Nông nghiệp công nghệ cao – Bước đột phá mới

ThienNhien.Net – Chiều 24/09, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp các Bộ, ngành để đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Đề án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng tập trung vào việc định hướng, đề ra những giải pháp và chính sách chủ yếu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở nước ta trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, bảo quản và chế biến nông sản.


Công nghệ cao (CNC) đã được áp dụng trong nông nghiệp nước ta và bước đầu có một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC ở nước ta còn manh mún, chưa có định hướng cụ thể và chưa đồng bộ. Do đó, việc xây dựng “Đề án Phát triển nông nghiệp CNC” theo ý kiến của đại diện các Bộ, ngành là rất cần thiết, nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Dự thảo Đề án đã đưa ra 4 tiêu chí chung cho CNC trong nông nghiệp, bao gồm các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, về tiêu chí kỹ thuật là có trình độ công nghệ tiên tiến được tạo ra trong nước hoặc nhập từ nước ngoài để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng. Với tiêu chí kinh tế thì sản phẩm do ứng dụng CNC trong nông nghiệp tạo ra có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng và có sức cạnh tranh trên thị trường…

Tuy nhiên, khi thảo luận và góp ý cho nội dung Đề án, hầu hết đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đều cho rằng, cần phải đề ra tiêu chí cụ thể hơn nữa, ví dụ sản phẩm NNCNC cần những tiêu chí gì, có tiêu chí riêng dành cho doanh nghiệp NNCNC, Khu NNCNC, Vùng NNCNC…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cao Viết Sinh nhấn mạnh, điều quan trọng là phải giải quyết được đầu ra của sản phẩm NNCNC. Cần phải đưa ra tiêu chí sản phẩm nông nghiệp CNC, bởi tiêu chí CNC trong nông nghiệp khác với tiêu chí sản phẩm NNCNC.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Trần Quốc Thắng cũng đề cập đến việc cần xây dựng tiêu chí cụ thể cho sản phẩm NNCNC. Bên cạnh đó, nên tập trung vào những sản phẩm nông nghiệp cụ thể trong từng lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản,… Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Quốc Thắng, quy hoạch cũng là giải pháp quan trọng cần được lưu ý đầu tư để từ đó có được những ngành phụ trợ khác phục vụ cho NN CNC.

Góp ý cho Đề án, Phó Thủ tướng lưu ý, cần tránh tình trạng định hướng chung chung mà chưa có những giải pháp cụ thể. Đề án phải xác định rõ chủ thể thực hiện, phải tính đến từng đối tượng cụ thể như người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia vào lĩnh vực này như thế nào. Ngoài ra, còn phải tính đến mô hình tổ chức sản xuất liên kết, đầu tư… có tiêu chí cụ thể và giải pháp đồng bộ để có được sản phẩm NNCNC. Trong đó, cần gắn với các biện pháp kỹ thuật tưới tiêu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo giống tốt…

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cần tiếp tục hoàn thiện Đề án sớm trình Chính phủ.