phộng…). Cây thì được tưới bằng nước mưa được hứng trên mái nhà và bằng hồ trữ nước suối tại chỗ. Một số cây trồng như cây lưỡi hổ bị loại trong quá trình thử nghiệm do chúng sử dụng nguồn tài nguyên nhiều hơn mức mà Geb & Green có thể đáp ứng. Thay vào đó, Công ty đang trồng hàng loạt loại cây có tính thân thiện môi trường hơn, như lô hội, trầu bà… Nhưng thứ khiến Clayton tự hào là loại đất nâu sẫm làm nên tính độc đáo của Geb & Green. “Chúng tôi độc quyền đối với loại sản phẩm rác thải được khử trùng và tái chế do chính chúng tôi phát triển. Sản phẩm này hoàn toàn không dùng than bùn”, Clayton nói.

Tại Geb & Green, rác xơ dừa, thay vì bị vứt bỏ sau khi được sử dụng bởi các nhà vườn, được khử trùng bằng hơi nước trong 90 phút và được tái sử dụng lần nữa. Thông thường xơ dừa đã qua sử dụng cho cảm giác khô và bụi khi sờ vào nhưng sản phẩm này thì không. “Đó là bởi vì chúng tôi đã tái sử dụng nó rất nhiều lần”, ông giải thích. Gần đây, Cơ quan Môi trường đã cấp phép cho Geb & Green tái chế xơ dừa của các nhà vườn khác. “Vì thế, không có lý do gì mà mọi người không sử dụng loại đất trồng không có than bùn”, Clayton nói.

Geb & Green thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm. Còn hàng chục loại cây trồng khác nhau vẫn còn phải sử dụng than bùn. “Chúng tôi đã đạt được 97% không sử dụng than bùn nhưng chúng tôi đang phấn đấu đạt tới 100%”, Kate Brown, đồng sáng lập Geb & Green, nói.