Tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 có thể phòng biến chủng mới từ trong nước

Theo chuyên gia từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc bổ sung mũi vaccine tăng cường mang đến ý nghĩa lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 1/12 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương và đơn vị liên quan về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó, các đơn vị được yêu cầu lên kế hoạch và chuẩn bị điều kiện cần thiết để tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho rằng mũi vaccine tăng cường phòng Covid-19 cho giá trị rất lớn.

Phân biệt mũi cơ bản, bổ sung và nhắc lại

Trước nay, người dân Việt Nam vẫn quen với khái niệm về mũi 1, mũi 2 hay gần đây là mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, điều này gián tiếp gây ra nhiều hiểu lầm trong quá trình tiêm chủng, đồng thời dẫn đến một số hệ lụy không đáng có.

Để làm rõ các khái niệm trong tiêm phòng vaccine Covid-19, tiến sĩ Thái đã có những giải thích về từng loại mũi tiêm cũng như đối tượng với mỗi hình thức.

Trước hết, liều cơ bản là liều được các nhà sản xuất vaccine hướng dẫn và thực hành tiêm chủng trong thời gian qua. Sau khi hoàn thành liều cơ bản, người được tiêm sẽ có miễn dịch bảo vệ trước SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. (Ảnh: NVCC).

Như vậy, mỗi hãng sản xuất vaccine Covid-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Ví dụ, vaccine Janssen của hãng Johnson&Johnson sẽ có liều cơ bản là 1 mũi. Trong khi đó, liều cơ bản của AstraZeneca, Pfizer, Moderna,… là 2 mũi. Với vaccine Abdala của Cuba, liều cơ bản là 3 mũi.

“Tùy từng loại vaccine, các nhà sản xuất sẽ đưa ra số liều cơ bản của họ. Cơ sở để họ đưa ra số liều cơ bản là dựa vào các thử nghiệm lâm sàng. Theo đó, người được tiêm liều cơ bản sẽ có miễn dịch đủ để chống lại virus hoặc dự phòng các thể bệnh có triệu chứng”, ông Thái giải thích.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch của cơ thể với liều cơ bản bị giảm dần. Khi đó, người dân sẽ cần tiêm mũi tăng cường. Lúc này, 2 tình huống có thể xảy ra:

Tình huống thứ nhất là với một số người có miễn dịch kém dù đã được tiêm liều cơ bản. Các trường hợp này có thể mắc bệnh lý bẩm sinh liên quan hệ miễn dịch, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng đang dùng thuốc chống thải ghép…

“Do đáp ứng miễn dịch yếu, những người này phải được tiêm một mũi vaccine nữa so với liều cơ bản. Đây được gọi là mũi bổ sung”, chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nói.

Với mũi bổ sung, người dân sẽ không cần đợi lâu. Sau một tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, người dân đã có thể được tiêm ngay mũi vaccine bổ sung. Người dân có thể sử dụng chính loại vaccine đã được tiêm ở liều cơ bản để tiêm mũi bổ sung. Nếu không, có thể dùng vaccine mRNA (như của Pfizer, Moderna…) để thay thế. Ngoài ra, thay vì một tháng, thời gian để tiêm mũi bổ sung có thể dài hơn tùy vào sự sẵn sàng của vaccine.

Tình huống thứ 2 là với những người sức khỏe tốt, có hệ miễn dịch cùng kháng thể ở mức cao ngay sau khi tiêm liều cơ bản. Những người này sẽ không cần tiêm mũi bổ sung. Tuy nhiên, sau 6 tháng kể từ ngày tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản, những người này có thể tiêm mũi nhắc lại.

Đối tượng dành cho cho mũi tiêm vaccine mũi nhắc lại là người mắc bệnh nền, tiếp xúc nhiều với F0, bác sĩ tuyến đầu hay những trường hợp có nghề nghiệp bắt buộc phải thường xuyên gặp gỡ, giao lưu.

Theo tiến sĩ Thái, những người này nên tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng. Bên cạnh đó, những trường hợp đã tiêm liều bổ sung cũng có thể tiêm mũi nhắc lại sau 6 tháng kể từ ngày tiêm cuối cùng.

Một người dân trên địa bàn TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19. (Ảnh: Duy Hiệu).

Loại vaccine dùng cho liều nhắc lại sẽ được mở rộng hơn. Người dân có thể tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine cùng loại với liều cơ bản, vaccine mRNA hoặc vaccine vector. Ví dụ, vaccine vector là AstraZeneca có thể được sử dụng để tiêm mũi nhắc lại cho người từng tiêm liều cơ bản bằng Vero Cell (Sinopharm).

“Mũi bổ sung hay nhắc lại đều có thể gọi chung là mũi tăng cường. Trong cả 2 tình huống, chúng ta đều chỉ cần tiêm 1 mũi tăng cường”, tiến sĩ Thái kết luận.

Ý nghĩa của mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19

Theo tiến sĩ Phạm Quang Thái, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với sự nguy hiểm từ biến chủng mới ở Nam Phi, khuyến cáo của Bộ Y tế về mũi tăng cường có giá trị rất lớn.

“Mũi vaccine tăng cường không chỉ phòng biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, nó còn giúp chúng ta phòng chống nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới từ chính nội tại quốc gia”, vị chuyên gia này cho hay.

Tuy nhiên, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm nói thêm việc tiêm mũi vaccine tăng cường phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ cung ứng. Với điều kiện hiện nay, không phải lúc nào Việt Nam cũng có đủ vaccine để triển khai tiêm mũi tăng cường.

Trước đó, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh và ông Ngô Hoàng Anh, 2 chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cũng cho rằng chúng ta cần xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vaccine an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các nhóm nguy cơ cao, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngoài hai loại mARN được cấp phép.

Việt Nam cũng cần phát triển các loại vaccine để có thể gia tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này.

“Về lý thuyết, sự kết hợp của nhiều đột biến trên protein gai sẽ làm giảm đáng kể hiệu lực của những loại vaccine hiện tại, và Delta đã cho chúng ta thấy điều đó. Như vậy, dù không bị vô hiệu hóa hoàn toàn, khả năng bảo vệ chúng ta khỏi biến thể này sẽ thấp một cách đáng kể”, các chuyên gia này cảnh báo.