"Du lịch hút mật gấu" tại Quảng Ninh vẫn tiếp diễn

ThienNhien.net – Điều tra của Đài truyền hình Hàn Quốc KBS và khảo sát của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới đây cho thấy, hoạt động khai thác và buôn bán mật gấu bất hợp pháp, phục vụ các đoàn khách du lịch Hàn Quốc vẫn tiếp diễn một cách công khai tại một số trang trại gấu ở Quảng Ninh.

Hành động này thể hiện sự coi thường pháp luật, thách thức nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm chấm dứt vấn nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp đang diễn tại Việt Nam hiện nay.

Trong vài năm qua, hình thức du lịch trại gấu ở thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) diễn ra hết sức công khai. Có tới hàng trăm nhóm du khách Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác tới thăm quan các trang trại nuôi gấu mỗi tuần. Tại đây, khách du lịch được chứng kiến việc chích hút mật gấu, nếm rượu mật gấu, mua mật và các sản phẩm từ gấu. Sau đó, những du khách này sẽ vận chuyển lậu các sản phẩm đó một cách bất hợp pháp ra khỏi Việt Nam.

Gần đây nhất, theo khảo sát của ENV vào tháng 11 vừa qua sau khi phóng sự của Đài truyền hình KBS được phát sóng vào tháng 10/2010 tại Hàn Quốc quay cảnh khách du lịch Hàn Quốc đến thăm, xem cảnh chích hút và mua mật gấu, các cán bộ điều tra hiện trường ENV vẫn quan sát thấy nhiều nhóm du khách Hàn Quốc tới tham quan các trang trại gấu ở Quảng Ninh. Điều này chứng tỏ các chủ trại gấu ở Quảng Ninh vẫn đang “kinh doanh như thường”.

Trước đó, vào tháng 10/2009, Cảnh sát Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã đột kích vào trang trại nuôi gấu của Công ty Du lịch Việt Thái và bắt quả tang các nhà quản lý (người Hàn Quốc) đang chuẩn bị chích hút mật từ một con gấu nuôi nhốt trước sự chứng kiến của một nhóm khách du lịch Hàn Quốc. Sau sự việc này, các cơ quan chức năng đã tịch thu được tổng cộng 6 con gấu từ hai doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, đồng thời thực hiện xử phạt hành chính đối với Công ty Việt Thái. Tuy nhiên, những hành động này dường như chưa đủ mạnh để ngăn chặn các chủ doanh nghiệp kinh doanh mật gấu tiếp tục vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định 32/NĐ-CP/2006 của Chính phủ, loài gấu được xếp vào nhóm IB – nhóm động vật quý hiếm nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Sở hữu, buôn bán gấu hoặc các sản phẩm làm từ gấu là phạm pháp. Hơn nữa, khách du lịch nước ngoài mua các sản phẩm làm từ gấu và vận chuyển chúng qua biên giới quốc tế là vi phạm Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật nguy cấp (CITES) mà Việt Nam là nước thành viên.

“Chúng tôi đánh giá cao phản ứng tích cực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trong trường hợp của công ty Việt Thái, tuy nhiên, sau đó chúng ta vẫn chưa có được các hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.” Bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc ENV bày tỏ, “Việc kinh doanh mật gấu đang diễn ra một cách công khai thể hiện sự thách thức pháp luật. Đã tới lúc các Bộ, ngành liên quan cần vào cuộc và có các hành động thúc đẩy, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng địa phương nhằm chấm dứt hoàn toàn hình thức kinh doanh bất hợp pháp này.”

Câu hỏi đặt ra là cho tới khi nào chúng ta mới có được những hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn? Tại sao hình thức kinh doanh bất hợp pháp này lại có thể tồn tại được ở ngay giữa Vịnh Hạ Long – khu du lịch nổi tiếng nhất cả nước?

ENV đã và đang phối hợp với các tổ chức cùng chung mối quan tâm bao gồm Hiệp hội Thế giới về Bảo vệ Động vật (WSPA), Quỹ Động vật Châu Á (AAF), Quỹ Free The Bear (FTB), Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã (WAR), nỗ lực hành động để chấm dứt hình thức kinh doanh du lịch trại gấu tại Việt Nam. Những nỗ lực của ENV tập trung vào việc hợp tác với các nhà lãnh đạo nhằm tăng cường chính sách và pháp luật liên quan đến việc bảo vệ gấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để tăng cường thực thi và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu và hạn chế việc tiêu thụ mật gấu và các sản phẩm làm từ gấu.