Hệ sinh thái biển đang bị suy giảm

ThienNhien.Net – Vùng biển Việt Nam hội tụ hàng loạt các hệ sinh thái (HST) từ rừng ngập mặn, rạn san hô, đầm phá, cửa sông, đến các quần đảo xa bờ và hệ sinh thái biển sâu. Tuy nhiên, các HST này đang đứng trước các nguy cơ đe dọa ngày càng tăng do các hoạt động phát triển của con người và thiên tai.

Hầu hết các HST ven bờ biển của Việt Nam đều đang bị nguy cơ suy thoái do bị khai thác quá mức, bị đe dọa nặng nề bởi ô nhiễm chất thải, lắng đọng trầm tích và ô nhiễm tràn dầu.

Theo thống kê, 62% tổng diện tích rừng ngập mặn trên toàn quốc hiện nay là rừng mới trồng, thuần loại, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài. Những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn. Sự suy thoái này thể hiện rõ nét nhất qua sự suy giảm nhanh chóng về diện tích và chất lượng các khu rừng ngập mặn.

Năm 1943, nước ta có hơn 408.500 ha rừng ngập mặn, đến năm 2006, diện tích rừng ngập mặn chỉ còn 209.741 ha, chủ yếu là rừng mới trồng. Mất rừng ngập mặn gây ra tổn thất nghiêm trọng về đa dạng sinh học, đặc biệt mất rừng ngập mặn là bãi đẻ của các loài thủy sản, mất nơi cư trú của các loài chim nước, làm mất chức năng chống phèn hóa, ngăn ngừa xói lở bờ biển, hạn chế ô nhiễm và tác hại của gió bão.

IMG_0515_97790

Rạn san hô phân bố ở nhiều vùng biển ven bờ, xung quanh các đảo trên thềm lục địa, bao gồm: Quần đảo Cô Tô, Hạ Long- Cát Bà, Bạch Long Vĩ, đảo Cù Lao Chàm, vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang, ven bờ Ninh Hải (Ninh Thuận), vịnh Cà Ná, đảo Phú Quý, các quần đảo Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, các rạn san hô chủ yếu đang ở trong tình trạng xấu.

Các kết quả điều tra từ năm 2004 đến 2007 tại 7 vùng rạn san hô trọng điểm của Việt Nam cho thấy chỉ có 2,9% diện tích rạn san hô được đánh giá là trong điều kiện phát triển rất tốt, 11,6% ở trong tình trạng tốt, 44,9% ở trong tình trạng xấu và rất xấu. Sự suy giảm diện tích rạn san hô dẫn tới suy giảm về đa dạng sinh học các nhóm sinh vật khác sống trong rạn như cá san hô, giáp xác, thân mềm.

Thảm cỏ biển là nguồn cung cấp thức ăn cho các loài hải sản. Số loài cư trú trong vùng thảm cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài từ 2 đến 8 lần. Đặc biệt, đây là nơi sống, kiếm ăn của loài Bò biển (Dugon), một loài thú biển thuộc loại quý, hiếm. Các thảm cỏ biển phân bố ở độ sâu từ  0- 20m, tập trung nhiều ở ven bờ đảo Phú Quốc và một số cửa sông miền Trung (hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, đầm Thủy Triều).

Theo thống kê của nhóm chuyên gia của Viện Tài nguyên và Môi trường biển đến 2009-2010, diện tích thảm cỏ biển ven bờ Việt Nam là 12.380 ha. Thảm cỏ biển cũng đang bị mất dần diện tích một phần do tai biến thiên nhiên, phần khác do lấn biển để làm các ao nuôi thủy sản và xây dựng công trình ven biển. Theo thống kê chung của cả nước thì hiện nay diện tích các thảm cỏ biển của Việt Nam bị giảm 40-70%…

Trước bối cảnh hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển bị suy thoái, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 có 16 khu với diện tích vùng biển 169.617 ha. Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tổn biển được bảo vệ nghiêm ngặt. 

Việc thành lập khu bảo tồn biển sẽ góp phần vào công tác quản lý hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển được hồi phục góp phần vào phát triển bền vững kinh tế, xã hội.

Các khu bảo tồn biển nếu được quan tâm thích đáng sẽ là những nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, lưu giữ nguồn giống tự nhiên, nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế cho các vùng lân cận, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của  các địa phương ven biển có khu bảo tồn thiên nhiên đó.