Tranh chấp môi trường: Cần lấp đầy những lỗ hổng chính sách

ThienNhien.Net – Trong thập kỷ qua, suy thoái môi trường đã gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng về chất lượng cuộc sống, sinh kế và sức khỏe.

Tuy nhiên đang tồn tại một nghịch lý là cộng đồng dân cư rất ít có cơ hội được tham vấn, tham gia trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, dẫn đến xung đột môi trường ngày càng gia tăng.

Tồn tại cùng những lỗ hổng chính sách

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội, tuyệt đại bộ phận các vụ giải quyết tranh chấp môi trường thành công đều thông qua phương thức hòa giải.

Có nhiều trường hợp, doanh nghiệp chấp nhận đối thoại, thương lượng với dân nhưng khi được yêu cầu bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp lại giơ cái “phao” cứu sinh yêu cầu chứng cứ, kết luận… và từ chối bồi thường thiệt hại cho người dân khi khẳng định chấp nhận đền bù khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, khung pháp luật và chính sách đã, đang và hướng tới đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững nhưng thực thi lại chưa hiệu quả.

Hậu quả của công tác hỗ trợ không triệt để, hoạt động hỗ trợ không thường xuyên, liên tục, thiếu tính gắn kết với người dân. Ý thức của người dân về quyền và lợi ích hợp pháp về môi trường còn hạn chế.

Cộng đồng thiếu hỗ trợ về chuyên môn trong công tác giám sát. Mối quan hệ lợi ích phức tạp trong quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội làm mất đi lợi thế của tiếng nói người dân và công cụ pháp lý.

Sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015, nhưng Luật Bảo vệ môi trường vẫn thiếu cơ chế để thực hiện quyền của các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, cộng đồng dân cư, và cơ chế buộc công chức, cơ quan nhà nước thực hiện nghĩa vụ của mình.

Luật chưa có quy định quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân. Luật mới quy định về giám định thiệt hại về môi trường mà chưa có quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại.

Pháp luật cũng chưa có quy định về phương thức chi trả tiền bồi thường đối với những người bị thiệt hại khi xác định được tổng mức thiệt hại và bên gây thiệt hại chấp nhận bồi thường với mức này.

Một nhà máy hoạt động, xả nước thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Một nhà máy hoạt động, xả nước thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Cải tổ quy định pháp luật

Tiến sỹ Nguyễn Văn Phương cũng cho rằng những lỗ hổng chính sách trên cần được lấp đầy. Bởi từ thực tiễn giải quyết tranh chấp môi trường thời gian vừa qua cho thấy số lượng các vụ tranh chấp trong lĩnh vực này được giải quyết thành công chủ yếu thông qua hoạt động hòa giải, có sự tham gia của cơ quan nhà nước.

Đây có thể là minh chứng cho tính ưu việt của hoạt động hòa giải trong thời gian qua so với hoạt động xét xử tại tòa án. Bởi vậy, cần quy định hòa giải tranh chấp môi trường, đặc biệt là tranh chấp bồi thường thiệt hại là một thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện tại tòa.

Trong trường hợp không thể đòi bồi thường thiệt hại cần xây dựng quy định hỗ trợ chủ thể bị thiệt hại theo nguyên tắc trách nhiệm cộng đồng.

Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng quy định về giám định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị thiệt hại, nguyên tắc, trình tự xác định thiệt hại đối với từng chủ thể bị thiệt hại trong tổng thiệt hại, hoặc cơ chế để thực hiện việc “phân bổ” tiền bồi thường cho những người bị thiệt hại trên nguyên tắc minh bạch, dân chủ, công bằng, công khai. Quyền được yêu cầu cung cấp thông tin môi trường của người dân có thể được xem xét khi xây dựng Luật về Thông tin.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét xây dựng những quy định nhằm bảo đảm cho người dân – những người bị thiệt hại, có thể tiếp cận công lý thông qua việc vận động tẩy chay hàng hóa, dịch vụ và phản đối trong hòa bình với những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và hành vi này đã được chứng minh.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững Đặng Đình Bách nhấn mạnh cần phát triển mạng lưới luật sư cộng đồng phục vụ hỗ trợ xử lý tranh chấp môi trường.