Những ông lớn phá rừng

ThienNhien.Net – Nhằm đạt mục tiêu nâng diện tích che phủ rừng trên cả nước lên 43% vào năm 2010, nhà nước cùng các cấp ngành liên quan và người dân đã tích cực trồng và bảo vệ rừng. Tưởng chừng mục tiêu đề ra sẽ thực hiện được nhưng ngày ngày vẫn có nhiều cánh rừng bị triệt hạ. Chúng bị “giết” vì nhiều những lý do khác nhau. Nhưng chắc chẳng ai ngờ có ngày những người làm công tác bảo vệ rừng lại phá rừng! Đó là chuyện có thật ở Hà Tĩnh.

Hàng chục ha rừng chưa đầy 10 năm trước còn là rừng nguyên sinh, nay trơ trọi, hoang tàn, khét lẹt mùi gỗ cháy. Rừng được phá để chia chác cho các cán bộ là rất lớn, còn người dân sống gần rừng bị bưng bít thông tin. “Sự kiện” này có thể coi như việc nối tiếp con đường cho những “công trình phá rừng” mới?

Rừng thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (KBTTNKG) bị tàn phá nặng nề. Buồn thay, thủ phạm không phải lâm tặc mà chính là những người làm công tác bảo vệ rừng.
 
Tại khu rừng rộng lớn Bãi Nại – nơi mà giáo sư Võ Quý đã bày tỏ quyết tâm gìn giữ do có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có loài gà lôi được ghi vào sách đỏ. Nhưng thật khinh hoàng, hàng chục ha rừng nguyên sinh chỉ còn trơ trọi gốc, ngổn ngang những khúc gỗ, khói leo lét, văng vẳng tiếng cưa máy xẻ gỗ. Buồn hơn, theo lời của những người dân ở đây, kẻ tàn phá rừng không phải là lâm tặc mà chính là các cán bộ từ xã lên tỉnh, trong đó có những người làm công tác bảo vệ rừng của KBTTNKG, một số cán bộ xã Cẩm Mỹ, kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên và cả một cán bộ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh.
 
Tại sao lại có chuyện phá rừng ngang nhiên vậy?
 
Mọi thứ đều bắt đầu từ lợi ích cá nhân không cùng tiếng nói với lợi ích chung! Ngày 18/11/2002, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đệ trình công văn số 1407/NN-PTLG và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt về việc chuyển đổi 552ha “đất trống đồi trọc” thuộc tiểu khu 325A thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (KBTTNKG) tại địa bàn xã Cẩm Thịnh – Cẩm Xuyên. Mặc dù chủ trương này đã bị nhiều nhà khoa học phản đối nhưng nó vẫn được tiến hành bởi “sức nặng” của những ông lớn, bởi sức mạnh của những lợi ích cá nhân!
 
Sau khi nhận được quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, chủ rừng là BQL KBTTNKG đã không thông báo về chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ xung yếu sang rừng sản xuất cho các địa phương sống giáp rừng mà tự hoàn tất việc cấp đất cho cán bộ, công nhân của mình. Cho đến tháng 4/2006, đơn vị này đã hoàn tất hồ sơ giao đất cho 22 hộ thuộc đối tượng ưu tiên là cán bộ CNVC của Khu bảo tồn với tổng diện tích là 190,2 ha. Đồng thời chủ rừng đã giao tới 168,7 ha cho 7 hộ dân ở các xã Cẩm Hưng, Cẩm Thăng và Thị xã Hà Tĩnh theo Nghị định 135 ND-CL, trong số 7 hộ này có 2 hộ ở Thị xã Hà Tĩnh mà theo điều tra là của những cán bộ đương chức nhận mỗi hộ gần 30ha rừng.
 
Ngoài ra, cán bộ kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên, cán bộ UBND xã Cẩm Thịnh cũng được cấp rừng, trong đó ông Nguyễn Huy Qúy – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cũng được “giao” 1,5ha nhưng được đứng tên chủ hộ trong xã Nguyễn Thị Lượng.
 
Điều đáng nói ở đây, nhiều văn bản giao rừng chỉ được chủ rừng viết bằng tay, không có hồ sơ giao rừng, do đó, không ai rõ mình được giao bao nhiêu. Đó cũng là nguyên nhân nhiều đối tượng lợi dụng được giao rừng đã ngang nhiên mở rộng diện tích để triệt phá rừng. Chẳng hạn 13 cán bộ bảo vệ rừng ở trạm số 6 thuộc KBTTNKG được chia 30ha, nhưng trên thực tế con số này lớn hơn nhiều, bởi chỉ riêng ông Trạm trưởng có tên Hảo đã có tới 15,5ha. Trong khi rừng bị triệt hạ để là để phục vụ cho nhiều cán bộ, quan chức thì 21 đơn xin nhận rừng của người dân xã Cẩm Thịnh đã bị BQL KBTTNKG cất vào tủ với lý do… nộp đơn quá muộn(!)
 
Nối tiếp con đường cho những “công trình phá rừng” mới?
 
Có nhiều ý kiến xung quanh “câu chuyện buồn” này, nếu đã là Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng bảo tồn thì không được phép xâm phạm.
 
Chuyển đổi rừng là phải trên cơ sở phát triển, song hành cùng lợi ích bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn. Nếu hôm nay chúng ta cắt đi 500ha, mai lại cắt tiếp 500 ha nữa, rồi lại tiếp tục thì thử hỏi còn gì gọi là rừng bảo tồn nữa?  Đừng lợi dụng, cho nó là rừng nghèo kiệt mà phá bỏ nó đi. Chuyển đổi cũng phải có nơi có chốn chứ đâu phải chỗ nào cũng chuyển đổi được. (Theo ông Đào Văn Tinh – Kỹ sư Thủy lợi, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh)
 
Sau hơn một tháng điều tra, chiều ngày 16/07/2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với người dân xã Cẩm Thịnh xung quanh vụ việc cán bộ kiểm lâm tiếp tay phá rừng, chia chác đất đai.
 
Bước đầu kết luân những sai phạm nói trên đầu tiên thuộc về Trưởng Ban quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (KBTTNKG), Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 6 và Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cẩm Xuyên. Đồng thời cũng tiến hành đình chỉ hàng loạt cán bộ liên quan để phục vụ cho công tác điều tra.
 
Trong bản báo cáo kết quả thanh kiểm tra bước đầu cũng nêu một số biện pháp khắc phục hậu quả và cải thiện tình trạng phá rừng thượng nguồn. Nhưng khắc phục như thế nào bây giờ? Những cánh rừng được bảo vệ sau nhiều năm giờ chỉ còn là những mảnh đất trống? Bao nhiêu năm nữa nó mới trở lại như xưa? Và liệu có ai đảm bảo, trong thời gian đó khi rừng không còn thì chuyện gì sẽ xảy ra?
 
Và liệu chỉ riêng KBTTN Kẻ Gỗ xảy ra tình trạng này hay còn đâu đó những cánh rừng cũng đang phấp phổng lo âu về cuộc đời mình? Chúng được “khoác” lên mình cái mác của những khu rừng đặc dụng cần được bảo vệ nhưng có vẻ ngày nay, ít người “ưa chuộng” những lợi ích lâu dài về tài nguyên, môi trường, sinh thái… Lợi ích của kinh tế, của cá nhân dường như vượt qua tất cả lợi ích chung của cộng đồng?