Tuyệt chủng – một thập kỷ nhìn lại

ThienNhien.Net – Không ai dám chắc bao nhiêu loài sinh vật đã tuyệt chủng trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Ngay cả câu hỏi số loài trên thế giới hiện là 3 triệu hay 30 triệu các nhà khoa học còn chưa thể trả lời nên cũng dễ hiểu rằng người ta không thể biết chắc bao nhiêu loài được định danh đã biến mất gần đây. Đó là chưa kể rất có thể nhiều loài còn chưa kịp được con người nhận diện cũng đã biến mất vĩnh viễn, để lại một khoảng trống thông tin lớn cùng vô vàn bí ẩn mà chúng mang theo.

Cũng khó mà biết được khi nào thì một loài thực sự tuyệt chủng bởi trên thực tế một số loài đã xuất hiện trở lại sau khi người ta tin rằng chúng đã tuyệt chủng hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ trước đó.

Trong khi nhiều nhà sinh học và bảo tồn học cảnh báo rằng thế giới đang ở giữa thời điểm của một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng do con người gây ra với quy mô có thể lớn hơn thời kỳ tuyệt chủng của khủng long, thì việc nhận ra các loài có thể bị mất đi trước khi biết chắc chắn chúng đã tuyệt chủng là điều vô cùng quan trọng. Bởi, có chăng, điều đó cũng nhắc nhở nhân loại về tác động của con người lên sinh vật cũng như các thất bại của chúng ta.

Với tinh thần ấy, các nhà khoa học đã công bố một số loài có thể đã tuyệt chủng (hoặc tuyệt chủng trong tự nhiên) trong 10 năm qua và dưới đây là 12 loài trong số đó.

Sông Dương Tử – điểm nóng tuyệt chủng

Loài vật bị tuyệt chủng được biết đến nhiều nhất trong thập kỷ qua là cá heo Baiji, còn được gọi là cá heo sông Dương Tử. Được dân gian xưng tụng là “Nữ thần sông Dương Tử”, nhưng điều này chẳng giúp loài cá này tránh khỏi sự tàn phá của cơn lốc phát triển kinh tế.

Trải qua 20 triệu năm tiến hóa, cá heo Baiji vẫn không thể chống chọi với các con đập thủy điện, với các luồng giao thông đường thủy, ô nhiễm, đánh bắt quá mức và đánh bắt bằng xung điện… Nó đã trở thành sinh vật biển có vú đầu tiên bị tuyệt chủng kể từ thập niên 1950.

 

 Cá heo Baiji (Ảnh: Viện Thủy Sinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc)

Không chỉ riêng cá heo Baiji, một “cư dân” khác của sông Dương Tử cũng có thể đã biến mất. Một khảo sát gần đây về loài cá tầm thìa Trung Quốc, một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất địa cầu, đã hoàn toàn không tìm được con nào. Con cá tầm thìa cuối cùng được thấy bị đánh bắt phi pháp năm 2007.

Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng loài cá này có khả năng còn tồn tại, song không ai có thể khẳng định điều đó. Giả sử còn tồn tại chăng nữa, cũng không ai dám chắc chúng có thể sống sót được bao lâu trong môi trường xuống cấp trầm trọng như hiện nay.

Nếu Trung Quốc không có hành động cấp thiết trong việc bảo tồn các loài sinh vật sông Dương Tử, một số loài nữa có thể sẽ không còn tồn tại trong thập kỷ này như cá heo không vây, cá tầm sông Dương Tử và cá sấu Trung Quốc.

Một Hawaii “nghèo” hơn

Cũng như hệ sinh thái sông Dương Từ, các đảo Hawaii, vốn nổi tiếng với các loài chim đặc hữu, cũng đang là một điểm nóng tuyệt chủng.

Năm 2002, quạ ‘Alala của Hawaii đã tuyệt chủng trong tự nhiên khi hai con quạ cuối cùng được biết đến đã biến mất. Loài chim này đã trải qua biết bao mối đe dọa, từ mất môi trường sống, bị các loài chuột lớn, cầy mangut tấn công, bệnh tật, cho đến săn bắt trái phép.

 

Quạ ‘Alala (Ảnh: Cục Quản Lý Cá và Động vật Hoang dã Liên Bang Mỹ)

Tuy nhiên, quạ ’Alala không phải là trường hợp tuyệt chủng ngoài tự nhiên đầu tiên. Các mẫu hóa thạch cho thấy còn 4 loài quạ khác cũng đã bị tuyệt chủng ở Hawaii. Điều đáng nói là quạ ‘Alala có vị trí đặc biệt trong văn hóa của người Hawaii bản địa, chúng được tôn thờ như một vị thần.

May mắn thay, hiện vẫn còn 50 cá thể quạ ’Alala đang được nuôi giữ và người ta đang tính tới khả năng đưa chúng về với thiên nhiên.

Một loài chim Hawaii khác lại không có số phận may mắn như vậy – chim Po’ouli hay còn gọi là chim ong mặt đen đã bị tuyệt chủng vào năm 2004. Tới thập niên 70 mới được khoa học biến đến, loài chim nhút nhát, đặc hữu ở đảo Maui này tính đến đầu thập niên 2000 chỉ còn 3 con sống sót . Trong số đó, một con bị nuôi giữ và đã chết năm 2004, hai con còn lại kể từ lúc ấy không được nhìn thấy.
 

 

Chim Po’ouli (Ảnh: Cục Quản Lý Cá và Sinh Vật Hoang Dã Liên Bang Mỹ)

Điều đáng buồn là các loài chim kể trên chỉ là đại diện cho những loài chim bản địa đã tuyệt chủng gần đây nhất ở Hawaii. Một nửa trong số 140 loài chim đặc hữu của Hawaii đã biến mất vĩnh viễn.

Không còn thú lớn

Bên cạnh cá heo Baiji, thập kỷ qua còn chứng kiến sự tuyệt chủng của hai loài thú lớn.

Con dê rừng núi Pyrenean cuối cùng trên thế giới đã bị một cây đổ đè chết ngay đầu thập kỷ qua. Là một phụ loài của dê rừng núi Iberian, loài dê rừng núi Pyrenean đã trải qua nguy cơ tuyệt chủng trong hầu suốt kỷ 21. Chín năm sau khi bị cho là tuyệt chủng, loài này xuất hiện lại trong một khoảnh khắc – trở thành con vật tuyệt chủng đầu tiên được cho sinh sản vô tính, song chú dê con đã bị chết ngay sau khi ra đời vài phút.

Loài tê giác đen Tây Phi cũng đã bị tuyệt chủng trong thập kỷ qua. Chúng bị săn bắt ráo riết để lấy sừng nên số lượng bị giảm trầm trọng từ hàng ngàn con trong lịch sử đến chỉ còn khoảng 10 con ở Cameroon. Tuy nhiên, một cuộc điều tra cho thấy đến năm 2006 không còn con nào sót lại trong tự nhiên.

 

Tê giác đen phương Tây (Ảnh: Static.guim.co.uk) 

Tê giác là một trong những loài thú có vú lớn trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất: trong số 5 loài còn lại có tới 3 loài bị liệt vào danh sách cực kỳ nguy cấp, một loài nguy cấp và chỉ còn loài tê giác trắng được coi là thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Săn trộm là nguyên nhân đằng sau sự suy giảm số lượng tê giác trên toàn cầu, và cuối thập kỷ qua tình trạng săn trộm càng trở nên trầm trọng. Nếu không có hành động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã, có thể trong thập kỷ này, thế giới sẽ còn phải chứng kiến sự tuyệt chủng của nhiều loài tê giác hơn nữa.

Cuộc chiến của các loài lưỡng cư

Vài thập kỷ gần đây đánh dấu một thời kỳ đặc biệt nguy hiểm cho loài lưỡng cư. Bị tiêu diệt bởi một dịch bệnh đến nay vẫn còn là bí ẩn, bởi nấm chytrid, bởi sự biến đổi khí hậu, mất môi trường sống và ô nhiễm, loài vật đặc biệt nhạy cảm này đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng.

Loài cóc Kihansi đã biến mất khỏi nơi cư trú của mình vào giữa thập kỷ. Sinh sống trong vòng 2ha cạnh một thác nước và một hẻm núi ở Tanzania, khi Ngân hàng Thế giới cho xây một con đập trong vùng khiến dòng chảy của thác nước bị thay đổi, loài cóc này không thể tiếp tục tồn tại trong một môi trường sống không còn như trước. Các cuộc điều tra cho thấy ngày càng ít cóc hơn, cho đến một ngày không thể tìm thấy con nào nữa.

Cũng giống các loài lưỡng cư đã biến mất trong tự nhiên, quần thể cóc Kihansi vẫn còn được nuôi ở Hoa Kỳ. Song việc đưa chúng trở về với thiên nhiên chỉ khả thi nếu môi trường sống tự nhiên thích hợp với chúng.

 

Cóc Kihansi (Ảnh: Rhett A. Butler)

Loài ếch vàng Panama dường như cũng đã biến mất trong tự nhiên từ những năm cuối cùng của thập kỷ. Là biểu tượng quốc gia của Panama, loài ếch này đã bị nấm chytrid và sự suy thoái của môi trường sống hủy diệt. Ếch vàng Panama hiện vẫn còn được nuôi, nhưng tương lai của chúng không có gì đảm bảo.

Đây chỉ là một vài đại diện trong số hơn 120 loài lưỡng cư bị coi là tuyệt chủng kể từ 1980. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, tình trạng phá rừng tràn lan, ô nhiễm không ngừng và chưa thể tìm ra giải pháp diệt nấm chytrid, không có dấu hiệu khả quan nào cho các loài lưỡng cư trong thập niên 2010.

Những loài biến mất bị lãng quên

Trong khi sự tuyệt chủng của các loài thú, chim và lưỡng cư nhận được nhiều chú ý của giới truyền thông thì việc các loài động vật không xương sống và thực vật đang dần biến mất đi dường như không mấy được để ý.

Trước kia, trong khoảng cuối thập niên 90 và suốt đầu thập niên này, loài ốc Aldabra đã bị chết khô. Ít ai biết rằng đây là loài ốc đặc hữu của đảo san hô vòng Aldabra. Lượng mưa giảm trên đảo Aldabra do thay đổi khí hậu toàn cầu đã dẫn đến sự diệt vong của loài này.

Một loài động vật không xương sống khác bị mất đi do biến đổi khí hậu là đỉa đất châu Âu. Một khảo sát giữa 2000-2005 chỉ tìm thấy một con đỉa đất châu Âu còn sống sót. Các nhà nghiên cứu tin rằng nhiệt độ tăng 3oC trong mùa hè đã tiêu diệt loài đỉa vốn chỉ thích nghi với khí hậu lạnh này.

Các loài nhạy cảm với khí hậu, từ gấu Bắc cực đến bọ, ếch và các rạn san hô… đang phải đối mặt với cuộc chiến sống còn trên Trái đất mỗi ngày một nóng lên của chúng ta. Tuyệt chủng do biến đổi khí hậu có thể sẽ trở nên phổ biến hơn trong thập kỷ này.

Động vật không xương sống không chỉ là những loài ít được biết đến và thường bị bỏ sót, sự tuyệt chủng của thực vật – hoặc những khám phá trong lĩnh vực này – cũng hiếm khi được đưa tin.

Tháng 12/2003, cây ô liu St. Helena được trồng cuối cùng đã bị chết, trước đó, loài cây này đã biến mất trong tự nhiên vào năm 1994. Là loài đặc hữu của đảo St. Helena, cây ô liu St. Helena bị chết bởi nạn phá rừng và các loài xâm lấn.

Không ai biết có bao nhiêu loài thực vật đã biến mất trong suốt thời gian từ 2000 đến 2009, nhưng cùng với tỷ lệ phá rừng nhanh chóng ở nhiều quốc gia, có thể một số lượng lớn thực vật – mà nhiều loài khoa học còn chưa biết đến – đã ra đi trong 10 năm qua.

Hy vọng vào một cuộc chia tay tạm thời?

Con vẹt hoang dã Spix cuối cùng được biết đến đã biến mất ở Brazil năm 2000. Giống vẹt đuôi dài mỹ miều này đã bị diệt vong do mất môi trường sống và bị đánh bẫy làm thú kiểng. Vẫn có thể hy vọng rằng còn một số cá thể vẹt duôi dài ở đâu đó, nhưng để khẳng định cần có thêm các cuộc khảo sát thực tế. 

Trong trường hợp tệ nhất là vẹt Spix không còn trong tự nhiên, chúng vẫn còn cơ hội. Một quần thể nhỏ của loài vẹt đuôi dài Spix được nuôi nhốt còn sống sót hiện đã được nhân giống thành công, đặc biệt là tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Al Wabra với 21 con vẹt ra đời năm 2004. Khu bảo tồn Al Wabra còn thiết lập một môi trường sống cho vẹt Spix tại Brazil cho mục đích thả tự nhiên trong tương lai.

Trong 12 loài kể trên, vẹt đuôi dài Spix có hy vọng sống sót cao nhất trong thập kỷ này. Đối với những loài thiếu may mắn còn lại, thập kỷ này có lẽ sẽ là thập kỷ cuối cùng của chúng.

Các loài có thể đã tuyệt chủng trong thập niên 2000-2009:
Cá heo Baiji (Lipotes vexillifer)
Cá tầm thìa Trung Quốc paddlefish (Psephurus gladius)
Quạ ‘Alala (Corvus hawaiiensis)
Chim Poo-uli Hawaii (Melamprosops phaeosoma)
Dê rừng núi Pyrenean (Capra pyrenaica pyrenaica)
Tê giác đen phương Tây (Capra pyrenaica pyrenaica)
Cóc Kihansi (Nectophrynoides asperginis)
Ếch vàng Panama (Atelopus zeteki)
Ốc Aldabra (Rachistia aldabrae)
Đỉa đất châu Âu (Xerobdella lecomtei)