Thất thoát sau thu hoạch làm trầm trọng nạn đói

ThienNhien.Net – Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) mới đây cho biết tình trạng nạn đói gia tăng hiện nay có liên quan tới việc thất thoát một lượng đáng kể lương thực sau thu hoạch ở các nước đang phát triển. Đầu tư và đào tạo hợp lý được coi là giải pháp ngăn chặn sự hao phí này.


Theo ước tính, lượng tổn thất sau thu hoạch có thể chiếm từ 15 tới 50% sản lượng lương thực. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như thu hoạch sai thời điểm, tác động của mưa lũ, khô hạn hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, do nhiễm vi sinh vật gây hại hoặc bị ảnh hưởng từ các tác nhân cơ học.

Thất thoát lương thực làm giảm một lượng cung lớn cho thị trường, khiến giá lương thực bị đẩy lên cao. Chúng cũng góp phần trong sự suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu vì đất, nước, nhân lực và nguồn tài nguyên không tái sinh như phân bón và năng lượng đã được sử dụng để sản xuất, chế biến và vận chuyển một lượng lương thực không được sử dụng.

FAO khuyến nghị rằng có thể giảm thiểu lương thực thất thoát hướng dẫn những người nông dân vận chuyển và đóng gói sản phẩm đúng cách. Với mục tiêu này, FAO đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức khác đào tạo hàng nghìn nông dân tại ba châu lục cách bảo quản lương thực, thực phẩm.

Ví dụ ở Kenya, nơi tình trạng lương thực bị nhiễm độc tố nấm đang là vấn đề dấy lên quan ngại, FAO đã cùng Bộ Nông nghiệp nước này cung cấp hướng dẫn kĩ thuật cho những người tham gia vào quá trình sản xuất lương thực.

Một bất cập khác được nhấn mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 là các thiết bị bảo quản không đầy đủ và thiếu an toàn ở nhiều nước đang phát triển. Với sự can thiệp của FAO cùng với các nhà tài trợ khác, vấn đề này có thể được cải thiện đáng kể.

Một dự án gần đây của FAO tại Afghanistan do Đức tài trợ đã cung cấp lò bảo quản bằng kim loại cho gần 18.000 hộ gia đình. Dự án được thiết kế để giảm lượng lương thực thất thoát sau thu hoạch bằng cách cải thiện thiết bị bảo quản và nâng cao kỹ năng đóng lò bảo quản của thợ địa phương.

Những lò bảo quản này được đóng kín, giúp thực phẩm bên trong được bảo quản khỏi chuột bọ, chim và nấm. Điều quan trọng là loại lò này có thể bảo quản thực phẩm trong thời gian dài mà chất lượng vẫn đảm bảo.

Hiệu quả từ những lò bảo quản này là rất rõ ràng và tức thời. Các nông dân hưởng lợi từ dự án ngay sau đó đã có thu nhập cao hơn bởi nhờ có lò bảo quản, lượng thực phẩm thất thoát sau thu hoạch đã giảm từ 15-20% xuống dưới 1-2%. Thêm vào đó, nhờ hoạt động hướng dẫn kĩ thuật cho thợ thiếc, 4.500 lò bảo quản đã được sản xuất thêm và bán cho nông dân.

Các dự án như vậy đã cung cấp và lắp đặt trên 45.000 lò bảo quản tại 16 nước trên thế giới và hơn 1.500 kĩ sư, kĩ thuật viên và thợ thủ công đã được đào tạo để sản xuất lò.

Tuy nhiên, để những công nghệ như lò bảo quản đến được với người nông dân, sự hỗ trợ cần được triển khai rộng rãi hơn. Để thực hiện điều này, FAO đã thiết lập một quỹ tín dụng tuần hoàn cùng các khoản vay nhằm nhân rộng mô hình lò bảo quản.

Với việc dân số sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2050, để đảm bảo an ninh lương thực, thế giới cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc giảm thiểu lượng lương thực thực phẩm thất thoát trong suốt quá trình sản xuất.