03 địa phương thống nhất chỉ đạo quản lý khai thác cát tại sông Đồng Nai

Lãnh  đạo UBND 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước vừa cùng ký Văn bản về việc thống nhất chỉ đạo công tác quản lý khai thác cát, sỏi tại sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh 03 tỉnh này.

Hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai (Ảnh minh họa)

Theo đó, lãnh đạo UBND 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước đã cùng chủ trì buổi làm việc để thống nhất công tác quản lý khai thác cát, sỏi tại sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh 03 tỉnh. Sau khi nghe lãnh đạo Sở TN&MT 03 tỉnh báo cáo, ý kiến của các địa phương thuộc 03 tỉnh và các thành viên tham dự cuộc họp, lãnh đạo UBND 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước đã thống nhất các nội dung và yêu cầu các Sở: TN&MT, GTVT, Xây dựng, Công an tỉnh và lãnh đạo chính quyền các huyện thuộc khu vực giáp ranh thuộc 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước tập trung thực hiện ngay một số nội dung, như sau:

Đối với các giấy phép khai thác cát đang còn hiệu lực, việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát tại sông Đồng Nai sẽ làm khan hiếm nguồn cát xây dựng phục vụ thi công các công trình trên địa bàn, trong khi chưa có nguồn nguyên liệu thay thế. Do đó, để đáp ứng nhu cầu phục vụ việc đầu tư xây dựng trên địa bàn các huyện vùng giáp ranh ba tỉnh, góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…; UBND 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước thống nhất chủ trương cho tiếp tục khai thác cát trên sông Đồng Nai (kể cả sông Đạ Quay) thuộc các khu vực giáp ranh đối với các giấy phép còn thời gian khai thác khi đáp ứng các điều kiện sau:

Vị trí khai thác phải được định vị và thả phao theo quy định; mỗi doanh nghiệp sử dụng tối đa 02 phương tiện khai thác phù hợp theo công suất đã đăng ký, gắn thiết bị định vị, camera hành trình, phương tiện khai thác được đăng kiểm, người lái có giấy phép điều khiển phương tiện theo quy định. Thời gian khai thác bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ. Tuyệt đối không khai thác ban đêm. Đồng thời, đăng ký bến bãi tập kết cát, khối lượng cát xây dựng bán ra phải qua cân tải trọng; tại bãi cát có lắp đặt camera giám sát, trạm cân; công khai các thông tin của các tổ chức, cá nhân khai thác cát cho chính quyền địa phương giáp ranh biết để kiểm tra, giám sát.

Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm các sự việc xảy ra trong phạm vi khai thác đã được cấp phép; trường hợp để xảy ra việc sạt lở bờ sông thì phải khắc phục, bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác (nếu chậm trễ khắc phục, bồi thường). Định kỳ hàng tháng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu quy định, khai báo sản lượng thực tế để tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản, gửi cơ quan thuế theo quy định.

Đối với các khu vực đã thu hồi giấy phép hoặc chưa cấp giấy phép khai thác cát thì giao Sở TN&MT 03 tỉnh chủ trì, phối hơi với UBND các huyện giáp ranh và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát đánh giá lại trữ lượng và chỉ tổ chức quy hoạch thăm dò, khai thác đối với những vị trí đảm bảo không bị sạt lở, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình khác. Việc tổ chức quy hoạch thăm dò, khai thác phải phù hợp theo Quy chế phối hợp giữa các tỉnh đã ký và căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương để xem xét tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các Văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, việc cấp mới giấy phép khai thác thì phải đáp ứng các điều kiện, cụ thể như: Vị trí cấp phép phải đảm bảo yêu cầu của Văn bản này và các quy định khác của pháp luật hiện hành. Tại đoạn sông giáp ranh, mỗi tỉnh được cấp mới tối đa 02 giấy phép, mỗi giấy phép có thời gian không quá 05 năm, tối đa 02 phương tiện, công suất không quá 10.000m3/năm… để thống nhất, thuận tiện trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai. Sau khi được cấp giấy phép khai thác thì các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu của Văn bản này thì mới được tiến hành hoạt động khai thác; trường hợp thực hiện không đảm bảo theo yêu cầu thì sẽ bị thu hồi giấy phép.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, UBND 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tiếp thu phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép qua phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời, kiểm tra, xử lý; tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp theo các Nghị định: số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015, số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý theo quy định.

Cùng với đó, Công an 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước tiếp tục tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai; trường hợp cần thiết, phối hợp thành lập chuyên án đấu tranh phòng, chống các hành vi khai thác cát trái phép nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, lực lượng Công an được phép truy bắt các đối tượng vi phạm kể cả khi chạy qua địa bàn tỉnh khác. Còn UBND các huyện: Tân Phú, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Bù Đăng thì cùng phối hợp tổ chức kiểm tra tất cả các phương tiện thủy có trang thiết bị bơm hút cát không phép neo đậu dọc tuyến sông xử lý theo quy định.

Sở TN&MT 03 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước thông báo rộng rãi nội dung chỉ đạo tại Văn bản này đến các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản trên sông Đồng Nai biết, thực hiện. Sở TN&MT Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT 02 tỉnh: Đồng Nai và Bình Phước, các sở, ngành và địa phương liên quan xem xét tình hình thực tế hiện nay, các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ để tham mưu sửa đổi, thay thế Quy chế phối hợp đã ký giữa ba tỉnh theo hướng 03 địa phương cùng ký chung một Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện; bổ sung nhiệm vụ của cơ quan thuế và chế tài khi tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng Quy chế phối hợp do 03 tỉnh đã ban hành.