Canh tác lúa cải tiến tại Phổ Yên – Thái Nguyên

Thiennhien.Net – Không phải lội bì bõm trong bùn, nước; vốn đầu tư giảm, năng suất tăng, chất lượng gạo cao hơn so với cách thâm canh truyền thống. Đó là hiệu quả từ cách làm: "Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến" trên đồng ruộng huyện Phổ Yên, Thái Nguyên.

Theo ông Trần Văn Thung, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Nguyên. Nội dung chính của dự án “Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến” bao gồm: Lúa cấy 1 dảnh, cấy thưa, phơi ruộng thời kỳ lúa đẻ nhánh, thân lúa khoẻ, đẻ mạnh, đem lại năng suất cao hơn so với cách canh tác truyền thống.

Đây là vụ thứ hai dự án thực hiện trên đồng đất huyện Phổ Yên. Vụ này, dự án xây dựng 12 mô hình tại 2 xã Hồng Tiến và Đồng Tiến, với 10,17 ha, trong đó 1,12 ha ruộng thí nghiệm, 9,05 ha ruộng ứng dụng.

Trong thời gian này dự án cũng mở các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa cải tiến cho bà con nông dân địa phương, qua đó mở rộng được thêm 10,44 ha trên 10 xã với 130 hộ nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến, tại Thành Lập (Hồng Tiến), nông dân tự học hỏi các hộ tham gia mô hình ở vụ xuân, và tự thực hiện áp dụng biện pháp này trên diện tích 5 ha.

Tại các ruộng thí nghiệm cũng như ruộng áp dụng, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh đạt trung bình từ 9 đến 10 dảnh/khóm; có mô hình đạt trung bình từ 12 đến 14 dảnh/khóm.

Ông Ngô Tiến Dũng, Điều phối viên Chương trình IPM quốc gia (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết: Một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc… đã ứng dụng cách làm này từ hơn 15 năm nay. Còn ở nước ta đã có 15 tỉnh tham gia ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến đạt hiệu quả. Riêng Thái Nguyên, chương trình bắt đầu vào huyện Phổ Yên từ vụ xuân năm 2008, tuy mới là vụ thứ hai, nhưng mô hình đã bắt đầu đi vào đời sống sản xuất của nông dân.

Việc áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến, không những có thể giảm được chi phí về giông, lao động nhưng vẫn đảm bảo về năng xuất và chất lượng sản phẩm mà điều quan trọng hơn là nó đảm bảo cho chúng ta phát triển một nền nông nghiệp bền vững qua việc tiết kiệm phân bón và nước. Thực tế cho thấy biện pháp này có thể giảm được từ 60 – 70% lượng nước tưới.