Thực tế “xanh”

ThienNhien.Net – “Không chỉ được khám phá khu đa dạng sinh học có một không hai ở Việt Nam, tụi mình còn được cọ xát thực tế, trau dỗi kĩ năng làm báo và tiếp cận với các đề tài về môi trường …”. Đây có lẽ là cảm nhận chung của tất cả các bạn sinh viên khi tham gia chuyến điền dã thực tế “xanh” tại VQG Xuân Thủy (Giao Thủy, Nam Định) do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức vào hai ngày 21 và 22/11/2009.

 

“Phía trước các bạn là sinh cảnh cửa sông Hồng. Hai bên là rừng ngập mặn với hơn 100 loài thực vật, và phía xa kia là loài Cò Thìa, một trong 9 loài chim quý hiếm ghi trong Sách Đỏ…” Những chỉ dẫn của anh Phạm Vũ Ánh, cán bộ Vườn Quốc gia Xuân Thủy cùng chiếc xuồng máy thô sơ lướt nhẹ trên cánh sóng dập dềnh đã đưa đoàn thực tế khám phá vẻ đẹp diệu kỳ của khu RAMSAR mênh mông độc đáo.

 

 
Hình ảnh thường thấy trong vùng lõi rừng ngập mặn (Ảnh: ThienNhien.Net)


Chuyến đi trong 2 ngày cuối tuần đúng vào thời điểm không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc, càng đi sâu vào vùng lõi rừng ngập mặn, chúng tôi càng cảm nhận được cái lạnh của vùng biển. Dù vậy, trên chiếc thuyền nhỏ, không gian lại ấm áp
đến lạ kỳ, có lẽ bởi niềm vui và sự háo hức khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của hơn hai mươi bạn trẻ.

 

Không khí trong lành của khu rừng lan tỏa và đượm vào trong từng hơi thở, chúng tôi cố gắng hít căng phồng lồng ngực để cảm nhận được hơi lạnh của gió rừng, vị mặn mòi của biển, vị ngai ngái của các loài sú, vẹt. Ai cũng cố gắng ghi lại thật nhiều thông tin và lưu giữ những hình ảnh độc đáo. Mỗi bạn có một mối quan tâm riêng nhưng tất cả đều chung một niềm say mê khám phá: bạn thì quan tâm tới các loài cây ngập mặn, bạn thì theo đuổi ý tưởng làm phóng sự ảnh về các loài chim, nhiều bạn lại tìm hiểu về nguồn tài nguyên thủy hải sản… Trong tiếng rì rào của rừng phi lao chắn sóng, tất cả đều háo hức và khấp khởi một niềm vui.

 

Được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của Xuân Thủy, mình mới thấy việc bảo vệ môi trường thực sự quan trọng và cấp bách. Còn trước đây, mình cũng chỉ quan tâm ở mức bình thường thôi” – bạn Minh Phương, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tâm sự.

 

Phương cũng như nhiều bạn khác, sau chuyến đi đã thu về cho mình không ít kiến thức về rừng ngập mặn, về bảo vệ đa dạng sinh học, về những mô hình sinh kế thân thiện môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường nơi đây.

Thực tế thì cũng còn không ít những tồn tại trong công tác quy hoạch, bảo vệ rừng, trong việc khai thác tài nguyên thủy hải sản, trong mô hình nuôi tôm sinh thái… Tuy nhiên, tất cả đều đang được làm mới, được thay đổi và cùng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật nơi đây.

Chia tay Xuân Thủy sau hành trình thăm cánh rừng ngập mặn hơn 3.000ha, trong lòng tôi vẫn vương vấn hình ảnh xanh mát của thảm rừng cùng những đàn chim trắng di cư tránh rét từ bắc địa cầu… Bảo vệ màu xanh cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Đó có lẽ không chỉ là bài học cho tôi, cho các bạn mà còn cho cả thế hệ mai sau. Hãy chung tay gìn giữ màu xanh, màu của hòa bình, màu của hạnh phúc!