Nghề trồng rừng ở Yên Bái: Mừng nhưng vẫn lo!

ThienNhien.Net – Với giá bán 600.000 – 1.200.000 đồng/m3 gỗ nguyên liệu, nghề trồng rừng ở Yên Bái hứa hẹn con đường làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Nhưng bên cạnh những lợi ích có được, nhiều người vẫn băn khoăn với kiểu “ăn xổi” của nghề này.

Không thể phủ nhận là nghề trồng rừng đã giúp nhiều gia đình ở Lương Thịnh, Quy Mông, Y Can (Trấn Yên, Yên Bái) thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Có nhà còn mua được máy móc, ô tô, xây dựng kho chứa hoặc mở xưởng chế biến gỗ, nhà nào không có điều kiện thì đi làm thuê, mỗi ngày cũng kiếm được ngót nghét trăm bạc.

 

Ngoài cho thu nhập cao, nghề trồng rừng ở Yên Bái còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nông nhàn. Đội ngũ làm thuê ở đây khá hùng hậu, từ trẻ nhỏ cho đến người già đều có thể tranh thủ thời gian nông nhàn nhận phơi gỗ, bó gỗ…

Chị Phạm Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, chỉ sau vài năm, mỗi ha rừng đã cho thu hàng trăm m3 gỗ, mỗi khối ngót nghét triệu bạc. Tính ra mỗi năm 1 ha có mấy chục triệu đồng mà sản xuất lại rất nhàn. Chỉ cần cây rừng đủ vòng đo là chủ rừng có thể thách giá…

Tuy nhiên, trong niềm vui chung vẫn còn nhiều nỗi lo. Đáng ngại nhất vẫn là tính manh mún, nhỏ lẻ và bất ổn định của thị trường gỗ. Thị trường gỗ bấp bênh thì cả người trồng rừng và chế biến rừng đều chịu rủi ro. Rất nhiều chủ xưởng khi được hỏi về điều này đã trả lời một cách… phó mặc rằng thị trường bảo làm cái gì, ta làm cái ấy, thị trường đặt giá bao nhiêu, ta bán bấy nhiêu và thị trường không mua nữa, ta đóng cửa!

Mặt khác, do được ưu đãi về thuế, lãi suất… nên nhiều chủ rừng mới dám đầu tư vào việc mở xưởng. Nhưng sau khi các chương trình kích cầu, hỗ trợ kết thúc thì liệu các doanh nghiệp có còn đứng vững?

Do đó, để nghề trồng rừng và chế biến gỗ ở Yên Bái phát triển ổn định, địa phương cần phải đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, tăng cường xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt cần đánh giá đúng nhu cầu của thị trường để lựa chọn loại cây rừng cho phù hợp, tránh tình trạng trồng phong trào và theo kiểu “ăn xổi”.