Cánh bồ câu báo động hiểm nguy

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, đứng đầu là Robert Magrath vừa phát hiện ra rằng loài chim bồ câu có mào có thể giao tiếp với nhau nhờ đôi cánh. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Royal Society của Anh.


Trước khi cất cánh vì hoảng sợ, đôi cánh của loài bồ câu có mào sẽ phát ra một thứ âm thanh để báo động cho đồng loại. Đó là âm thanh chỉ được phát ra mỗi khi bồ câu phải cất cánh đột ngột do hoảng sợ và nhằm cảnh báo cho đồng loại chạy trốn.

Các nhà khoa học đã ghi lại âm thanh của những con bồ câu nuôi khi cất cánh ở điều kiện bình thường và so sánh với âm thanh phát ra từ cánh khi chúng bị dọa bằng một chú chim ưng giả lượn trên đầu.

Kết quả cho thấy âm thanh phát ra khi chim cất cánh vì hoảng sợ to hơn và có nhịp độ nhanh hơn.

Nghe lại âm thanh bình thường và âm thanh cảnh báo của loài chim này, các nhà khoa học cho biết những chú chim bồ câu chỉ chạy trốn sau khi nghe thấy tiếng kêu báo động của đồng loại. Chúng cũng phân biệt được sự khác biệt và phản ứng một cách phù hợp.

Sue Anne Zollinger, nhà nghiên cứu về cách thức giao tiếp của các loài động vật thuộc Đại học St. Andrews, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận xét việc ghi lại âm thanh loài bồ câu đã chứng minh điều này.

Theo bà, có rất nhiều công trình nghiên cứu âm thanh phát ra từ cánh chim, nhưng ở công trình này các nhà nghiên cứu đã phát hiện vai trò của âm thanh từ cánh chim như một phương tiện giao tiếp.

Bà cũng cho rằng thông tin này sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu được lý do tại sao cuộc sống bầy đàn lại có lợi cho các loài chim.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cũng nhấn mạnh rằng, trong khi các nhà khoa học đều hiểu được lợi ích của cuộc sống bầy đàn, chằng hạn như để phát hiện kẻ thù dễ dàng hơn, thì kết quả của nghiên cứu này làm rõ cách thức giúp loài chim hiểu rằng đồng loại của chúng đang bị đe dọa.

Tiến sĩ Magrath cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ chế tạo ra thứ âm thanh này và cố gắng nghiên cứu xem liệu nó có phải chỉ đơn thuần là một tín hiệu cảnh báo hay không, đồng thời xem các loài chim khác có dùng âm thanh phát ra từ đôi cánh như một tín hiệu cảnh báo cho đồng loại hay không.