Hạn, mặn khốc liệt ở miền Tây: Dân cắt lúa hỏng cho bò ăn dần

Hạn hán, xâm nhập mặn khiến cây lúa không phát triển được, chị Thoa (Giồng Trôm, Bến Tre) đành cắt lúa đem về cho bò ăn dần.

Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn được đánh giá là khốc liệt nhất từ trước đến nay.
Tại Bến Tre, ảnh hưởng của hạn, mặn khiến lúa sinh trưởng chậm, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 4.856 ha. Theo UBND tỉnh, vụ lúa đông xuân 2019 – 2020, bà con xuống giống khoảng 5.280 ha, tập trung ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và Bình Đại.
Chị Đoàn Thị Kim Thoa (ngụ ở ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) cho biết, nước mặn xâm nhập khiến lúa không phát triển được. Chị và nhiều gia đình quyết định cắt lúa đem về cho bò ăn dần.
Trước đó, chị Thoa được các ngành chức năng địa phương khuyến cáo không xuống giống để né hạn, mặn; nhưng chị không làm theo vì cho rằng mình có thể vượt qua.
Tại huyện Ba Tri, nước ngọt cho sinh hoạt, chăn nuôi trở nên khan hiếm. Nhiều hộ dân phải bỏ tiền mua nước với giá từ 100.000 đến 200.000 đồng/khối (giao tận nhà)
Anh Hồ Văn Bảy (ấp Tân Thuận, xã Tân Xuân, huyên Ba Tri) cho biết, mỗi ngày, từ 2h đến 22h, anh liên tục bơm nước từ giếng khoan rồi chở đi đổi cho hộ dân có nhu cầu.
Ở tình Tiền Giang, tình trạng xâm nhập mặn đang khiến dân trồng sầu riêng đứng ngồi không yên. Để cứu những vườn sầu riêng đang “khát” nước, nhiều nhà vườn ở cù lao Ngũ Hiệp bỏ tiền thuê sà lan chở nước từ thượng nguồn về.
Nông dân các nhà vườn tại cù lao Ngũ Hiệp cho biết, đây là đợt xâm nhập mặn tồi tệ nhất mà họ từng thấy. Hơn 1.500ha sầu riêng ở củ lao này (chiếm 90% diện tích nông nghiệp) đang thiếu nước trầm trọng.
Tại khu vực dự án ngọt hóa Gò Công (thuộc các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), nhiều diện tích lúa đông xuân còn xanh đang thiếu nước. Chính quyền và người dân đang tập trung nhân lực, vật lực tìm nguồn nước ngọt để “giải cơn khát” cho ruộng đồng.
Tình trạng tương tự diễn ra ở tỉnh Vĩnh Long, nơi có trên 10.000 ha lúa đông xuân, 23.890 ha cây lâu năm đang bị đe dọa bởi hạn, mặn. Nhiều kênh mương bị bồi lắng, không cấp, trữ đủ nước. Các huyện nhiễm mặn cao là Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình.
Cây trồng héo quắt vì khát. Cống Nàng Âm (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) ghi nhận độ mặn cao nhất trong những ngày qua, vượt mức lịch sử năm 2016.
Con kênh ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình gần cạn khô.
Ở tỉnh Sóc Trăng, hầu hết các khu vực bị xâm nhập mặn. Ngành nông nghiệp đang lo ngại hạn mặn kéo dài và sâu hơn sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn héc ta cây ăn trái đặc sản ở huyện Kế Sách (vùng đê bao chưa khép kín).
Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, Sóc Trăng khoan thêm 30 giếng nước ngầm với tổng sản lượng 30.00 m3.