Gia Lai: Từng vạt rừng tự nhiên tiếp tục bị “phá trắng” ở Mang Yang

Từng vạt rừng tự nhiên trên địa bàn xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (Gia Lai) liên tục bị “phá trắng” để làm rẫy, lấy gỗ. Hàng trăm cây rừng lớn, nhỏ bị đốn hạ, xẻ hộp nằm la liệt tại hiện trường.

Thời gian vừa qua, từng cánh rừng tự nhiên ở Mang Yang liên tục bị tàn phá, lấn chiếm để làm nương rẫy, thậm chí là lấy gỗ. Liên quan đến tình trạng này, trước đó báo Nhà báo và Công luận đã có bài phản ánh “Xót xa những cánh rừng ở Gia Lai liên tục bị “cạo trọc, đốt sạch”.

Cụ thể, từng vạt rừng tự nhiên nằm dọc tuyến tỉnh lộ 666 nối huyện Mang Yang với Ia Pa đã bị “cạo trọc, đốt sạch” còn trơ lại những vạt đất khô khốc. Sau khi đăng tải bài viết trên, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh và đo đếm diện tích rừng bị thiệt hại.

Thế nhưng, ở một diễn biến khác PV tiếp tục ghi nhận tình trạng phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn xã này. Theo đó, mới đây PV tiếp tục ghi nhận hình ảnh từng vạt rừng tự nhiên ở các làng trên địa bàn xã Kon Chiêng bị xâm hại nghiêm trọng.

Hàng loạt cây rừng bị “hạ trắng” ở Kon Chiêng (ảnh Trần Hiền)

Tại hiện trường, từng khoảnh rừng đã bị “cạo trắng”. Hàng trăm cây gỗ có đường kính lớn, nhỏ đều bị triệt hạ không thương tiếc. Nhiều cây gỗ có đường kính khoảng 50-60 cm bị “xẻ thịt” lấy gỗ, dấu mùn cưa và những mảnh bìa vẫn còn nằm rải rác khắp nơi.

Nhiều cây mới cưa còn ứa mủ, vẫn chưa kịp xẻ nằm ngổn ngang tại hiện trường. Số cây không tận dụng được thì bị đốt, thân cây cháy đen nằm chồng chéo khắp mọi nơi.

Cứ như vậy, từng vạt rừng liên tục bị tàn phá, cũ có, mới có và thay thế vào đó là những rẫy mì, rẫy lúa mọc lên. Điều đáng nói, việc phá rừng để làm nương rẫy này diễn ra một cách công khai, nằm dọc hai bên đường đi vào các làng.

Theo ông Võ Đình Huy – Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, phần lớn diện tích rừng bị phá đều nằm sát rẫy của bà con. Chính vì vậy người dân đã lợi dụng để cơi nới, lấn chiếm. Mục đích chính của phá rừng là lấy đất làm nương rẫy.

“Sau khi báo chí thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng kiểm tra, xác minh. Hiện xã cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng mở rộng kiểm tra, xác định diện tích rừng bị phá, xác định các đối tượng phá rừng…”, ông Huy cho biết thêm.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn cũng bị triệt hạ không thương tiếc (ảnh Trần Hiền)

Mặc dù các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng song trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Dường như tình trạng phá rừng làm rẫy ở Gia Lai vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt là đang bước vào mùa khô.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Vĩnh – Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: “Liên quan đến bài viết “Xót xa những cánh rừng ở Gia Lai liên tục bị “cạo trọc, đốt sạch”, Hạt Kiểm lâm cũng đã phối hợp với UBND xã Kon Chiêng vào đo đếm, lập biên bản theo những hình ảnh mà báo phản ánh. Chi cục cũng mới có văn bản đề nghị Hạt Kiểm lâm và Đội Kiểm lâm cơ động cùng với xã tiếp tục rà soát, kiểm tra mở rộng tất cả các khu rừng cộng đồng. Hiện hạt cũng đang làm báo cáo gửi về Chi cục, đồng thời phối hợp với xã rà soát, xác định các đối tượng thực hiện các vụ phá rừng trên”.

Chùm ảnh từng vạt rừng tự nhiên ở Gia Lai bị “phá trắng” mà PV Báo Nhà báo và Công luận mới ghi nhận vào ngày 11/3.

Từng khoảnh rừng bị tàn phá (ảnh Trần Hiền)
Vô số cây rừng bị cưa hạ, nằm ngổn ngang tại hiện trường (ảnh Trần Hiền)

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ, xẻ hộp (ảnh Trần Hiền)

Tại hiện trường chỉ còn lại mùn cưa, bìa gỗ và cành nhánh (ảnh Trần Hiền)
Số cây rừng sau khi bị cắt hạ, được các đối tượng đốt phi tang (ảnh Trần Hiền)
Vị trí rừng bị phá thuộc Tiểu khu 580, rừng cộng đồng làng Ktu (ảnh Trần Hiền)
Hiện số lượng gỗ thiệt hại và diện tích rừng bị phá đang được lực lượng chức năng đo đếm, thống kê (ảnh Trần Hiền)