Lâm Đồng: Hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh vừa ký ban hành thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều dự án sử dụng sai mục đích

Theo kết luận thanh tra, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm; việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp huyện chậm thực hiện gây khó khăn trong quá trình thực hiện giao đất, cho thuê đất.

Việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng, có nơi đã không căn cứ vào thực tế quản lý, sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, nhất là các hộ dân đồng bào dân tộc.

Thành phố Đà Lạt là nơi triển khai nhiều dự án có thu hồi đất nhưng chính quyền các cấp chưa quan tâm đến việc bổ trí tái định cư cho các hộ dân. Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất ở một số huyện, thành phố, chưa sát với thực tế và nhu cầu sử dụng đất; việc xây dựng và ban hành giá thuê rừng còn chậm; việc điều chỉnh, ban hành giá đất có thời điểm chưa kịp thời.

Thành phố Đà Lạt là nơi triển khai nhiều dự án có thu hồi đất nhưng chính quyền các cấp chưa quan tâm đến việc bổ trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khiếu kiện về đất đai.

Một số trường hợp giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá là vi phạm điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai 2003, Điều 118 Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, nhiều dự án được Nhà nước giao đất, thuê đất, thuê rừng không đưa đất vào sử dụng, để xảy ra lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, không chấp hành nghĩa vụ tài chính, vi phạm quy định nhưng chậm hoặc không được xử lý theo quy định.

Một số trường hợp đơn giá thuê chưa sát giá thị trường, chậm điều chỉnh sau khi hết thời hạn ổn định giá, để chủ đầu tư chiếm dụng số tiền thuê đất phải nộp, cá biệt có trường hợp miễn giảm sai quy định làm thất thu ngân sách. Việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Lạt còn có biểu hiện hình thức, chưa phát huy tính cạnh tranh nhằm mục tiêu tăng thu về ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc miễn giảm tiền thuê đất của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước làm thất thu ngân sách Nhà nước.

164 dự án đầu tư ngoài ngân sách thuê đất chưa đúng quy định

Kết luận cũng chỉ ra, trong quá trình lập quy hoạch, các huyện, thành phố chưa chú trọng đến công tác khảo sát lập quy hoạch và tổ chức lấy ý kiến, chưa đánh giá được hết hiện trạng và có giải pháp quy hoạch phù hợp để định hướng cho từng giai đoạn quy hoạch, dẫn đến chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, 7 đơn vị cấp huyện chưa được phê duyệt quy hoạch vùng huyện là chưa đúng quy định.

Đặc biệt Quy hoạch Chi tiết xây dựng khu Hòa Bình sau khi phê duyệt còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng khi thực hiện dự án di dời rạp Hòa Bình, việc di dời đầu tư Dinh Tỉnh Trưởng và khu vực xung quanh. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt còn phức tạp, trong đó điển hình là vi phạm ở khu vực Khu Du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, quá trình quản lý đầu tư các dự án ngoài ngân sách còn có một số vi phạm, thiếu sót, tồn tại, công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tiến độ, tình hình thực hiện các dự án đầu tư còn chưa được thường xuyên, kịp thời. Việc xử lý đối với các vi phạm của các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là các dự án không triển khai còn thiếu kiên quyết, còn có biểu hiện buông lỏng quản lý đầu tư ở một số dự án.

Việc gia hạn đối với 164 dự án đầu tư ngoài ngân sách được thuê đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014. Trong đó UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1034/UBND-ĐC ngày 11/3/2015 quy định về việc gia hạn dự án là chưa đúng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.

Đầu tư dàn trải, không bố trí được vốn dẫn đến thi công dở dang

Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trên địa bàn tỉnh đến nay chưa thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành, các ban quản lý dự án khu vực có đủ điều kiện năng lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư là chưa đúng theo nội dung Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Một số dự án, công trình chủ trương xây dựng chưa tập trung, chưa sát thực tế, còn dàn trải trong đầu tư, không bố trí được vốn dẫn đến thi công dở dang, kéo dài thời gian thực hiện, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở vùng dự án; vẫn còn để tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt ở một số dự án, công trình còn nhiều hạn chế, chất lượng thấp dẫn tới phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Việc lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán một số dự án, công trình còn chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu, tính khả thi và tính hiệu quả của dự án nên trong quá trình thi công phải xử lý, điều chỉnh phát sinh nhiều lần, làm tăng giá trị gói thầu, kéo dài thời gian thi công, ảnh hưởng sự phát triển kinh tế địa phương.

Việc quản lý hợp đồng ở một số gói thầu chưa chặt chẽ theo hình thức hợp đồng, các điều kiện để điều chỉnh hợp đồng, xử lý phát sinh, bổ sung, điều chỉnh giá hợp đồng, gia hạn hợp đồng chưa đảm trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền. Một số dự án đầu tư thiếu vốn kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, không phát huy được hiệu quả so với phê duyệt như: Dự án Ký túc xá sinh viên, Dự án Khu tái định cư 5B…

Việc tổ chức đấu thầu ở nhiều gói thầu không hiệu quả, tỷ lệ giảm giá thấp, không đạt mục tiêu trong đấu thầu là tiết kiệm vốn cho ngân sách. Một số gói thầu đấu thầu có biểu hiện hình thức, chủ đầu tư đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn chưa phù họp với quy mô gói thầu, làm giảm sự cạnh tranh trong đấu thầu, tạo điều kiện cho một nhà thầu tham gia để được trúng thầu.

Mặt khác, công tác quản lý thi công xây lắp, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán ở 15 dự án, công trình được thanh tra còn để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm như tính toán khối lượng chưa chính xác, nghiệm thu sai thực tế thi công, áp dụng sai định mức đơn giá dẫn đến phải xử lý thu hồi lại ngân sách hoặc giảm trừ khi phê duyệt quyết toán hoàn thành.

Ngoài ra, công tác quyết toán các dự án hoàn thành vẫn còn tình trạng nhiều dự án hoàn thành nhưng chậm nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán theo quy định. Một số dự án sau khi quyết toán hoàn thành việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng theo họp đồng chưa triệt để, còn để nhà thầu chiếm dụng vốn dây dưa, kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nêu trong kết luận thanh tra thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh; các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ” – kết luận chỉ rõ.