Dự án REDD+ hay trò lừa đảo ở Congo

Tháng 12 năm 2021, Iluka Alain – người đứng đầu cộng đồng Bofekalasumba, Cộng hòa Dân chủ Congo – khá ngạc nhiên khi thấy 2 người đàn ông chạy xe máy xuất hiện ở làng mình. Họ nói tiếng Lingala, ngôn ngữ phổ thông của Congo, và giới thiệu rằng họ đến từ một công ty chuyên tư vấn các dự án quản lý khí nhà kính có tên Kanaka Management Services (KMS) có trụ sở ở Ấn Độ. Những người này dường như đang rất vội, liên tục hỏi Iluka về việc Bofekalasumba có đơn vị quản lý việc chuyển nhượng đất rừng cộng đồng của người bản địa (CFCL) hay không.

Iluka trả lời rằng làng Bofekalasumba vẫn chưa có cơ quan nào như vậy. Ngay lập tức, họ khuyên Iluka thành lập một Ủy ban lâm thời gồm bảy người. Không ai phản đối, nên Iluka đã lập một Ủy ban theo đề xuất của họ. Hai người đàn ông giải thích qua cho Ủy ban đặc biệt này về việc khu rừng của họ có thể bán tín chỉ carbon trên thị trường thế giới, giúp tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương. Họ thuyết phục thành viên Ủy ban ký vào bản hợp đồng dài 19 trang mà họ mang theo để địa phương có thể tận dụng cơ hội này.

Các thành viên Ủy ban chỉ bổ sung một số chi tiết về quy mô của các khu rừng cộng đồng rồi ký vào hợp đồng. Sau đó, hai người đàn ông mới bàn giao bản hợp đồng cùng với 5.000 franc Congo (khoảng 2,5 USD) cho Ủy ban. Cuối cùng, họ lên xe và rời khỏi làng. Toàn bộ quá trình chỉ mất tầm 35 phút.

Bấy giờ, người dân địa phương mới bắt đầu nghiền ngẫm bản hợp đồng. Tài liệu được viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp mà không phải tiếng Lingala hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Tuy vậy, họ vẫn cố gắng đọc hết thỏa thuận và nhận ra mình vừa ký từ bỏ các quyền đối với carbon và các dịch vụ tiềm năng khác từ rừng trong 100 năm tới. Cộng đồng tự hỏi phải chăng mình đã mất quyền tiếp cận ruộng vườn và bãi săn bắn trong khu vực rừng do cộng đồng quản lý hay không; liệu họ có thực sự nhận được lợi ích như đã hứa hẹn hay không.

Dân làng trên sông Congo ở Cộng hòa dân chủ Congo. (Ảnh: Ollivier Girard)

“KMS tiếp cận chúng tôi như một tên trộm vậy. Giờ đây, chúng tôi không thể toàn quyền quản lý rừng của mình nữa.” – Iluka bày tỏ trong một video làm chứng do tổ chức nhân quyền và môi trường Congo mang tên GASHE ghi lại.

Trong khi đó, bản hợp đồng mẫu của các Dự án Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng – REDD+ yêu cầu “sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin đầy đủ cho tất cả các thành viên cộng đồng là người đại diện khu vực”.  Các dự án này nằm dưới sự bảo trợ của Sáng kiến ​​do Liên hợp quốc hậu thuẫn, với mục đích hỗ trợ phát triển kinh tế của các cộng đồng song song với việc bảo tồn rừng.

Hóa ra, Bofekalasumba không phải là địa phương duy nhất gặp trường hợp này. Hồi tháng 12/2021, các đại diện công ty (KMS) đã đứng ra “bảo vệ” quyền của 25 khu vực rừng của người bản địa ở tỉnh Équateur, Congo theo một cách rối rắm và khó hiểu. KMS cũng đang hoạt động tại ít nhất 5 tỉnh khác của nước này.

Theo lời kể của những người đã có mặt tại các buổi gặp do đại diện KMS tổ chức tại Équateur vào tháng 12/2021, KMS hứa hẹn sẽ cho các cộng đồng một khoản tiền và thậm chí là tài khoản ngân hàng được mở dưới tên của họ. Nhưng những người đó lại dành rất ít thời gian để nói về chi tiết bản hợp đồng và chỉ cho dân địa phương cách đọc các tài liệu khi hợp đồng đã được ký. 25 cộng đồng đang kêu gọi hủy bỏ hợp đồng, cho rằng KMS không hề giải thích đầy đủ về những gì họ đã ký mặc dù đó vốn là nghĩa vụ của KMS theo Hiến pháp Congo.

Người dân cũng nói rằng KMS sử dụng “mánh khóe”, tận dụng thực tế là nhiều người ở Équateur không biết chữ và không nói tiếng Pháp và tiếng Anh để mập mờ lừa họ ký hợp đồng.

Họ cho biết, những người của KMS đã thực hiện quy trình tham vấn, thỏa thuận quá gấp rút, không mang tính đại diện cho toàn bộ cộng đồng cũng như lợi ích của cộng đồng vốn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng.

Voi rừng ở Cộng hòa dân chủ Congo (Ảnh: USAID Châu Phi)

Thị trường tín chỉ carbon

Rừng nhiệt đới được coi là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thụ carbon từ khí quyển. Đồng thời, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy việc tham gia và đầu tư vào các cộng đồng bản địa và địa phương sống trong hoặc quanh các khu vực rừng này là chiến lược hiệu quả nhất để khuyến khích việc quản lý rừng bền vững. Chiến lược này hữu hiệu hơn việc xây dựng các khu bảo tồn khép kín truyền thống.

Việc các chính phủ và tập đoàn gia hạn cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 – “Net Zezo” tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu diễn ra ở Glasgow, Scotland vào tháng 11 năm ngoái, đã tạo ra cơn sốt đất đai trên toàn cầu – thường kéo dài hàng thế kỷ. Ý tưởng được đưa ra là phục hồi, tái trồng rừng hoặc tránh phá rừng, tạo điều kiện để rừng hấp thụ thêm carbon từ khí quyển. Sau đó, các tín chỉ carbon có thể được bán cho các công ty và quốc gia để bù đắp cho lượng carbon mà họ tiếp tục thải ra. Kết quả lý tưởng nhất là khoản tiền thu được sẽ quay trở lại với các cộng đồng như Bofekalasumba để đầu tư cho việc làm, giáo dục và dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền bày tỏ lo ngại rằng các kế hoạch như này có thể khiến các cộng đồng mất quyền kiểm soát đối với những khu rừng vốn đang được người dân quản lý tốt. Cộng đồng cũng có thể mất quyền tiếp cận các tài nguyên rừng mà không nhận thức rằng các quyền họ đang mất đi hoặc cách họ có thể hưởng lợi từ các giao dịch này.

Baudouin Weye Wa Losese – trưởng làng Ekele theo phong tục. (Ảnh: Rainforest Foundation Vương quốc Anh)

Chia sẻ lợi ích công bằng cho các cộng đồng

Điều khoản hợp đồng của KMS với các cộng đồng ở Congo cho thấy, một nửa số tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon trong thời hạn 100 năm sẽ được chuyển cho chính phủ Congo, 40% cho KMS và 10% cho các cộng đồng đang bảo vệ rừng.

Joe Eisen, giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Rainforest Foundation có trụ sở tại Anh cho rằng: “Chính quyền phải xử lý ngay lập tức hành vi lừa đảo trơ trẽn của KMS nhằm vào các cộng đồng địa phương. Đây mới chỉ là một ví dụ về một xu hướng đáng báo động của các công ty luôn lợi dụng cơ hội và đội ngũ quan chức tham nhũng đang muốn kiếm tiền nhanh chóng, sẵn sàng giẫm trên lưng các cộng đồng địa phương đã và đang sống gần và bảo vệ những khu rừng này trong nhiều thế kỷ.”

Một thỏa thuận REDD+ kéo dài 100 năm đã được các quan chức ở Borneo, Malaysia ký kết với một công ty của Singapore vào ngày 28/10/2021, trong đó phân bổ 70% doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon và các khoản “vốn tự nhiên” khác cho chính quyền bang Sabah, Malaysia. Tương tự như các hợp đồng của KMS, hợp đồng của Sabah có rất ít chi tiết về cách thức thanh toán các khoản chi trả này.

Các nhà quan sát chỉ trích dự án ở Borneo không tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về đồng thuận dựa trên sự tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin đầy đủ (FPIC) trong các giao dịch với cộng đồng địa phương và người bản địa. Dường như không có cuộc họp nào được tổ chức để làm rõ với người dân địa phương về việc các điều khoản có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp cận các khu rừng vốn đang cung cấp kế sinh nhai cho họ.

Các nhà hoạt động khí hậu cũng chỉ trích mô hình đền bù carbon này vì nó tạo điều kiện cho các công ty và quốc gia tiếp tục phát thải trong khi thế giới đang hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải toàn cầu về bằng 0 vào năm 2050 như cam kết trong Hội nghị khí hậu ở Glasgow. Trong khi đó, cộng đồng ở các nước ít công nghiệp hóa hơn sẽ phải gánh vác gánh nặng xoay chuyển tình thế của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nhà quan sát khác đặt câu hỏi rằng liệu thị trường carbon có thực sự giúp phục hồi rừng và các cảnh quan khác trong bối cảnh phần lớn các thị trường carbon không được kiểm soát như hiện nay không; chúng có thể tạo ra thêm một lượng carbon đáng kể khiến khí hậu toàn cầu nóng lên hay không?

Một người đàn ông đang bẫy trong rừng. Các cộng đồng được tiếp cận với tài nguyên rừng trong khuôn khổ CFCL. (Ảnh: Ollivier Girard)

Vấn đề về sự hiểu biết

Bản chất các hợp đồng trên chỉ là một trong những vấn đề mà những người ủng hộ GASHE và các nhóm vận động khác nêu ra. Họ cho rằng các điều khoản trong hợp đồng hoàn toàn có lợi cho công ty thay vì cho các cộng đồng, minh chứng là việc cộng đồng chỉ được chia 10% ít ỏi của các khoản lợi nhuận.

“Đối với tôi, đó là một trò lừa đảo” – Ông Julien Mathe, điều phối viên của Tổ chức GASHE nói.

Những người phản đối hợp đồng cũng lưu ý rằng KMS có thể sẽ phạt cộng đồng vì không thực hiện nghĩa vụ tuần tra rừng hoặc vì những lý do có thể bị quy thành tội phá rừng hoặc làm suy thoái rừng. Những vi phạm như vậy có thể là cái cớ để các công ty giảm mức lợi nhuận cộng đồng nhận được.

Hợp đồng cũng cung cấp rất ít thông tin về cách thức và thời điểm KMS thực hiện thanh toán cho cộng đồng.

Về phần mình, KMS có quyền chuyển giao thỏa thuận “cho bất kỳ bên nào.” Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ cam kết của công ty đối với dự án.

Blaise Mudodosi, luật sư và điều phối viên nhóm vận động APEM có trụ sở tại Kinshasa (Congo) nói: “Tóm lại, thỏa thuận này thiếu sự công bằng. Cộng đồng phải thực hiện nhiều nghĩa vụ hơn là KMS.”

Ông Kasereka cho rằng việc các hợp đồng được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh cũng là dấu hiệu cho thấy KMS không hiểu gì về tình hình ở Équateur, hoặc không có ý định để cộng đồng thực sự hiểu các điều khoản trước khi họ ký kết. Hầu hết những người được phỏng vấn đều tin tưởng chắc chắn lý do nằm ở vế thứ hai.

Julien Mathe – điều phối viên của GASHE. (Ảnh: Rainforest Foundation Vương quốc Anh)

Luật Congo về việc đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin yêu cầu các văn bản phải được dịch sang một trong bốn ngôn ngữ chính của Congo chẳng hạn như tiếng Lingala – ngôn ngữ phổ biến của vùng Équateur. (Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức được chính phủ Congo sử dụng trong các văn bản và thủ tục tố tụng). Các cộng đồng sẽ hiểu rõ hơn các điều khoản nếu hợp đồng được viết bằng tiếng Lingala hoặc ngôn ngữ địa phương.

Một vấn đề nữa là thời gian ít ỏi mà các đại diện KMS dành cho cộng đồng, cùng với việc trình bày hợp đồng bất hợp lý. Theo các nhân chứng, thời gian hoàn thành thủ tục thường kéo dài từ 15 đến 45 phút. Các bản hợp đồng hoàn toàn mang tính quy định, có rất ít hoặc thậm chí không có chỗ cho việc đàm phán – một phần của nguyên tắc FPIC được hệ thống hóa trong Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa.

Cách sử dụng ngôn từ khiến bản hợp đồng mang lại cảm giác như việc phân chia lợi nhuận đã được thỏa thuận sau khi thương lượng và “cân nhắc kỹ lưỡng” giữa các bên. Nhưng trên thực tế, tài liệu đến tay các cộng đồng là bản đã hoàn chỉnh, chỉ chừa ra một số khoảng trống để thêm vào chi tiết cụ thể cho mỗi khu vực rừng, chẳng hạn như diện tích rừng và ngày chấm dứt thỏa thuận.

Để thu hút sự chú ý của giới chức đến trường hợp của KMS, các tổ chức như GASHE, APEM, RFUK đã gửi Thư kiến nghị trình bày chi tiết mối quan ngại tới Bộ trưởng Bộ Môi trường và Phó Thủ tướng Congo Ève Bazaiba Masudi. Đồng thời, các tổ chức cũng công bố bức thư trên trang web REDD-Monitor. Nhưng ông Bazaiba không hồi đáp lại kiến nghị của họ.

Phóng viên cũng liên hệ với KMS yêu cầu làm rõ và giải thích về hợp đồng cũng như các cáo buộc đến từ các tổ chức và cộng đồng. KMS đưa cho phóng phóng viên câu trả lời công ty đã gửi tới REDD-Monitor hồi đầu tháng 5 và không trả lời những câu hỏi khác.

Ảnh chụp từ trên không ngôi làng ở Lac Paku trong khu rừng than bùn gần Mbandaka, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: Daniel Beltrá)

Trong thông tin gửi đến REDD-Monitor, KMS cáo buộc các tổ chức cản trở sự phát triển của những người dân Congo đang có nhu cầu phát triển kinh tế.

“Dự án này chắc chắn có thể giúp cộng đồng địa phương cải thiện sinh kế và hỗ trợ cho nỗ lực nâng cao mức sống chung của người dân. Bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến sinh kế và tiềm năng phát triển của cộng đồng địa phương đều không khác gì tội ác chống lại loài người.”- KMS viết.

KMS cũng khẳng định lời cáo buộc công ty này nhận 40% lợi nhuận là không chính xác. “Lợi nhuận của KMS thấp hơn nhiều,” công ty viết, đồng thời cho biết phải chi trả “những khoản phí nộp cho ngân sách cộng đồng, phí nhượng quyền rừng, các khoản thuế nên lợi nhuận giảm đi rất nhiều.

KMS cũng biện hộ cho quá trình lấy chữ ký chớp nhoáng từ người dân. Công ty viết: “Chúng tôi đã tổ chức đầy đủ các cuộc họp cộng đồng trong khu vực dự án. Cộng đồng có đầy đủ cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định, do đó giúp quá trình tham vấn các bên liên quan hiệu quả hơn. Điều này chứng minh, chúng tôi đã đảm bảo sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin.”

Các hợp đồng cũng cho thấy công ty đã liên hệ với cộng đồng và nhận được sự đồng ý của họ về các dự án trước khi các đại diện KMS trực tiếp đến tận nơi vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, họ không nói rõ làm thế nào các đại diện KMS có được sự đồng ý đó. Tất cả các cộng đồng ở Équateur trình bày với GASHE rằng họ biết đến các hoạt động của KMS lần đầu tiên vào tháng 12/2021. Mặc dù có một số điều khoản đề cập về FPIC trong hợp đồng, công ty cũng không nêu chi tiết quá trình đạt được sự đồng ý đó diễn ra trong bao lâu, ai đã tham gia hoặc hình thức đi đến sự đồng thuận là như thế nào.

KMS khẳng định với REDD-Monitor rằng họ có bằng chứng “hình ảnh và dữ liệu đầy đủ về các cuộc họp” trên trang web của dự án để chứng minh đã thông qua một quy trình công bằng để đạt được sự đồng thuận . Trang web của dự án đúng là có các ảnh và video; tuy nhiên, KMS không trả lời yêu cầu của phóng viên về cách thức ghi lại bằng chứng quy trình tham vấn.

Bikolo Florentine cho biết các đại diện KMS chỉ dừng lại ở Irebu, làng của cô, trong 30 phút, và ở làng Bofekalasumba cũng vậy. Và họ nói rằng sẽ để lại hợp đồng cho người dân chỉ sau khi đã lấy được chữ ký. Khi họ rời đi, Bikolo và những người có mặt tại đó mới nhận ra bản hợp đồng là “một lời nói dối mà chúng tôi chưa hề đồng ý.”

Mudodosi nói: “Biết được thực tế trên, chúng tôi thực sự nghi ngờ tại sao KMS đạt được sự đồng ý của cộng đồng trong một thời gian ngắn như vậy.”

Các nhóm vận động cho rằng các hợp đồng của công ty không giải thích hệ quả rõ ràng, đầy đủ cho các thành viên cộng đồng. Điều đó có thể hạn chế quyền tiếp cận rừng của cộng đồng trong nhiều thế hệ sau. (Ảnh: Ollivier Girard)

Có vẻ như những người được giao nhiệm vụ thuyết phục các cộng đồng không đủ hiểu biết để giải thích toàn bộ những lợi ích mà cộng đồng có thể nhận được và trách nhiệm mà họ sẽ phải chịu.

“Đây là những người được tuyển dụng trong thời gian ngắn với tư cách là chuyên gia tư vấn và chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là lấy chữ ký từ người dân sống trong các khu vực rừng cộng đồng” – Ông Kasereka cho hay.

Trong thư gửi Bộ Môi trường, các tổ chức phi chính phủ cho biết KMS đã lợi dụng giấy chứng nhận từ Verra – một tổ chức cấp chứng nhận cho các dự án dựa trên việc tuân thủ Tiêu chuẩn kiểm chứng carbon (VCS).

Trong các tài liệu dự án yêu cầu sự xác nhận và xác minh từ Verra, KMS khoe khoang về khả năng tiết kiệm carbon của mình, khẳng định rằng các dự án sẽ “ngăn chặn lượng phát thải” tương đương hơn 155 tỷ tấn CO2 trong suốt thời gian hoạt động, chủ yếu là nhờ giảm thiểu nạn phá rừng.

Trong khi đó, Verra “xác nhận rằng họ đã ‘từ chối’ dự án KMS REDD+ ở Congo vào tháng 9/2021 theo yêu cầu của chính quyền Congo và cho rằng KMS không đáp ứng các điều kiện cần thiết với tình trạng hiện tại của dự án.”

Phản hồi với REDD-Monitor, KMS liên tục gọi Dự án REDD+ Congo là “Dự án Verra VCS 2320” và cho rằng việc đánh giá dự án đã bị “các thành viên nghị viện tạm thời dừng lại để hoàn thiện một số yếu tố”.

Người phát ngôn của Verra, Steve Zwick, cho rằng KMS không nên sử dụng cái tên Verra cũng như VCS. Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên REDD-Monitor hồi tháng 6, Zwick cho biết Verra đã yêu cầu KMS ngừng đưa ra các tài liệu tham khảo như trên. Ông cũng xác nhận dự án KMS ở Congo đã bị từ chối “ngay từ giai đoạn đầu… vì nó không phù hợp với các yêu cầu của chúng tôi.”

Các vùng đất than bùn ở Cộng hòa dân chủ Congo là kho trữ lượng carbon phong phú. (Ảnh: Daniel Beltrá)

Tìm đường cho tương lai

Vấn đề ở Congo xoay quanh việc liệu các hợp đồng có được phép do chính quyền đứng tên hay không, bất chấp sẽ phát sinh các vấn đề về sự đồng thuận, các điều khoản và tính hợp pháp của những hợp đồng như vậy. Mối quan tâm hiện tại là các hợp đồng có khả năng được thực thi hay không vì chính phủ Congo rõ ràng đã chấp thuận ít nhất một phần kế hoạch của KMS.

KMS tuyên bố bắt đầu đàm phán với Bộ Nội vụ Congo vào đầu năm 2018 và sau đó đã được cho phép hoạt động tại quốc gia này. Tuy nhiên, cả KMS và đại diện chính phủ đều không làm rõ sự chấp thuận này cho phép những hoạt động cụ thể nào của KMS.

Giờ đây, các cộng đồng và tổ chức đang yêu cầu đình chỉ tất cả các hoạt động của KMS ở Équateur. Họ muốn hủy bỏ các hợp đồng cùng với sự chấp thuận của chính phủ.

Các tổ chức đứng sau bức thư gửi ông Bazaiba mong muốn các nhà lãnh đạo Congo tham gia vào vấn đề này, để tăng cường tính minh bạch về sự tham gia của họ vào các dự án cho đến thời điểm này, và cuối cùng hoàn thiện bộ quy tắc về các dự án REDD+ trong nước. Các tổ chức cũng cảnh báo rằng KMS dường như đang bảo vệ quyền cho các dự án REDD+ tương tự của họ ở 5 tỉnh khác ở Congo là: Tshopo, Maniema, Sankuru, Bas-Uélé và Tshuapa.

Nếu tất cả các dự án này được chính quyền cho phép tiến hành, “đây sẽ là một vụ lừa đảo quy mô lớn.” Dù sao đi chăng nữa, các cộng đồng ở Équateur không tin rằng họ sẽ nhận được lợi ích từ dự án REDD+ của KMS.

Ông Eisen, Tổ chức RFUK, nói: “Chính phủ Congo và các đối tác quốc tế cần phải kiểm soát, ngăn chặn hành vi bán rừng và di sản của người Congo.”

Trúc Mai (Theo Mongabay)

Nguồn: