Châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất

Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2019, ở cấp độ khu vực, châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư quốc tế lớn nhất (82 triệu), tiếp theo là Bắc Mỹ (59 triệu), Bắc Phi và Tây Á (49 triệu người).
Ảnh minh họa (Nguồn: UN)

Theo ước tính mới vừa được Liên hợp quốc công bố ngày 17/9, số người di cư quốc tế trên thế giới lên tới 272 triệu người vào năm 2019, tăng 51 triệu so với năm 2010. Hiện tại, người di cư quốc tế chiếm 3,5% dân số thế giới, so với 2,8% vào năm 2000.

Các ước tính được Phòng Dân số của Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (DESA) đưa ra dựa trên số liệu thống kê quốc gia chính thức về dân số sinh ra ở nước ngoài hoặc dân số nước ngoài, xuất phát từ các cuộc tổng điều tra dân số, đăng ký dân số hoặc khảo sát đại diện ở cấp quốc gia.

Ông Liu Zhenmin, Giám đốc DESA, cho biết: “Những dữ liệu này rất cần thiết để hiểu vai trò quan trọng của người di cư và di cư trong sự phát triển của các quốc gia nguồn gốc và điểm đến. Tạo thuận lợi cho việc di cư và di cư có trật tự, an toàn, thường xuyên và có trách nhiệm sẽ góp phần rất lớn vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Năm 2019, ở cấp độ khu vực, châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư quốc tế lớn nhất (82 triệu), tiếp theo là Bắc Mỹ (59 triệu), Bắc Phi và Tây Á (49 triệu người).

Ở cấp quốc gia, khoảng một nửa số người di cư quốc tế cư trú tại chỉ 10 quốc gia, trong đó Mỹ tiếp nhận số lượng người di cư quốc tế lớn nhất (51 triệu), tương đương khoảng 19% tổng số người di cư toàn cầu. Đức và Ả Rập Saudi có số lượng người nhập cư lớn thứ hai và thứ ba (13 triệu mỗi quốc gia), tiếp theo là Nga (12 triệu), Vương quốc Anh (10 triệu) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (9 triệu), Pháp, Canada và Australia (khoảng 8 triệu mỗi nước) và Italy (6 triệu).

Liên quan đến nơi sinh của họ, 1/3 số người di cư quốc tế đến từ chỉ 10 quốc gia, Ấn Độ là nước xuất xứ chính, đại diện cho khoảng 18 triệu người sống ở nước ngoài. Người di cư từ Mexico nhiều thứ hai (12 triệu), tiếp theo là Trung Quốc (11 triệu), Nga (10 triệu) và Syria (8 triệu).

Tỷ lệ người di cư quốc tế trong tổng dân số thay đổi đáng kể theo vùng. Tỷ lệ cao nhất là ở châu Đại Dương (bao gồm Autralia và New Zealand) (21,2%) và Bắc Mỹ (16,0%) và thấp nhất ở châu Mỹ Latinh và Caribbean (1,8%), tại Trung và Nam Á (1,0%) và Đông và Nam Á (0,8%).

Hầu hết người di cư quốc tế di chuyển giữa các quốc gia trong cùng khu vực. Phần lớn người di cư quốc tế ở châu Phi cận Sahara (89%), Đông và Đông Nam Á (83%), Mỹ Latinh và Caribbean (73%), Trung và Nam Á (63%), có nguồn gốc từ khu vực nơi họ cư trú. Ngược lại, hầu hết những người di cư quốc tế sống ở Bắc Mỹ (98%), châu Đại Dương (88%), Bắc Phi và Tây Á (59%) được sinh ra bên ngoài khu vực cư trú của họ.

Thêm vào đó, cũng theo DESA, tình trạng di cư cưỡng bức qua biên giới quốc tế tiếp tục tăng. Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2017, số người di cư và người xin tị nạn toàn cầu đã tăng khoảng 13 triệu, tương ứng với gần 1/4 số người di cư quốc tế tăng lên. Bắc Phi và Tây Á chiếm khoảng 46% số người di cư và người xin tị nạn trên thế giới, tiếp theo là châu Phi cận Sahara (21%).

Về thành phần giới tính, phụ nữ chiếm chưa đến một nửa số người di cư quốc tế vào năm 2019. Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái trong số người di cư quốc tế trên toàn cầu đã giảm nhẹ, từ 49% vào năm 2000 xuống mức 48% vào năm 2019. Tỷ lệ phụ nữ nhập cư cao nhất ở Bắc Mỹ (52%) và châu Âu (51%) và thấp nhất ở châu Phi cận Sahara (47%), Bắc Phi và Tây Á (36%).

Về độ tuổi, 1 trong số 7 người di cư quốc tế dưới 20 tuổi. Năm 2019, các dữ liệu cho thấy 38 triệu người di cư quốc tế, tương đương 14% dân số di cư trên thế giới, dưới 20 tuổi. Châu Phi cận Sahara có tỷ lệ thanh niên cao nhất trong số tất cả những người di cư quốc tế (27%), tiếp theo là Mỹ Latinh và Caribbean, Bắc Phi và Tây Á (khoảng 22% mỗi khu vực).

3/4 số người di cư quốc tế ở độ tuổi lao động (20 – 64 tuổi). Năm 2019, 202 triệu người di cư quốc tế, tương đương 74% dân số di cư trên thế giới, trong độ tuổi từ 20 – 64 tuổi. Hơn 3/4 người di cư quốc tế ở độ tuổi lao động ở Đông và Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ.