Năm 2010 Đồng Nai có thể đạt tỷ lệ che phủ rừng 30%

ThienNhien.Net – Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp với Sở Nông nghiệp Nông thôn để nghe báo cáo về công tác triển khai thực hiện nâng tỷ lệ che phủ của rừng và cây rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Phó Chủ tịch Ao Văn Thinh chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2008, tỷ lệ che phủ rừng và cây rừng tỉnh Đồng Nai năm 2008 là 28,34%. Tổng diện tích đất có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp và đất có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp là 167.295,6 ha bao gồm: Đất có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp là 153.988,1 ha trong đó rừng tự nhiên 110.668,5 ha, rừng trồng là 43.319,5 ha; đất có rừng nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp với đất rừng trồng tập trung là 6.975,6 ha (diện tích đất có rừng của các hộ cá nhân, gia đình, tổ chức, UBND các xã, huyện và các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng), đất trồng cây phân tán là 6.332 ha. Số liệu thống kê số cây phân tán trên địa bàn tỉnh hiện còn 2.472.000 cây được trồng từ năm 2001-2008. Trong đó cây gỗ lớn là 1.040.914 cây, cây keo và các loại cây khác là 1.691.655 cây tương đương 01 ha. Nếu quy chuyển số cây phân tán thành diện tích đất có rừng thì cứ 200 cây gỗ lớn tương đương 01 ha.

Tỷ lệ che phủ rừng tính tới thời điểm này là 29,76% gồm tổng diện tích của các loại rừng tự nhiên, rừng tái sinh, rừng trồng và rừng phân tán. Cũng theo nhận định của các ngành chức năng đến năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng và cây rừng trên địa bàn tỉnh có thể đạt tới 30%. Năm 2009, theo kế hoạch sẽ trồng mới 350 ha theo chương trình 661 và vận động các hộ dân tự bỏ vốn ra trồng rừng theo phương thức tự trồng, tự hưởng; phát động phong trào trồng cây phân tán nhân dịp mừng ngày sinh nhật Bác 19/05 với diện tích dự kiến khoảng 250 ha; xác định rừng khoanh nuôi thành rừng với diện tích 3,800 ha.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Ao Văn Thinh cho rằng, rừng là nguồn tài nguyên có giá trị về lâu dài chứ không phải là lợi ích trước mắt. Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn còn lỏng lẻo kèm theo đó quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng đang là một trong những nguyên nhân khiến áp lực mất rừng ngày càng cao.

Phó chủ tịch nhấn mạnh: “Thời gian tới ngành nông nghiệp cần phải quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ rừng và trồng rừng, tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của công tác bảo vệ rừng đối với công cuộc phát triển đất nước và môi trường sinh thái. Ngành cũng cần định hướng việc thực hiện giữ rừng đi song đôi với việc bảo vệ môi trường và khai thác tốt nguồn lợi kinh tế từ tài nguyên rừng”.