Săn lan rừng ở Lào Cai

ThienNhien.Net – Sau mỗi mùa mưa là một mùa hoa lan rừng nữa lại đến. Đó cũng là thời điểm nhiều đồng bào dân tộc H’mông lên rừng tìm kiếm lan mang xuống núi bán. Việc làm đó không những ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà còn khiến nhiều loài lan rừng quý ở Lào Cai có nguy cơ biến mất.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết, mặc dù là mùa đông nhưng lượng khách du lịch đến với hai huyện Sa Pa và Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vẫn tấp nập. Hoa lan rừng tự nhiên rất đẹp, với đầy đủ màu sắc rực rỡ nên được nhiều khách du lịch ưa chuộng. Như nắm bắt được nhu cầu này, người dân địa phương tại đây đổ xô vào rừng kiếm lan ngày một đông. Vậy nên mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhành lan theo dân bản xuống núi.

Nếu du khách từng đến Sa Pa, Lào Cai vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, chắc chẵn sẽ gặp những hình ảnh hoa lan nở rực bày bán la liệ trên vỉa hè hay ngay trong gùi của những người dân xuống núi. Việc mua, bán lan diễn ra rải rác trên khắp tuyến phố chính của thị trấn Sa Pa và Bắc Hà. Ở huyện Bắc Hà, lan rừng được bán công khai trên vỉa hè với hàng chục loại lan đua nhau khoe sắc. Đó là những nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất, những khách thích chơi lan có thể đặt mua những loài lan quý, mà những chùm lan tự nhiên chỉ ở vùng cao Lào Cai mới có.


Ngày càng nhiều người dân địa phương vào rừng kiếm lan và mang bán khắp thị trấn Sapa, Lào Cai.

Phần lớn những người bán lan ở đây là bà con dân tộc H’mông, vì họ là người dân địa phương nên những lúc không phải làm ruộng, nương họ tranh thủ vào rừng kiếm lan. Một người chuyên bán lan rừng ở thị trấn Bắc Hà cho biết: “Lan rừng ở đây rất nhiều loài, hoa cũng có nhiều màu sắc khác nhau. Giá của một chùm, cành lan tuỳ thuộc vào mức to, nhỏ và màu sắc của giống hoa. Nhu cầu của khách mua ngày càng nhiều, đặc biệt là những ngày giáp Tết”.

Công việc vào rừng săn lan trên các địa phương vùng cao Lào Cai từ lâu đã được coi là một nghề nguy hiểm nhưng vì bán được giá nên nhiều người vẫn bất chấp. Cành lan nhỏ cũng bán được 25.000 đến 40.000 đồng, những giò lan quý giá tới vài trăm ngàn. Để có được những cành lan đẹp mang xuống núi bán cho du khách, người kiếm lan phải tốn khá nhiều thời gian vào rừng mới kiếm được, đôi khi họ chặt cả cây gỗ lớn.

Tình trạng người dân vào rừng chặt cây gỗ kiếm lan vẫn ngày một tăng và đã diễn ra gần chục năm, nên lan rừng bây giờ không còn nhiều nữa, nhiều loài lan đã trở nên quý hiếm.

Bởi vậy, đã đến lúc các ngành có liên quan của tỉnh Lào Cai cần vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng kiếm lan dẫn đến triệt hạ những cây gỗ lớn gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác. Đồng thời, tuyên truyền đến bà con dân tộc về hệ lụy của những việc mà họ đang làm, bởi chắc chắn một điều rằng, lợi nhuận cao, người dân vào rừng kiếm lan ngày càng đông, lan rừng xuống núi càng nhiều sẽ làm cạn kiệt dần những loài lan quý hiếm.