Phát triển nghề rừng ở Tây Nguyên

ThienNhien.Net – Bảo vệ và Phát triển rừng Khu vực Tây Nguyên với mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả là chủ đề chính của Hội nghị vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 15/06, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hội nghị đã đánh giá tình hình phát triển nghề rừng ở tây Nguyên trong 4 năm trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng căn cứ theo Chỉ thị số 38/2005 của Thủ tướng chính phủ.

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giao 2.158.582 ha rừng. Trong đó giao cho tổ chức kinh tế 1.018.777 ha rừng; Ban quản lý rừng 950.417 ha; lực lượng vũ trang 126.561 ha, cá nhân 38.996 ha và các thành phần khác nhận 23.832 ha. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sử dụng rừng cho các chủ rừng đạt 46,7%. Chương trình phát triển rừng chủ yếu thông qua việc thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong 4 năm đã trồng được 1.383.866 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 80.390 ha rừng; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 10.985 ha; trồng rừng sản xuất 38.581 ha; chăm sóc 16.582 ha rừng. Bằng nguồn vốn của Ngân hàng Châu Á, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều dự án khu vực lâm nghiệp và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn tại 18 xã thuộc 4 huyện Kbang, Măng Yang, A Zun Pa và Krông Pa thuộc lưu vực sông Ba của tỉnh Gia Lai. Diện tích rừng đã trồng theo dự án 948,6 ha; trồng rừng nông lâm kết hợp 6.133,8 ha; bảo vệ rừng tự nhiên và khoanh nuôi tái sinh 33.047,7 ha. Tại tỉnh Kon Tum đã thực hiện dự án bảo vệ tính đa dạng sinh hoạch, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng ở vùng đệm và vùng lõi Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

Dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLTCH) đã trriển khai tại 60 xã thuộc 22 huyện của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên. Mục tiêu của dự án nhằm giảm tỉ lệ hộ đói nghèo, đặc biệt là các hộ bà con dân tộc thiểu số; tăng cường quản lý, sử dụng rừng và đất rừng; quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển ttrồng rừng sản xuắt có năng suất cao; trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, giữ gìn nguồn gen sinh vật…

Trong định hướng phát triển, các tỉnh Tây Nguyên xác định ranh giới 3 loại rừng ngoài thực địa để phát triển ở những địa bàn cần thiết. Các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch đất đai để có chính sách đầu tư thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển rừng có hiệu quả; đồng thời đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng, trong đó ưu tiên giao đất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông lâm nghiệp cho người dân tại địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cư dân sinh sống nơi vùng sâu vùng xa, vùng biên giới để ổn định và cải thiện đời sống.