Cần gỡ nút thắt ô nhiễm về môi trường tại các làng nghề

Trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề, chiếm 72,3%…Tại đây, nhiều làng nghề thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường.

Phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai tại các làng nghề đều bị ô nhiễm. (Ảnh IT)

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển một số làng nghề đã bộc lộ những tồn tại, đặc biệt là hệ lụy về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia được Bộ TN&MT công bố vào giữa tháng 11/2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các làng nghề hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) cũng như hệ thống xử lý nước thải (XLNT).

Báo cáo công tác BVMT của Bộ NNPT&NT năm 2020 cũng chỉ rõ, có 16,1% làng nghề có hệ thống XLNT tập trung đạt yêu cầu về BVMT; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom CTR công nghiệp chỉ đạt 20,9%. Nước thải từ làng nghề thường thải trực tiếp ra hệ thống kênh, rạch chung, tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Nhiều làng nghề có lưu lượng nước thải lớn, xả ra các kênh, mương vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, dẫn đến nước thải không lưu thông, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề phát sinh chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế kim loại, nhựa. Quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn…đã làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2 , hơi axit và kiềm. Điển hình là làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (tỉnh Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhôm Bình Yên (tỉnh Nam Định)…

Đáng chú ý, trong số 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, khu vực miền Bắc có số lượng lớn nhất với 34 làng nghề (chiếm 72,3%), khu vực miền Trung có 11 làng nghề (chiếm 23,4%) và khu vực miền Nam có 2 làng nghề (chiếm 4,3%); trong đó, các làng nghề như: chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi cũng đã tạo nên các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3; làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2; làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm.

Ô nhiễm làng nghề đã ở mức báo động đỏ

Với thực trạng ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia đánh giá nguyên nhân là do đặc thù sản xuất, khu vực làng nghề chỉ quan tâm, chú trọng đầu tư vào phát triển sản xuất, nhiều nơi chưa quan tâm thỏa đáng tới vấn đề bảo vệ môi trường và bảo hộ lao động. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.

Thêm vào đó, hầu hết các hộ làm nghề trên cùng diện tích sinh sống của gia đình, xen kẽ trong khu dân cư nên mặt bằng hạn chế, dẫn đến việc phân khu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải ra môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn…

Tại tỉnh Bắc Ninh, với phương châm quyết không đánh đổi kinh tế bằng mọi giá, tỉnh Bắc Ninh cũng đang từng bước gỡ nút thắt ô nhiễm về môi trường tại các làng nghề, CCN làng nghề, tập trung cao vào những làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng.

Hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn được lắp đặt ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại CCN Giấy Phú Lâm (Tiên Du).

Đến nay, Bắc Ninh cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải rắn tại các làng nghề sản xuất giấy, vốn đã tồn đọng từ hàng chục năm.

Bằng các biện pháp mạnh tay: Kiên quyết không cho các cơ sở xả nước thải ra môi trường, yêu cầu lắp đặt công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước; mua hơi thương phẩm thay bằng hơi đốt than, củi trong sản xuất; thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường; lắp đặt hệ thống camera giám sát hàng ngày truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh để giám sát chất lượng nước, không khí; xử lý nghiêm minh, đình chỉ sản xuất đối với các hộ cố tình vi phạm… đã tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường tại làng nghề Giấy Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và CCN Phú Lâm (Tiên Du). Đây là bước đệm để tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương có làng nghề tiếp tục vào cuộc đồng bộ, quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề theo phương châm “khó mấy cũng phải làm”.

Xã nghề Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh), điểm ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh cũng đang được các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đào Quang Khải : Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại xã nghề Văn Môn không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần có lộ trình, phù hợp thực tiễn và có tính khả thi. Các sở, ngành, huyện Yên Phong cần tập trung cao, tâm huyết bàn giải pháp xử lý ô nhiễm, thực hiện hiệu quả quyết tâm chính trị của tỉnh trong năm 2022 này.

Động thái quyết liệt ấy được khởi động bằng việc 140 hộ dân, hộ sản xuất lấn chiếm đất nông nghiệp, dựng lều, xưởng sản xuất cô đúc nhôm tạm bợ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm nay đã bị cưỡng chế, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng.

Huyện Yên Phong cũng đang gấp rút phối hợp với các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn; Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng; khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải làng nghề Văn Môn và CCN làng nghề Mẫn Xá.

Đây được xem là giải pháp khả thi trong lộ trình làm sạch môi trường tại xã nghề Văn Môn vốn rất bức xúc về ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí hiện nay.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, Sở chủ động tham mưu với tỉnh lập và tổ chức triển khai thực hiện các Dự án xử lý ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải, chất thải rắn tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề đối với các địa phương có làng nghề. Yêu cầu các làng nghề thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước và tổ chức ký cam kết đối với các hộ sản xuất về bảo đảm vệ sinh môi trường. Vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của tỉnh trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN làng nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất, thay thế dây chuyền, công nghệ cũ, lạc hậu.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, địa phương có làng nghề tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp xả thải ra môi trường trong các làng nghề nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.

Nhiều Đề án, dự án có tính khả thi cao trong giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề đã, đang được triển khai thực hiện. Ví dụ như: Thành phố Bắc Ninh tiến hành cải tạo xong hệ thống xử lý nước thải làng nghề bún Khắc Niệm công suất 400 m3/ngày đêm, đang rà soát, kiểm tra, điều chỉnh các hạng mục công trình, đánh giá tính hiệu quả của hệ thống xử lý; tiếp tục cải tạo, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề Phong Khê giai đoạn 1, công suất 5.000 m3/ngày đêm đáp ứng Quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; thành phố Từ Sơn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi CCN làng nghề Dốc Sặt (sản xuất sắt thép) thành đất ở đô thị, yêu cầu các phường triển khai xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề và thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường; huyện Quế Võ phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề gốm Phù Lãng; Thuận Thành chỉ đạo các xã có làng nghề gồm: Trí Quả, Song Hồ, Mão Điền và Hoài Thượng xây dựng phương án và thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ môi trường làng nghề…

Sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các địa phương sẽ góp phần giải quyết cơ bản mối lo ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh.

Ảnh minh họa: IT

Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là làng nghề sản xuất kim khí đã nhiều đời nay, không có hệ thống xử lý phế thải, tuy nhiên người dân trong làng mặc nhiên việc sản xuất của mình không hề gây ô nhiễm. Người Phùng Xá bảo vậy nhưng người dân Hữu Bằng sống bên cạnh bảo không. Người dân Hữu Bằng cho rằng, chính nước thải của làng nghề Phùng Xá đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong toàn khu vực.

Trong làng của nhau thì bảo vệ, khác làng lại chỉ trích. Hai làng nghề tiếp giáp nhau, đi chung một con đường. Và chính tại ngã 3, từng chứng kiến cảnh xô xát đến đổ máu vì mâu thuẫn đôi bên. Sứt mẻ tình làng nghĩa xóm vì ô nhiễm và hẳn khó hàn gắn khi vấn đề môi trường chưa giải quyết. Vết rạn nứt giữa hai làng ắt sẽ vẫn tồn tại.

Môi trường ô nhiễm, dẫn đến sự xung đột trong đời sống của người dân. Vì vậy, để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, chính quyền các cấp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, cụ thể: 100% chất thải nguy hại ở các làng nghề được xử lý; 100% cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

100% quả là con số đáng mơ ước. Tuy nhiên cần phải làm gì để hoàn thành chỉ tiêu lại là bài toán khó.

Ô nhiễm làng nghề vẫn là “bài toán” khó đối với Hà Nội (Ảnh minh họa)

Đánh giá thêm về thực trạng công tác bảo vệ môi trường trong những năm qua, các chuyên gia cho rằng, so với giai đoạn 2011 – 2015 công tác BVMT tại các làng nghề giai đoạn 2016 – 2020 có nhiều chuyển biến.

Tại các làng nghề, một số mô hình xử lý chất thải đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường như: làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, tỉnh Bến Tre; làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; làng nghề sản xuất gạch thủ công xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp…

Nhiều làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, thành phố Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang…

Ðể khắc phục những bất cập về môi trường, nhiều địa phương cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật môi trường; hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường; ban hành nhiều đề án, dự án phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề; kết hợp đầu tư phát triển với thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quy định bảo vệ môi trường làng nghề, bước đầu đạt được một số kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng.

Theo GS.TS. Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng với sự phát triển đất nước, các làng nghề truyền thống những năm gần đây đã chuyển mình mạnh mẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân. Song đằng sau đó lại là biết bao hệ lụy lâu dài về sức khỏe, về môi trường mà chính bản thân những người dân làng nghề phải gánh chịu trước tiên. Bởi vậy, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề một cách bền vững luôn là bài toán khó với các nhà chuyên môn, các cấp quản lý. Từ thực tế trên cho thấy, cần đưa ra giải pháp để có thể cân bằng được 2 yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường làng nghề.

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 577/QĐ-TTg phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.

Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 được ban hành đã quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ sở sản xuất trong công tác BVMT làng nghề nhằm theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại làng nghề; đặc biệt tích hợp nội dung về công tác BVMT nông thôn thành một điều khoản riêng (Điều 58), trong đó, lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết: Theo Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; đặc biệt là môi trường làng nghề.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đó, Dự thảo Chiến lược cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, công khai, minh bạch thông tin và đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng; ứng dụng khoa học và công nghệ; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.