Hậu Giang: Thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao

ThienNhien.Net – Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý chủ trương thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Viên Lang, tại bãi bồi huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Theo đó, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo việc lập, xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phê duyệt dự án theo quy định.


Khu nông nghiệp công nghệ cao là khu kinh tế- kỹ thuật đa chức năng, bao gồm các lĩnh vực: nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất dịch vụ cung cấp giống, vật tư, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội thảo, Hội chợ- triển lãm, tham quan, du lịch tri thức… Đây sẽ là mô hình mẫu vận hành trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Khu nông nghiệp công nghệ cao thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cụ thể là các hoạt động như: Nghiên cứu ứng dụng, thực hiện trình diễn, sản xuất, bảo quản chế biến nông sản, dịch vụ kinh doanh, hợp tác và đào tạo chuyển giao công nghệ.

Việc cho phép thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Hậu Giang có ý quan trọng, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thông tin do Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp, đến nay một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm đã có kế hoạch hoặc đã thực hiện việc xây dựng khu, trung tâm sản xuất có chức năng như một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đơn cử như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) với diện tích 88 ha, tổng vốn đầu tư 88 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đây là một khu đa chức năng, định hướng nông nghiệp đô thị, tập trung vào các trồng các loại rau, hoa, cây cảnh… theo hướng công nghệ cao.

Cũng từ năm 2004, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung tâm Kỹ thuật rau quả Hà Nội đã đi vào hoạt động (diện tích quy hoạch 15 ha) với số vốn đầu tư 24 tỷ đồng (50% từ ngân sách thành phố, còn lại tự huy động). Sản phẩm chủ yếu của dự án này là các loại rau, quả, hoa được trồng trong nhà kính với chế độ nuôi trồng được tự động hoá hoàn toàn.

Tại Đà Lạt, việc phát triển các dự án trồng hoa sử dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc tạo ra những loại hoa mới có chất lượng cao xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Từ các dự án này, địa phương đã và đang hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

TP. Cần Thơ với nhu cầu đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số cơ sở nghiên cứu đã và đang hình thành, gắn kết chặt chẽ với sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó sẽ hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn này.