Ô nhiễm hồ Hà Nội: Nhiều giải pháp nhưng đều lấn cấn

Nhiều công nghệ đã được các nhà khoa học trong nước đưa ra để xử lý ô nhiễm các hồ ở Hà Nội. Rốt cuộc, hồ ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Do năng lực hạn chế của các nhà khoa học hay do thiếu kinh phí?

Không phải đến tận bây giờ, vấn đề làm sạch các hồ ở Hà Nội mới được nhắc đến. Không phải các nhà khoa học thiếu giải pháp làm sạch hồ… Thậm chí, còn nhiều nữa là khác.

Giới khoa học: Mạnh ai, nấy làm và làm… không tới

Năm 2004, Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây đã “trình làng” dự án “Nâng cao chất lượng Hồ Tây bằng cây thuỷ sinh”. Theo những người chủ trì dự án, đây là phương án được xem là “nhất cử lưỡng tiện” do việc trồng cây thủy sinh ngoài việc hạn chế được tác nhân gây ô nhiễm cho hồ, thực vật thủy sinh còn có thể sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón.

Một phương án khác cũng đã được công ty nói trên đưa ra là xử lý nước hồ bằng vi sinh vật hữu hiệu. Dưới tác động của vi sinh, mùi hôi thối sẽ được giảm đáng kể và cải thiện điều kiện nuôi trồng thủy sản cho hồ mà không phải nạo vét, thay nước hồ. Vi sinh vật được đưa vào hồ dưới dạng dung dịch hoặc viên nên không ảnh hưởng tới cảnh quan hồ như phương án trồng thực vật thủy sinh.

Trong khi đó, GS Vũ Hoan, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Hà Nội, chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu dễ sử dụng, chi phí thấp vì đã sản xuất ở trong nước. Hiên nay, đang áp dụng tại hồ bãi rác Kiêu Kỵ (Gia Lâm) và một số ao hồ nuôi tôm đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, Liên hiệp hội KHKT Hà Nội đang lập đề án để trình thành phố cho phép làm thí điểm xử lý nước ở một hồ như Xã Đàn, Bảy Mẫu, rồi nhân rộng ra nhiều hồ khác.

Đến năm 2005, GS Nguyễn Lân Dũng cũng đã đưa ra giải pháp cải tạo hồ với nhiều công nghệ đã được áp dụng thành công tại Vũ Hán (Trung Quốc) khi ông đi thăm thành phố này.

Gần đây, dư luận lại lên tiếng vì nạn tảo độc đe dọa các hồ ở Hà Nội, tìm hiểu thêm thì được biết, vấn đề trên cũng không lạ đối với giới khoa học. GS.TS Đặng Đình Kim, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, Viện là đơn vị khoa học được xếp vào hàng đầu Việt Nam về công nghệ xử lý tảo độc.

Ngoài tảo độc, Viện cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tảo cũng như việc sư dụng thủy sinh vật trong cải tạo nước ô nhiễm…

Xem ra, giải pháp công nghệ làm sạch hồ Hà Nội không thiếu nhưng vì sao dư luận vẫn kêu ô nhiễm hồ?

Nhà khoa học, nhà quản lý không “gặp” nhau…

GS.TS Đặng Đình Kim thừa nhận, những công nghệ nói trên của Viện cho đến tận bây giờ, cũng chỉ được giới thiệu tại vài ba hội thảo! Thậm chí, chúng chưa bao giờ được viết ra một cách đầy đủ và hệ thống, chứ chưa nói đến việc gửi đến tận tay những nhà quản lý.

Một nhà khoa học khác khi được hỏi, đã bao giờ giới thiệu giải pháp cải tạo hồ với UBND TP Hà Nội, ông trả lời:”Tôi đã đăng báo… Đó là cách bày tỏ cho toàn dân biết rồi cần gì phải gửi đến UBND thành phố Hà Nội” (?!).

Một số giải pháp công nghệ khác như ứng dụng chế phẩm vi sinh hay trồng thực vật thủy sinh để cải tạo hồ thì ngay khi vừa đưa ra giới thiệu đã gặp phải phản ứng. Nhiều nhà khoa học lo ngại về sự phát triển ồ ạt của thực vật thuỷ sinh nếu không được kiểm soát trong quá trình trồng để cải tạo hồ. Còn chế phẩm vi sinh thì bị chê là giải pháp mà Hội KHKT Hà Nội đưa ra chỉ thích hợp với xử lý ao tù hoặc phạm vi nhỏ hơn rất nhiều chứ không thể áp dụng với hồ được.

Lý giải về nguyên nhân tại sao đến giờ, Hà Nội vẫn chưa thể có một giải pháp tổng thể cho việc cải tạo hồ, GS Hà Đình Đức, một nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với các hồ Hà Nội, đặc biệt là hồ Hoàn Kiếm thì cho rằng chúng ta chưa có một giải pháp công nghệ hoàn thiện, mang tính tổng thể. Có chăng, chỉ là những công nghệ lẻ tẻ, giải quyết từng phần phát sinh ô nhiễm của hồ mà thôi.

Bên cạnh đó, chính sự chần chừ, không thẳng thắn đặt hàng của lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng là một phần nguyên nhân khiến các nhà khoa học: Mạnh ai người nấy nói, mạnh ai người ấy làm.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành sinh học Việt Nam (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) cho rằng, chúng ta không thiếu kinh nghiệm nhưng luôn thiếu đơn đặt hàng của các nhà quản lý và không có cơ chế để triển khai. Và quan trọng, chúng ta đang thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc “công nghệ”.

Về vấn đề vốn và cơ chế, từ năm 2005, GS Nguyễn Lân Dũng đã có đề xuất với Bộ Tài Chính cho các nhà khoa học vay tiền với sự cam kết nếu không thành công sẽ phải xuất toán 100%. Theo GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, đề xuất này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính tán thành và hứa sẽ trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mới đây, trong một bài viết gửi đăng báo về “Công nghệ mới để làm sạch ao hồ trong thành phố”, GS Nguyễn Lân Dũng cũng bày tỏ: “Bản thân tôi và tập thể khoa học của mình nếu được vay không lãi cũng như được thưởng thích đáng khi thành công trong việc xử lý, làm sạch hồ thì chắc chắn không thiếu gì kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học mà không dám mạnh dạn triển khai vào sản xuất”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được trao đổi để tìm hiểu cụ thể hơn về đề xuất táo bạo nói trên, GS Nguyễn Lân Dũng từ chối trả lời và nói, ông không muốn bình luận thêm về vấn đề này.

Trong khi đó, ông Đặng Dương Bình, Trưởng Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất Hà Nội cho biết: Sở chưa bao giờ nhận được một văn bản chính thức đề nghị được áp dụng công nghệ làm sạch hồ của các nhà khoa học. Ông Bình nhấn mạnh, các nhà khoa học đừng nên thụ động ngồi chờ Nhà nước rót ngân sách.

“Nếu đề tài của anh thực sự hay thì anh hãy giải trình, bảo vệ nó trước hội đồng khoa học, để làm sao thuyết phục thành phố bỏ tiền ra. Tiền Ngân sách Nhà nước là tiền đóng góp của nhân dân, thành phố không thể cứ nhà khoa học nào đề xuất là chi tiền ngay được mà phải xem xét tính hiệu quả”, ông Bình nói.

Công nghệ Đức vào cuộc

Trong khi các nhà khoa học trong nước và các nhà quản lý chưa “gặp” được nhau trong vấn đề xử lý, làm sạch hồ Hà Nội thì một dự án cải tạo hồ do Đức tài trợ hiện đang được chuẩn bị triển khai. Theo đó, chính phủ Công hòa liên bang Đức sẽ tài trợ 1 triệu euro để giúp Hà Nội cải tạo hồ Hoàn Kiếm.

Tham gia dự án này, ngoài đại học kỹ thuật Desden (Đức), còn có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Công nghệ môi trường, đại học Mỏ địa chất.

Đây là một dự án khá hoàn chỉnh từ việc nghiên cứu địa chất, sinh học, vi sinh vật, đến quy trình cải tạo mà trong đó, lần đầu tiên, một phương pháp nạo vét bùn tiên tiến của Đức sẽ được áp dụng tại Việt Nam. Điểm khác của công nghệ hút bùn này là không cần phải hút bỏ hết nước của hồ. Bùn được hút bỏ theo từng lớp. Việc hút bùn sẽ được thực hiện theo từng tiểu vùng nhỏ, tiến hành trong thời gian dài 1-2 năm, đủ thời gian để hệ sinh thái các tiểu vùng tái tạo cân bằng với hệ sinh thái hồ. Hỗn hợp bùn sau khi hút lên được cho qua máy ép với công nghệ tiên tiến để tách nước. Nước tách ra được xử lý trước khi trả lại hồ, còn bùn được ép thành dạng bánh, thuận tiện cho vận chuyển tới nơi xử lý.

Thiết bị không gây hại đến rùa và các động vật khác trong hồ vì khi hoạt động, nó không gây nên hiện tượng khuấy trộn bùn mạnh. Điều này cũng có nghĩa, hàm lương oxy và hệ sinh thái tầng nước không bị tác động nhiều.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng kiến nghị, do hồ Hoàn Kiếm có tính đặc thù, nó không chỉ có giá trị về mặt môi trường sinh thái và còn có ý nghĩa tâm linh – nơi có rùa quý sinh sống nên trước khi chính thức bắt tay cải tạo hồ, nên đưa vào chạy thử và tối ưu hóa công nghệ tại một số hồ khác có điều kiện gần giống hồ Hoàn Kiếm. Trước mắt, nhóm nghiên cứu lựa chọn hồ Ba Mẫu để thực hiện thí điểm.

Được biết, UBND thành phố Hà Nội cũng rất ủng hộ dự án này. Vào tháng 03/2007, thành phố Hà Nội đã đồng ý cho phép thử nghiệm công nghệ hút bùn tại hồ Ba Mẫu. Việc triển khai thử nghiệm công nghệ mới này tại hồ Ba Mẫu sẽ tiến hành vào năm 2008. Nếu thành công, công nghệ này sẽ được áp dụng để xử lý ô nhiễm đối với hồ Hoàn Kiếm.