Khai thác xổi liệu trời có cho mãi?

ThienNhien.Net – Nghêu ở dạng ấu trùng, trứng non dày đặc dưới lớp cát mỏng ở bãi biển xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau). Khi thủy triều xuống, hàng ngàn người dân đổ về cào bắt, mua bán, khấy động vùng bãi bồi hơn 1.500 ha. Chính quyền, cơ quan quản lý nguồn lợi thủy sản không cho khai thác nhưng cũng không cấm được, đành… đứng nhìn.


Đổ xô về Đất Mũi cào nghêu

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, năm nay nghêu giống xuất hiện sớm hơn năm ngoái chừng 3 tháng, trên diện tích khoảng 1.500 ha thuộc vùng bảo tồn ven biển của Vườn quốc gia và bãi bồi Mũi Cà Mau. Đây là năm thứ 3 liên tục, bãi nghêu giống xuất hiện với mật độ dày đặc, dọc bãi bồi xã Đất Mũi.

Anh Trần Văn Bảy, ở ấp Mũi, xã Đất Mũi, dù bận mấy cũng gác lại mọi việc tranh thủ ra biển cào nghêu giống. “Mấy ngày đầu, ít người biết nghêu giống xuất hiện, vợ chồng tôi kiếm được vài triệu đồng như chơi. Giờ người đổ ra bãi biển nhiều nhưng tôi vẫn kiếm năm, bảy trăm ngàn đồng là thường”- anh khoe.

Năm nay, nghêu giống xuất hiện từ ngày mùng bảy tháng năm. Người cào nghêu ở bãi biển Đất Mũi từ vài chục nay lên tới hơn ba nghìn rưỡi. Ông Phan Xa Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi ước lượng: “Dân ở xứ này khoảng 30% thôi, còn lại là từ Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang tìm đến. Tình trạng người dân khai thác nghêu giống trái phép đã vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi nên cũng đã phải báo cáo để cấp trên hỗ trợ”.

Người dân bắt đầu khai thác tập trung từ khu vực vàm Trương Phi ấp Rạch Thọ đến khu vực đầu kênh Năm Khởi ấp Cồn Mũi, tổng chiều dài khoảng 14 km. Khi nước ròng, vài ngàn người mang dụng cụ, phương tiện khai thác nghêu giống. Thay vì cào bằng tay và công cụ thô sơ như trước, hàng trăm máy hút, thổ lớp cát để lọc nghêu giống xuất hiện, làm xáo trộn một vùng bãi bồi ven biển Đất Mũi.

Phần lớn diện tích nghêu giống xuất hiện thuộc Vườn quốc gia, năm nay xuất hiện sớm quá, khiến ban quản lý trở tay ứng phó không kịp.

Vực dậy đời sống trước mắt 

Chị Thạch Thị Son, ở Giồng Nhãn, Hiệp Thành (TX. Bạc Liêu) cào nghêu trên bãi biển gần Vàm Xóay thuộc xã Đất Mũi, cho biết: “Nghêu ở đây nhiều lắm, mỗi ngày cào bán cũng được hơn triệu đồng, trừ chi phí ăn uống. Chúng tôi cào rồi sàng lọc, bán ngay tại bãi”.

Chi phí ra bãi bồi Đất Mũi cào nghêu không mấy. Năm, bảy người đi cùng xuồng máy, chia nhau tiền xăng. Dụng cụ cào cũng đơn giản, nếu thô sơ thì dùng cái khung sắt hình chữ nhật có gắn cây cán bằng thân đước dài trên 2 mét, dưới có lá sắt để cào cát và túi đựng cát có lẫn ấu trùng nghêu. Đến dùng máy hút thì cũng chỉ tận dụng thêm chiếc máy đuôi tôm, gắn ống vào để bơm hút tuốt luốt cả cát lẫn nghêu trong ấy.

Cơ quan chức năng xã Đất Mũi không thống kê nổi sản lượng nghêu giống bị thu gom trái phép là bao nhiêu, giá trị bao nhiêu tiền nhưng đời sống người dân khá lên trông thấy nhờ bãi nghêu giống xuất hiện. Nhà nào cũng mua sắm TV, đầu máy, điện sáng chưng làng chài Đất Mũi.

Ông Hai Mốt ở ấp Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) nhẩm tính: “Nếu cộng tất cả gần 5.000 người cào nghêu thì mỗi ngày người dân bỏ túi vài tỷ đồng!”. Nghêu giống không có giá cố định vì người bán và người mua tự thỏa thuận với nhau. Cũng có khi những người cào nghêu từ nơi khác đến bán lại cho người dân tại chỗ, rồi những người này sẽ gom, sàng lọc, nâng giá cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi, thậm chí ra cả ngoài Bắc.

Ông Huỳnh Thanh L. bỏ nghề thầy thuốc chuyển sang lái nghêu, hồ hởi khoe: “Tôi có hàng trăm số điện thoại của người cần mua nghêu giống ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Hải Phòng…Họ tha thiết mua lắm, a-lô là họ tới ngay điểm hẹn liền”. Giá nghêu giống chứa tạp chất thấp nhất cũng được 500.000đ/kg, nếu lọc sạch có thể lên đến vài chục triệu đồng một ký.

Một người mua nghêu cho biết: “Mua bán nghêu giống lời lắm, bị bắt phạt cũng dữ. Nhưng lỡ có bị bắt phạt thì cố làm sẽ gỡ lại như chơi!”

Nghêu giống xuất hiện ở bãi biển Đất Mũi trong một thời gian ngắn rồi biến mất. Không biết nếu để tự nhiên, chúng sống chết ra sao và sẽ trôi dạt về đâu, nhưng rõ ràng, với người dân nghèo Đất Mũi và những người dân vùng lân cận, họ đã tiếp nhận chúng như một món lộc trời cho.

Không cho, cũng không ngăn nổi

Từ đầu mua nghêu giống đến nay, công an huyện Ngọc Hiển, thanh tra Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau và các cơ quan ban ngành hữu trách phát hiện mười một vụ vận chuyển, tịch thu gần 4 tấn nghêu thả lại biển Đất Mũi.

Ngày 18/05/2010, UBND tỉnh Cà Mau ra Công văn chỉ đạo huyện Ngọc Hiển tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi nghêu giống trên địa bàn; kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép nghêu giống, nhưng hiện tại tình hình khai thác vẫn chưa được kiểm soát.

Khó khăn lớn hiện nay là số lượng người khai thác, vận chuyển, mua bán nghêu cũng như người dân địa phương khác đến xin tạm trú để khai thác nghêu giống ngày càng nhiều, trong khi lực lượng tham gia ngăn chặn vận chuyển nghêu trái phép lại quá ít nên không đủ để kịp thời kiểm tra, xử lý. Phương tiện đi lại trên mặt nước cũng mang tính đặc thù, khó bắt giữ hơn trên cạn. Vậy nên, nghêu giống tịch thu được nhà chức trách thả xuống, dân lại xúc, hút lên đem bán.

Một điều dễ thấy là tình trạng khai thác nghêu giống bằng máy ngày càng tăng như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nghêu giống và các loài thủy sản khác.

UBND xã Đất Mũi đã báo cáo tình hình lên trên, trên đã chỉ đạo xuống, dưới đã chấp hành, nhưng xem ra cũng không làm dịu được cái nóng bỏng ở vùng biển Đất Mũi. Ông Phan Xa Lăng, Phó Chủ tich UBND xã Đất Mũi tâm sự: “Tình hình phức tạp vượt quá khả năng của chúng tôi. Chủ trương khai thác thì chưa có, nhưng rõ ràng cấm thì cực kỳ khó vì người dân đổ về cào nghêu quá đông”.

Sau những năm nghêu giống xuất hiện ở bãi biển Đất Mũi, UBND huyện Ngọc Hiển đã thành lập 16 hợp tác xã, với 1030 xã viên, khoanh nuôi nghêu trên 431 ha mặt nước. Trước đội ngũ đông đảo nghêu tặc vây quanh, hợp tác xã cũng phải xây rào chắn và cắt cử người trông coi. Ông Đặng Minh Lâm, Phó phòng lâm sinh Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, hồi hợp: “May mà nghêu giống xuất hiện không nhiều ở vùng khoanh nuôi của hợp tác xã, chứ nếu rơi vào đó thì xã viên có mà sạt nghiệp, mâu thuẫn càng tăng, không lường được”.

Hàng trăm lượt cán bộ của công an huyện, rồi Phòng nông- lâm- ngư huyện, Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh được tăng cường giám sát tình hình và xử lý. Ông Trần Minh Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Ngọc Hiển, cho biết: “Nếu chúng tôi động tới người cào nghêu tức thì sẽ có hàng trăm phương tiện bao vây, hết có đường ra! Chúng tôi chỉ có thể phát hiện, xử lý đầu nậu mua nghêu thôi”.

Làm sao khai thác hiệu quả?

Ông Trần Văn Bé – mấy năm nay đều có tham gia cào nghêu ở Mũi Cà Mau – chia sẻ tâm tư: “Nghêu giống xuất hiện một vài tháng rồi biến mất, không lớn lên trên vùng đất này. Nếu không khai thác nghêu giống thì bỏ uổng không. Mỗi người cào nghêu được vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, như vậy là có ích cho người dân nghèo. Nhờ nghêu giống mà bà con mới có việc làm, thu nhập cao, mua sắm đồ đạc chớ”.

Nhưng có một thực tế là nghêu giống tuy xuất hiện ở vùng này nhưng được bán cho vùng khác nuôi nghêu thịt theo kiểu “một vốn mười lời”. Chẳng có nơi nào giữ nghêu giống để bảo vệ nuôi lớn lên được. Bãi nghêu giống ở Mũi Cà Mau có 16 hợp tác xã nuôi nghêu cũng phải mua nghêu giống nơi khác về thả nuôi. Số hợp tác xã này cũng muốn tan rã gần hết.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau ông Nguyễn Tuấn Khanh đã đích thân khảo sát tình trạng khai thác nghêu giống Mũi Cà Mau. Bên cạnh việc chỉ đạo địa phương tuyên truyền vận động, bảo vệ trật tự an ninh, xử lý việc khai thác trái phép và củng cố các hợp tác xã nuôi nghêu, ông cũng giao Sở Nông nghiệp nghiên cứu khoa học tập tính sinh thái của nghêu để có hướng khai thác nguồn nghêu giống một cách bền vững.

Việc ngăn cấm người dân cào nghêu tự phát vô cùng khó, cho phép khai thác ồ ạt cũng không xong, vừa gây lãng phí, mất trật tự an ninh, lại cũng vi phạm quy định vì bãi nghêu giống nằm trong khu vực được pháp luật bảo vệ.

Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ cần xây dựng kế hoạch và quy hoạch cụ thể, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi bền vững, đồng thời cung cấp giống cho vùng nuôi. Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau cũng đã gửi công văn đề nghị cấp trên và đang dự kiến tập hợp ý kiến chuyên gia tìm phương thức khai thác, quản lý nguồn lợi nghêu giống hiệu quả về lâu dài.

Người cào nghêu giống ở Mũi Cà Mau

 Ranh giới HTX nuôi nghêu có thể bị phá vỡ do người cào nghêu giống trái phép

Người cào nghêu bán nghêu giống ngay trên biển

Người dân tập trung chờ nước ròng ra bãi biển Mũi Cà Mau cào nghêu.

Dụng cụ cào nghêu giống của người dân tự chế

Trẻ em cào nghêu cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng



Vừa cào nghêu giống vừa tranh thủ trông con