Các công ty “xanh” đứng vững trước khủng hoảng

ThienNhien.Net – Người ta thường lo ngại rằng các nỗ lực phát triển bền vững có thể bị ngưng trệ do nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây do hãng tư vấn quản lý toàn cầu A.T. Kearney thực hiện đã chỉ ra rằng những công ty thực sự cam kết gắn bó với phát triển bền vững hoạt động tốt hơn những công ty cùng ngành trên thị trường tài chính.

Đầu tháng 02/2009, Công ty A.T. Kearney đã công bố bản báo cáo “Những nhà thắng cuộc “xanh” – Kết quả hoạt động của các công ty định hướng phát triển bền vững trong cuộc khủng hoảng tài chính”.

Nhóm tác giả bản nghiên cứu của A.T. Kearney gồm 4 thành viên của hãng này, bao gồm một điều phối viên về các hoạt động phát triển bền vững trên toàn cầu và 3 người đứng đầu các hoạt động phát triển bền vững ở Úc, Pháp và Đức.

Các tác giả cho rằng: “Những công ty định hướng phát triển bền vững có thể đứng vững trước cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có hiện nay.” Đây cũng là tài liệu mới nhất ủng hộ quan điểm cho rằng những sản phẩm và dịch vụ cũng như những công ty sản xuất vì môi trường sẽ chứng tỏ được sự linh hoạt, vững vàng và khả năng phục hồi của mình trong khủng hoảng.

Bản báo cáo còn cung cấp dữ liệu về kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty với định hướng phát triển bền vững sau khi xem xét 99 công ty trên thang chỉ số Dow Jones Bền vững và danh sách tập hợp các công ty vì môi trường của Goldman Sachs SUSTAIN, đồng thời theo dõi giá cổ phiếu của các công ty này trong vòng 6 tháng tính đến tháng 11 năm ngoái.

Ở 16 trong số 18 ngành sản xuất kinh doanh được xét đến trong bản báo cáo, các công ty có định hướng phát triển bền vững đã hoạt động tốt hơn những công ty cùng ngành so sánh trong cùng thời kì từ ba đến sáu tháng và có khả năng chống đỡ tốt hơn trước sự sụt giảm giá trị thị trường.”

Trong suốt ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11, sự khác biệt về kết quả hoạt động giữa 99 công ty được theo dõi là 10%, còn trong 6 tháng, tỷ lệ này là 15%. Bản báo cáo ghi nhận: “Sự khác biệt trên đồng nghĩa với sự chênh lệch về giá trị vốn hoá thị trường trị giá khoảng 650 triệu USD giữa các công ty.”

Xuyên suốt bản nghiên cứu, các tác giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa các công ty coi phát triển bền vững là nền tảng cho chiến lược kinh doanh của họ với những công ty không thực sự cam kết và hành động vì mục tiêu này.

Dựa vào các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất: “Các nhà đầu tư có chính sách ưu đãi cho các công ty có định hướng phát triển bền vững. Đó là những công ty hướng đến lợi ích lâu dài, có cung cách quản trị chặt chẽ, có phương pháp quản lý rủi ro hiệu quả và lý lịch đầu tư vào các phát kiến vì môi trường”.

Bản báo cáo cũng đưa ra ví dụ về một công ty đóng gói hàng tiêu dùng toàn cầu đã bắt đầu những nỗ lực phát triển bền vững của mình hơn 10 năm trước và kể từ đó đã thay đổi mô hình kinh doanh sao cho mỗi khâu của chuỗi giá trị đều gắn với các hoạt động phát triển bền vững.

Theo bản nghiên cứu, công ty này đã tăng 76% sản lượng kể từ năm 1998, và trong cùng khoảng thời gian đó giảm 16% lượng phát thải khí nhà kính, 28% lượng tiêu thụ nước và 16% năng lượng sử dụng. Năm 2007, việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã tiết kiệm cho công ty số tiền lên tới 30 triệu USD. Trong hơn 16 năm, công ty đã tích trữ được hơn 500 triệu USD nhờ tối đa hóa số lượng hàng đóng gói.

Bản nghiên cứu công nhận rằng nhiều công ty đã nỗ lực giảm lượng rác thải và lượng phát thải, sử dụng năng lượng tái sinh và sản xuất những loại hàng hoá ít có tác động tới môi trường. Nhưng trong những năm gần đây, những nỗ lực này dường như trở nên “dập khuôn”.

Các tác giả viết: “Tuy nhiên, các công ty có lịch sử đầu tư vào những sáng kiến vì môi trường đã và đang thu được nhiều lợi ích nhất. Và những công ty nào tiếp tục đầu tư như vậy sẽ tiếp tục thành công cả trong kết quả kinh doanh cũng như trong sự ghi nhận của cộng đồng.”

Bản nghiên cứu đề nghị các công ty xem xét lại các hoạt động phát triển bền vững của họ, các cam kết của họ đối với các hoạt động này và những kết quả của các nỗ lực đó. Nếu các cam kết đó chủ yếu để cải thiện hình ảnh hoặc để cố bắt kịp đối thủ thì kết quả thu được là không nhiều: ”Trong trường hợp này, các công ty nên giảm hoặc từ bỏ các dự án đầu tư phát triển bền vững và tái đầu tư sang những lĩnh vực giúp họ vượt qua được cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, nếu các hoạt động phát triển bền vững đang mang lại sự thay đổi cho công ty, thì việc duy trì sự cam kết là có ý nghĩa, thậm chí công ty có thể xem xét tăng đầu tư để cải thiện vị thế của mình trong tương lai.”