Những cái chết được dự báo trước

ThienNhien.Net – TP. Việt Trì (Phú Thọ) nổi tiếng, tự hào trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước về hàng loạt nhà máy được ồ ạt xây dựng bao nhiêu, thì nay chính những nhà máy, xí nghiệp đó, cùng với một số nhà máy công nghiệp mới được xây dựng khác đang "giết chết" chính những cư dân sống xung quanh những nơi này.

Đầy ải giữa trần gian

Cuộc sống của cư dân một số phường như Tiên Cát, Thọ Sơn, Bến Gót, Bạch Hạc thuộc TP. Việt Trì hiện nay chẳng khác chi đang bị đầy ải, vật lộn giữa cái sống về những cái chết đang được dự báo hiển hiện từng ngày. Bà Nguyễn Thị Hiền, 49 tuổi, tổ 23 phường Bến Gót  bán vé số trước công Nhà máy Pang Ring than thở: “Gia đình tôi cũng như những người dân nơi đây hệt như đang sống ở địa ngục trần gian”.

Hai vợ chồng bà và ba người con đêm nào khi ngủ cũng phải há hốc mồm ra để thở vì bầu không khí luôn luôn ngột ngạt bởi những mùi hôi, khét, hắc đến mức khó tả được xả ra từ các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn phường Bến Gót. Gia đình tích góp mãi mới xây được căn nhà 2 tầng khang trang, vậy mà bao nhiêu năm nay chưa dám mở cửa “đón nắng, đón gió”. Căn nhà suốt ngày phải cửa đóng, then cài kín như là hầm để tránh mùi hôi, hắc của các nhà máy quanh đây. Kinh khủng nhất là mùi hắc bốc ra từ nhà máy Pang Rim.

 nguoidanVietTri
Bà Nguyễn Thị Hiền, 49 tuổi, phường Bến Gót luôn sợ sệt vì căn bệnh ung thư đang rình rập cả gia đình mình khi cả nhà bà đều bị viêm đường hô hấp nặng.

“Nhà tôi có 5 thành viên thì bị viêm đường hô hấp mãn tính cả 5. Tháng nào cũng phải chi phí hết hàng trăm nghìn tiền thuốc để điều trị các bệnh liên quan đến căn bệnh này”, bà Hiền cho biết.

Bi đát hơn nhà bà Hiền là gia đình bà Trịnh Thị Dậu cũng ở phường Bến Gót. Ngồi ăn mấy múi bưởi ở trước cửa nhà, không hiểu sao bà Dậu không sao nuốt nổi. Những múi bưởi vốn ngon là thế, vậy mà nó cứ đắng chát trong cổ họng khi bà nghĩ về những hình ảnh của người chồng xấu số. Cách đấy 3 năm, chồng bà là ông Cao Kim Khương, là cán bộ Công an TP. Việt Trì đang khoẻ như vâm bỗng lăn đùng ra ốm. Khi đi viện chữa trị, các bác sỹ báo hung tin là chồng bà đã bị ung thư gan giai đoạn cuối, chỉ còn nước về nhà chờ ngày về quy cõi tiên. Khi đó, cả gia đình đau đớn tột cùng, đành chấp nhận số phận đã an bài đối với ông Khương. Khi nỗi đau một phần nguôi ngoai đi, bà Dậu đã nhận ra “thủ phạm” gây ra căn bệnh quái ác cho chồng mình không ai khác chính là sự ô nhiễm môi trường trầm trọng tại khu dân cư bà sinh sống.

Khi chúng tôi tới nhà bà Lê Thị Thắng, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ phố Hồng Hà, phường Bến Gót, hình ảnh đầu tiên ấn tượng là ba chiếc áo sơ mi trên dây phơi. Mặt trong những chiếc áo còn trắng nguyên nhưng mặt ngoài thì đen sì. Bà Thắng cho biết đó là do bà quên không cất vào nhà đêm hôm trước.
 

 
Danh sách về người chết do bệnh ung thư của phường Bến Gót ngày càng nhiều hơn.

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Thắng không giấu nổi nỗi hoang mang về căn bệnh ung thư đã và đang bùng phát, cướp đi hàng loạt các sinh mạng vùng đất này. Ở đây, cứ vài tuần lại có người bị phát bệnh đau ốm, qua khám xét các bác sỹ kết luận hầu hết là ung thư: nào là ung thơ vú, ung thư gan, ung thư phổi.

“Đấy, trường hợp ông Hà Viết Thưởng, ông Nguyễn Văn Giấc,… ở tổ dân phố 21, phường Bến Gót bị ung thư vừa chết xong, nếu không phải vì ảnh hưởng ô nhiễm môi trường thì là do “ma” làm à?”- bà Thắng than phiền.

Theo như những thống kê mới đấy nhất mà Trạm Y tế phường Bến Gót tiến hành, thì tỷ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp tại phường này là khá cao, có địa bàn dân cư 100% người dân đều bị mắc các căn bệnh về đường hô hấp. Khổ nhất là các cháu nhỏ, vì vậy mà vào mỗi đợt “cuồng phong” về bụi và mùi, các bậc ông, bà, cha mẹ nơi đây phải bế con, bồng cháu “sơ tán” cấp tốc.

Bản thân chúng tôi chỉ sau hai ngày có mặt tại đây để thu thập tư liệu viết bài mà chúng tôi đã thấy ngột ngạt, khó chịu vô cùng.
Muốn thoát “chết” nhưng không có cơ hội
Bà Lê Thị Thắng- Chi hội trưởng chi hội phụ nữ phố Hồng Hà, phường Bến Gót chua chát nói: “Với đồng lương công nhân còm cõi, dành dụm tích cóp bao nhiêu năm nay vợ chồng tôi mới có được cơ ngơi này. Những năm trước thì không có tiền mua đất nơi khác làm nhà, đành chấp nhận sống chung với ô nhiễm ở đây. Nay, đã đến lúc không chịu nổi, gia đình rao bán với giá rẻ mạt căn nhà này nhưng có ai thèm mua đâu. Thực tình, ai dại gì mà đến đây xin cái chết đã được dự báo trước”.

Là Tổ trưởng tổ dân phố 22, phố Hồng Hà I, phường Bến Gót, ông Hoàng Trung Dung đã thừa nhận sự bất lực của mình trong “cuộc chiến” chống lại ô nhiễm môi trường nơi đây. Ông Dung và các hộ dân sống trên địa bàn này có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lá đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, nếu gom lại có lẽ phải lên đến 5-7 kg giấy rồi. Bất cứ cuộc họp nào, hay có cơ hội nào tiếp xúc với cán bộ phường, thành phố, cán bộ tỉnh ông cũng đưa vấn đề ô nhiểm môi trường ra chất vấn, kiến nghị. Khi đó, đại biểu nào cung chú ý lắng nghe… “như thật”, cũng gật đầu và hứa. Nhưng khổ nỗi, “lời nói gió bay”, sau cuộc họp, sau khi người kiến nghị rát cổ giãi bày, đại biểu cấp trên đã ghi nhận thấu tận “tim, gan”, nhưng rốt cuộc đâu lại đóng đấy. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn “tối tăm”, bi đát như trước.

Xí nghiệp ván nhân tạo và chế biến lâm sản Việt Trì là một ví dụ tiêu biểu về sự xuống cấp của các dây chuyền sản xuất. Đồng nghĩa với nó là sự ô nhiễm môi trường của xí nghiệp này sẽ cao hơn trước khi trang thiết bị cũ kỹ, điều kiện xử lý tiếng ồn, bụi, nước thải kém hơn xưa.  Hiện nay, tình trạng nhà máy đang trong giai đoạn sản xuất cầm chừng, “thoi thóp” để chờ cổ phần hoá. “Có thực mới vực được đạo”, “không lo được cái ăn, thì lấy tiền đâu ra tiền mà lo chống ô nhiễm” – đó là  những câu nói được ông Thanh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong khi nói chuyện với chúng tôi. Dẫu ông Thanh không nói thẳng ra là vấn đề xử lý chất thải của xí nghiệp đã “buông xuôi” thì ai cũng hiểu, trong tình cảnh đời sống của xí nghiệp “ngấp ngoải” như vậy thì hơi đâu mà quan tâm đến những việc làm “xa xỉ”, “vứt tiền đi” như thế.

Vi phạm không thể chối cãi

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện một số việc để khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 16 cơ sở và chủ đầu tư các khu công nghiệp. Kết quả kiểm tra đã gây “sốc” khi có đến 14/16 có hệ thống xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn Việt Nam cho phép từ 10 lần trở lên, vi phạm các quy định về quản lý chất thải rắn; 15/16 cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại. Hàng loạt các các cơ sở xả khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc gây ô nhiễm không khi môi trường xung quanh. Tiêu biểu cho những cơ sở có “thành tích” gây ô nhiễm như trên phải kể đến:  Công ty Giấy Việt Trì, Xí nghiệp ván dăm nhân tạo và chế biến lâm sản Việt Trì, Công ty Dệt Vĩnh Phú…

Như vậy, qua những gì phản ánh của người dân cùng với kết luận mới đây của Bộ tài nguyên và Môi trường có thể khẳng định rằng: Tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do các nhà máy, xí nghiệp gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Theo cảnh báo của một số chuyên gia về y tế, môi trường thì Phú Thọ sẽ không chỉ có một “làng ung thư ” như ở Thanh Ba, mà sẽ có nhiều  “làng ung thư”, nhiều “phường ung thư” mới xuất hiện nữa. Chẳng nói đâu xa, phường Bến Gót, TP. Việt Trì dẫu chưa ai “phong” cho phường này cái tên nghe lạnh cả người ấy, nhưng thực tế mấy năm gần đây người chết về bệnh ung thư đã quá nhiều khiến họ cũng không còn “ngại” để nhận “tên phường mới”!

 TP. Việt Trì hiện có gần 250 nghìn người, là một trong những thành phố công nghiệp đầu tiên của đất nước thành lập từ năm 1962. Trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, TP. Việt Trì được xác định là một trong 11 trung tâm vùng của cả nước, là thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc.

Biết mình đang sống trong môi trường bị ô nhiễm, độc hại mà không tự giải thoát cho mình được- đó là một điều bất hạnh, là nỗi đau xót của người dân ở một số điểm bị ô nhiễm nặng trên địa bàn TP. Việt Trì; Biết dân cư của địa phương mình kiến nghị, kêu cứu mà không giúp lại gì cho họ đươc- đó là một sự thất vọng, bất lực của những  cán bộ cấp phường, xã nơi đây. Còn các nhà máy, xí nghiệp đang gây ô nhiễm có lẽ họ đã vô cảm với nỗi khổ của người dân.