Cấp thiết bảo tồn quần thể voọc mũi hếch lớn nhất Việt Nam

Hà Giang là tỉnh duy nhất trên cả nước có quần thể voọc mũi hếch sinh sống, tuy nhiên chúng đang trên bờ vực bị đe dọa tuyệt chủng.

Loài quý hiếm ở Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

Theo các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), hiện trên thế giới ước tính chỉ còn khoảng 250 cá thể voọc mũi hếch, với 4 loài. Trong đó, ở Trung Quốc có 3 loài và ở Việt Nam có 1 loài. Loài voọc mũi hếch ở Việt Nam là loài đặc chủng của nước ta (tức chỉ có duy nhất ở Việt Nam).

Ngay sau khi phát hiện loài này tại Hà Giang, Tổ chức FFI đã phối hợp với UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành các hoạt động bảo tồn.

Loài voọc mũi hếch sinh sống tại các khu rừng của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Lê Khắc Quyết – FFI)

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1377/QĐ-TTg về việc thành lập Vườn Quốc Gia Du Già – Cao nguyên đá Đồng Văn trên cơ sở sáp nhập Khu Bảo tồn thiên nhiên Du Già với Khu Bảo tồn Loài và sinh vật cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca, với tổng diện tích 15.006 ha thuộc địa bàn 3 xã của 3 huyện của tỉnh Hà Giang, gồm: Tùng Bá (huyện Vị Xuyên); Minh Sơn (huyện Bắc Mê) và xã Du Già (huyện Yên Minh), trong đó phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt hơn 11.224 ha. Nhờ vậy, số lượng cá thể voọc mũi hếch đã tăng lên đáng kể, từ 60 cá thể (năm 2002) đã tăng lên hơn 60 cá thể (năm 2019).

Năm 2007, một quần thể voọc mũi hếch ước tính khoảng 32 – 35 cá thể từng được phát hiện tại khu vực rừng 3 xã Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài (Cao – Tả – Tùng) của huyện Quản Bạ.

Đến nay, đây được xem là quần thể voọc mũi hếch lớn thứ 2 và có sự liên quan mật thiết đến quần thể ở Khau Ca. Theo ghi nhận của FFI, số lượng cá thể voọc ở đây đang bị suy giảm mạnh từ 30 – 35 con (năm 2007) đến nay chỉ còn khoảng 10 con do các hoạt động của con người tác động đến môi trường sống của chúng.

Trước sự giảm sút số lượng cá thể voọc mũi hếch ở Cao – Tả – Tùng, các chuyên gia của tổ chức FFI cho rằng, việc bảo tồn voọc mũi hếch tại huyện Quản Bạ rất quan trọng, vì sự sinh tồn của một loài khó chắc chắn nếu chỉ có một quần thể nhỏ ở Khau Ca, bởi các sự cố ngẫu nhiên về dịch bệnh, thảm họa… có thể làm quần thể suy giảm nên cần có các quần thể khác dự phòng và tạo sự đa dạng về nguồn gen.

Suy giảm nghiêm trọng do con người

Anh Dương Văn Khải, cố vấn sinh kế của FFI cho biết: Loài voọc mũi hếch sinh sống ở các khu rừng có độ che phủ khoảng 80%. Voọc mũi hếch ở huyện Quản Bạ hiện sinh sống trong một khu rừng nhỏ khoảng 10 km2 và bị cách ly hoàn toàn với các khu rừng liền kề.

Hạt kiểm lâm huyện Quản Bạ đi tuần tra, kiểm tra số lượng voọc mũi hếch. (Ảnh: FFI)

Đến nay, chỉ còn khoảng 5.000 ha rừng có sinh cảnh phù hợp với voọc mũi hếch tại Theng Chu Pin, Dao Dai Chai, Ta Lay, núi Tung Lau, đồi 754 và khu rừng dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc từ mốc 283 – 285.

Theo các già làng, trưởng bản ở các xã gần khu vực có voọc mũi hếch chia sẻ, người dân địa phương thường gọi loài voọc là Tu Cảng, Ca Đác hay Mò Pèn. Voọc mũi hếch có đặc điểm lông đen; cánh tay, đùi, mặt và đầu có màu trắng kem; cổ họng có mảng lông màu da cam…

Trước đây, người dân thường đi rừng đặt bẫy, săn bắn chúng đem về làm thịt hoặc nấu cao. Mãi sau này, họ mới biết đó là loài voọc quý hiếm, sắp bị tuyệt chủng và thực hiện bảo tồn.

Anh Chu Xuân Cảnh, Quản lý Dự án của FFI phụ trách tỉnh Hà Giang cho biết: Các hoạt động săn bắn, khai thác các sản phẩm từ rừng và đặc biệt là hoạt động canh tác thảo quả dưới tán rừng của người dân địa phương từ nhiều năm qua đã đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài vật này do diện tích rừng bị thu hẹp.

Qua quá trình tuần tra bảo vệ và đi khảo sát của các nhân viên FFI và đối tác địa phương đã từng thấy người dân mang súng vào rừng săn bắn, đặt bẫy thú cũng như khai thác gỗ.

Đến nay, hoạt động săn bắn của người dân địa phương tuy được hạn chế, nhưng chính quyền cũng không thể kiểm soát hết được các hoạt động lén lút này. Mặc dù tỉnh đã thực hiện chương trình vận động và thu giữ súng tự chế trong nhân dân.

Theo điều tra của ngành kiểm lâm, hiện các hộ dân sống xung quanh khu vực có voọc vẫn còn cất giấu những khẩu súng kíp tự chế trong rừng. Các nhóm bảo tồn cộng đồng vẫn báo cáo có nghe tiếng súng nổ trong rừng. Điều này đã đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của loài linh trưởng quý hiếm này.

Cần khẩn trương thành lập Khu bảo tồn loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch

Bảo tồn voọc mũi hếch không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa bảo vệ một loài linh trưởng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên trái đất, mà còn góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống cho chính con người, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

Vườn ươm bảo tồn các loài thực vật nguy cấp thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn tại xã Cán Tỷ (Quản Bạ, Hà Giang) do tổ chức FFI tài trợ. (Ảnh: FFI)

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quản Bạ, ông Nguyễn Bá Ngọc là đối tác điều phối các hoạt động của FFI tại Quản Bạ cho biết, từ năm 2008, Tổ chức FFI đã có dự án hỗ trợ công tác bảo tồn loài voọc mũi hếch và loài ngọc lan ở huyện Quản Bạ, gồm các hoạt động: Xây dựng 2 trạm tuần tra trên rừng Cao Mã Pờ và Tùng Vài để tổ tuần rừng gồm 9 thành viên đi tuần tra 15 ngày/tháng kiểm tra số lượng voọc mũi hếch.

Đồng thời, xây dựng các bảng, biển, tờ rơi để tuyên truyền cho người dân; hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực 3 xã Cao – Tả – Tùng như cho các nhóm sinh kế vay vốn, tối đa 30 triệu đồng/hộ không lãi suất, mỗi xã cho 5 hộ được vay vốn mua lợn, bò, dê về chăn nuôi để người dân địa phương không đi vào rừng tìm kiếm sinh kế nữa.

Bên cạnh đó, dựng 2 vườn ươm giống cây quý hiếm ở 2 xã Tùng Vài và Cán Tỷ phân phát cho người dân trồng lại rừng; hỗ trợ làm lò sấy thảo quả cải tiến để giảm thiểu lượng củi đốt sấy thảo quả; tổ chức hội thảo phát triển thị trường thảo quả thân thiện với voọc mũi hếch…

Mặc dù vậy, tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra; các hoạt động canh tác của người dân kèm theo việc đốt củi sấy thảo quả trên rừng nhiều năm qua đã ảnh hưởng quá lớn đến môi trường sống của loài voọc mũi hếch.

“Mất nhà”, môi trường sống bị thu hẹp khiến loài voọc này đang bị dồn vào đường cùng.

Ông Ngọc cho rằng, cần khẩn trương xúc tiến việc thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch, từng bước hình thành các điểm du lịch, các dịch vụ sinh thái đi kèm.

Một hội thảo phát triển thị trường thảo quả thân thiện với voọc mũi hếch. (Ảnh: FFI)

Diện tích quy hoạch để thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch trên địa bàn huyện Quản Bạ ở 3 xã Cao Mã Pờ, Tùng Vài và Tả Ván sẽ khoảng trên 3.000 ha.

Đồng thời, địa phương cần tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, khai thác trái phép, lấn chiếm rừng trái pháp luật, tạo sự răng đe đối với các đối tượng vi phạm.

Anh Chu Xuân Cảnh, Quản lý Dự án của FFI phụ trách tỉnh Hà Giang chia sẻ: Nếu khu vực rừng ở 3 xã Cao – Tả – Tùng được thành lập Khu Bảo tồn loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch, sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác bảo tồn loài voọc này.

Trong đó, sẽ thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào công tác bảo tồn loài voọc và hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương.

Để giúp loài voọc mũi hếch phát triển trong điều kiện một địa phương khó khăn như Hà Giang, rất cần có thêm sự hỗ trợ, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức và toàn xã hội vào công tác bảo vệ và hồi sinh loài linh trưởng đặc hữu này.

Trong đó, điều cốt lõi vẫn là nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân, đi đôi với việc giúp họ ổn định đời sống và nâng cao thu nhập bằng chính việc bảo vệ loài voọc mũi hếch.

Voọc mũi hếch là một trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất trên thế giới hiện nay. Chúng được xếp vào mức đe dọa “rất nguy cấp – CR” cả trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN (Sách đỏ thế giới).

Năm 1912, các nhà khoa học đã phát hiện loài voọc mũi hếch ở Trấn Yên (Yên Bái). Từ năm 1992 – 2002, các nhà sinh học đã liên tiếp phát hiện một số quần thể voọc mũi hếch ở Na Hang, Chạm Chu (Tuyên Quang) và ở tỉnh Bắc Kạn, song đến nay đã không còn thấy loài này xuất hiện tại các tỉnh trên nữa.

Đến tháng 1/2002, các nhà khoa học lại phát hiện một quần thể voọc mũi hếch có số lượng lớn khoảng 60 con tại rừng Khau Ca (Hà Giang). Theo ghi nhận của các nhà khoa học, đây là quần thể lớn nhất tại Việt Nam.