Thúc đẩy các giải pháp hạn chế thay đổi dòng chảy sông Mê Kông

Trước tình hình thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã và đang theo sát tình hình, thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Cử tri tỉnh Long An kiến nghị quan tâm vấn đề thay đổi dòng chảy tự nhiên sông Mê Kông, nhất là tiếp tục có ý kiến đến Ủy ban Hợp tác sông Mê Kông về vấn đề này, việc các nước trong khu vực tác động thay đổi dòng chảy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và đời sống kinh tế – xã hội khu vực hạ lưu của dòng sông trên lãnh thổ Việt Nam.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT có ý kiến như sau:

Những năm gần đây, trước tình hình thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã luôn theo sát tình hình, thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực, nhất là Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và Mê Kông – Lan Thương thực hiện các giải pháp ứng phó. Đồng thời, phối hợp cùng với các Bộ, ngành và địa phương liên quan chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu tác động. Các kết quả đạt được đã giúp các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm các tác động suy giảm dòng chảy sông Mê Kông đến môi trường và đời sống kinh tế – xã hội.

Bộ đã thúc đẩy Ủy hội sông Mê Kông quốc tế tăng cường mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là mạng giám sát tác động thực tế của các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông. Đây sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng để Việt Nam giám sát vận hành các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Kông, qua đó, có thể yêu cầu chủ đầu tư các công trình này thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận giảm thiểu tác động.

Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, Bộ tích cực trao đổi, đàm phán với các quốc gia trong lưu vực tại các diễn đàn đa phương và song phương về các quan ngại của Việt Nam và đề nghị các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông chia sẻ kịp thời các thông tin số liệu liên quan với các quốc gia phía hạ du. Trong cơ chế hợp tác Mê Kông – Lan Thương, đã hình thành cơ chế chia sẻ thông tin số liệu khí tượng thủy văn quanh năm tại một số trạm quan trọng trên lưu vực sông Lan Thương, chia sẻ số liệu vận hành bất thường (sửa chữa, sự cố…) của đập thủy điện Cảnh Hồng (công trình nằm cuối cùng trong bậc thang thủy điện trên sông Lan Thương), để các quốc gia hạ nguồn chủ động điều chỉnh các kế hoạch khai thác sử dụng nước phù hợp, dự báo dòng chảy phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động dân sinh.

Mặt khác, thúc đẩy Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các quốc gia tăng cường thực hiện các Thủ tục sử dụng nước của Ủy hội, đặc biệt là Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận. Đối với tham vấn các đề xuất dự án thủy điện dòng chính của Lào, các quốc gia thành viên Ủy hội đã đạt được các thỏa thuận (Tuyên bố chung) về các giải pháp giảm thiểu tác động đến vùng hạ du, bao gồm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, các giải pháp giảm thiểu gồm: sửa đổi thiết kế, nghiên cứu bổ sung, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông và xây dựng hệ thống giám sát tác động của các công trình trên dòng chính đến chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát, thủy sản, hệ sinh thái.

Cùng với đó, phối hợp cùng Ủy hội và các quốc gia thành viên triển khai các nghiên cứu chung về tác động của các hoạt động phát triển ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu đến môi trường vùng hạ du; phân tích, đánh giá các nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt giảm dòng chảy trên sông Mê Kông và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động phù hợp.

Bên cạnh các nghiên cứu chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng chủ động tiến hành nghiên cứu, dự báo các tác động để làm cơ sở xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời; thường xuyên ban hành các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước (bao gồm dự báo mặn) vùng Đồng bằng sông Cửu Long; ban hành các báo cáo tổng kết hàng năm, mùa về dòng chảy trên sông Mê Kông, đưa ra các nhận định, dự báo dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô và mùa lũ tiếp theo, trợ giúp các Bộ, ngành và địa phương xây dựng các giải pháp ứng phó phù hợp. Trong năm 2020, mặc dù, lưu vực sông Mê Kông nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trải qua mùa khô lịch sử nhưng với các thông tin dự báo kịp thời của các cơ quan liên quan cùng với tinh thần chủ động ứng phó của các Bộ, ngành và địa phương đã giúp các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp, góp phần giảm thiểu đáng kể các thiệt hại, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiệm vụ và giải pháp

Trên cơ sở một số kết quả đã đạt được và tình hình diễn biến trên lưu vực, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông; thường xuyên giám sát tình hình nguồn nước sông Mê Kông; thu thập thông tin, số liệu để tiếp tục ban hành các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, bản tin tài nguyên nước về Đồng bằng sông Cửu Long và các báo cáo tổng kết hằng năm.

Tiếp tục sử dụng diễn đàn Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và các cơ chế hợp tác khu vực khác để có ý kiến với các quốc gia thượng nguồn trong các hoạt động khai thác sử dụng nước và điều tiết dòng chảy đảm bảo lợi ích ở hạ du.

Thúc đẩy, giám sát việc thực hiện các cam kết trong các Tuyên bố chung về kết quả tham vấn của các dự án thuỷ điện trên dòng chính sông Mê; thúc đẩy sự tham gia của Ủy hội và các quốc gia ven sông trong xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên; tổ chức tốt các hoạt động tham vấn đối với các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động cập nhật nghiên cứu, đánh giá tác động của các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông; xây dựng các giải pháp tổng thể, toàn diện nhằm ứng phó với các tác động bất lợi đến Việt Nam.