REDD ở Việt Nam: Vấn đề, Cơ hội và Mối liên hệ

ThienNhien.Net – 1/6 khí thải dẫn đến hiệu kính nhà kính là do việc mất rừng và suy thoái rừng. Lượng khí thải này còn nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải do giao thông gây ra. Do đó, giải pháp được đưa ra là phải bảo tồn rừng mà một trong những phương thức hiệu quả nhất là có thể dựa trên việc định giá kinh tế rừng và sử đụng đất hợp lý. Đơn giản hơn rằng, việc giữ rừng hay phá rừng chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi giá rừng.

Đó là lý do vì sao giảm phát thải từ nỗ lực giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD) đã được đưa vào trong chương trình nghị sự của Công ước khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) – Hội nghị các bên liên quan (COP) 11 từ năm 2005 và một khái niệm mở, “REDD+” được lồng ghép để tăng cường trữ lượng các bon lâm nghiệp hiện có, trong Kế hoạch Hành động Bali tại COP13 năm 2007. Việc công nhận tầm quan trọng của bảo tồn rừng đối với giảm thiểu biến đổi khí hậu là một trong những nội dung của thỏa thuận tại COP15 ở Copenhagen.

Để thực hiện thành công REDD, các quốc gia nghèo có rừng phải thực hiện các chính sách để giảm và thậm chí xóa bỏ tình trạng chặt rừng và suy thoái rừng đồng thời thực hiện các chính sách làm tăng trữ lượng cácbon hiện có. Những quốc gia thực hiện những chính sách này sẽ được “thưởng” tài chính từ chính phủ hoặc khu vực kinh doanh của các nước phát triển, những nước cần bồi hoàn lượng phát thải họ tạo ra. Khái niệm rất đơn giản nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện khái niệm này dường như khó khăn hơn nhiều. Nhiều tổ chức đang nghiên cứu các rào cản kỹ thuật, chính sách và tài chính để thực hiện thành công khái niệm này. Ví dụ, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tập trung vào các điều kiện tiên quyết mang tính pháp lý về thực hiện REDD+ công bằng và hiệu quả trong khi đó Trung tâm Rừng và Con người trong khu vực (RECOFTC) ở Băng Cốc thì nghiên cứu về phạm vi, quy mô của sự tham gia của cộng đồng vào REDD+.

Được thành lập năm 2008 và chủ yếu là đo chính phủ Na Uy tài trợ, Chương trình UN-REDD (http://www.un-redd.org/) giúp các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam, sẵn sàng tham gia vào cơ chế REDD+ trong tương lai. Trong những vấn đề liên quan đến REDD+ cần phải thực hiện, chính phủ Việt Nam đã xác định việc thiết kế một hệ thống phân chia lợi ích minh bạch và công bằng (BDS) là một nội dung ưu tiên.

Việt Nam có điều kiện phù hợp để xây dựng Hệ thống phân bổ lợi ích theo cơ chế REDD+ vì đã có nhiều năm kinh nghiệm với các hệ thống tương tự như Chương trình 661 (được biết đến như chương trình trồng 5 triệu ha rừng) trong đó trả tiền cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng và các dự án thí điểm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) do các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Trọng tâm của Hệ thống phân bổ lợi ích cũng nhằm đẩy mạnh chức năng quản lý của Việt Nam, đảm bảo ổn định xã hội và đảm bảo quyền hưởng dụng đất ở mức độ tương đối cao. Đó là những lợi thế mà Việt Nam có thể sử dụng để đạt được khả năng cạnh tranh cao trong cơ chế REDD+ trên trường quốc tế trong tương lai. Việt Nam cũng có diện tích lớn rừng bị suy thoái và nếu được tái sinh tự nhiên thì có thể nhanh chóng hấp thụ các bon, bảo tồn đất và nước. (Thực tế, 1,2 triệu trong tổng số 16 triệu ha rừng Việt Nam được phân loại là đất “chưa có rừng” hoặc “chưa thành rừng”.)

Để giúp chính phủ Việt Nam thiết kế Hệ thống phân bổ lợi ích theo cơ chế REDD+ , UN-REDD đã tài trợ một chương trình nghiên cứu về các vấn đề và hình thức chia sẻ lợi ích dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Nghiên cứu này do IUCN điều phối và do một nhóm các chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện vào cuối năm 2009. Kết quả nghiên cứu tóm tắt được trình bày tại COP15 và báo cáo cuối cùng được hoàn thiện vào tháng 01/2010, đồng thời được đăng tải trên trang web: http://tinyurl.com/vietnam-bds-study.

Nghiên cứu đã xác định một số hạn chế cần được giải quyết để có thể xây dựng Hệ thống phân bổ lợi ích theo cơ chế REDD+ và đề xuất các giải pháp để giải quyết những hạn chế này. Nghiên cứu cũng xem xét tính khả thi khi đưa ra các đề xuất cho việc thực hiện REDD+ tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra một số kết luận chính sau đây:

Thứ nhất, REDD+ có thể tạo ra khoảng 80-100 triệu USD/năm, gấp 3-4 lần hỗ trợ ODA hiện có đối với ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng này chỉ có thể thực hiện được nếu chính phủ thực hiện các bước để đảm bảo thực hiện REDD+ hiệu quả. Điều đó bao gồm: xây dựng một chiến lược REDD+ tổng thể để tạo và duy trì ổn định việc giảm phát thải ở cấp cơ sở; xây dựng năng lực cần thiết để đánh giá và báo cáo về kết quả giảm phát thải; áp dụng Hệ thống phân bổlợi ích (BDS) đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế và các nhà quản lý rừng.

Thứ hai, REDD+ là chủ đề đàm phán trong khuôn khổ của UNFCCC. Mặc dù các nguyên tắc ngày càng rõ ràng hơn, cũng còn nhiều nội dung cần phải xác định chi tiết. Vì vậy, tại thời điểm này, chưa thể nói được REDD sẽ được thực hiện như thế nào ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã xác định một số giải pháp chính sách để chính phủ xem xét ở giai đoạn khởi đầu này. Nói cách khác, nghiên cứu đã đề xuất công việc cần tiếp tục thực hiện để xác định phương pháp tiếp cận phù hợp nhất.

Thứ ba, vì REDD+ vẫn đang trong giai đoạn đàm phán nên chưa có tính pháp lý. Thực tế này bị mờ nhạt bởi rất nhiều dự án REDD đang được thực hiện ở Việt Nam và các quốc gia khác tập trung vào thị trường các bon tự nguyện. Nhưng có thể REDD+ sẽ phải được thực hiện ở cấp quốc gia để tránh các vấn đề có liên quan đến rò rỉ. Có nghĩa là nguồn tài chính sẽ được đưa về cấp quốc gia trước khi được phân bổ cho các đối tượng chịu trách nhiệm về giảm phát thải (giả thiết cho rằng phát thải đã được giảm dưới mức tham chiếu).

Cuối cùng, REDD+ phải học hỏi nhiều từ các dự án PFES đã được thí điểm thành công ở Việt Nam nhưng không nên nhầm lẫn giữa hai dự án này. Cả hai khái niệm liên quan đến việc bồi hoàn cho người sử dụng đất về những dịch vụ môi trường họ cung cấp nhưng có một số điểm khác nhau quan trọng, bao gồm cả thực tế PFES đang được thực hiện tại Việt Nam. Người mua các dịch vụ môi trường này là những công ty trong nước do chính phủ trung ương chỉ định với mức giá theo quy định. Mặt khác, người mua tín chỉ REDD+ có thể là các tổ chức nước ngoài và họ đề nghị mức giá đã được xác định trên thị trường quốc tế, có thể thông qua các lực lượng thị trường. Điều đó có nghĩa là REDD+ có thể không quản lý giống theo cách thức đang được áp dụng trong cơ chế PFES hiện có.

Trong số những khuyến nghị chính sách đưa ra, có một số khuyến nghị đáng quan tâm. Thứ nhất là giải quyết những yếu tố cản trở mang tính pháp lý đã hạn chế sự tham gia của cộng đồng vào REDD+. (Kinh nghiệm từ Lâm Đồng và các dự án khác cho thấy việc giao rừng cho cộng đồng chứ không phải giao cho hộ gia đình góp phần tăng công bằng cho việc phân phát tiền chi trả đồng thời giảm phạm vi nắm giữ của nhóm chủ thể có kiến thức, vị trí ở địa phương). Luật Bảo vệ Phát triển rừng 2004 công nhận cộng đồng là chủ rừng nhưng luật Dân sự chưa công nhận cộng đồng là một thực thể pháp lý, điều đó có nghĩa là họ không thể ký hợp đồng. Báo cáo đánh giá lâm nghiệp cộng đồng của Bộ NN&PTNT thực hiện ở 34 trong số 40 tỉnh có rừng đã cho thấy chính quyền địa phương miễn cưỡng giao rừng lâu dài cho cộng đồng vì họ không thể quy trách nhiệm cho cá nhân khi vi phạm hợp đồng. Các cán bộ hữu trách địa phương lo ngại rằng giao rừng cho nhóm cộng đồng thì khi có vi phạm xảy ra sẽ không quy trách nhiệm đối với hành động của họ được.

Cần có các biện pháp đảm bảo cần thiết sau khi đã xác định giá cácbon để tránh các sai lầm có thể xảy ra. Nếu mức giá này đủ cao, thì sẽ là động lực để quản lý rừng. Vì 2/3 rừng Việt Nam là do các công ty nhà nước hoặc UBND quản lý, nếu giá cácbon cao thì REDD+ có thể cản trở việc đẩy nhanh thực hiện chính sách của chính phủ về giao rừng cho cộng đồng và các hộ gia đình. Tại một số tỉnh, việc giao rừng của các lâm trường quốc doanh giải thể quản lý trước đây đã bị trì hoãn bởi vì các tỉnh không muốn nhận trách nhiệm thực hiện trả tiền thất nghiệp cho công nhân. Nếu giá cácbon cao (giá trị của rừng tăng nhanh), có thể làm giảm động lực giao rừng cho các tổ chức/cá nhân ngoài quốc doanh.

Một vấn đề liên quan là bất kỳ một Hệ thống phân bổ lợi ích dù được thiết kế tốt cũng sẽ không tránh được được việc khiếu nại . Để đảm bảo sự tin cậy, cần xây dựng một cơ chế để có thể báo cáo và giải quyết độc lập thông tin khiếu nại. Ở Việt Nam, ý kiến khiếu nại của công dân phải được trình cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm. Nhưng nếu cơ quan đó cũng là đơn vị chịu trách nhiệm về Hệ thống phân bổ lợi ích thì sẽ phát sinh mâu thuẫn lợi ích. Cần có tổ chức thứ ba tham gia vào việc này. Việt Nam có ít kinh nghiệm về sự tham gia của các tổ chức dân sự vào quá trình ra quyết định và vì vậy không có mô hình nào có thể được sử dụng.

Tuy nhiên, một tổ chức phi chính phủ Việt Nam đã thiết lập một đường dây nóng và hệ thống theo dõi những trường hợp cụ thể và đã thu hút được sự tham gia của công chúng trong việc báo cáo về buôn bán động vật hoang dã trái phép (hơn 2.300 trường hợp đã bị khai báo từ khi đường dây nóng bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2005). Tổ chức phi chính phủ cũng giám sát trách nhiệm của chính phủ và xuất bản bản tin hàng quý. Một Hệ thống phân bổ lợi ích theo cơ chế REDD+ có thể áp dụng một mô hình tương tự như vậy.

Điểm quan trọng là các nước sẽ được đền đáp cho việc thực hiện REDD ở cấp quốc gia; nếu phát thải giảm tại một địa điểm nào đó nhưng lại tăng phát thải ở địa điểm khác sẽ không được đền đáp. REDD+ phải được thực hiện song song với một hệ thống cải thiện cơ bản về thực thi lâm luật và quản trị rừng (FLEG). Đó là một vấn đề chính ở Việt Nam và theo số liệu của Cục Kiểm lâm (FPD), có từ 50.000-60.000 trường hợp vi phạm lâm luật/năm trong khi đó diện tích rừng tự nhiên tiếp tục suy giảm. Nói cách khác, FPD rất mạnh trong việc bắt giữ nhưng lại yếu về ngăn chặn, điều đó được giải thích thông qua tình trạng mất rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra. (mức độ tăng che phủ rừng gần đây ở cấp quốc gia hoàn toàn là từ những khu rừng trồng có giá trị bảo tồn thấp). Từ quan điểm của REDD+, đây là một thất bại vì rừng vẫn bị chặt và phát thải vẫn được cho là tiếp tục diễn ra. Và vì Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, nhu cầu về gỗ cũng tăng. Thậm chí cả những khu bảo tồn của Việt Nam cũng bị tổn thương bởi tình trạng săn bắn trộm và khai thác gỗ trái phép trong các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Cơ chế REDD+ trong tương lai nên thưởng cho chủ rừng về những nỗ lực của họ trong bảo tồn rừng và giảm phát thải. REDD+ là công bằng và hiệu quả nếu nó mang lại kết quả giảm phát thải thực sự và thưởng cho những ai xứng đáng được thưởng thì việc cải thiện FLEG là một điều kiện tiên quyết. Nếu FLEG không được cải thiện, REDD+ có thể làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các chủ rừng. Nguồn tiền vào đáng kể cũng có thể ngăn cản tiến trình của một ngành thực sự cần đổi mới và cải cách. Chương trình REDD+ và FLEG là hai mặt của một đồng xu: chúng hỗ trợ bổ sung cho nhau và yêu cầu có sự xắp xếp, điều phối thận trọng.