Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn gỗ bất hợp pháp

Năm 2018, Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Tự nguyện với EU nhằm loại bỏ gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo dữ liệu hải quan, ít có dấu hiệu cho thấy Việt Nam giảm nhập khẩu gỗ có rủi ro cao về nguồn gốc hợp pháp.

Năm 2018, Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các thị trường được quản lý chặt chẽ của EU. Nhưng các cơ chế được áp dụng gần đây để loại bỏ gỗ bất hợp pháp, theo đánh giá của các chuyên gia lâm nghiệp, là chưa hiệu quả. Một lượng lớn gỗ cứng nhiệt đới từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam, bất chấp các quy định mới nhằm làm sạch chuỗi cung ứng.

Theo ông Tô Xuân Phúc, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của Tổ chức Forest Trends thì các công ty nhập khẩu vẫn đang nhập gỗ có rủi ro cao như trước.

Hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu từ 5 triệu đến 6 triệu mét khối gỗ vào Việt Nam từ hơn 100 quốc gia mỗi năm. Ít nhất 1/3 trong số này là gỗ cứng nhiệt đới từ các quốc gia như Campuchia, Lào, Papua New Guinea và khoảng 20 quốc gia ở Châu Phi. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu nhiệt đới này được coi là có “rủi ro cao” về nguồn gốc pháp lý.

Thỏa thuận Việt Nam-EU là một Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện trong Kế hoạch Hành động Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm nghiệp (FLEGT) của EU. Đó là cam kết phối hợp nhằm làm sạch thị trường gỗ nội địa của Việt Nam, đảm bảo việc xuất khẩu sang EU tuân thủ các quy định của thị trường này. Khi được thực hiện đầy đủ, tất cả gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được cấp giấy chứng nhận đảm bảo nguồn gốc và sản xuất hợp pháp.

Sau khi ký kết thỏa thuận vào năm 2018, các yêu cầu về tính pháp lý đã được luật hóa vào tháng 10 năm 2020 thông qua Hệ thống Đảm bảo Tính hợp pháp của Gỗ Việt Nam (VNTLAS). Hệ thống này áp dụng cho cả chuỗi cung ứng xuất khẩu và nội địa, yêu cầu tất cả gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Thị trường nội địa sính gỗ nhập khẩu

Một xưởng sản xuất đồ gỗ (Ảnh: Katina Rogers)

 

Theo TS. Phúc, hầu hết các loại gỗ nhiệt đới có rủi ro cao được nhập khẩu đều dành cho thị trường nội địa của Việt Nam, nơi có nhu cầu cao về đồ nội thất bằng gỗ cứng cao cấp. Trước kia, gỗ trong nước đủ đáp ứng nhu cầu này, song lệnh cấm khai thác rừng tự nhiên năm 2016 của Việt Nam đã buộc các nhà sản xuất phải tìm kiếm thị trường bên ngoài. Đồng thời, nguồn cung đáng kể từ các nước láng giềng Campuchia và Lào giảm do các quốc gia này nỗ lực hạn chế xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến.

Theo Forest Trends, để khỏa lấp khoảng trống này, hiện có khoảng 1,3 triệu m3 gỗ hàng năm nhập khẩu vào Việt Nam từ hơn 20 quốc gia châu Phi, biến Việt Nam thành nước nhập khẩu gỗ châu Phi lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.

Cameroon là nhà cung cấp chính, khoảng 60% lượng gỗ nhiệt đới nhập khẩu của Việt Nam. Các quốc gia xuất khẩu quan trọng khác bao gồm Angola, Congo, Gabon, Nigeria và Suriname, mỗi nước xuất khẩu hơn 10.000 m3 gỗ tròn và gỗ xẻ sang Việt Nam mỗi năm.

Dữ liệu hải quan do Forest Trends tổng hợp cho thấy không có dấu hiệu giảm nhập khẩu gỗ có rủi ro cao về nguồn gốc hợp pháp kể từ khi quy định của VNTLAS có hiệu lực. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, hơn 400.000 m3 gỗ đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ Cameroon – chiếm khoảng 2/3 tổng lượng nhập khẩu trong cả năm 2020. Ngoài ra, lượng gỗ từ Lào và Campuchia trong cùng thời kỳ đã vượt quá con số cho cả năm 2020.

Việc duy trì nhập khẩu như vậy “sẽ tiếp tục mang lại tiếng xấu cho ngành gỗ Việt Nam và có thể gây ra những hậu quả khó lường cho ngành công nghiệp này”, báo cáo gần đây của Forest Trends nhận định.

Rừng cộng đồng Massaha ở Gabon, một trong những nước cung cấp gỗ chính của Việt Nam. Ảnh: ZB / Mongabay

Hệ thống phức tạp gây khó cho việc giảm thiểu rủi ro

Việc tiếp tục nhập khẩu gỗ có rủi ro cao chủ yếu là do còn hạn chế trong việc thực hiện các yêu cầu mới về thẩm tra nguồn gốc gỗ. Theo quy định của VNTLAS, các nhà nhập khẩu Việt Nam phải thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung với gỗ có rủi ro cao, chẳng hạn như lập hồ sơ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Tuy nhiên, các quy định ở nhiều quốc gia cung cấp gỗ là không rõ ràng và các tài liệu cần thiết rất khó để đáp ứng và xác minh.

Theo TS. Phúc, các nhà nhập khẩu cho biết quy trình thẩm định quá phức tạp và họ không biết cơ quan chức năng nào ở các nước xuất xứ cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết. Trong một số trường hợp, các nhà môi giới gỗ ở các nước cung cấp từ chối chia sẻ toàn bộ thông tin liên quan đến giấy phép khai thác và giấy phép nhượng quyền vì coi chúng là tài liệu mật.

Ông Phúc cho biết, vấn đề còn phát sinh khi các nhà nhập khẩu mua gỗ từ các công ty trung gian của Trung Quốc với Châu Phi: “Các nhà nhập khẩu Việt Nam giao phó các loại thủ tục giấy tờ đó cho các công ty Trung Quốc để họ thực hiện và chuyển sang, song các chứng từ này là không đủ đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam và VNTLAS.”

Trong khi đó, các công ty gỗ Trung Quốc hoạt động ở châu Phi có một hồ sơ hoạt động mờ ám. Một cuộc điều tra năm 2019 do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) thực hiện đã phanh phui các cáo buộc về nhượng quyền thông qua hối lộ, cũng như trốn thuế và khai thác quá mức ở Congo và Gabon. Các thương nhân Trung Quốc ở Cameroon cũng được báo cáo là đã thúc đẩy khai thác gỗ ngựa vằn châu Phi (Microberlinia bisulcata), một loài gỗ cứng được IUCN liệt kê là cực kỳ nguy cấp.

Việc phụ thuộc vào các tài liệu giấy tờ và bên thứ ba để xác minh tính hợp pháp của gỗ có thể xảy ra sơ suất. Theo TS. Phúc, các công ty nhập khẩu cần có các cơ chế bổ sung để đảm bảo rằng các tài liệu cung cấp cho họ là xác thực, mặc dù vấn đề không chỉ nằm ở giấy tờ. Một báo cáo năm 2021 của Forest Trend kêu gọi Chính phủ Việt Nam mở ra các cuộc đối thoại song phương với các cơ quan chức năng của các nước cung cấp gỗ nhằm tìm ra cách thức hợp tác tốt hơn, giải quyết vấn đề nguồn gốc hợp pháp của gỗ.

Các nhà xuất khẩu bất mãn về tiến độ thực hiện VNTLAS

Theo ông Phúc, việc chậm triển khai các biện pháp kiểm soát của VNTLAS đang làm nản lòng các công ty tham gia vào thị trường xuất khẩu béo bở của Việt Nam. Dòng chảy không ngừng của các loại gỗ có rủi ro cao để sản xuất đồ gỗ nội địa có thể gây nguy hiểm cho thương mại không chỉ với EU mà còn với Hoa Kỳ, một thị trường trị giá hơn 7 tỷ USD vào năm 2020.

Các nhà xuất khẩu bị đe dọa áp thuế vào tháng 10 năm 2020, khi Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ điều tra các cáo buộc cho rằng gỗ khai thác bất hợp pháp hoặc gỗ có nguy cơ tuyệt chủng được nhập khẩu vào Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam, luật của nước xuất xứ và các quy định của Công ước CITES.

Mặc dù cuối cùng không bị áp đặt thuế quan, cuộc điều tra đã dẫn đến một thỏa thuận về vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn bán gỗ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết củng cố VNTLAS và xây dựng các biên bản ghi nhớ với các nước sản xuất gỗ có rủi ro cao.

Theo đó, tháng 11 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đề xuất bản ghi nhớ với Cameroon, Lào và một số quốc gia cung cấp gỗ khác. Một số quốc gia trong số này đã có Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện với EU để giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp.

Báo cáo của Forest Trends cho biết: “Tăng cường đối thoại song phương với các nước cung cấp chính của Việt Nam và với các công ty nhập khẩu của Việt Nam, là rất quan trọng nhằm giúp Chính phủ thực hiện các điều chỉnh kịp thời về thực thi và nâng cao hiệu quả chính sách.

Xe tải chở một cây gỗ lớn ở Ebolowa, Cameroon. Ảnh: Ollivier Girard for CIFOR

Quá trình cải thiện hệ thống đang được thực hiện

Bất chấp những bất cập hiện tại, các biện pháp để cải thiện tình hình đang được tiến hành. Các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với đối tác EU đang tiến hành các bước để rà soát, làm rõ và củng cố các quy định liên quan VNTLAS, bao gồm cả quy định về gỗ nhập khẩu.

Bruno Cammaert, Điều phối viên khu vực cho Chương trình FLEGT của FAO-EU cho biết: “Trong năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp có kế hoạch đánh giá việc thực hiện Nghị định số 102 về VNTLAS và các luật khác liên quan đến VNTLAS cho đến nay, điều này có thể sẽ dẫn đến một số điều chỉnh để cải thiện Nghị định”.

Cũng theo Cammaert, hướng dẫn về kiểm soát nhập khẩu đã được xây dựng với sự tham vấn của các cơ quan hải quan và kiểm lâm của Việt Nam và các chương trình đào tạo đang được triển khai trên toàn quốc.

Năm 2020, Việt Nam có 4.500 doanh nghiệp và 1.690 tổ chức và hộ cá thể tham gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Việt Nam, vì vậy sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng nhận thức, năng lực và sự tuân thủ của tất cả các công ty nhập khẩu này, cũng như năng lực của cán bộ Hải quan và Kiểm lâm. Những nỗ lực này sẽ tác động tích cực đến tăng cường các biện pháp kiểm soát liên quan đến nhập khẩu và thẩm định trong giai đoạn tới, theo đánh giá của Cammaert.

Hướng tới cấp phép FLEGT

Mục tiêu của Hiệp định Đối tác Tự nguyện EU-Việt Nam là áp dụng một hệ thống theo đó Việt Nam có thể cấp giấy phép FLEGT của EU và xuất khẩu gỗ hợp pháp đã được xác minh vào châu lục này. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho đến khi VNTILAS hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu của EU, song có một số bài học từ các nước khác mà Việt Nam có thể tham khảo.

Trong số 15 quốc gia hiện có VPA với EU, Indonesia là quốc gia duy nhất hiện đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT. Kể từ khi quốc gia này ký VPA vào năm 2013 và bắt đầu cấp phép FLEGT vào năm 2016, tỷ lệ phá rừng hàng năm đã giảm 56%. Tuy nhiên, “vẫn còn nhiều điểm yếu” với hệ thống này, theo đánh giá của Deden Pramudiana, một nhà vận động cho Mạng lưới Giám sát Rừng Độc lập Indonesia (JPIK).

Giám sát độc lập của JPIK với sự hợp tác cùng người bản địa và cộng đồng địa phương vào năm 2020 và 2021 đã phát hiện ra nhiều vụ vi phạm hệ thống gỗ hợp pháp của Indonesia, tương tự những vi phạm đã gặp ở Việt Nam. Các hành vi vi phạm bao gồm từ việc các công ty khai thác gỗ chặt hạ cây ngoài khu vực được nhượng quyền, đến việc các cửa hàng chế biến gỗ thao túng hồ sơ giao hàng để che giấu nguồn gốc gỗ và các nhà xuất khẩu bán chứng chỉ giả mạo.

Những người chỉ trích việc thực thi VPA ở Indonesia còn cho rằng việc thực thi nghiêm ngặt các quy định kiểm soát gỗ hợp pháp đang tác động không cân xứng lên các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) vốn thiếu nguồn lực tài chính để thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế mới. TS. Phúc cũng đánh giá: “Tại Indonesia, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ gỗ được cấp phép FLEGT chủ yếu có quy mô lớn. Các nhà khai thác nhỏ, vừa và siêu nhỏ không được hưởng lợi.”

Chuyển hướng nhu cầu nội địa có thể giải quyết nhiều vấn đề

Để tránh những kết quả tương tự ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc xây dựng năng lực của các MSME và các đồn điền trong nước, vốn hầu hết được vận hành bởi các nông hộ nhỏ.

Việt Nam sản xuất hơn 20 triệu gỗ rừng trồng hàng năm, nhưng gỗ này ít khi được sử dụng làm đồ nội thất vì gỗ trồng, như keo chẳng hạn, được coi là kém chất lượng hơn các loại gỗ cứng. Do đó, phần lớn gỗ trồng được xuất khẩu dưới dạng dăm gỗ.

Theo TS. Phúc, nhiều vấn đề của ngành gỗ Việt Nam có thể được giải quyết đồng thời nếu người tiêu dùng trong nước chuyển sang sử dụng các sản phẩm gỗ bền vững, từ cây trồng nội địa, thay vì gỗ cứng nhiệt đới nhập khẩu.

Sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng theo hướng đó sẽ thúc đẩy cơ hội cho những người trồng rừng quy mô nhỏ, giảm sự chậm trễ và chi phí liên quan đến vận tải, do đó cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong nước.

Điều này cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị trừng phạt ở các thị trường xuất khẩu lợi nhuận cao. Và, quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ không còn nguy cơ góp phần vào nạn phá rừng ở các nước khác.

Bạch Dương/Theo Mongabay

Nguồn: